Với thương vụ này, thế giới doanh nghiệp sẽ không thể sống thiếu Microsoft được nữa.
Nếu bạn làm việc tại một tập đoàn lớn như tôi, bạn có lẽ sẽ hiểu được vai trò của Windows. Có một thực tế là ở bất cứ một công ty nào thì phần đông nhân viên vẫn sẽ quen với Windows hơn là quen với Linux, Mac hoặc bất cứ một hệ điều hành PC nào khác. Cũng bởi vậy, chúng tôi sử dụng rất nhiều các sản phẩm hạ tầng phần mềm doanh nghiệp của Microsoft như Exchange, AD hay các phần mềm người dùng cuối gắn mác Microsoft như Office và Outlook. Thậm chí, trang web nội bộ của chúng tôi cũng được xây dựng trên nền Sharepoint của Microsoft.
Nói như vậy là để bạn hiểu Microsoft làm chủ môi trường tập đoàn. Các startup mới nổi có thể ưa dùng máy Mac, nhưng có lẽ họ sẽ không dùng Keynote thay cho Word. Và khi mỗi startup phình to thành các tập đoàn lớn, Microsoft sẽ đón đầu sẵn bằng vô số giải pháp hữu ích cho khâu quản trị hệ thống doanh nghiệp. Bạn muốn vươn mình thành khổng lồ? Sản phẩm của Microsoft là một trong những lựa chọn tốt nhất của bạn.
Và Microsoft cũng vừa mua lại một công ty làm chủ mảng khách hàng doanh nghiệp, nhưng là trên một lĩnh vực khác: mạng xã hội. LinkedIn thực chất là một hệ thống cấu trúc CV khổng lồ, nơi người ta có thể tái hiện lại những mối quan hệ quen biết có liên quan tới công việc ngoài đời thực vào một mạng xã hội dành cho công việc và cơ hội.
Trên lĩnh vực này, LinkedIn không có đối thủ. Tôi biết rất nhiều tập đoàn lớn, tại Việt Nam và trên thế giới, thẳng tay chặn không cho nhân viên truy cập Facebook trong giờ làm việc. Hoặc họ không chặn nhưng nếu ý thức của bạn không tốt, thế nào rồi hồ sơ của bạn cũng có một vệt đen liên quan tới Mark Zuckerberg.
LinkedIn thì sao? Trong một chuyến công tác và được trò chuyện cùng nhiều nhân viên HR của phía đối tác, tôi được nghe lời khuyên rằng khi đi tuyển dụng họ thích những ứng viên đính kèm link tới hồ sơ LinkedIn hơn là một file Word có thể có đính kèm mã độc macro hoặc có dung lượng quá lớn. Không một ai muốn vừa phải sắp xếp mail nhận hồ sơ từ ứng viên, vừa phải sắp xếp file đính kèm họ gửi tới.
Trên khía cạnh dành cho các mối quan hệ công việc, LinkedIn hiệu quả và cũng tạo ấn tượng tốt hơn hẳn Facebook. Đây là một mạng xã hội dành cho công việc, nơi bạn khoe ra tất cả những hiểu biết và kinh nghiệm quý báu, những vị trí danh giá của mình. Đó là còn chưa kể tới những lời khuyên rằng bạn nên tránh add Facebook đồng nghiệp để không lỡ làm mếch lòng họ với những bình luận kiểu gay gắt về thể thao hoặc chính trị.
Thương vụ này hiển nhiên sẽ giúp Microsoft có cơ sở để thu hút thêm nhiều người dùng đến với các nền tảng của hãng. Bạn có thể là coder dùng Mac tại một startup lừng danh, nhưng chắc hẳn bạn có tài khoản LinkedIn. Chẳng có lý do gì Microsoft không dùng mạng xã hội này để quảng bá cho Xamarin, Sharepoint và Azure tới bạn cả.
Đó chỉ là một phần nhỏ trong công thức "Microsoft LinkedIn". Đây là phép kết hợp giữa một công ty luôn hiện diện quá áp đảo trong môi trường doanh nghiệp toàn cầu và một mạng xã hội không có đối thủ về lĩnh vực nhân sự. Kết hợp lại với nhau, họ nắm cả sản phẩm cho người dùng cuối (Windows, Office), giải pháp kỹ thuật, giải pháp quy trình (AD, Exchange, Sharepoint, Azure...), giải pháp liên lạc (Skype for Business, LinkedIn, Sharepoint) cùng cơ sở dữ liệu nhân sự cho cả thế giới enterprise (LinkedIn).
Với thương vụ thâu tóm này, Microsoft coi như đã nắm trong tay tất cả các thành phần cần thiết của hệ thống IT tại các tập đoàn lớn. Không phải vô cớ mà gã khổng lồ phần mềm lựa chọn một mạng xã hội chuyên hẳn về lĩnh vực công việc thay vì Tumblr (hiện đang do Yahoo nắm giữ), Pinterest hay Twitter, dù rằng các mạng xã hội này sẽ giúp Microsoft có thể cạnh tranh trực diện hơn với Facebook.
Trong cuộc phỏng vấn ngay sau khi công bố thương vụ này, CEO Satya Nadella cho biết LinkedIn đáp ứng cả 3 tiêu chí “mở rộng thị trường mong muốn”, “tận dụng trào lưu công nghệ mới và tăng mức độ hấp dẫn người dùng” và cuối cùng là “thuộc về lĩnh vực Microsoft có thể tạo ra sự khác biệt”. Nếu đem hai từ “đám mây” và “doanh nghiệp” vào cả tiêu chí trên, bạn sẽ thấy mua lại LinkedIn là một thương vụ... không cần phải suy nghĩ của Microsoft.
Phép toán ở đây quá đơn giản: nắm thóp thị trường doanh nghiệp là nắm thóp cả thế giới. Khẩu vị của người tiêu dùng có thể thay đổi nhưng thế giới doanh nghiệp thì không. Họ đã và đang sống trên nền móng của Microsoft, bất kể là PC hay smartphone đang làm vua thế giới tiêu dùng.
Cuối cùng, để bạn khỏi lo lắng, đây sẽ không phải là một quyết định thảm họa như khi Microsoft mua lại Nokia. Đây không phải là thương vụ đưa Microsoft tiến vào một lĩnh vực mới mẻ, nơi gã khổng lồ phần mềm đã vô số lần vấp ngã còn các đối thủ tầm cỡ như Apple, Google, Samsung lúc nào cũng nhe nanh vuốt. Trái lại, đây là câu chuyện hổ mọc thêm cánh, một quyết định giúp góp phần củng cố vị thế thống trị của Microsoft trên một lĩnh vực mà các sản phẩm của hãng này không thể bị thay thế.
Dù sao, niềm hạnh phúc vào lúc này là của Microsoft. Còn chúng ta – những người dùng Microsoft và LinkedIn thì sao? Một ngày nào đó, nếu có cơ hội làm việc cùng nhau, bạn chỉ cần lưu lại số điện thoại của tôi vào danh bạ trên Outlook. Một cách tự động, Outlook sẽ hiển thị profile LinkedIn của tôi cho bạn xem, và chẳng cần tôi nói câu nào bạn vẫn sẽ biết tôi có bằng MSc, đã chuyển công ty 2 lần, đã có 5 năm kinh nghiệm về công nghệ Biztalk mà bạn cần triển khai trên hệ thống.
Cũng thú vị và hữu ích đấy chứ?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín