Một số mạng xã hội lập lờ thuật toán, đẩy nội dung độc hại lên xu hướng

    Chí Hiếu,  

    Trong thời gian dài, một số mạng xã hội đẩy nhiều nội dung xấu độc, được lan truyền do thuật toán, vì vậy cần yêu các nền tảng công khai cách phân phối nội dung.

    Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 147/2024, đưa ra nhiều quy định mới nhằm kiểm soát nội dung trên mạng xã hội và tăng cường trách nhiệm của các nền tảng.

    Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thẳng thắn chỉ ra việc một số trang mạng xã hội đẩy nội dung xấu độc tiếp cận với người dùng.

    Cụ thể, ông Tự Do khẳng định, "trong thời gian dài một số mạng xã hội lập lờ về thuật toán phân phối nội dung. Nhiều nội dung xấu được lan truyền, tạo xu hướng có thể do được "bơm đẩy", trong khi nội dung tích cực thì không được ưu tiên".

    Một số mạng xã hội lập lờ thuật toán, đẩy nội dung độc hại lên xu hướng- Ảnh 1.

    Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử.

    Trước những vấn đề còn đang tồn tại, Nghị định 147 yêu cầu các mạng xã hội phải mô tả rõ quy trình phân phối nội dung và công khai trong Thỏa thuận Cung cấp Dịch vụ hoặc Tiêu chuẩn Cộng đồng.

    Các nền tảng này cũng cần cung cấp công cụ tìm kiếm và rà soát nội dung theo yêu cầu của Bộ TT&TT hoặc Bộ Công an.

    Theo lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, người dùng có quyền biết cách các nền tảng tạo xu hướng. Những mạng xã hội cố tình lan truyền nội dung độc hại sẽ bị xử lý nghiêm khắc, bị tẩy chay.

    Người dùng mạng xã hội "miễn phí", nhưng thực tế đang trả quyền lợi cho các nền tảng bằng cách nào đó. Nhờ có người dùng mà nền tảng có thể phân phối quảng cáo. Vì vậy người dùng cần được đối xử như khách hàng.

    Một số mạng xã hội lập lờ thuật toán, đẩy nội dung độc hại lên xu hướng- Ảnh 2.

    Một số cá nhân lợi dụng vụ việc phát hiện nhiều hài cốt tại ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội để livestream trên nền tảng Tiktok thu hút hàng nghìn người xem.

    Nói về việc cấp biểu tượng xác thực (tick xanh) của nền tảng, cho tài khoản, trang hoặc kênh của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có pháp nhân tại Việt Nam và cả những cá nhân có ảnh hưởng lớn. Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định "đây là trách nhiệm, chứ không phải là xin cấp tick xanh".

    Đối với nền tảng mạng xã hội Facebook, có một trang để người dùng gửi yêu cầu cấp dấu xác thực, ngoài các loại giấy tờ tùy thân, tài liệu chứng minh, nền tảng này còn yêu cầu cung cấp “5 bài báo, tài khoản mạng xã hội và các liên kết khác để chứng tỏ Trang hoặc trang cá nhân của bạn phục vụ lợi ích của công chúng”. Tuy nhiên, điều kiện để được giao “tick xanh” không được nền tảng công bố.

    Đồng thời, cũng không dễ dàng có tích xanh trên nền tạng xã hội YouTube, khi điều kiện đưa ra là chỉ cấp dấu xác minh chính chủ cho những kênh trên 100.000 người đăng ký.

    Một số mạng xã hội lập lờ thuật toán, đẩy nội dung độc hại lên xu hướng- Ảnh 3.

    Mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam.

    Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng quy định về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam

    Yêu cầu bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh MXH thường xuyên vi phạm.

    Xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đồng thời cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm.

    Mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam…

    Kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật; trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản mạng xã hội; mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng xã hội; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng…

    Các quy định này áp dụng chung cho các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày