Một lập trình viên viết hệ điều hành để nói chuyện với Chúa trời
Với niềm tin rằng, mình có thể giao tiếp với Chúa thông qua máy tính, Terry Davis đã dành hơn 10 năm để một mình xây dựng nên hệ điều hành TempleOS.
Nếu xưa kia, vua Solomon đã xây cả một ngôi đền nguy nga để thờ phụng vị chúa của mình, còn trong thời đại ngày nay, để thể hiện tình yêu của mình với Chúa trời, một lập trình viên đã xây dựng nên cả một hệ điều hành. Đó là Terry Davis, một lập trình viên tâm thần phân liệt, và hệ điều hành đó có cái tên thể hiện tình yêu mãnh liệt của ông: TempleOS.
Nếu ai đã từng làm quen với máy tính thông qua MS-DOS thời kỳ đầu, hẳn sẽ thấy quen thuộc với giao diện dòng lệnh của hệ điều hành này. Khi khởi động, ban đầu là một màn hình tối, sau đó chuyển sang xanh và trắng với một chiếc cân đôi và một thanh kiếm hiện ra. Cả hai hình ảnh đều như được vẽ trên đồ họa của thời kỳ Windows 1.0 với một dòng chữ tuyên bố: "God on tap" (Chúa trong mỗi phím bấm).
Đó là màn hình chào của TempleOS V2, một "Hệ điều hành tên miền công cộng" do công ty Trivial Solutions của Las Vegas, Nevada, sản xuất. Bên dưới là dòng giới thiệu các tính năng phổ biến trong hệ điều hành này. Ấn F7 trong TempleOS để gọi lên chức năng nói chuyện, Shift-F7 để chèn một đoạn Kinh thánh. Chương trình Jukebox trong TempleOS còn mang đến một bộ sưu tập các giai điệu với lời lấy cảm hứng từ Kinh thánh.
TempleOS không phải là thứ để hồi tưởng lại quá khứ, hay một thú vui nhất thời của một lập trình viên rảnh rỗi nào đó. Đó là một công việc toàn thời gian thực sự của lập trình viên 48 tuổi Terry Davis, nhà sáng lập và cũng là nhân viên duy nhất của Trivia Solutions.
Davis đã làm việc trên nó trong hơn một thập kỷ nay. Cho đến khi phát hành lần đầu năm 2013, TempleOS đã có hơn 120.000 dòng code, tương đương với Photoshop phiên bản 1.0. (Để so sánh, Windows 10 có khoảng 50-60 triệu dòng code).
Tham khảo Motherboard
Davis cho biết, ông làm nên hệ điều hành này bởi vì Chúa bảo anh ta làm vậy. Theo phần mô tả của TempleOS, đây là "ngôi đền chính thức của Chúa. Cũng giống như ngôi đền của Solomon, đây là điểm đến trung tâm của cộng đồng, nơi những lời khẩn cầu được đưa ra và lời phán truyền của Chúa được trao xuống."
Vị Chúa của ông cũng nói với Davis rằng, đồ họa 16 màu, độ phân giải 640x480 là quá đủ, để trẻ em có thể dễ dàng tạo các bản vẽ về Chúa. Chúa muốn một ngôi đền hoàn hảo, và Davis cho biết, "trong 10 năm, tôi đã lập trình cho TempleOS toàn thời gian. Tôi đã hoàn thành về cơ bản, và đến giờ tôi liên tục bổ sung thêm một số các chi tiết nhỏ ở chỗ này, chỗ khác."
Bên trong TempleOS, Davis còn xây dựng nên một miếu thờ có tên AfterEgypt, cho phép người dùng leo lên núi Mt. Horeb cùng với một cây gậy Moses. Tại đỉnh núi này, có một vật hình tròn đổi màu liên tục sẽ hiện ra – nó như một hình tượng của cây cháy. Trước khi lên được đó, người dùng phải viết những lời ngợi ca Chúa, và theo Davis, lời ngợi ca đó có thể là vì bất cứ thứ gì.
Dù chẳng có kết nối mạng, hay ứng dụng ngoài, Davis có lập trình cho nó một số trò chơi nhỏ, như Castle Frankenstein, một game bắn súng góc nhìn thứ nhất, nơi người chơi chiến đấu với kẻ ác trong một vườn cây. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong số đó là Eagle Dive, phần mềm bay giả lập với một con đại bàng đi tìm bắt cá, được dựng bằng 3D với tốc độ 30 khung hình mỗi giây. (bạn đừng quá kỳ vọng vào đồ họa của nó).
Một số trò chơi trong TempleOS.
Số phận hẩm hiu của người sáng tạo nên TempleOS
Ý tưởng về một hệ điều hành để giao tiếp với Chúa đến với Davis từ năm 2003, khi điện toán 64-bit bắt đầu trở nên phổ biến trên desktop. Dựa trên kinh nghiệm mình từng có khi tham gia lập trình hệ điều hành tại công ty Ticketmaster năm từ năm 1994, ông đã sửa chữa lại và loại bỏ bớt một số dòng code để nó đơn giản nhất có thể.
Dù từng có được công việc lập trình tại Arizona, nhưng ông được chuẩn đoán mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt từ giữa những năm 1990. Điều đó khiến ông mất việc và sau đó phải ở cùng nhà với bố mẹ để tiết kiệm tiền và tập trung vào việc hoàn thiện một quyển sách.
Chứng tâm thần phân liệt và nỗi ám ảnh về tôn giáo của mình cũng làm ông bị cấm tham gia nhiều diễn đàn Reddit hay Hackernews. Thậm chí đến năm 2017 tài khoản livestream của ông trên YouTube để giới thiệu về TempleOS cũng bị cấm, sau nhiều lần cãi cọ với người xem. Cuộc sống với bố mẹ cũng không hề dễ chịu khi cuối năm 2017, ông bị đuổi khỏi nhà và buộc phải sống trên một chiếc xe van.
Sau khi được phát hành lần đầu vào năm 2013, hệ điều hành TempleOS nhận được một bản cập nhật vào năm 2017. Tuy nhiên đây cũng là bản cập nhật cuối cùng của hệ điều hành này, khi vào ngày 11 tháng Tám năm 2018, ông qua đời trong một vụ tai nạn tàu hỏa. Trong đoạn video cuối cùng ông đăng tải vài giờ trước khi chết, ông cho biết mình đã xóa phần lớn đoạn video livestream của mình bởi vì không muốn gây "rác" cho internet.
Dù hệ điều hành này như một sự ám ảnh của cá nhân ông, nó vẫn thu hút một lượng nhỏ fan hâm mộ và một số người đã bày tỏ sự tiếc thương khi biết tin ông qua đời.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời