Một sinh viên bỏ học ở tuổi 23 vừa cho ra mắt dịch vụ đặt xe chỉ rẻ bằng 1/3 Uber tại London
Đó là ứng dụng đặt xe mới có giá rẻ hơn cả “ông trùm” Uber được phát triển bởi một chàng trai 23 tuổi.
Ứng dụng có tên Taxify vừa phát hành hôm thứ Ba tại London khiến Uber phải dè chừng bởi chính sách giá ưu đãi giảm tới 50% cho những ai tải xuống trong tháng 9.
Giống như đối thủ, Taxify cho phép người dùng cài đặt trên smartphone để đăng ký số, từ đó có thể gọi taxi theo vị trí. Hành khách được chọn 2 hình thức thanh toán là trả bằng tiền mặt hoặc dùng tài khoản ngân hàng đăng ký trước đó chuyển qua ứng dụng.
Markus Villig, 23 tuổi người Estonia cũng bỏ Đại học để theo đuổi đam mê
Tờ Business Insider đã có dịp trải nghiệm dịch vụ của cả hai cái tên kể trên và nhận thấy giá của Taxify rẻ hơn gấp 3 lần Uber. Một chuyến đi từ Aldgate East tới ga Angel tốn 4,35 bảng Anh đối với Taxify trong khi Uber X tính phí 16 bảng.
Người sáng lập ra dịch vụ đi nhờ xe mới là Markus Villig, 23 tuổi người Estonia. Cậu tạo ra ứng dụng này tại quê nhà rồi mở rộng sang 19 thị trường khác ở châu Phi và châu Âu.
Nhờ nguồn tài chính từ Didi Chuxing của Trung Quốc, Taxify đang mang tham vọng lật đổ Uber tại những thị trường lớn nhất. Trước đó, Villig cho biết đã huy động được khoảng 2 triệu Euro từ nguồn đầu tư bên ngoài. Sau London, dịch vụ gọi taxi này sẽ đổ bộ Paris.
Hiện tại, Uber là công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thế giới (chưa IPO) với việc huy động vốn lên đến 15 tỷ USD để thúc đẩy quá trình mở rộng toàn cầu. Dịch vụ này chiếm ưu thế hoàn toàn tại London với 40.000 tài xế đăng ký trong khi số taxi truyền thống chỉ vào khoảng 22.500. Taxify hiện hợp tác với 10.000 lái xe tại London.
Taxify được chống lưng từ nguồn tài chính dồi dào của Didi Trung Quốc
Nhà sáng lập Villig khẳng định Taxify có 2 ưu điểm vượt trội hơn. Trước tiên, hãng không huy động hàng tỷ USD tiền đầu tư, qua đó chịu ít áp lực về lợi nhuận và khoản trả lãi, ngoại trừ Didi Chuxing.
Thứ hai, cam kết của Taxify là lấy chiết khấu ít và đối xử tốt hơn với lái xe. Cụ thể, công ty có kế hoạch chỉ thu 10 – 15% trên giá dịch vụ. Trong khi Uber lại cắt 20 – 25% hoa hồng, lý do khiến khoảng 300 tài xế xuống đường phản đối tại London hồi năm 2015.
“Chúng tôi giảm giá để khách hàng có cơ hội trải nghiệm. Thắng lợi của chúng tôi là có mặt tại 19 quốc gia. Công ty hướng tới tầm nhìn dài hạn, mức giá thấp sẽ tạo ra sự thiện cảm. Và xa hơn nữa, nếu các lái xe cảm thấy hài lòng sẽ tạo cơ sở để mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, qua đó giúp chúng tôi giữ chân họ”, Villig chia sẻ.
Vẫn còn rất nhiều cái để nói “thế nhưng”
Taxify đưa ra giá cước thấp là điều dễ hiểu khi mới xâm nhập thị trường, nhưng liệu tài xế có được hưởng lợi hay không. Họ vẫn phải chi trả các khoản bảo dưỡng, thuê xe hoặc khoản thanh toán khác vào mỗi tháng.
Villig cho biết, lái xe được phép tự do chuyển đổi giữa các ứng dụng để kiếm được nhiều tiền hơn vì các yêu cầu của Taxify tương đối giống Uber. Ông khẳng định, trung bình ‘đối tác’ của họ kiếm hơn 10% so với mức lương tối thiểu.
Một trong những mối bận tâm lớn nhất từ các ứng dụng đi nhờ xe là việc đảm bảo an toàn cho hành khách. Nhân viên Uber từng bị cảnh sát London cáo buộc tội hành hung. Villig trấn an bằng việc cam kết tài xế Taxify đã được đội ngũ công ty gặp gỡ, đào tạo kỹ lưỡng.
“Chúng tôi làm tất cả theo đúng yêu cầu của pháp luật để đảm bảo họ (tài xế) được cấp phép và các vấn đề liên quan”, Villig cho biết. Ngoài ra, ứng dụng còn có các tính năng an toàn như chia sẻ vị trí của khách hàng với một người bạn của họ.
Taxify đã “đi đường tắt” để sớm có giấy phép hoạt động tại London. Thông thường, các công ty như vậy cần tới sự chấp thuận của Cơ quan Vận tải London. Tuy nhiên, hãng đã bỏ qua quá trình này bằng cách mua lại giấy phép của City Drive Services.
Villig tiết lộ, Taxify có đội ngũ nhân viên 200 người trên toàn cầu, tăng 30 người so với một năm trước. Ông khẳng định công ty đang phát triển nhanh chóng với gần 3 triệu khách hàng và vài triệu lượt chạy xe mỗi tháng. Đội ngũ giám sát khá nhỏ, chỉ gồm Villig, một đồng sáng lập khác và đại diện của Didi Chuxing.
Về tương lai, Villig chia sẻ: “Tất nhiên, có rất nhiều bên quan tâm (mua lại). Nhưng những gì chúng tôi muốn tập trung là giữ cho công ty tiếp tục phát triển. Chúng tôi sẽ công bố báo cáo tài chính trong vài năm tới đây.”
Một phát ngôn viên của Uber bày tỏ sự hoan nghênh trước việc Taxify tham gia thị trường khi cho rằng nó góp phần tạo tính cạnh tranh để thúc đẩy chất lượng dịch vụ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"