Mua bàn phím cơ giá rẻ Trung Quốc, hay hàng qua sử dụng của Nhật?

    Dee Tee,  

    Có nên mua một bàn phím cơ cũ?

    Cách đây gần 2 năm, thị trường Việt Nam bỗng nhận một cơn bão lớn các sản phẩm "bàn phím giả cơ" từ những thương hiệu như IROCK hay Fuhlen. Giá bán của bàn phím giá cơ khi đó dao động trong khoảng 500 ngàn tới 1 triệu VNĐ.

    Nhưng giai đoạn cuối năm 2015, người dùng Việt đón nhận rất nhiều sản phẩm "phím cơ thật" có mức giá cực rẻ, nguồn gốc và thương hiệu Trung Quốc. Giá thành rẻ không kém bàn phím giả cơ nói trên.

    Các sản phẩm phím cơ giá rẻ có giá thành dao động từ 600 ngàn tới 1,4 triệu VNĐ, rẻ hơn tương đối so với những thương hiệu có tiếng, giá thường rời vào khoảng hơn 2 triệu đồng. Đây được coi là lựa chọn mới cho những ai có hầu bao eo hẹp, mà muốn được trải nghiệm cảm giác bấm của bàn phím cơ.

    Nhưng, nếu như các sản phẩm giá rẻ đã giúp người dùng được "sướng tay", thì tại sao người ta vẫn chi tiền cho bàn phím cao cấp? Đặt trong một tình huống giả định, bạn có trong tay 1 số tiền nhất định, bạn sẽ quyết định mua bàn phím cơ giá rẻ của Trung Quốc, hay tìm tới bàn phím cũ của các thương hiệu nổi tiếng?

    Mọi sản phẩm luôn bao gồm 2 khía cạnh, là công nghệ và trải nghiệm người dùng. Chúng ta hãy cùng xem bàn phím cao cấp và bàn phím giá rẻ khác nhau như thế nào, dựa theo 2 khía cạnh nói trên.

    Công nghệ

    Công nghệ trên bàn phím cao cấp chắc chắn hơn hẳn bàn phím giá rẻ, một điều không phải bàn cãi. Quan trọng, nó hơn những gì?

    Bàn phím cơ bao gồm 4 thành phần chính, ảnh hưởng lớn tới giá thành sản xuất. "Thượng vàng hạ cám", giá rẻ đồng nghĩa với việc các thành phần này có chất lượng thấp hơn hẳn so với các sản phẩm cao cấp.

    Đầu tiên, dễ nhận thấy nhất chính là keycap, nằm ngay bên ngoài, trên các phím bấm. Keycap của bàn phím cơ giá rẻ thường được sản xuất từ nhựa rẻ tiền, không bền và thiếu thẩm mỹ.

    Thật khó để đánh giá tiêu chí "Đẹp" trong trường hợp này. Nhưng tôi luôn thắc mắc, tại sao hầu hết sản phẩm bàn phím của Trung Quốc lại có keycap xấu tới vậy. Chủ quan tôi muốn dùng từ "tệ hại" để đánh giá font chữ trên keycap bàn phím cơ Trung Quốc, nó rườm rà, màu mè và thiếu thẩm mỹ.

    Trái lại, bàn phím cao cấp luôn được trang bị keycap tốt hơn, chất liệu bền hơn và font chữ hiện đại, sắc nét.

    Thứ hai, là vỏ của bàn phím. Phần vỏ này đảm bảo được sự chắc chắn của các sản phẩm mechkey. Các sản phẩm cao cấp có thể sử dụng chất liệu nhôm cho phần vỏ, hoặc loại nhựa tốt, cùng các thành phần gia cố cho bàn phím thêm phần chắc chắn.

    Nhưng với bàn phím giá rẻ, phần vỏ thường làm thiếu chắc chắn, không đẹp, gây cảm giác ọp ẹp khi cầm lên.

