Một ngày thần chết sẽ nghỉ hưu: Con người đang định nghĩa lại cái chết và tìm cách đảo ngược nó
Với những công cụ hỗ trợ sự sống, một xác chết bây giờ vẫn có thể có trái tim còn đập.
Nếu đang đọc được bài viết này, bạn chắc chắn vẫn còn sống. Bạn biết sự sống là như thế nào, đó là khi bạn điều khiển được cơ thể và suy nghĩ của mình, bạn hoạt động và hệ thần kinh của bạn cũng hoạt động.
Nhưng còn cái chết thì sao, chính xác thì cái chết là gì, chết sẽ như thế nào?
Câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn này lại đang làm khó các nhà khoa học thần kinh. Một trong số đó là Christof Koch, chủ tịch Viện Khoa học Não bộ Allen ở Seattle, Hoa Kỳ.
Trong một bài viết có tựa đề "Cái chết có thể được đảo ngược hay không?" đăng trên tạp chí Scientific American, Koch đã phải vật lộn trong suy nghĩ, những kết quả nghiên cứu và quy ước của thế giới để đưa ra định nghĩa về cái chết.
Nhưng ông ấy vẫn không thành công. Hóa ra, cái chết mang nhiều sắc thái hơn bạn nghĩ.
Xuyên suốt lịch sử, con người từng nghĩ mình biết cái chết là gì. Khi ai đó ngừng thở và trái tim họ ngừng đập, người đó được coi là đã chết. Cái chết được định nghĩa như vậy là một thời điểm mang tính phân định rõ ràng. Trước đó bạn sống, nhưng sau nhịp đập cuối cùng của trái tim, bạn chết.
Nhưng tới giữa thế kỷ 20, mọi thứ đã thay đổi sau sự ra đời của máy thở và máy tạo nhịp tim. Chăm sóc y tế chuyên sâu sử dụng công nghệ cao đã tách trái tim và phổi ra khỏi não bộ, thứ chịu trách nhiệm cho tâm trí, suy nghĩ và hành động của bạn.
Để đối phó với những phát triển công nghệ này, vào năm 1968, Trường Y Harvard đã thành lập một ủy ban để đưa ra khái niệm mới về cái chết. Họ gọi nó là sự hôn mê không thể đảo ngược – sự mất chức năng não bộ.
Điều này đặt nền tảng cho một đạo luật ở Mỹ vào năm 1981, đưa ra định nghĩa thống nhất về cái chết là sự chấm dứt không thể đảo ngược của các chức năng tuần hoàn và hô hấp hoặc tạm dừng không thể đảo ngược của chức năng não bộ.
Rất đơn giản, khi bộ não của bạn chết, bạn được coi là đã chết.
Không chỉ được sử dụng ở Mỹ, nhìn chung định nghĩa này cũng được chấp nhận ở hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Thế là, vị trí của cái chết đã được chuyển từ ngực lên não. Thời gian để xác định cái chết không còn có thể phân định rõ.
Thế nhưng, sự thật là phần lớn các cái chết vẫn xảy ra sau sự kiện ngừng tim phổi, thứ sau đó cũng chấm dứt mọi hoạt động của não bộ. Những cái chết về mặt thần kinh thường chỉ xuất hiện trong các khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện (ICU), nơi có những bệnh nhân chấn thương sọ não hoặc hôn mê sâu.
Những cái chết này được xác định bởi tình trạng hôn mê không hồi phục, không có phản ứng, phản xạ thân não hoặc hô hấp.
Đến đây, cái chết của não có thể là một yếu tố mang tính quyết định để định nghĩa cái chết của cả một con người. Nhưng nó vẫn không thể thay thế toàn bộ chẩn đoán lâm sàng, bởi trên thực tế, các quá trình sinh học vẫn có thể diễn ra ngay cả khi não bộ đã ngừng hoạt động.
Thật vậy, một cơ thể chết não có thể được duy trì sự "sống" bằng các thiết bị hỗ trợ trong nhiều giờ, nhiều ngày thậm chí lâu hơn thế. Đối với những người thân và bạn bè của một người chết não, thật khó để hiểu những gì đang xảy ra.
Khi đến ICU, họ thấy lồng ngực của bệnh nhân vẫn phồng lên xẹp xuống, họ sờ thấy mạch đập, nước da chỉ hơi nhợt nhạt so với bình thường và cả cơ thể vẫn ấm áp. Nhưng người thân yêu của họ nằm đó thực ra đã là một xác chết, một xác chết có trái tim còn đập.
Thi thể ấy chỉ được duy trì hô hấp và tuần hoàn, lơ lửng giữa sự sống và cái chết, bởi họ sẽ là những người hiến tạng tiềm năng. Nếu được sự đồng ý từ phía gia đình, các cơ quan nội tạng trong xác chết đó sẽ được thu thập để ghép cho những người cần đến chúng.
Đáng ngạc nhiên là cơ thể của người chết não vẫn duy trì được nhiều quá trình sinh lý. Họ tiếp tục mọc móng tay, có kinh nguyệt, một số chức năng miễn dịch vẫn hoạt động giữ cho cơ thể không bị nhiễm trùng và phân hủy.
Các tài liệu y tế ghi lại ít nhất 30 trường hợp các bà mẹ chết não trong khi mang thai vẫn được đặt máy thở để duy trì sự sống cho thai nhi. Sau một vài tuần, vài tháng, kỷ lục là 107 ngày, thai nhi vẫn chào đời và sống sót khi người mẹ đã chết não.
Trong một câu chuyện thu hút được nhiều sự quan tâm vào năm 2018, một người phụ nữ trẻ tên là Jahi McMath ở New Yorker đã được gia đình duy trì sự sống tại nhà suốt 5 năm sau khi chết não.
Dưới góc độ luật pháp và cà y tế, McMath đã chết từ 6 năm trước. Nhưng đối với gia đình yêu thương của mình, cô chỉ mới ra đi một năm vì chứng suy gan.
Quay trở lại định nghĩa tốt nhất hiện nay chúng ta có về cái chết, bạn có thể thấy trái tim của nó là cụm từ "không thể đảo ngược". Cũng như sự ra đời của máy thở và máy tạo nhịp tim ở thế kỷ 20, liệu chúng ta một lần nữa có thể sử dụng công nghệ để đảo ngược các quá trình chết não? Nếu làm được, cái chết một lần nữa sẽ cần phải được định nghĩa lại.
Điều này dẫn chúng ta đến một nghiên cứu vừa được công bố hồi tháng tư năm nay, trong đó, các nhà khoa học đã "hồi sinh" được một bộ não lợn dù nó đã chết sau 4 tiếng.
Nghiên cứu hồi sinh não lợn được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Yale Hoa Kỳ. Trong đó, họ đã thu thập 32 bộ não của những con lợn bị giết thịt tại lò mổ.
Các nhà khoa học để bộ não chết trong 4 tiếng đồng hồ, sau đó, họ kết nối nó vào một hệ thống được gọi là BrainEx. Hệ thống này gồm có 3 phần: Phần thứ nhất giúp tái tạo hoạt động bơm máu của tim. Cỗ máy sẽ nhịp nhàng bơm một chất lỏng thiết kế đặc biệt, chứa máu ở 37oC, oxy và thuốc vào bộ não. Các nhà khoa học cho biết điều này có tác dụng tạm ngừng quá trình chết của các tế bào.
Phần thứ hai của hệ thống cũng là một thiết bị tuần hoàn máu, nhưng bơm các dung dịch bắt chước các cơ quan hỗ trợ xung quanh bộ não, giúp đảo ngược quá trình chết của tế bào. Phần thứ ba và cũng là cuối cùng của BrainEx là một thủ thuật phẫu thuật được sử dụng để cô lập bộ não.
Quá trình hồi sinh này được các nhà khoa học tại Đại học Yale tiến hành liên tục trong 6 giờ đồng hồ.
Trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết những bộ não lợn đã chết được 4 tiếng. Nhưng sau khi xử lý bằng BrainEx, chúng đã giảm được tốc độ chết tế bào não, phục hồi được các mạch máu và một số hoạt động chức năng.
Một trong số những phần não hồi sinh chứa các khớp thần kinh hoạt động trở lại. Chúng là các con đường kết nối giữa những tế bào não khác nhau, cho phép các nơron thần kinh giao tiếp.
Bộ não cũng thể hiện phản ứng bình thường với thuốc, và sử dụng một lượng oxy tương đương với một bộ não sống bình thường để tồn tại. Toàn bộ những ghi chép này được rút ra từ quan sát ở thời điểm 10 tiếng đồng hồ, sau khi những con lợn bị chặt đầu.
Sự thiếu vắng duy nhất làm nên sự sống cho bộ não lợn trong thí nghiệm này là những sóng não, thể hiện bằng các bản ghi điện não đồ (EEG) zig zag mà bạn có thể đã biết. Các nhà khoa học đã đặt điện cực lên bề mặt những bộ não này để xem chúng có bắt được tín hiệu nào hay không.
