Một người đàn ông, một ứng dụng, cùng Apple và Wal-Mart đang giúp Trung Quốc chống ô nhiễm môi trường

    Tấn Minh,  

    Có một sự thật tại Trung Quốc: nếu bạn muốn các nhà máy hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hãy "bêu xấu" họ trước mặt Apple và Wal-Mart, hiệu quả tốt hơn rất nhiều khi so với việc ép họ trả các khoản phí môi trường của chính phủ!

    Ma Jun là một nhà hoạt động môi trường tại Trung Quốc. Chiến lược của Ma Jun - được hỗ trợ bởi Tập đoàn Alibaba - là thu thập các dữ liệu thời gian thực từ các website chính phủ, vốn được trích xuất từ các thiết bị theo dõi nước thải tại 13.000 nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước nhiều nhất tại nước này. Dữ liệu này sau đó sẽ được tổng hợp vào một ứng dụng gọi là Blue Map.

    Những nhà máy vi phạm các điều khoản về bảo vệ môi trường phải đối mặt với hậu quả. Tổ chức không lợi nhuận của Ma Jun đã khiến một vài trong số các nhà máy này bị loại khỏi danh sách các nhà cung ứng của Apple, bị từ chối xếp hạng tín dụng mong muốn để đủ điều kiện phát hành trái phiếu, hoặc thậm chí là bị từ chối vay các khoản vay ngân hàng. Đối với Ma, phương pháp này hiệu quả hơn nhiều so với biểu tình phản đối hay vận động chính quyền địa phương, vốn có xu hướng làm các nhà cầm quyền tại Trung Quốc cảm thấy không mấy vui vẻ.

     Ma Jun

    Ma Jun

    Ứng dụng Blue Map của Ma Jun nhận được sự ủng hộ của công chúng đang rất quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc, góp phần giải quyết một trong những vấn đề lớn khiến chính quyền đau đầu: nước sạch cần cho mùa màng, các ngành công nghiệp và cuộc sống tại đô thị đang ngày một khan hiếm. Bằng cách sử dụng smartphone và các phương tiện truyền thông xã hội, hàng triệu công dân đã trở thành tiền tuyến trong chiến dịch quốc gia phát hiện và trừng phạt những kẻ gây ô nhiễm môi trường. Sự tham gia của cộng đồng đã góp phần làm tăng số vụ vi phạm quy định bảo vệ môi trường được báo cáo.

    Ma Jun, tác giả của cuốn sách gây ảnh hưởng lớn vào năm 1999 "Khủng hoảng nước của Trung Quốc", nói rằng cơ sở dữ liệu của ông có thể được bất kỳ ai truy cập và sử dụng miễn phí, và cơ sở dữ liệu này hiện đã có đến hơn 830.000 trường hợp các nhà máy xả quá nhiều chất thải hoặc giả mạo dữ liệu bằng cách can thiệp vào các thiết bị giám sát.

    "Đôi lúc việc vận động các cơ quan chính quyền địa phương xử lý hoặc phạt tiền các nhà máy này là rất khó, bởi các nhà máy này là một nguồn thu thuế khổng lồ" - Ma nói. "Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu các công ty này bị đưa vào tình thế đối mặt với việc bị loại bỏ khỏi danh sách nhà cung ứng của Apple. Bởi đối với họ, quyền lợi về mặt kinh tế mới là thứ đáng quan tâm nhất". Ma Jun cũng là nhà sáng lập của Viện các vấn đề Công cộng và Môi trường (IPE) tại Bắc Kinh.

     Ứng dụng Blue Map của IPE theo dõi số lượng các vụ vi phạm bảo vệ môi trường liên quan đến nước

    Ứng dụng Blue Map của IPE theo dõi số lượng các vụ vi phạm bảo vệ môi trường liên quan đến nước

    Cơ sở dữ liệu của Ma Jun được cập nhật mỗi 2 giờ một lần, đang dần trở thành một nguồn tham khảo quan trọng đối với các công ty phương Tây đang tìm nguồn cung ứng (sourcing) từ các đối tác Trung Quốc. Apple cho biết họ sử dụng thông tin này để nhận diện và giải quyết đến 196 vụ việc các nhà cung ứng vi phạm các điều luật về môi trường. Chỉ với một lần nhấn chuột, các thương hiệu như Levi's và Gap có thể kiểm tra xem các nhà cung ứng của họ có vi phạm hay không.

    Bảo vệ danh tiếng

    Cơ sở dữ liệu quý giá này giúp các thương hiệu lớn tiết kiệm được chi phí khi phải tự mình giám sát các nhà cung ứng - mà đôi lúc số lượng lên đến hàng chục ngàn - và đưa ra quyết định nên ưu tiên hoặc không ưu tiên các nhà máy có thể gây ảnh hưởng danh tiếng của mình.

    "Các công ty như Apple rất dễ bị tẩy chay" - Ethan Zuckerman, giám đốc Trung tâm truyền thông Công dân tại Viện công nghệ Massachusetts cho biết - "Do đó không có gì phải ngạc nhiên khi họ ủng hộ các nỗ lực như thế này".