    Thứ ba, switch bấm, thứ quan trọng nhất trên mỗi sản phẩm phím cơ. Đây cũng là 1 trong những thành phần quyết định lớn tới giá bán của bàn phím cơ. Nếu như những thương hiệu bàn phím lớn như Filco hay Ducky trung thành với loại switch Cherry MX cao cấp, thì các sản phẩm giá rẻ lại sử dụng switch bấm "nhái" do một số hãng Trung Quốc sản xuất.

    Khác biệt giữa các loại switch bấm này, ngoài mức giá còn phải xét tới độ bền. Dù được quảng cáo là độ bền tới 50 - 60 triệu lần bấm, nhưng so với Cherry, switch của Kailh, Outemu hoạt động kém hiệu quả hơn hẳn sau một thời gian sử dụng.

    Cuối cùng, một thành phần quan trọng không kém chính là bảng mạch của bàn phím. Độ bền của bảng mạch vô cùng quan trọng, bởi trong trường hợp xảy ra cháy chập, một bảng mạch không tốt sẽ dễ hỏng hóc hơn.

    Dưới đây là hình ảnh bảng mạch của bản phím cơ Filco và LingYi, có thể thấy sản phẩm của Filco được hàn vô cùng cẩn thận và đẹp. Trong khi đó, bảng mạch của LingYi nhìn rất "lởm chởm" tiềm ẩn nguy cơ lỗi hỏng trong quá trình sử dụng.

     Bảng mạch của bàn phím cơ giá rẻ được hàn bằng tay rất xấu.

    Bảng mạch của bàn phím cơ giá rẻ được hàn bằng tay rất xấu.

     Bảng mạch của Filco gọn gàng hơn nhiều.

    Bảng mạch của Filco gọn gàng hơn nhiều.

    Ngoài ra, bàn phím cao cấp còn được tích hợp nhiều công nghệ như NKRO hay Real Key, cũng như đèn LED RGB có khả năng tùy chỉnh đẹp mắt. Các sản phẩm giá rẻ ít khi được trang bị những công nghệ này. Đèn LED trên các sản phẩm giá rẻ thừa sự màu mè nhưng thiếu đi vẻ tinh tế.

    Có thể thấy, các thành phần và khả năng hoàn thiện của bàn phím cơ giá rẻ so với sản phẩm cao cấp có một khoảng cách khá lớn. Vậy trải nghiệm người dùng thì sao?

    Chắc chắn chất lượng hoàn thiện và công nghệ ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm của mỗi người dùng.

    Switch bấm giá rẻ của các hãng ít tên tuổi sẽ thường "thiếu ổn định". Đã có nhiều người phản hồi về việc bị kẹt phím trong khi đang chơi game, hay một vài phím bấm nhẹ hơn các phím khác, dù nó sử dụng switch cùng loại. Ngoài ra, nếu để ý, khi lắc nhẹ các phím bấm trên bàn phím giá rẻ, bạn sẽ thấy nó bị lung lay. Điều này rất khó bắt gặp trên các bàn phím cao cấp.

    Cuối cùng, câu hỏi được đặt ra từ đầu bài viết, liệu có nên mua bàn phím cơ qua sử dụng hay không? Nó khá giống với bài toán "Mua điện thoại cũ cấu hình cao, hay mua máy mới cấu hình thấp".

    Vấn đề này phụ thuộc khá nhiều vào thói quen tiêu dùng của mỗi người. Nhưng bàn phím cơ vốn là một sản phẩm bền bỉ, đặc biệt là các mẫu bàn phím cao cấp.

    Một vài thương hiệu phím cơ có tiếng, nhà sản xuất sẵn sàng bảo hành cho bạn từ 3 - 5 năm. Chọn mua một bàn phím còn bảo hành dài là vô cùng yên tâm. Trong khi đó, các bàn phím có xuất xứ Trung Quốc hiếm được bảo hành chính hãng tại Việt Nam, thường về Việt Nam theo đường xách tay và chỉ được đảm bảo trong một thời gian ngắn từ người bán.

    Đừng ngần ngại mua đồ cũ nếu đó là một sản phẩm tốt!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