Nhưng câu trả lời là không. Chẳng có những sóng chậm nào diễu hành trên bản giấy ghi như khi một người đang ngủ, cũng chẳng có một đỉnh sóng nào nhảy lên một cách đột ngột. Tất cả chỉ là một đường thẳng băng đại diện cho sự vắng mặt của "linh hồn" và ý thức.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu không bất ngờ. Chính họ đã pha một loại thuốc ức chế chức năng thần kinh vào dung dịch tuần hoàn của bộ não. Bởi nếu để linh hồn con lợn quay trở lại, nó sẽ là một rắc rối lớn.
Không có nhiều người ủng hộ việc mang một "linh hồn" trở lại trong một bộ não không có thân thể, để rồi lại phải giết chết nó một lần nữa, ngay cả khi đó chỉ là một con lợn.
Mặc dù vậy, họ đã chứng minh tiềm năng của việc này, bằng cách lấy một mảnh mô thần kinh nhỏ từ bộ não lợn, rửa sạch dung dịch máu và sau đó kích thích từng tế bào thần kinh riêng lẻ thông qua một điện cực nhỏ. Một số các tế bào trong số này đã phản ứng với kích thích này bằng một hoặc một loạt các xung điện rập khuôn giống với một hệ thần kinh phức tạp.
Phát hiện này đặt ra một câu hỏi sâu sắc: Điều gì sẽ xảy ra nếu nhóm nghiên cứu tại Yale không pha thêm các chất ức chế thần kinh vào dung dịch máu của họ?
Nhiều khả năng, vẫn chẳng có gì xảy ra cả. Chỉ vì một số tế bào thần kinh riêng lẻ duy trì đáp ứng kích thích không có nghĩa là hàng triệu triệu tế bào thần kinh có thể tự tổ chức và vận hành để tạo nên một "linh hồn" có nhận thức thực sự.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng một số kích thích từ bên ngoài, một loại máy khử rung vỏ não chẳng hạn, sẽ khởi động lại được những bộ não đã chết này, như chúng ta dùng máy khử rung để hồi sinh trái tim.
Điều này dẫn chúng ta đến tình huống có một coi voi trong phòng. Nếu chúng ta có thể phát triển một một thủ tục y tế như vậy, có nên áp dụng nó với não người hay không? Trước khi ai đó muốn bàn lùi chuyện này, hãy nghĩ về một vài tình huống sau đây.
Bạn sẽ muốn làm gì nếu con bạn hoặc vợ bạn bị phát hiện đã chết đuối sau nhiều giờ, không còn mạch và không còn hơi thở? Tại thời điểm này, họ được cho là đã chết. Nhưng tình huống có thể được thay đổi hoàn toàn vào một ngày mà loại công nghệ hồi sinh não bộ được phát triển thành công.
Nền tảng của nó có thể chính là hệ thống BrainEx của đại học Yale. Đó có phải là một mục tiêu đáng để theo đuổi?
Não lợn là một bộ não lớn, không giống như chuột, loài động vật thí nghiệm được dùng phổ biến nhất. Vỏ não lợn cũng có nhiều nếp gấp giống như vỏ não của con người. Ngay tại thời điểm này, các thủ tục phẫu thuật thần kinh vẫn thường được thử nghiệm trên lợn trước khi chuyển sang thử nghiệm trên người.
Vì vậy, câu trả lời về mặt kỹ thuật là có; về nguyên tắc, chúng ta có thể theo đuổi một công nghệ hồi sinh não bộ như vậy. Nhưng đáng là một chuyện, chúng ta có nên làm điều đó hay không?
Câu trả lời của Koch là không, dựa trên đạo đức khoa học. Ông sẽ không ủng hộ việc đưa một con lợn hay thậm chí một ai đó sống lại với sự đau đớn, khuyết tật hoặc căng thẳng như một tác dụng phụ của những công nghệ chưa hoàn thiện.
Nhưng cũng theo Koch không phải nhà khoa học nào cũng giữ được đạo đức. Giống như câu chuyện hai bé gái biến đổi gen được tạo ra ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, khi lĩnh vực hồi sinh não bộ tiến đủ xa, vào một lúc nào đó, ở đâu đó trên thế giới sẽ lại có một nhà khoa học bất chấp mọi thứ, vượt qua lằn ranh giới mong manh để đánh bại thần chết.
Thật khó có thể tưởng tượng khuôn mặt của vị thần khi đó, không biết người ta sẽ vui hay buồn nhiều hơn vào ngày mình nghỉ hưu?
Tham khảo Scientificamerican, Washingtonpost
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI