Một khối u trong não đã đánh cắp hết kí ức của tôi. Đây là những gì diễn ra khi tất cả quay trở lại
Những đoạn hồi tưởng thi thoảng lại nhập nhèm lên trong tâm trí, đôi lúc khiến tôi thích thú. Đôi lúc, để lại nỗi sợ hãi.
*Demitri Kofinas là một doanh nhân người Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông. Anh là cựu giám đốc sản xuất chương trình tin tức tài chính quốc tế nổi tiếng Capital Account trên kênh RT. Ít ai biết được rằng Capital Account chỉ được ra đời sau khi Demitri có một khối u trong não, cho đến khi anh viết lại câu chuyện đáng kinh ngạc của mình:
Một ngày hè năm 2009, tôi nhìn chăm chăm vào phim cộng hưởng từ của mình. Dưới những mảng màu sắc loang lổ, chụp những lát cắt phía bên trong hộp sọ, một khối u đang bị mắc kẹt như muốn hét lên: “Xin chào, có ai ngoài đó không? Tôi ở đây”.
Năm 28 tuổi, lần đầu tiên tôi biết mình có một khối u trong não. Đáng nói là khối u đã ở đúng vị trí của nó từ lúc tôi sinh ra. Các bác sĩ nói: Nó đã lớn lên cùng tôi trong bụng mẹ.
Thường thì dạng u này được phát hiện ở trẻ nhỏ, nghĩa là lẽ ra, tôi phải biết về sự tồn tại của nó 20 năm về trước. Nhưng chẳng ai nói cho tôi tại sao, tới tận bấy giờ khi đã trưởng thành, khối u của tôi mới được phát hiện.
Khối u đã ở trong não từ lúc tôi sinh ra, nó hình thành và lớn lên cùng tôi trong bụng mẹ
Nó không phải ung thư. Có lẽ khối u chỉ nằm ở nền não, gần với tuyến yên và đã phát triển đủ lớn từ lâu để không tiếp tục lớn thêm nữa. Điều đó có nghĩa là tôi không phải lo lắng gì, một khi khối u còn ngủ yên. Hoặc, ngày nào đó nó thức giấc: Trong 3 tháng, tôi có thể bị mù hoàn toàn. Không có một cách nào để biết khối u có tỉnh lại hay không.
Có gì phải nghi ngờ, một khối u nghĩa là bạn phải phẫu thuật. Các bác sĩ thuyết trình cho tôi một phương án đầy những biểu đồ toán học phức tạp. Tôi chỉ có thể nhớ những con số trong phần kết luận: 30% sẽ bị mù, 40% nguy cơ sẽ béo phì lên do tổn thương vùng dưới đồi. Chắc chắn 100%, tôi sẽ mất tuyến yên vĩnh viễn và phải sử dụng hooc-môn thay thế trong suốt cuộc đời, dĩ nhiên là khi may mắn còn tỉnh lại được.
Bạn có thể hỏi rằng: Có cơ hội nào đó mà cuộc phẫu thuật không khiến tôi bị tổn thương gì và mọi thứ trở lại bình thường? Câu trả lời là: Không.
Vậy nếu không phẫu thuật và cứ để yên khối u ở vị trí của nó? Các bác sĩ đã phải hội chẩn về khối u, nó được biết đến với tên khoa học là u sọ hầu (craniopharyngioma). Nhưng rồi chín người mười ý, những dự đoán về trường hợp không phẫu thuật cứ thay đổi liên tục. Chẳng có cách nào để tôi tin lời họ rồi đưa ra quyết định cho chính bản thân mình.
Rồi quả thực, những gì xảy ra với tôi đã nằm ngoài mọi dự đoán của các chuyên gia. Tôi giữ khối u, nhưng không một bác sĩ nào có thể tưởng tượng ra việc nó đã làm với bản thân tôi. Khối u mắc kẹt ở đó, nó ăn mòn dần những kí ức của tôi để tồn tại.
Tôi dần không thể nhớ lại được những chuyện chỉ mới đã xảy ra cách đó ít phút, rồi mất dần đi cả những ký ức từng tháng, từng năm tua ngược lại. Trong con mắt của cả thế giới, tôi trở thành một gã đàn ông cư xử kỳ lạ, sống như một con ma men say xỉn suốt ngày, không đủ khả năng nhận thức, mất hoàn toàn ý niệm về những gì đang diễn ra và tồn tại.
Khi khối u cuối cùng đã lớn đến kích thước một quả trứng, nó đã đào được một cái hố sâu trong tâm thức của tôi, ngày càng tiếp tục sâu hơn nữa, là khi tôi đã không còn có thể sống một cuộc sống cho chính bản thân mình.
Bây giờ, khi đặt bút viết những dòng này sức khỏe của tôi đã trở lại. Đó là kết quả của một cuộc chiến bền bỉ, bao gồm cả một phần của sự may mắn. Quan trọng nhất là tôi đã có cơ duyên thực hiện một thủ thuật y tế không thể tin được. Nó trao lại cho tôi tất cả những kỷ niệm đã mất, gần như cùng một lúc. Tôi đã nhớ lại những sự kiện mà tôi chưa từng trải qua. Nói là chưa từng bởi tôi đã từng mất nó vĩnh viễn.
Tôi trở lại gia đình, đột nhiên biết rằng một người thân đã mất. Sự chớ trêu đó chỉ là một trong số hàng trăm kí ức khác đang tràn ngập lại trong đầu tôi cùng lúc. Chúng rối tinh lên và mất trật tự. Những đoạn hồi tưởng thi thoảng lại nhập nhèm lên trong tâm trí, đôi lúc khiến tôi thích thú, đôi lúc, để lại nỗi sợ hãi.
Với sức khỏe đã trở lại, tôi có thể một lần nữa sống cuộc sống của mình. Nhưng bây giờ, nó chắc chắn không còn là một cuộc sống của tôi như trước nữa. Khối u đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi, nhưng tôi cảm thấy mình phải biết ơn vì điều đó.
Những đoạn hồi tưởng thi thoảng lại nhập nhèm lên trong tâm trí, đôi lúc khiến tôi thích thú, đôi lúc, để lại nỗi sợ hãi.
Sau cái ngày tôi nhận chẩn đoán 7 năm về trước, tôi đã sống những ngày tháng tiếp theo trong sự hoảng loạn, cố gắng trong tuyệt vọng để nuôi dưỡng một bề ngoài bình thường, nhưng bên trong tôi, nó đã là trở thành một mớ hỗn độn.
Tôi bị ám ảnh bởi những lời bác sĩ nói về thị lực. Nếu khối u tỉnh dậy, nó sẽ khiến tôi bị mù hoàn toàn trong 3 tháng. Mỗi ngày, mỗi lúc, tôi đều tự hỏi rằng nó đã thức dậy chưa? Tôi kiểm tra mắt mình liên tục, một cách khôi hài và thật vô lí mỗi khi biết chắc không có ai đang nhìn mình.
Tôi tranh thủ thời gian giữa các cuộc họp để khóc một chút trong phòng. Những thời điểm khó khăn nhất, tôi trốn vào phòng tắm. Đó là nơi duy nhất tôi có thể khóc thực sự và đắm mình trong nước mắt.
Có những buổi tối tôi cố gắng ngủ trong tuyệt vọng, mong rằng mình có thể trốn khỏi thực tại ấy. Nhưng cuối cùng, tôi chỉ lạc vào những giấc mơ kỳ lạ về cái chết và bệnh tật. Khi không thể dẹp yên nỗi lo sợ trong lòng mình, tôi cảm thấy cần đi dạo và cứ đi mãi, nhưng nó cũng chẳng giúp ích.
Điều duy nhất có thể cứu vớt tôi, tạm thời thoát khỏi bể khổ đau này, là tập luyện, những buổi tập mà tôi đã tham gia điên cuồng cho đến khi kiệt hết sức. Tôi đã dành tất cả thời gian còn lại trong nỗi cô đơn và sợ hãi. Nỗi sợ hãi ám ảnh tôi đến tê liệt.
Một giai đoạn thật kỳ quái trong cuộc đời mà tôi đã không hề chuẩn bị gì cho nó. Tất cả cảm giác, chỉ có thể miêu tả, như việc đối mặt với một bản án tử.
Làm sao để tôi biết được, khi nhìn lại những gì đã viết trong quãng thời gian này, hầu như tất cả đều mang một nỗi lo lắng phủ lên cuộc đời. Tôi sợ mình sẽ yếu đuối tới mức, một kẻ khuyết tật hung hãn nào đó cũng có thể hạ gục tôi, trước khi kịp để lại dấu ấn trên đời. Tôi sợ rằng mình rồi sẽ chẳng thể yêu ai, rằng tôi không bao giờ có đủ thời gian để xây dựng một gia đình. Tôi không sợ khối u, tôi chỉ sợ hãi những gì mình sẽ không làm được.
Nói vậy thì cũng như nhau cả, tôi vùi mình vào công việc. Bỏ nghề chính trong lĩnh vực công nghệ, tôi biến cái blog viết về kinh tế của mình thành một công việc toàn thời gian. Khoảng thời gian 4 năm sau khi phát hiện khối u, tôi nghĩ đó hẳn là những ngày tháng căng thẳng nhất trong cuộc đời.
Làm việc và làm việc, tôi dần biến blog của mình thành một chương trình radio, rồi thành hẳn một show truyền hình mà bạn biết, Capital Account, phát trên kênh RT. Tôi nghĩ với công việc, mình đã vượt qua được nỗi sợ hãi, nhưng thực sự, tôi đã chỉ đặt được nó sang một bên.
Chẳng như những gì tôi cầu nguyện, sống vội vàng hơn trong cuộc đời này cũng có thay đổi được gì? Sự thật, tôi vẫn có một khối u trong đầu.
Sống vội vàng hơn trong cuộc đời này cũng có thay đổi được gì? Sự thật, tôi vẫn có một khối u trong đầu.
Nếu một khối u sọ hầu như thế có thể đưa bạn tới thành công, từ một anh chàng vô danh sau một trang blog để xuất hiện bóng bảy trên truyền hình, những chương trình ăn khách mỗi tuần? Có ai mà không muốn đặt một một khối u vào đầu mình, để nó thúc đẩy họ sống vội vàng hơn nữa? Nhưng sự thật thì không màu hồng đến vậy.
Trong 4 năm ấy, khối u tiếp tục ngủ yên giấc ngủ của nó và tôi, may mắn, chưa bị làm phiền bởi một triệu chứng nào cả. Cũng có những lần tôi bất ngờ quên một thứ gì đó, thỉnh thoảng tôi bị gọi ra ngoài khi xuất hiện nhếch nhác trước máy quay, với bộ râu cả mấy ngày không cạo trên mặt.
Nhưng tôi vẫn ngủ chỉ 3 tiếng mỗi ngày. Một mình lên kịch bản cho tất cả các chương trình và đặt lịch với tất cả những khách mời. Vậy nên, đôi lúc đãng trí và mệt mỏi dường như là điều dễ hiểu. Hãy cứ yên tâm là khối u còn đang ngủ.
Cho đến cuối năm thứ 4 sau khi nhận chẩn đoán, các triệu chứng ảnh hưởng đến tôi mới trở nên rõ ràng hơn. Bấy giờ, nó đi kèm với một chứng suy nhược trầm cảm. Lại nói, mất trí rồi đến trầm cảm, chúng chưa bao giờ được đề cập bởi các bác sĩ, khi họ liệt kê ra các triệu chứng mà khối u có thể gây ra cho tôi khi thức giấc.
Diễn biến quá nhanh, chứng mất trí của tôi biến thành mất trí thuận chiều (anterograde amnesia), nó có nghĩa là không thể ghi lại được bất kì một kí ức nào mới, cho dù về những sự kiện mới diễn ra vài giây phút trước.
Nó đưa tôi vào một trạng thái lãng quên mọi thứ vĩnh viễn, không nghi ngờ gì, đây phải là điều tồi tệ nhất tôi gặp phải. Vì mất trí thuận chiều, tôi không còn có khả năng đọc, tôi bị lạc trong những con chữ. Tôi không thể lần theo dấu vết những đoạn văn. Viết lách trở thành công việc gây bực dọc và bất khả.
Những từ ngữ cứ dính vào nhau theo đúng nghĩa đen của nó. Khái niệm về mọi thứ trở nên rời rạc. Tôi chắc chắn là vậy. Ví dụ như tôi biết một con hươu cao cổ là một con vật với cái cổ dài, nhưng một con vật là cái gì vậy? Tôi không biết nữa.
Công nghệ hiện đại đối với tôi trở thành một thứ gì đó thần bí. Tôi trải qua vài tháng mà không sử dụng Skype. Lý do mà tôi nói với mọi người là Skype “đã chết”. Không phải máy tính của tôi, mà là Skype. Thực tế thì tôi đã đánh sai mật khẩu, mặc dù tôi không nhận ra điều đó. Tôi không còn có khả năng xác định các vấn đề, và chỉ có thể để chúng tự mình biến chuyển.
Đơn giản như những việc thường ngày, nhấn vào nút quên mật khẩu hay buộc lại dây giày cũng khiến tôi mệt mỏi. Tôi quyết định giải quyết nỗi mệt mỏi ấy bằng những giấc ngủ ngắn thường xuyên trong ngày.
Một điều tệ hại nữa, cảm giác của tôi về không gian cũng bị ảnh hưởng. Boston ở trên hay dưới New York trên bản đồ? Tôi lên một chuyến tàu, vào ghế sau taxi, hoặc thậm chí đang trên một chuyến bay mà không biết mình đang đi đâu. Tôi tới buổi hẹn, nhưng vào sai ngày, hoặc đơn giản là chẳng tới buổi hẹn nào cả.
Tìm xem tôi đã để chìa khóa ở đâu trong phòng tập đã trở thành hẳn một bài tập. Tôi không thể tìm thấy một chút ý chí nào trong việc tập luyện nữa. Có lúc, tôi đứng giữa phòng tập rồi chợt nhân ra không hiểu tại sao mình có mặt tại đây, giữa thực tại này.
Bạn phải biết rằng, việc hoàn thành bất kể một bài tập nào cả về tinh thần lẫn thể chất đối với tôi lúc này là điều bất khả. Tôi không còn có thể làm bất cứ điều gì. Bất cứ điều gì yêu cầu một kế hoạch, một sự suy nghĩ trước khi làm đều là một nhiệm vụ khó khăn. Tôi suy sụp hoàn toàn và thực sự đã suy sụp trong nhiều tháng.
Boston ở trên hay dưới New York trên bản đồ? Tôi lên một chuyến tàu mà không biết mình đang đi đâu.
Rất khó để diễn tả hết bằng những từ ngữ chật hẹp, rằng tất cả những điều này đáng sợ đến mức nào đối với tôi, và cả bạn gái của tôi nữa. Chúng tôi đã ở bên nhau được 2 năm, sống với nhau trong cùng một căn hộ.
Đến từ hai nền tảng rất khác nhau, nhưng chúng tôi có chung một niềm đam mê với sự nghiệp. Đó là điểm hòa hợp lớn nhất đã ràng buộc chúng tôi lại. Thế nên, mọi thứ thay đổi khi tôi đã không làm việc được cùng cô ấy nữa.
Em sẽ thức dậy mỗi sáng và rời khỏi nhà vì còn công việc. Tôi ở lại, mắc kẹt trong một cái nhà tù xây lên từ những khả năng hạn chế của tôi bấy giờ. Không còn có thể nhớ, tôi cũng chịu trong những khái niệm về thời gian. Từng phút trôi qua tôi cứ ngỡ như từng giây.
Những giờ một mình cô đơn trở thành những khoảng trống lớn mà tôi không thể biết mình đã làm gì khi đó. Nó giống như một cái vực sâu thăm thẳm tạo ra từ một vụ động đất được tua chậm.
Em đã động viên tôi, nhưng chính em cũng sợ hãi. Ai mà không sợ cơ chứ? Không ai, cả tôi và em biết điều gì đang diễn ra. Em đã luôn nghĩ rằng tôi là một người đàn ông mạnh mẽ và ngoan cường và tôi thì luôn là người đem đến sức mạnh cho em. Bây giờ, tôi trở nên giống một đứa trẻ đi lạc và cần sự giúp đỡ. Tôi sợ hãi tất cả mọi thứ. Tôi rất rất sợ em sẽ rời bỏ tôi.
Khi em đi làm, tôi đã dành cả ngày để xem những tin tức, xem xem thế giới sẽ thế nào khi không có tôi ở ngoài đó. Khi chương trình truyền hình của tôi dừng lại, mọi người không nhắc tới tôi nữa. Những thảo luận và tin nhắn từ người hâm mộ và độc giả trên blog của tôi thưa dần. Không có bài viết mới nào thu hút họ.
Cũng có nhiều người gửi tin nhắn cho tôi, hỏi tôi đang làm gì mà biến mất vậy. Sự thật thì tôi đang chẳng làm gì cả, nhưng quá xấu hổ để có thể trả lời họ như vậy. Trong khi đó, những email mà tôi gửi cho đồng nghiệp trong giới truyền thông bắt đầu nhuốm mùi phiền toái với họ. Một vài lần, tôi đã viết những ghi chú khá điên loạn.
Tôi khá chắc rằng mình đã rất kìm chế để gửi những bản thảo cho một vài biên tập viên, những người mà vẫn mong muốn xuất bản bài viết của tôi. Một trong số đó rất đặc biệt, cô ta rất trân trọng cơ hội với tôi. Thế nhưng rồi tôi nhớ cô cũng phải trở nên bực tức trong những cuộc điện thoại, về việc tôi không nhớ được hạn nộp bài và về phong độ viết của tôi đang ở mức đáy. Chẳng ai có thể trách cứ cô ấy được.
Những biên tập viên không phải những người duy nhất mà tôi bị ngăn cách. Tất cả mọi người đều không thể chịu đựng tôi thêm nữa. Tôi đã từng rất quyến rũ theo cách riêng của mình trước mọi người, nhưng chứng mất trí đã giết chết điều đó. Nỗ lực của tôi để tỏ ra hài hước chỉ dẫn đến một sự ngượng nghịu. Mọi tương tác xã hội hàng ngày đều dẫn về nỗi lúng túng khó hiểu.
Những câu hỏi có thiện chí được đưa ra vào thời điểm không thích hợp. Tên mọi người chạy ra khỏi đầu tôi. Tôi quên cả lí do tại sao quen biết họ, thậm chí còn nghi ngờ điều đó. Chúng ta quen nhau ư? Tôi phải cố gắng lắm để duy trì được cuộc hội thoại. Bạn bè tôi nghĩ rằng tôi đang sử dụng ma túy.
Tôi cũng phát triển những hành vi lặp đi lặp lại vô chủ đích. Ví dụ như hút thuốc liên tục, sử dụng ngôn ngữ kì lạ và nhạt nhẽo, không ngừng mặc cả giá tiền với người lái taxi, trong khi tạo ra cả một vụ tắc nghẽn giao thông phía sau đó.
Và không biết vì lý do nào, tôi có một nỗi ám ảnh đồi bại với trò chơi xếp hình (Tetris). Tôi chơi nó hàng giờ, ngày qua ngày. Dự đoán khối hộp nào sẽ ra trong lượt tiếp theo trở thành thứ xoa dịu tâm trí con trẻ của tôi.
Tôi không gọi điện cho mọi người nữa, sợ rằng lỡ lời gì với họ. Tôi thường mơ hồ sợ hãi về việc không may để lộ ra điểm yếu kém của mình. Bởi thế, những cuộc trò chuyện của tôi hay có những điểm dừng lúng túng.
Tôi bắt đầu hạn chế mọi hình thức giao tiếp của tôi chỉ qua văn bản và thư điện tử. Bởi với việc đó, tôi ít nhất có thể tìm lại được bối cảnh mà câu chuyện lần cuối cùng giữa tôi và họ đã kết thúc. Tôi bắt đầu mọi câu của tôi bằng những cụm từ: “Tôi có thể nói với anh về…” hoặc “Nhắc tôi, một lần nữa…”. Tôi móc chìa khóa vào thắt lưng để không bị mất chúng.
Tất cả phía trên là những cách đối phó mà tôi che giấu tình trạng của mình với tất cả mọi người. Toàn bộ khoảng thời gian này, tôi biết rằng có những thứ đã trở nên không thể cứu vãn. Tôi không biết chắc thế nào và tại sao lại thế, nhưng tôi đã mất liên lạc với mọi người, nó chẳng còn giá trị gì đối với tôi. Bởi vậy, tôi bắt đầu rút lui khỏi thế giới.
Dự đoán khối hộp nào sẽ ra trong lượt tiếp theo trò chơi xếp hình đã trở thành thứ xoa dịu tâm trí con trẻ của tôi
Thế giới của tôi đã trở thành một khu đất hoang cằn tràn đầy tuyệt vọng và nỗi sợ hãi trong nhiều tháng. Tôi đã sống ở đó, cho đến khi bạn bè và gia đình đều nhận ra tình trạng ấy đã thực sự nghiêm trọng, đến nỗi họ buộc phải nói rằng tôi cần trở lại bệnh viện.
Cuộc gặp của tôi, với một bác sĩ phẫu thuật có uy tín nhất ở New York, chỉ xác nhận lại chính xác những chẩn đoán và điều trị với tôi 4 năm về trước. Các kịch bản khả thi nhất được trình bày với tôi bởi các bác sĩ giỏi nhất, từ các bệnh viện lớn nhất ở Manhattan. Chúng kèm theo một loại danh sách các “tác dụng phụ” mà không thể chấp nhận được bấy giờ.
Khủng khiếp nhất là hai lựa chọn có thể thực hiện ngay liên quan đến việc cưa đôi đỉnh đầu tôi, nâng não lên bằng những chiếc kẹp và họ sẽ mổ xẻ khối u của tôi trong khi tránh thiệt hại cho khu thần kinh thị giác và vùng dưới đồi. Tôi vẫn sẽ phải hy sinh tuyến yên, nhưng các bác sĩ dường như nghĩ rằng bản giao hưởng tạo ra bởi các hooc-môn trong não tôi có thể được bù đắp bằng một mũi tiêm giá rẻ hàng ngày.
Thủ tục y tế của họ dường như thật dã man, và thể hiện sự coi thường tàn nhẫn với cuộc sống tươi đẹp tôi đang có. Những con số tương tự 4 năm trước 30%, 40%, 100% lại được nhắc tới. Chúng vang lên trong tai tôi như tiếng chuông cáo phó. Tiếng chuông rung liên hồi át cả lời vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh đang nói. Một vị làm việc tại Trường Y Weill Cornell, một vị làm việc tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, hai người đã hứa với tôi rằng họ có thể chữa được.
Cái chết
Tôi đến gặp bác sĩ Jeffrey Greenfield vào một buổi sáng thứ ba đầy nắng, trong một phòng khám nhỏ của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering. Đó là ngày 4 tháng 6 năm 2013, đúng hai tuần kể từ khi tôi tham khảo một cách nghiêm túc ý kiến của các bác sĩ phẫu thuật thần kinh ở New York.
Tiên lượng mà họ đưa ra, mặc dù không gây sốc, nhưng cũng khó có thể chấp nhận được. Vì thế ba tôi, ông cũng là một bác sĩ, đã dành nhiều ngày để phân loại hàng ngàn nghiên cứu về các khối u tương tự của tôi trên những đứa trẻ. Ông quyết tìm cho ra một trường hợp nào đó, ở đâu đó có thể cho chúng tôi những lựa chọn tốt hơn, một sự giảm nhẹ trong các tác dụng phụ và di chứng mà tôi có thể sống với nó đến suốt đời.
Trong số hàng trăm nghiên cứu u sọ hầu, chỉ có 22 bài báo được công bố sau chẩn đoán của tôi năm 2009. Một số nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều trị cập nhật mà chúng tôi chưa từng được biết đến. Ví dụ như một nghiên cứu của Brazil sử dụng interferon, một loại protein truyền tín hiệu để tấn công tế bào khối u.
Một nghiên cứu khác thì sử dụng hóa trị để thu nhỏ kích thước u sọ hầu. Cả hai đều cho những kết quả không rõ ràng. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản thì lại sử dụng xạ trị để thu nhỏ khối u, tác dụng dài hạn của cách này cũng không được chắc chắn.
Cuối cùng, ba tôi cũng tìm ra một phương pháp điều trị dựa trên tính kiên trì và cả một chút may mắn. Đó là lí do mà tôi tới gặp bác sĩ Greenfield ngày hôm đó. Thực ra thì đầu tiên, lời giới thiệu của một bác sĩ chuyên khoa nhi tại Viện Dana Farrber, Đại học Harvard đã dẫn ba tôi qua một loạt các lời giới thiệu khác khác nữa, cuối cùng mới tới được Greenfield.
“Ông Kofinas?” - Ba tôi và tôi cùng đứng dậy. “Xin vui lòng đi theo tôi”, một người hộ lí gọi. Chúng tôi được dẫn vào một phòng khám nhỏ và được dặn rằng bác sĩ sẽ tới trong chốc lát. Trong khi chờ đợi, những chức năng quan trọng của cơ thể tôi được kiểm tra một lượt và tôi nhận được những câu hỏi nhàm chán, không biết đã trả lời bao nhiêu lần trước đây:
“Anh có từng bị những cơn đau đầu không?”
“Không”.
“Anh có vấn đề gì trong việc giữ thăng bằng không?”.
“Không”.
“Anh đã trải qua bất cứ điều gì như là mất thị lực chưa?”.
“Chưa”.
Không ai hỏi tôi về trí nhớ của tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi các câu hỏi cuối cùng cũng kết thúc.
Không lâu sau, cửa phòng khám mở ra một lần nữa, nhưng lần này bước vào là một bác sĩ tóc ngả màu chừng 40-45 tuổi. “Xin chào, tôi là bác sĩ Greenfield. Anh có phải là Demetri?”. Tôi bắt tay ông. “Anh có thể kể cho tôi một chút về các triệu chứng của anh chứ?”.
Tôi nói với ông rằng tôi không chắc chắn đó là một triệu chứng, nhưng tôi có một chút buồn chán và hay quên. Ba tôi xen vào, thêm vào đó nhiều chi tiết miêu tả những hành vi vô chủ đích của tôi trước đây, và cả việc tôi mất khả năng làm mọi việc.
Bác sĩ Greenfield lắng nghe khi ba tôi giải thích sự e ngại của tôi với tác dụng phụ và di chứng của phẫu thuật, những rủi ro mà chúng tôi đã được các bác sĩ khác cho biết tới thời điểm đó. Bác sĩ Greenfield sau đó quay sang tôi một lần nữa và muốn tôi trực tiếp nói lên sự e ngại của mình.
Tôi giải thích làm thế nào mà tôi đã chọn lựa việc sống chung với khối u suốt 4 năm nay, chủ yếu bởi vì tôi không thể chấp nhận những tác dụng phụ của việc phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến tôi. Ông lắng nghe tôi cho đến khi tôi đã nói hết, rồi lên tiếng:
“Đối với một căn bệnh như u sọ hầu, đã có rất nhiều lựa chọn điều trị, những kết quả gắn với phẫu thuật có thể làm thay đổi cuộc sống. Những khối u như vậy nằm ở điểm nhạy cảm của não bộ, nên chúng tôi đã đi đến một triết lý với chúng rằng can thiệp càng ít vào đó thì càng tốt. Nghe về nỗi e ngại của anh, tôi thấy rằng sự lựa chọn tốt nhất là một phẫu thuật nhưng chỉ ở độ xâm lấn tối thiểu”.
Điều đó có nghĩa là gì? Tôi đã định hỏi thêm, nhưng ba tôi đã nói trước: “Ý ông là một phẫu thuật qua đường mũi?”.
“Không”, bác sĩ Greenfield nói. “Trong trường hợp của con ông, lời khuyên của tôi là một phương pháp tiếp cận nội sọ”. Tôi cũng không còn nhớ chính xác Greenfield đã mô tả phương pháp phẫu thuật này cho tôi và ba tôi thế nào. Mặc dù cả ông và ba tôi đều ngồi lại với tôi để tái dựng những gì mà bạn đang đọc được ngày hôm nay.
Các cuộc thảo luận tiếp theo của chúng tôi đã để lại nhiều chi tiết rất khó có thể quên được. Đề xuất của bác sĩ Greenfield liên quan đến việc khoan một lỗ bằng nửa đồng xu trên đỉnh đầu tôi. Qua lỗ đó, toàn bộ cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành.
Một ống thông được đưa vào, theo sau là thiết bị nội soi ngập sâu trong não tôi hơn 6 cm, chọc thẳng vào phần nang khối u sọ hầu chứa đầy dịch lỏng đã phát triển quá lớn và nhô ra ngoài não thất ba của tôi. Điều này nghe thật khủng khiếp vào thời điểm mà Greenfield nói. Cho đến giờ khi nhắc lại, tôi vẫn thấy như vậy.
“Các tác dụng phụ và di chứng để lại là gì?”, tôi hỏi.
“Chúng ta không hề có bất kì biến chứng nào với thủ tục này”, Greenfield nói. “Anh có thể chảy máu, có một nhiễm trùng trên da nhưng chúng ta có thể chặn nó bằng thuốc kháng sinh. Chúng tôi chưa thấy tác dụng phụ nào”. Tôi đã không hiểu những gì ông ấy nói. Nhưng ba tôi hỏi:
“Bây giờ, không có biến chứng nghĩa là thế nào? Thế còn những hooc-môn của nó? Có những rủi ro với khu vực tuyến yên chứ?”.
“Không”, bác sĩ Greenfield đáp.
“Thế còn khu vực dưới đồi? Có nguy cơ nào không với hệ thần kinh thị giác?”, ba tôi tiếp tục hỏi.
“Chúng tôi đã vẽ bản đồ cho tuyến đường phẫu thuật trên phần mềm định vị thần kinh”, bác sĩ Greenfield bắt đầu giải thích. “Và chúng tôi tìm ra một cổng vào mà chắc chắn rằng không đụng phải bất kể một mạch máu lớn, hay khu vực quan trọng nào của não bộ. Trong khi cuộc phẫu thuật diễn ra, chúng tôi sẽ dùng máy cộng hưởng từ để theo dõi ống thông bằng thời gian thực. Phần nang của khối u sọ hầu đang chèn ép lên trung tâm và vùng dưới đồi trong não anh, Demetri. Chúng tôi có thể dùng ống thông để chọc thủng màng và hút chất lỏng khỏi nang u”.
Ông quay lại nhìn ba tôi, sau đó tới tôi, và nói một cách khiêm tốn: “Tôi tự tin mình có thể làm giảm các triệu chứng của anh mà không để lại bất kỳ một tác dụng phụ”. Tôi đã thực sự bối rối bởi không thể tin được điều mình đang nghe thấy. Tôi đã phải lặp lại câu hỏi của mình về liệu có tác dụng phụ nào nữa không đến vài lần.
Tôi bị ám ảnh bởi những tác dụng phụ, những con số: 30%, 40%, 100% đốt cháy tâm trí tôi và khỏa lấp đi mọi thông tin khác
Thế nhưng rồi sự tự tin của Greenfield cũng chưa thể thuyết phục được tôi, khối u vẫn khiến tôi ngập trong một mớ hỗn độn. Chứng mất trí bây giờ khiến tôi quên cả số điện thoại của mình. Không còn dừng lại ở việc quên quên nhớ nhớ, mất tập trung và chán nản nữa: Tôi đã từng sống qua những thời điểm mà không có một chút ký ức gì về quá khứ, không có một suy nghĩ gì về tương lai, chẳng có ý thức nào về thời gian cả.
Cuối buổi rời khỏi Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, tôi đã quên hầu như gần hết những gì mà bác sĩ Greenfield đã nói. Thay vào đó, một lần nữa tôi bị ám ảnh bởi những con số: 30%, 40%, 100%. Chúng vẫn luôn đốt cháy tâm trí tôi từ những năm 2009 và khỏa lấp đi mọi thông tin khác. Bệnh trầm cảm đã thể hiện được vai trò quen thuộc của nó, chèn những tin tức xấu vào toàn bộ vị trí của những điều tốt đẹp.
Có một nguy cơ, rằng khối u đã xâm lấn đến bức tường của vùng dưới đồi trong não. Đó là một trong số ít lí do khiến tôi cố giữ những hi vọng từ lời giới thiệu mới. Tôi cũng nghĩ rằng thật khó để mình hi vọng, bởi tôi rất sợ một ngày hi vọng đó sẽ mất. Tôi còn yêu cuộc sống này. Tôi không muốn chết.
Lauren, bạn gái 2 năm của tôi gửi email vào cuối buổi hôm đó, hỏi rằng cuộc hẹn của tôi với bác sĩ thế nào. Tôi trả lời, mọi chuyện thực sự tốt. Mọi thứ quen thuộc lại tiếp tục, 21 email của tôi với cô ấy diễn ra trong vòng 4 tiếng là một mớ bòng bong đầy sự nhầm lẫn và những thứ vô nghĩa tôi viết ra.
Tôi cố tìm Lauren tại nơi làm việc, nhưng quên mất cô ấy ngồi ở trong phòng nào. Tôi trở về nhà một mình chỉ để biết rằng một lần nữa tôi để quên chìa khóa ở đâu đó. Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp nhau vào buổi chiều muộn. Cô ấy cầm cặp vé bóng chày được tặng bởi một người bạn. Chúng tôi đi xem đội Yankees chơi với đội Cleveland Indians.
Không ai trong hai chúng tôi quan tâm đến trận đấu, rồi rời sân ở hiệp thứ 7. Cô ấy đã đi làm từ sáng sớm còn tôi đã có một ngày dài. Chúng tôi là một cặp tình nhân trẻ nhưng đang sống một cuộc sống quá già cỗi.
Vài ngày sau đó, một quá trình thỏa hiệp đã diễn ra trong tôi. Tôi cuối cùng cũng quyết định mình sẽ phẫu thuật. Tôi được xếp một cuộc hẹn để lên kế hoạch cho ngày hôm đó: 17 tháng 6, chỉ 13 ngày sau khi tôi gặp bác sĩ Greenfield lần đầu.
Tôi nhớ rằng mình đã ước nó có thể diễn ra sớm hơn thế. Tôi sợ, nhưng tôi muốn mình nhanh chóng vượt qua nó. Trong những ngày chờ đợi, email của tôi vẫn gửi lẫn lộn địa chỉ giữa người thân và bạn bè, một số viết với giọng văn tràn đầy hi vọng, một số nói rằng tôi tuyệt vọng rồi. Tôi đang đối mặt với một tình huống khó tin.
Ba ngày trước buổi phẫu thuật, tôi tỉnh dậy trước mình minh từ một giấc mơ. Tôi đã viết nó trong email gửi một người bạn.
“Nỗi sợ hãi của tôi đã biến mất”, tôi nói với anh ấy. “Và lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi cảm thấy sức sống dâng tràn trong huyết quản. Tôi đã quên mất cái cảm giác mình có một tương lai phía trước. Nhưng tối nay, tôi đã cảm thấy bình thưởng trở lại. Và Chúa ơi, nó hẳn là cảm giác ngọt ngào nhất từ rất lâu rồi tôi mới được nếm trải”.
Bây giờ, mặc dù tôi không còn nhớ lại được những chi tiết của giấc mơ, tôi vẫn nhớ cái cảm giác rất thoải mái đó. Đó là một ơn huệ, một ơn huệ với tôi và nó đã đưa tôi qua ngày chủ nhật cuối cùng. Sáng ngày thứ Hai, cuộc phẫu thuật diễn ra.
Tôi nhớ tất cả mọi thứ từ ngày hôm đó. Tôi đã không cố gắng ngủ, gọi một cuộc điện thoại lúc 5 giờ sáng cho một người anh họ ở Hy Lạp, người đã an ủi, động viên tôi với đầy tình yêu thương một tuần trước đó.
Tôi nói với anh ấy rằng tôi đã sợ hãi. Và tôi nghĩ anh ấy cũng sợ một điều gì đó, nhưng đã làm hết mình để kìm nén nỗi sợ ấy không cho tôi biết. Tôi nói với anh rằng tôi yêu anh rồi gác máy. Khi trở lại giường, Lauren còn ngủ. Tôi nhẹ nhàng đánh thức cô ấy và hai đứa bắt đầu dọn đồ.
Ca phẫu thuật dự kiến diễn ra tại Bệnh viện Weill Cornell. 6 giờ sáng, chúng tôi bắt taxi đến. Mẹ tôi đã đang chờ ở sảnh, một lúc sau thì chị gái tôi cũng đến. Chị đang ốm vì cảm lạnh và nói rằng sẽ không ở lại đây lâu. Bởi vậy, những gì muốn nói được chị tôi viết vào một tấm thiệp và tôi đọc nó sau khi chị rời khỏi. Đến tận bây giờ, mỗi khi đọc lại tấm thiệp ấy vẫn khiến tôi khóc suốt.
Cửa phòng phẫu thuật có lẽ đã mở. Trái tim tôi cũng đã mở rộng. Tôi sợ, nhưng đã không hối hận bất cứ điều gì. Tôi đã làm nhiều điều nhất có thể trong khoảng thời gian ít ỏi tôi có được, chia sẻ nó và tình yêu của tôi với gia đình, với Lauren. Tôi chỉ lo lắng về cô ấy khi giờ phẫu thuật đã gần tới. Tôi muốn biết rằng dù thế nào rồi cô ấy cũng sẽ ổn. Lauren là điều tuyệt vời nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho tôi, tất cả những gì tôi muốn chỉ là bảo bọc cho cô ấy.
“Ông Kofinas, cuộc phẫu thuật đã sẵn sàng”. Tôi nằm lên một chiếc giường đẩy, chụp một phim cộng hưởng từ lần cuối cùng và bị giữ bất động với những công cụ cần thiết, để các ống thông sẽ đi đúng đường. Mọi người đang nhìn khi tôi nằm im lặng.
Lúc đó, tôi cố gắng hiểu từ đâu mà mọi thứ trở nên tồi tệ thế này. Sẽ còn điều gì nữa và còn ý nghĩa gì nữa khi cuộc sống đã là thứ cuối cùng bao hàm mọi thứ. Có thể tôi vẫn giữ một hi vọng rằng mình có thể thuyết phục được Chúa: Con còn việc phải làm và con không muốn chết. Cái chết cảm giác như mất tất cả mọi thứ và khi nằm đó, tôi cảm thấy như đã chết.
Những kí ức cuối cùng của tôi trước khi chìm vào mê man là người tôi đang run lên và muốn đi tiểu. Tôi cảm thấy mình đang được kết nối đến cái chết và nó thực sự đáng sợ. Cái chết đang ở đâu đó quanh đây, trong những giây phút căng thẳng này. Các bác sĩ đã gây mê toàn thân cho tôi.
Sinh ra một lần nữa
Kí ức đầu tiên của tôi sau cuộc phẫu thuật, tôi đang ở trong một phòng riêng tại khu chăm sóc đặc biệt, xung quanh với các y tá, người thân và bạn bè đang đợi để chào đón tôi. Tôi cảm thấy đau ở đỉnh đầu. Nó hóa ra lại là bằng chứng đầu tiên cho thấy cuộc phẫu thuật đã thành công. Bởi nếu nó thất bại, tôi chắc chắn đã không thể kết nối các chuỗi sự kiện ấy lại, hiểu ra mình vẫn còn nhận thức được, và đang tỉnh dậy trong một phòng điều trị đặc biệt.
Giữa lúc mà mọi người đang quây quần xung quanh, ba tôi chia sẻ những tin tức rất tốt. Ông giải thích những gì mà bác sĩ Greenfield đã nói với ông – ca phẫu thuật đã làm xẹp toàn bộ các u nang, giống như cả quả bóng đang đè căng lên vách vùng dưới đồi đã bị xì hết hơi. Nó để lộ ra những vùng viêm, nhưng một dòng máu tinh khiết nhất đã được đẩy tới các mô khỏe mạnh trong não bộ.
Khối u đã thu nhỏ lại đáng kể sau cuộc phẫu thuật kì diệu
“Wow”, tôi thốt lên. “Ông ấy đã thực sự nhìn thấy vùng dưới đồi rung động?”. Ba tôi lặng nhìn tôi một lúc lâu và đôi mắt ông rưng rưng lệ. Ông ấy đã không thấy sự minh mẫn đến tỉnh táo ấy của tôi trong suốt một thời gian dài. Tôi đã có khả năng tranh luận. Tôi hiểu sự rung động nghĩa là gì và quan trọng hơn, tôi đã hiểu nó có ý nghĩa gì.
Lập luận, suy diễn và kết luận, những kỹ năng mà chúng ta sử dụng liên tục trong cuộc sống hàng ngày, để hiểu biết thế giới. Nó cho phép chúng ta hành động có chủ đích, đi tới kết quả với mọi thực thể xung quanh. Đó là một quá trình cơ bản và tiến hóa qua các cấp độ. Nếu không có chúng, chúng ta không thể đảm nhận vai trò trong xã hội. Vậy mà tôi đã từng mất chúng. Bây giờ, tôi có chúng trở lại.
Hóa ra, thủ thuật của bác sĩ Greenfield đã thành công ngoài mong đợi. Khối u của tôi đã giảm được kích thước xuống, và chỉ còn là một khối u rất nhỏ so với kích thước ban đầu của nó. Bây giờ, nó đã có thể trở thành một mục tiêu đơn giản cho đợt xạ trị 6 tuần. Hi vọng không dừng lại ở việc chữa bệnh nữa mà chữa dứt điểm lâu dài.
Hai đêm đầu trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật là hai đêm khó khăn nhất với tôi. Đây không phải là một quá trình hồi phục có thể đo lường khách quan được. Tôi tạm thời mất khả năng sử dụng một chi hoặc một vài chức năng quan trọng khác trong cơ thể, mặc dù đã kiểm soát lại được tâm trí.
Đó là một trải nghiệm vừa thú vị xen lẫn đáng sợ. Tôi cảm thấy mình trở thành chủ đề cá cược, giữa các vị thần trên đỉnh Olympian đang chán nản vì họ mãi bất tử. Nhưng bên cạnh việc lấy lại được sự sáng suốt của tâm trí, tôi cũng đã tìm lại được những ký ức bị mất, tất cả.
Các bác sĩ, tôi hi vọng, đã đề cập đến khả năng này, nhưng có vẻ như nghiên cứu trong lĩnh vực u sọ hầu và ảnh hưởng của nó trên nhận thức và trí nhớ là rất hiếm. Dường như đó là vì khối u của tôi đã lớn lên theo cách độc nhất vô nhị, từ vùng dưới đồi tới trung tâm nhận thức và lan ra tuyến yên. Mô hình tăng trưởng này và cả thời gian tôi chờ đợi nó 4 năm đều là yếu tố làm nên sự may mắn cho ca phẫu thuật. Nhưng nó cũng là lí do tại sao tôi lại bị mất trí nhớ.
Giả thuyết của tôi trước đây, rằng mọi ký ức đã dừng việc hình thành của chúng kể từ khi tôi không thể nhớ được bất cứ điều gì, đã sai. Những thứ xảy ra với tôi hóa ra vẫn được ghi và lưu lại, kể từ khi các triệu chứng khởi phát đến giờ. Chỉ là tôi không có khả năng đọc chúng, bởi vậy, chúng ở đó và chờ đợi.
Có rất nhiều thứ thuộc về quá khứ đã qua, và với hầu hết chúng, tôi không thể kiểm soát được ước muốn khám phá. Những kí ức cứ thế đổ dồn vào xa lộ thần kinh giống như nước gom về từ một cơn mưa rào xối xả. Tôi không thể dừng chúng lại. Chúng tấn công tôi, dữ dội và tàn nhẫn.
Buổi tối là khoảng thời gian kinh khủng nhất, steroid giúp tôi giảm sưng, nhưng nó cũng khiến tôi không thể ngủ. Những hồi ức của tôi phần lớn không hề bị gián đoạn vì chúng rất dễ dàng chiếm được tâm trí. Chỉ cần một điều gì đó gợi mở và rồi một hành trình bắt đầu tua đi từ lúc tôi rời khỏi vị trí làm việc. Tôi trải nghiệm những kỷ niệm như những tấm hình động, hoặc nhấp nháy ánh sáng như tất cả thông tin chứa đựng trong một sân vận động chật ních người cộng dồn lại.
Tôi cũng chợt nhận ra nhiều thứ, ví dụ như vài tháng trước cuộc phẫu thuật, tôi có làm việc với các đại lý bất động sản, để tìm kiếm một căn hộ mới. Có một dịp, tôi đã được giới thiệu hai căn hộ khác nhau trong cùng một tòa nhà – số 300 ngõ 23 Phố Đông – và tôi cứ phải đi lại tới lui giữa hai căn bởi lúc đó tôi hay quên những gì nhìn thấy. Cũng dễ hiểu khi nhà môi giới không gọi lại cho tôi nữa.
Trong một hồi ức khác, tôi chợt nhận ra rằng ông nội đã qua đời vào tháng 1, cả nửa năm trước cuộc phẫu thuật của tôi. Trong một email mà tôi đã viết cho em gái mình, viết trên iPhone vào một buổi sáng hai tuần sau phẫu thuật, tôi đã nói:
“Anh từng nghĩ rằng anh đã tải về hết tất cả những kí ức trước đây của mình. Nhưng mỗi một ngày một đêm qua đi, anh lại thấy bấy nhiêu đó là chưa đủ, vẫn còn rất nhiều mảnh ghép bị thiếu. Anh đã hoàn toàn quên mất cái chết của ông nội. Anh cảm thấy dường như ông không còn sống nữa. Nhưng anh không chắc chắn, không chắc ông đã qua đời khi nào, có thể là mới đây thôi nhưng cũng có thể là nhiều năm về trước.
Cuối tuần này, anh đã nhớ rằng ông mất hồi đầu tháng 1, nhưng là mẹ đã nhắc với anh. Đó là khoảng thời gian chúng ta chuyển nhà từ Washington DC tới New York. Anh dường như đã nghĩ rằng ông mất chẳng bao lâu sau khi chúng ta tới đây. Thông thường, nếu một người nào đó có thể khiến anh cố nhớ về họ, anh sẽ nhớ tới từng chi tiết. Nhưng vì một lí do nào đấy, trong trường hợp của ông nội lại không như vậy.
… Anh cũng nhớ cái ý tưởng ngọt ngào của em về một bữa tối có ông và hai chúng ta. Hẳn là anh đã làm một điều gì đó khiến em hụt hẫng, có vẻ như làm cho kế hoạch trở nên khó khăn hơn để thực hiện. Anh xin lỗi vì đã cãi nhau với em theo cái cách chẳng ra đâu, khi điều em thực sự muốn chỉ là một lần chúng ta ngồi lại với nhau.
Anh đã tránh né sự ra đi của ông theo một cách rất trẻ con. Nếu anh nhớ chính xác thì Jason hôm đó đã không tới. Sau đó anh với em đã vào quán Strip House hoặc Barbounia, chỉ có hai chúng ta. Ở điểm dừng chân tiếp theo, anh đã chụp một bức ảnh cho em với một chiếc khăn tím, bởi vậy anh nhớ khá chắc chắn nơi chúng ta đã đến vào đêm đó thay vì những địa điểm lạ hoắc. Anh thậm chí còn nhớ chỗ chúng ta ngồi trong quán Barbounia…”
Những kí ức cứ thế đổ dồn vào xa lộ thần kinh giống như nước gom về từ một cơn mưa rào xối xả, dữ dội và tàn nhẫn
Trong một hoàn cảnh bình thường của một cuộc sống cứ tiếp diễn đều đều, quá trình lưu trữ và trích xuất kí ức diễn ra theo cơ chế rất tự nhiên của nó. Giống như hơi thở, quá trình này xây dựng và củng cố một lịch trình cho toàn bộ cuộc đời chúng ta. Tâm trí sẽ sắp đặt mọi thứ đúng chỗ, A thì ở trước B còn B thì ở trước C…
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn trải nghiệm B trước cả A? Trong hàng tuần sau cuộc phẫu thuật, đó là những gì đã luôn xảy ra với tôi. Một kí ức sẽ vẫy tay ra dấu sự hiện diện của nó, trong một biển phục sinh kì diệu chứa toàn bộ lịch sử đã bị lãng quên. Cái vẫy tay sẽ ngay lập tức làm xao nhãng tâm trí và dẫn tôi đi xa dần, xa dần, đến khi tất cả những kí ức xung quanh nó đã kết chặt lại hoặc cho đến khi tôi trở nên kiệt sức.
Nhưng thường thì những kí ức liền kề lại không xuất hiện ở những thời điểm gần nhau. Điều này gợi cho tôi về một dạng tổ chức siêu dữ liệu đang chi phối từng kí ức. Bây giờ, tôi phải lần mò để sắp xếp chúng lại theo thứ tự thời gian. Điều này đòi hỏi nhiều ngày, nhiều tuần và trong một số trường hợp hiếm hoi là nhiều tháng sau phẫu thuật.
Những cuộc khám phá chớp nhoáng với những quá khứ bị lãng quên rất thú vị, nhưng nó cũng có phần đáng sợ. Công việc hồi tưởng lại đã trở thành một cuộc chơi kì dị, đi qua một vùng đất hoang vu chứa đựng những trải nghiệm khác thường mà tôi không thể kiểm soát. Có những trường hợp, tôi cảm thấy mình tách biệt hẳn ra giữa tâm thức và kinh nghiệm. Tôi nhìn chính mình từ một điểm bên ngoài tâm trí mình. Nó giống như chánh niệm đang thức giấc.
Đôi khi, sự tách biệt này tạo ra một cảm giác thoát ra khỏi thể xác, thật đặc biệt khi khám phá một quá khứ của chính mình nhưng vẫn còn đóng trong hộp. Người mà những kí ức đang tạo ra, sử dụng cơ thể của tôi, nhưng không phải là tôi. Tôi cảm thấy nỗi xấu hổ lớn với mỗi kí ức cũ được tiết lộ.
Tôi cảm thấy như mình đang xem một diễn viên quên mất lời thoại trên sân khấu và cũng chia sẻ cái cảm giác bối rối và trắc ẩn của khán giả cùng lúc. Hình dung tương tự gần nhất mà tôi có thể nghĩ đến là một kẻ nghiện thuốc phiện đang trong quá trình hồi phục. Hắn nhớ tất cả những cách mà hắn đã “bóp méo” chính mình trong thời kì tệ hại nhất của sự nghiện ngập.
Vài tuần và vài tháng sau đó, tôi đã liên hệ lại với một số người, những người mà tôi đã làm phiền trong thời kì mình mắc bệnh, để giải thích cho họ chuyện gì đã xảy ra, xin lỗi họ vì những gì mà tôi cảm thấy như mình không còn là mình ở thời điểm đó. Trong hầu hết các trường hợp, tôi hiểu rằng những hình ảnh méo mó về tôi sẽ tiếp tục tồn tại trong kí ức họ, mà đó là những nơi nằm ngoài tầm với của tôi mất rồi.
Tất nhiên là đối với những người quan trọng và gần gũi, hầu hết bạn bè và người thân, họ không cần một lời xin lỗi nào cả. Lauren và tôi đã coi nó là những câu chuyện cười để nói tới. Sự hài hước của tôi trước đây biến mất thì giờ đã được trao trả lại. Với nó trong tay, tôi đã có thể khiến cô ấy cười một lần nữa.
Chúng tôi trêu chọc nhau suốt cả ngày. Tôi vẫn còn khá nhạy cảm để chia sẻ câu chuyện của mình vưới những người lạ, nhưng cô ấy muốn cả thế giới biết được điều mà tôi đã trải qua. Cô ấy tự hào về tôi và cô ấy cảm thấy tôi cũng cần phải tự hào về chính bản thân mình, cho sự can đảm và quyết tâm mà tôi đã thể hiện.
Mặc dù hầu hết các khả năng trí tuệ của tôi đã trở lại một cách nhanh chóng, một số mất nhiều thời gian hơn. Làm nhiều việc cùng một lúc và khả năng duy trì cân bằng song song các cuộc hội thoại đã không trở lại, cho đến khi tôi buộc phải học lại những kỹ năng này trong một đợt tập luyện lớn, với bản thân trong môi trường làm việc.
Trong khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn thế sau cuộc phẫu thuật, tôi thích những cuộc tương tác chỉ có hai người hơn. Những bữa tiệc ồn ào và lối đi dày đặc người khiến tôi quá tải. Tôi dành phần còn lại của mùa hè ở một nơi có thể tập trung và nhận thức cao độ. Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời cho sự thức tỉnh và tôi đã thức tỉnh, theo cách nói của thuyết bất khả tri, một trải nghiệm cực kì ngoan đạo.
Mỗi một cuốn sách tôi đọc và mỗi một bộ phim tôi xem trong thời gian này đều tràn đầy ý nghĩa. Tất cả mọi thứ đều trở thành nguồn cảm hứng. Có một số bộ phim đặc biệt đã cho tôi nhiều cảm xúc: Loạt phim Ma trận, Gattaca, The Thin Red Line của Terrence Malick. Lời bài hát Iris của Goo Goo Dolls sẽ khiến tôi xúc động thổn thức.
Iris - Goo Goo Dolls
Tôi đang sống trong vầng hào quang của một vụ nổ của ý thức còn sót lại. Nó giống như ở một trạng thái siêu thiền định đòi hỏi một nỗ lực rất lớn để duy trì. Thế mà tôi đã không phải làm bất cứ điều gì mới mẻ hay khác biệt, tôi tự có những kí ức cũ của tôi theo một cách hoàn toàn mới mẻ.
Khi tôi cố gắng truyền đạt cho người khác cảm giác vui vẻ và hưng phấn ấy, tôi sẽ bảo họ thử nhớ lại một ngày hè là như thế nào khi họ còn là những đứa trẻ. “Bạn có nhớ những ngày ấy rộng lớn đến nhường nào? Bạn có cả một ngày phía trước”.
Chất lượng cuộc sống đi đôi với việc tôi lấy lại được sự tập trung và tỉnh táo, khiến mỗi ngày đều trở thành một cuộc hành trình dài mạo hiểm. Khi màn đêm buông xuống, tôi cảm thấy như mình đã đi khắp thế giới, và một cuộc hình trình mới sẽ sớm tới khi ngày mới thức dậy. Có những ý nghĩa và vẻ đẹp đằng sau tất cả mọi thứ, trong tôi tràn ngập sự biết ơn cho đặc quyền được tồn tại và trải nghiệm chúng, tất cả.
Mùa hè đầu tiên sau cuộc phẫu thuật là mùa hè tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Tôi khóc trên những cuốn sách, xem lại một bộ phim cũ và ghi lại rất chi tiết về những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi cảm thấy mình được cứu sống, được sinh ra một lần nữa và căng tràn sức sống với cuộc đời, trong một cách mà tôi nghĩ là sẽ chẳng ai trải nghiệm được.
Thực tế thì tôi cũng không biết tâm trí của tôi có thể giữ được sự tập trung đó bao lâu nữa. Nhưng tôi có thể nhận ra những nghĩa vụ hàng ngày mà chúng ta đặt ra để thực thi khiến cho cuộc sống trở nên tầm thường và không có lối thoát. Chỉ có việc cho đi tình yêu thương và có một mục đích mới làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn. Sự tồn tại của tôi trong mùa hè năm đó đầy đủ cả tình yêu lẫn mục đích.
Mặc dù tôi đã muốn mùa hè đó sẽ trở thành một mùa hè bất tận, điều đó là không thể. Ca phẫu thuật đã chữa khỏi cho tôi, nhưng không phải là vĩnh viễn. Khối u vẫn còn sống và sống tốt, mặc dù nang u đã bị hút sạch nước, nó đã bắt đầu trương lên trở lại. Bởi vậy, khi đủ khỏe lại, tôi sẽ bắt đầu phải xạ trị. Sau đó thì tôi cuối cùng cũng có thể được giải thoát khỏi khối u này trong đời, không còn những rủi ro đáng sợ đến từ việc điều trị.
Tôi đã từng nghĩ rằng mỗi buổi sáng, 7 giờ phải đến khu xạ trị của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, sẽ là một trải nghiệm buồn bã và đau khổ. Nhưng thực tế, những ngày xạ trị lại trở thành vinh dự lớn nhất của cuộc tôi.
Tôi chưa từng chứng kiến một điều gì đó thực sự đẹp và kiều diễm trong đời. Nhưng rồi tôi thấy một người cha trẻ tuổi đang cố gắng trong tuyệt vọng, để tỏ ra mạnh mẽ và quyết tâm trước đứa con trai đang yếu mòn vì ung thư. Một người đàn ông trung niên người Nhật Bản đang nhẹ nhàng chăm sóc cho đôi chân sưng lên và mệt mỏi của vợ. Một bà lão đang khóc khi cố trấn tĩnh cái cảm giác bi kịch của đời bà giữa những đứa trẻ đang chết dần.
Xạ trị có cái giá của nó, tôi đã rụng hết tóc hai bên đầu. Đó cũng là một khoảng thời gian dài tôi không thể làm việc, vài tháng tiêu tốn cho những cuộc điều trị bổ sung, dành hàng ngày dài mệt mỏi ở bệnh viện, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ… Nhưng cuối cùng, tất cả được trả công xứng đáng. Ảnh chụp MRI mới nhất của tôi rất tốt, các bác sĩ sẽ không phải nhìn thấy bản mặt của tôi trong vòng ít nhất 1 năm nữa.
Trong một thời gian dài, tôi đã đánh mất sự quan tâm với bất cứ thứ gì không liên quan trực tiếp đến nghệ thuật. Những vấn đề chạm đến trái tim là quan trọng nhất đối với tôi và thời gian của tôi rất quý giá. Tôi muốn công việc của tôi cũng phải phản ánh con người mới mà tôi đã trở thành.
Tôi tìm thấy những cơ hội thú vị để làm việc trong lĩnh vực phi lợi nhuận, tôi đã tổ chức một hội thảo về cái chết và nhận thức. Cùng thời gian đó, tôi may mắn được làm việc với một nhóm rất tuyệt vời để sản xuất chương trình đầu tiên của tôi ở rạp off-Broadway. Tôi cũng đã thành lập một công ty mới. Chúng tôi lên lịch chương trình tiếp theo tại rạp Soho Playhouse.
Tôi đang bắt đầu cảm thấy biết ơn cuộc sống của mình một lần nữa, mặc dù cũng phải vượt qua những sang chấn vì đã được sinh ra một lần nữa. Nó lấy đi thời gian của tôi, nhưng thời gian cũng đem lại sự từng trải.
Demitri Kofinas: Tôi luôn cảm thấy rất biết ơn với cuộc sống mà mình đã được ban tặng
Lauren và tôi vẫn đi cùng nhau trong những năm tiếp đó, nhưng cuối cùng con đường của hai đứa tách ra. Chúng tôi ly thân. Thực sự khó cho tôi để tin rằng chúng tôi đã có những mong muốn khác, sau khi đã trải qua cùng nhau quá nhiều điều. Nhưng tôi nghĩ rằng quãng thời gian mà tôi sống cùng khối u đã thay đổi cả tôi và cô ấy một cách sâu sắc.
Đứng trước cái chết và việc mất đi mọi người thân yêu khiến tôi thực sự trân trọng mọi mối quan hệ trong cuộc sống của mình. Một số trường hợp, các mối quan hệ đã trở nên sâu sắc hơn, một số khác, chúng đổ vỡ.
Nhưng tôi luôn cảm thấy rất biết ơn với cuộc sống mà mình đã được ban tặng, với những sự lựa chọn mà tôi đã bắt buộc phải thực hiện. Tôi đã học được rằng cuộc sống này ngắn ngủi tới nhường nào. Tôi học cách làm sao để có đức tin. Và trên tất cả, tôi học được rằng tình yêu là có thật. Bằng tất cả hiểu biết và trí tuệ của mình, tôi muốn nói bằng trái tim rằng: Đâu là thứ quan trọng nhất trên đời? Đó hẳn là tình yêu.
Theo Quartz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4