    Paula Pyers - giám đốc phụ trách các nhà cung ứng tại Apple - cho rằng IPE là lực lượng đi đầu trong minh bạch hoá ngành công nghiệp. "Bảo vệ môi trường và giải quyết các tác động trong chuỗi cung ứng của chúng tôi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Apple".

    Tỷ phú Jack Ma của Alibaba cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này, phát biểu rằng ông muốn giúp đất nước có "nước sạch hơn, bầu trời xanh hơn, và thực phẩm an toàn hơn".

    Alibaba đã tuyên bố trong một email rằng tập đoàn này rất vui vì được hỗ trợ dự án Blue Map, bởi đây là "một dự án ý nghĩa và mang tính cải cách giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội".

    Đây là một vấn đề cấp bách đối với chính phủ Trung Quốc. Gần 9% các con sông và hồ tại quốc gia này đã bị ô nhiễm nặng nề cho đến cuối năm ngoái, theo một bản báo cáo hồi tháng 6.

    Luật pháp Trung Quốc quy định rằng nước máy chỉ được phép lấy từ các con sông đạt mức 1-3 trong thang đo ô nhiễm gồm 6 mức của nước này. Thế nhưng hầu hết các dịch vụ cung cấp nước lại không thể tìm được các nguồn đạt tiêu chuẩn như vậy mà không trải qua quá trình xử lý đặc biệt - Shen Liping, nhà sáng lập trung tâm bảo tồn và phát triển bền vững Thượng Hải Daorong cho biết.

    Mối lo ngại ô nhiễm môi trường

    Vấn nạn đầu độc hầu hết các nguồn cung cấp nước tại Trung Quốc trong hơn 3 thập kỷ qua đã trở thành một vấn đề chính trị lớn đối với sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chen JipingJiping - một cựu thành viên của Uỷ ban các vấn đề chính trị và lập pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã phát biểu hồi năm 2013 rằng mối quan ngại về môi trường cũng chính là mối quan ngại lớn nhất tại Trung Quốc.

     Ma Jun đang chụp ảnh một con cá chết tại một con sông ở Bắc Kinh

    Ma Jun đang chụp ảnh một con cá chết tại một con sông ở Bắc Kinh

    Thiếu nước, người dân bất mãn đối với các mối đe doạ sức khoẻ và áp lực từ chính quyền Trung ương quyết tâm kiềm chế ô nhiễm đã thúc đẩy các quan chức Trung Quốc phải mở rộng cửa trong hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như IPE. Chính luật về công bố thông tin môi trường năm 2008 của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng giúp IPE có thể thành lập cơ sở dữ liệu của mình. Ứng dụng Blue Map hiện là trái tim trong cuộc chiến chống lại một trong những kẻ thù chung lớn nhất của chính quyền trung ương: "những nguồn nước đen hôi thối".

    Thuật ngữ "những nguồn nước đen hôi thối" (Stinky Black Waters) ám chỉ những con sông ô nhiễm nhất của Trung Quốc, mà theo số liệu mới nhất vào tháng 3 đã lên tới con số 2.059. Bằng cách sử dụng ứng dụng Blue Map, người dân có thể upload hình ảnh của các dòng chảy bị ô nhiễm, hoặc đưa ra những phàn nàn tới chình quyền, và chính quyền sẽ phải đưa ra câu trả lời sơ lược trong vòng 7 ngày. Người dân có thể theo dõi trên ứng dụng để xem liệu chính quyền có đang làm việc với các bên liên quan hay không.

    Bộ bảo vệ môi trường đã cho biết, đến tháng 3 vừa qua, họ đã nhận được 2.997 lời phàn nàn, trong đó có hơn một nửa dẫn đến các cuộc điều tra hiệu quả.

    "Trong quá khứ, những phàn nàn như thế này thường sẽ nhanh chóng bị quên lãng" - Ma Jun nói. "Đây là một đột phá của Trung Quốc trong việc người dân tham gia vào công việc nhà nước và công bố thông tin nói chung".

    Tất nhiên, không phải mọi nỗ lực chống ô nhiễm môi trường của các tổ chức phi chính phủ đều thành công. Danger Maps - một trang dữ liệu, cũng được hỗ trợ bởi Alibaba, đã yêu cầu người dân Trung Quốc đánh giá chất lượng nước thông qua sử dụng một bộ kiểm tra nước giá 10 USD và smartphone của họ. Dự án này cuối cùng không thể thực hiện được. Liu Chunlei - nhà sáng lập Danger Maps - nói rằng ông không nhận được lời giải thích nào, nhưng theo ông có lẽ do việc này quá nhạy cảm.

    Mục tiêu tiếp theo của IPE là lên kêu gọi nhiều công ty hơn nữa, bao gồm các nhà phát triển bất động sản, ngân hàng, nhà bán lẻ..., sử dụng cơ sở dữ liệu của mình, qua đó sẽ có thêm nhiều nhà cung ứng và các nhà máy được giám sát.

    "Với việc nhiều thông tin công được tiết lộ, cùng sự tham gia của công chúng, các công ty hiện đã bắt đầu chủ động hơn trong bảo vệ môi trường" - Ma Jun nói. "Nếu họ không làm vậy, nguy cơ ảnh hưởng là quá cao".

    Tham khảo: Bloomberg Technology

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