Một số người khiếm thính từ chối đặc ân được nghe thấy, bạn sẽ không hiểu tại sao cho đến khi đặt mình vào vị trí của họ

    zknight,  

    Có một nền văn hóa của sự im lặng.

    Hãy xem hết đoạn video đầy xúc động này, một người phụ nữ lần đầu tiên nghe được giọng nói của mình năm cô đã 29 tuổi. Sloan Churman, khiếm thính bẩm sinh, và có một ốc tai điện tử được cấy ghép. Đoạn video ghi lại khoảnh khắc, thiết bị nghe của cô được bác sĩ kích hoạt, lần đầu tiên sau cuộc phẫu thuật:

    Nhận được một ốc tai điện tử cấy ghép, Sloan Churman lần đầu tiên nghe thấy giọng nói của chính mình, năm cô đã 29 tuổi

    Hơn 26 triệu lượt xem, không có gì phải ngạc nhiên khi video này đạt tới độ lan truyền kinh khủng như vậy. Bất kể một ai, tính cả bạn, trong 26 triệu người đều sẽ đặt mình vào vị trí của Churman, giữa cái cảm giác nửa khóc nửa cười để vui mừng cho cô. Nhiều người hẳn đã không cầm được nước mắt.

    Một điều chắc chắn, Churman không phải người duy nhất nhận được cấy ghép ốc tai điện tử. Nếu bạn tò mò và search từ khóa “cochlear implant” trên Youtube, sẽ có cả ngàn kết quả ghi lại những người khiếm thính khắp nơi trên thế giới, trong khoảnh khắc đầu tiên họ kích hoạt thiết bị cấy ghép của mình:

    Một đứa bé cảm thấy thú vị đến ngộ nghĩnh khi nghe được giọng nói của mẹ, một người đàn ông bật khóc khi cuối cùng cũng có thể nghe thấy giọng nói của chính mình… Trong mỗi video, chúng ta đều có thể cảm nhận được một niềm vui giản đơn nhưng vô bờ bến của người khiếm thính.

    Thế nhưng, một vài video ngắn ngủi không nói cho bạn biết: Cấy ghép ốc tai cũng có những mặt tối của nó. Đối với một số người, thủ thuật này sẽ khiến cuộc sống của họ thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, với một số người khác, khiếm thính và giờ nghe được sẽ đem đến nhiều sự phiền toái hơn là một phép lạ.

     Ốc tai điện tử có thể cho phép những người khiếm thính nghe được

    Ốc tai điện tử có thể cho phép những người khiếm thính nghe được

    Ốc tai điện tử là một hệ thống phức tạp được cấy ghép vào vùng tai trong, kích thích dây thần kinh thính giác của người khiếm thính và cho phép họ phục hồi chức năng nghe. Nó gồm 2 phần chính: Phần đeo bên ngoài là một micro thu nhận âm thanh, và bộ phận mã hóa tín hiệu điện. Phần bên trong, được cấy ghép sau da đầu, là một bộ phận thu tín hiệu, cộng với dải điện cực đặt xuyên vào vòng xoắn ốc của tai.

    Khi thiết bị được kích hoạt, micro thu nhận âm thanh, mã hóa nó thành tín hiệu điện và truyền vào thiết bị bên trong bằng sóng radio xuyên qua da. Các tín hiệu sau đó truyền qua dải điện cực kích thích dây thần kinh thính giác, giúp người khiếm thính có thể nghe được.

    Cấy ghép ốc tai điện tử được các bác sĩ coi là một phương pháp "chữa trị", nhưng thực sự điều đó không đơn giản như những gì chúng ta có thể tưởng tượng.

    Theo Howard A. Rosenblum, Giám đốc điều hành Hội người khiếm thính Hoa Kỳ, số lượng người lựa chọn cấy ghép ốc tai điện tử liên tục tăng, kể từ khi thủ thuật này được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt vào năm 1980.

