Một thiết bị "nửa nạc nửa mỡ" như Surface Duo sẽ dành cho ai?
Có thể nói rằng, Surface Duo là thiết bị nằm giữa giữa smartphone "thường" và smartphone gập.
Nếu như các nhà sản xuất Android đã chọn 2019 làm năm ra mắt các công nghệ màn hình gập hay màn hình "bao" đến tay người dùng thì năm nay lại chứng kiến khá ít ý tưởng mới ra đời. Thật bất ngờ, trong khi Samsung hay Huawei chỉ tập trung hoàn thiện các thiết kế cũ, danh hiệu chiếc điện thoại Android "dị" nhất của năm 2020 chắc chắn sẽ thuộc về Microsoft. Theo các thông tin rò rỉ, "trong mùa hè" chiếc điện thoại gập Surface Duo sẽ chính thức ra mắt, cho phép người dùng được lần đầu tiên tận hưởng một trải nghiệm Android của riêng Microsoft trên một thiết bị gập 2 màn hình.
Nửa nạc và nửa mỡ
Surface Duo: Một trải nghiệm Android đầy đủ...
Đúng vậy, Surface Duo thực sự là một thiết bị "nửa nạc nửa mỡ". Trên khía cạnh phần cứng, có lẽ bạn đã nhận ra rằng mẫu smartphone của Microsoft nằm lưng chừng giữa smartphone truyền thống và smartphone màn hình gập. Giống như Galaxy Fold, Surface Duo có thể coi là một thiết bị được chia thành hai nửa. KHÁC với Galaxy Fold, Surface Duo bị chia thành hai nửa rõ rệt qua bản lề ở giữa.
Mẫu smartphone của Microsoft có thể coi là 2 mẫu smartphone 5.6 inch gộp lại. Thậm chí, gần như toàn bộ các tính năng được hé lộ của Surface Duo đến thời điểm này đều coi 2 màn hình là 2 bộ phận riêng biệt - để đa nhiệm 2 ứng dụng, để sử dụng một màn hình là bàn phím ảo v...v... Thiết kế này trái ngược hoàn toàn với Galaxy Fold hay Mate X, vốn là điện thoại màn hình "nhỏ" mở rộng thành màn hình lớn.
Rõ ràng, Microsoft sẽ không thể thỏa mãn những người đang thèm muốn trải nghiệm điện thoại gập của Samsung. Vậy, mục tiêu của Microsoft khi tạo ra Duo là gì?
Surface Duo cũng có thể coi là thiết bị nằm giữa smartphone thường và smartphone gập.
Câu trả lời: Người dùng chuyên nghiệp
Nếu để ý kỹ vào chiến lược của Microsoft trong những năm qua, bạn sẽ thấy gã khổng lồ phần mềm đã liên tục chuyển mình thành kẻ đi đầu trong lĩnh vực giải pháp doanh nghiệp và người dùng chuyên nghiệp. Ngay cả trong quý 1 vừa qua, khi các ông lớn khác khốn đốn vì Covid-19, Microsoft vẫn đứng vững và thậm chí là còn tăng trưởng khi nhu cầu làm việc tại nhà nâng cao. Trong bối cảnh cả thị trường PC đi xuống, doanh số Surface vẫn tăng trưởng.
Toàn bộ danh mục Surface được dành cho người dùng chuyên nghiệp, và những chiếc Duo cũng vậy. Khi phát triển mẫu điện thoại gập này, Microsoft đã nhìn ra một lỗ hổng của thị trường: smartphone vẫn chưa thể tạo ra trải nghiệm đa nhiệm 2 cửa sổ, vốn có thể coi là nhu cầu bắt buộc khi làm việc. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cần một cửa sổ để tra cứu thông tin, một cửa sổ để ghi chép. Hoặc, bạn sẽ cần một cửa sổ để theo dõi thông tin chung, và một cửa sổ để xem chi tiết chẳng hạn.
Ngay tại lễ ra mắt, giám đốc sản phẩm Panos Pinay đã ngay lập tức xoáy vào trải nghiệm độc đáo này. Toàn bộ màn demo đầu tiên của Surface Duo được dành để thể hiện cách 2 màn hình riêng biệt có thể giúp tạo ra một trải nghiệm độc đáo chưa từng có trên điện thoại. Với Outlook, cửa sổ bên trái để xem toàn bộ hòm thư, màn hình bên phải để xem nội dung thư. Với Edge và OneNote, thông tin đã bôi đen trên trình duyệt có thể được kéo và thả vào ghi chú. Với cuộc gọi Skype mở trên màn hình bên phải, màn hình bên trái có thể dùng để tìm và lựa chọn địa điểm cho cuộc hẹn sắp tới.
Người dùng Surface Duo sẽ được sở hữu một tính năng vốn chỉ phổ biến trên PC và laptop: Đa nhiệm 2 cửa sổ.
Tính năng tưởng đơn giản, nhưng lại chưa có mặt trên smartphone hiện tại. Những chiếc smartphone "thường" vẫn có màn hình quá nhỏ để đa nhiệm 2 tác vụ cùng lúc: ngay cả Galaxy S20 Ultra khi chia đôi cũng sẽ chỉ tạo ra 2 khối màn hình có diện tích nhỏ như lòng bàn tay. Smartphone màn hình gập thì sao? Đầu tiên, chúng quá đắt đỏ: giá Galaxy Fold hay Galaxy Z Flip thừa đủ để người dùng mua Surface Pro VÀ Galaxy S. Tiếp đến, cả Samsung, Huawei lẫn Google đều chưa tạo ra một nền tảng ứng dụng cho phép người dùng thực hiện đa nhiệm một cách dễ dàng. Cuối cùng và có lẽ là đáng lo nhất, màn hình gập vẫn tồn tại nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng.
Việc dùng 2 màn hình riêng biệt vừa đáp ứng được tính năng mới này, vừa giúp tránh được các vấn đề mà smartphone gập vẫn đang gặp phải. Sử dụng bản lề để kết nối 2 màn hình truyền thống sẽ giảm thiểu các nguy cơ hư hỏng và cũng không buộc Microsoft phải mua những tấm màn AMOLED dẻo đắt đỏ. Tại sự kiện ra mắt, Microsoft cũng nhắc đến các API riêng biệt, và sau đó Microsoft cũng đã demo trải nghiệm Duo qua một ứng dụng giả lập. Microsoft là một trong ít ỏi những gã khổng lồ công nghệ có khả năng tạo ra một trải nghiệm phần mềm mới trên smartphone.
Những đối thủ lớn
Với một bộ bàn phím vật lý không dây, có thể hình dung được rằng Surface Duo sẽ biến thành một cỗ "laptop" thu nhỏ, đủ để phục vụ cho các tác vụ văn phòng cơ bản. Bằng cách này, Microsoft sẽ tiếp tục được giấc mơ trước đây của Lumia: biến smartphone thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống số của người dùng chuyên nghiệp.
Với Surface Duo, Microsoft sẽ lại đánh cược vào nhu cầu làm việc trên smartphone của người dùng chuyên nghiệp
Nhưng hành trình của Surface Duo chắc chắn sẽ không êm ả. Với lịch ra mắt hiện tại, Surface Duo sẽ phải chạm trán trực tiếp cùng Galaxy Note, dòng sản phẩm vốn nổi danh trong giới sáng tạo nội dung nhờ trải nghiệm stylus trên màn hình cỡ lớn. Những chiếc iPhone ra mắt sau đó vài tháng cũng sẽ thu hút sự chú ý của người dùng chuyên nghiệp, nhất là khi Apple đã nhận được sự hậu thuẫn của các ông lớn trong mảng ứng dụng doanh nghiệp như IBM, SAP hay General Electrics.
Thành công hay thất bại của Duo vì thế sẽ được đặt cược vào một tính năng duy nhất: những ứng dụng có khả năng chạy song song trên 2 màn hình cùng lúc. Đó cũng là lý do để Microsoft tạo ra một thiết bị "nửa nạc nửa mỡ", nằm giữa Android và Windows, nằm giữa smartphone "thường" và smartphone "gập". Hiện tại, chưa có một ông lớn nào có thể đem trải nghiệm đa nhiệm giống như Windows lên smartphone cả. Surface Duo sẽ là kẻ đầu tiên làm được điều tưởng chừng đơn giản mà vô cùng khó khăn này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4