    Điều này chủ yếu đến từ quan niệm của các bác sĩ, cho rằng khiếm thính là một bất thường thể chất cần được 'chữa khỏi'”, Rosenblum cho biết. “Nhiều bác sĩ đã từng thực hiện cấy ghép ốc tai điện tử đang tích cực thúc đẩy thủ thuật này trở thành một phương pháp 'chữa bệnh'. Nhiều bậc cha mẹ đang bối rối vì con họ bị khiếm thính bẩm sinh cũng nghe lời bác sĩ mà lựa chọn cấy ghép ốc tai điện tử cho những đứa trẻ, bởi các bác sĩ nói đó là một công nghệ chữa trị”.

    Vậy là 90% trẻ em khiếm thính đã nghe thấy được tiếng nói của cha mẹ. Cấy ghép ốc tai điện tử là một lựa chọn hấp dẫn, nó mang đến một lời hứa hẹn rằng những đứa trẻ có thể giao tiếp một cách dễ dàng hơn. Nếu được cấy ghép ốc tai ở tuổi còn nhỏ, những đứa trẻ sẽ lớn lên bình thường, học và hiểu được ngôn ngữ thường ngày, không cần giao tiếp qua cử chỉ?

    Nhưng triết lý coi cấy ghép ốc tai điện tử là một công nghệ “chữa bệnh” hẳn đã sai lầm.

    Hãy xem những người khiếm thính đã không thể hiểu được ngôn ngữ, ngay sau khi thiết bị được kích hoạt. Họ phải mất hàng tháng, hoặc thậm chí nhiều năm liền, ghé thăm tới lui các phòng trị liệu ngôn ngữ để học cách xử lý từng tín hiệu âm thanh xa lạ. Họ phải được đào tạo để đọc được tiếng nói từ môi, nhận diện âm sắc và dĩ nhiên là nói chuyện.

    Nhiều người không nhận ra rằng phẫu thuật chỉ là một mảnh ghép nhỏ của vấn đề”, một người cha của hai đứa trẻ khiếm thính đã nhận cấy ghép ốc tai cho biết. “Thủ thuật là một cú sốc đối với não bộ, vì nó chưa bao giờ từng giải mã những tín hiệu âm thanh trước đó”.

    Giống như việc lần đầu tiên bạn cố gắng đọc mã lệnh của một lập trình viên, đôi khi cấy ghép mang đến sự mệt mỏi, suy sụp. Mọi âm thanh là quá khó, cho một người lần đầu tiên nghe thấy nó, có thể hiểu được.

     Những đứa trẻ khiếm thính thường được cấy chép ốc tai điện tử, dưới sự quyết định của cha mẹ

    Những đứa trẻ khiếm thính thường được cấy chép ốc tai điện tử, dưới sự quyết định của cha mẹ

    Đây là câu chuyện của Brandon Edquist, người bị mất thính lực từ khi anh mới 2 tuổi. Sau đó một năm, cha mẹ quyết định cấy ghép một ốc tai điện tử cho anh. Thiết bị cấy ghép vẫn nằm phía sau tai Edquist, cho đến tận bây giờ, khi anh 24 tuổi.

    “Tôi thực sự không biết tại sao mình lại được đưa tới bệnh viện”, anh nhớ lại. “Hôm đó, khi tôi đang vui đùa với cha tôi ở khu vực sảnh chờ, một bác sĩ đi tới với một chiếc ô tô đồ chơi. Ông đặt tôi lên xe và đẩy về phía phòng mổ. Sau đó, họ đặt tôi lên bàn rồi gây tê. Điều tiếp theo tôi cảm nhận được là đầu mình đau như búa bổ”.

    Đó là sau khi phẫu thuật thành công và Edquist gắn bó cuộc đời anh với một thiết bị nghe bên ngoài đầu. Cha mẹ Edquist đưa anh tới trung tâm trị liệu ngôn ngữ. Nhưng anh sớm nhận ra một điều rằng sống với cái ốc tai được cấy ghép thật không thể chịu nổi.

    Nó tạo ra một tiếng ồn nhân tạo réo lên trong đầu khiến anh không thể tập trung vào các âm thanh khác. Anh bắt đầu học cách kết hợp những âm thanh với từng từ ngữ cụ thể, luôn cố gắng thế nhưng kết quả thật đáng thất vọng.

    Bất lực trong cách phân biệt những âm thanh, “tôi đã từng giả vờ vô tình phá hỏng thiết bị đeo bên ngoài, thả nó vào bồn cầu”, Edquist nói. “Nhưng bất chấp mọi nỗ lực vô ích của tôi, cha mẹ luôn đưa tôi trở lại phòng khám và lắp một cái ốc tai điện tử mới”.

    Lên tới trung học, Edquist luôn đeo thiết bị bên tai. Nhưng anh cũng chỉ đeo cho có lệ mà thường xuyên tắt nó đi. Che mẹ anh thì không muốn vậy. Kết quả là Edquist luôn bị trừng phạt và cấm ra ngoài chơi bởi sự bướng bỉnh của mình.

    Nhưng cũng chẳng phải đợi đến khi Edquist vào trung học, cha mẹ anh đã thừa nhận rằng: Những năm tháng trị liệu ngôn ngữ đã chẳng giúp ích gì cho con trai họ. Edquist có lẽ đã sống hạnh phúc hơn, nếu anh chẳng cấy ghép ốc tai điện tử và chỉ sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp.

    Cha mẹ tôi nhiều lần nói rằng ốc tai điện tử là ‘cần thiết’ cho tôi, rằng nó là điều kiện để hội nhập với xã hội và có một tương lai thành công với nó. Nhưng sự thật đâu phải vậy. Tôi đã gặp biết bao nhiêu người đã từng cấy ghép ốc tai điện tử nhưng đã không sử dụng nó”, Edquist nói. “Gắn vào đầu một ốc tai điện tử không phải cách duy nhất cho người khiếm thính tìm được thành công trong cuộc đời họ”.

     Đôi khi, việc nghe được là một phiền toái lớn

    Đôi khi, việc nghe được là một phiền toái lớn

    Cấy ghép ốc tai điện tử tiếp tục nuôi dưỡng cái ý tưởng rằng, những người khiếm thính có tai bị hỏng và họ cần được “sửa chữa”. Tuy nhiên, nhiều người khiếm thính sẽ không đồng ý với điều đó.

    Trang BusinessInsider chia sẻ câu chuyện về một người thanh niên trẻ tuổi, anh cũng từng được cấy ghép ốc tai điện tử từ khi mới lên 7. Khi đó, bắt đầu nghe được tiếng nói của cha mẹ và anh em ruột trong nhà có vẻ như là lựa chọn tốt nhất mà người ta có thể mang đến cho anh.

    Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi anh vào Đại học Gallaudet, một trường đại học duy nhất trên thế giới ở Washington, được thiết kế nhằm xóa bỏ mọi rào cản với người khiếm thính.

    Một điều mà đã gây ảnh hưởng rất mạnh tới tôi, tất cả các giáo viên ở đây đều sử dụng ngôn ngữ kí hiệu”, anh cho biết. “Tôi không cần một người thông dịch viên như tôi vẫn có ngày trước. Giao tiếp và tham gia với một giáo viên sử dụng ngôn ngữ kí hiệu là một trải nghiệm đáng kinh ngạc. Tôi có thể là chính mình và cảm thấy rất thoải mái với các giáo viên tại Gallaudet”.

     Đại học Gallaudet, Washington muốn xóa bỏ mọi rào cản với người khiếm thính

    Đại học Gallaudet, Washington muốn xóa bỏ mọi rào cản với người khiếm thính

    Đó là tại Gallaudet, người thanh niên ấy lần đầu tiên tham gia vào thế giới của những người khiếm thính, ở đó có hẳn một nền văn hóa. Cũng giống như bất kể một nền văn hóa nào khác, người khiếm thính cũng có lịch sử riêng của họ, những người anh hùng, một truyền thống, các giá trị nghệ thuật. Và quan trọng nhất, người khiếm thính cũng có một ngôn ngữ giàu có và hết sức biểu đạt.

    Không cần phải đợi cho đến khi đắm chìm vào nền văn hóa ấy, anh mới nhận ra rằng mình chẳng cần một cấy ghép ốc tai sau tất cả.

    Khi tôi nhìn nhận ra được và tham gia vào nền văn hóa của người khiếm thính với những ngôn ngữ cử chỉ, cuối cùng, tôi nhận ra rằng tôi đã tìm được bản thể của chính mình”, anh nói. “Tôi là một người khiếm thính và tôi tự hào về điều đó. Từ khi ấy, tôi không tìm thấy một mục đích nào để tiếp tục đeo thiết bị ốc tai điện tử”.

     Một giáo viên tại Đại học Gallaudet sử dụng ngôn ngữ cử chỉ

    Một giáo viên tại Đại học Gallaudet sử dụng ngôn ngữ cử chỉ

    Việc những người khiếm thính nói không với các ốc tai điện tử là điều mà những người bình thường khó có thể hiểu. Tại sao nhiều người khiếm thính không muốn được “chữa trị”, để họ có thể nghe được như người bình thường?

    Trong thực tế, nhiều người khiếm thính coi những ốc tai điện tử là ngọn đuốc đang đốt cháy nền văn hóa của họ. Lý do bởi những đứa trẻ được cấy ghép ốc tai điện tử thường cũng không được dạy ngôn ngữ cử chỉ nữa. Lẽ ra chúng đã có lựa chọn lớn lên giữa một thế giới mà chúng thuộc về, với những ngôn ngữ kí hiệu. Nhưng, cha mẹ chúng muốn chúng phải được "chữa trị", những đôi tai hỏng phải được "sửa chữa".

    Có điều gì để mà ‘sửa chữa’?”, Edquist hỏi. “Chúng tôi hạnh phúc với những gì mình có. Chúng tôi không xem việc khiếm thính là một vấn đề”.

    Có vô số người khiếm thính vẫn đạt đến những thành công và trở thành người phi thường”, anh chàng đã tốt nghiệm Đại học Gallaudet cho biết. “Tóm lại là chúng tôi cũng giống như người bình thường, trừ ở điểm chúng tôi không thể nghe. Người khiếm thính vẫn có thể làm bất cứ thứ gì, vậy đó”.

     Đối với một số người khác, đừng cấy ghép ốc tai điện tử sẽ giúp họ có một cuộc sống êm đềm mà hạnh phúc hơn, bên trong thế giới và nền văn hóa im lặng vốn có của họ.

    Đối với một số người khác, đừng cấy ghép ốc tai điện tử sẽ giúp họ có một cuộc sống êm đềm mà hạnh phúc hơn, bên trong thế giới và nền văn hóa im lặng vốn có của họ.

    Bây giờ, bạn đã hiểu tại sao, cứ mỗi lần một video ghi lại khoảnh khắc ai đó kích hoạt ốc tai điện tử được chia sẻ, nó có thể lại tạo nên một cuộc tranh luận. Những người khiếm thính khẳng định rằng trẻ em khiếm thính không cần phải cấy ghép ốc tai điện tử. Trong khi đó, những người bình thường cãi lại, cho rằng tuyên bố ấy giống như việc họ trước đi quyền được nghe của chúng.

    Ngay trong cả cộng đồng của những người khiếm thính cũng diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt. Nhưng sự thật là không có một câu trả lời chung nào cho tất cả mọi người.

    Rất nhiều người khiếm thính đã cảm thấy hạnh phúc và biết ơn vì nhận được một ốc tai cấy ghép. Bạn chắc chắn cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ của họ qua những đoạn video. Nhưng mặt còn lại của câu chuyện là thứ mà bạn cũng đã nhìn thấy: Đối với một số người khác, đừng cấy ghép ốc tai điện tử sẽ giúp họ có một cuộc sống êm đềm mà hạnh phúc hơn, bên trong thế giới và nền văn hóa im lặng vốn có của họ.

    Cấy ghép ốc tai không phải là một phép màu như mọi người vẫn nghĩ. Nếu không đặt mình vào một người khiếm thính, sống trong văn hóa của người khiếm thính, bạn sẽ không nhận ra được thế giới riêng và những giá trị riêng của họ. Bởi vậy, chúng ta đừng bao giờ đứng ở vị trí của mình mà vội vàng kết luận rằng: Cái đặc ân được nghe thấy, dĩ nhiên, là niềm hạnh phúc dành cho những người khiếm thính.

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