Khi thời tiết chuyển từ khô ráo sang độ ẩm trung bình, nhiều chủng virus sẽ ngừng phát triển. Nhưng chúng sẽ sinh sôi mạnh trở lại khi độ ẩm tiếp tục tăng, và trở nên bão hòa trong những ngày nồm ẩm.
- Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn cảnh báo: Máy rửa bát có khả năng tàn phá ruột và âm thầm gây nên các bệnh mạn tính
- Thời tiết sẽ thay đổi tâm trạng và năng lượng của bạn như thế nào?
- Trời nồm ẩm khó chịu sau Tết, mua máy sấy chục triệu hay tủ sấy tạm 500 nghìn?
- Mùa xuân là thời điểm quét sạch virus cúm ra khỏi nhà, hãy làm theo quy trình 4 bước này
- Tâm trạng bạn sẽ thay đổi vào mùa Xuân theo 7 cách sau
Vậy là những ngày nắng hanh cuối cùng cùng của mùa đông đã kết thúc, nhường chỗ cho mưa nồm ẩm, một kiểu thời tiết "ác mộng" của mùa xuân miền Bắc. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một khối không khí lạnh lệch đông đang liên tục mang hơi ẩm từ biển vào đất liền nước ta.
Trong khoảng hơn một tuần tới, từ 1-8/2, thời tiết Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc sẽ có mưa phùn và sương mù từ đêm tới sáng sớm.
Độ ẩm không khí tăng cao, tạo điều kiện cho dạng thời tiết nồm ẩm bắt đầu xuất hiện. Đây cũng là cơ hội để một số mầm bệnh sinh sôi nảy nở và phát tán mạnh. Nghiên cứu cho thấy trong mùa nồm ẩm, bạn cần đặc biệt cẩn thận với những tác nhân gây bệnh sau:
1. Dị ứng và các bệnh đường hô hấp do bào tử nấm
Mùa xuân là mùa của vô vàn các tác nhân dị ứng, phổ biến nhất là phấn hoa và bào tử nấm. Cả hai đều phát triển mạnh khi gặp thời tiết nồm ẩm.
Phấn hoa có kích thước tương đương với những hạt bụi 25 micromet và bạn có thể nhìn thấy chúng bay trong không khí (hãy để ý vệt nắng chiếu vào phòng qua cửa sổ).
Nhưng bào tử nấm thì khác, chúng nhỏ hơn nhiều so với phấn hoa. Bào tử nấm có kích thước trung bình khoảng 2 micomet, tương đương 1/100 đường kính sợi tóc người. Ở kích thước này, chúng là thứ gần như vô hình dưới mắt bạn.
Vì vậy, khi bạn nhìn thấy nấm mốc mọc lên từ góc nhà, thảm trải sàn hay trên thức ăn để ngoài tủ lạnh ngày nồm ẩm, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những gì bạn không thấy là chúng đang âm thầm phóng ra hàng triệu bào tử vô hình, thứ sẽ bay lơ lửng trong không khí và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, từ khó chịu đến nghiêm trọng.
Đầu tiên, cả bào tử nấm và phấn hoa đều có thể gây ra hiện tượng "viêm kết mạc mùa xuân", với triệu chứng thường thấy gồm: đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt, cộm mi.
Tiếp xúc trên da với các tác nhân dị ứng còn gây ra hiện tượng ngứa, nổi mề đay – các vết phát ban sưng phồng trên tay chân và thân người có màu hồng hoặc đỏ.
Hít phải phấn hoa hoặc bào tử nấm có thể gây viêm mũi dị ứng, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, bỏng rát vòm họng, mệt mỏi, uể oải… Nếu là người có cơ địa xấu hoặc hệ miễn dịch đang suy yếu, viêm mũi dị ứng có thể dẫn tới nhiều biến chứng như viêm xoang, viêm phế quản, thậm chí viêm phổi.
Đặc biệt, một đối tượng cần rất cảnh giác với tác nhân dị ứng trong mùa nồm ẩm là người có tiền sử hen suyễn và bệnh phế quản mạn tính. Phấn hoa và bào tử nấm trong thời gian này rất dễ kích hoạt triệu chứng ho hắng, rít phổi, co kéo lồng ngực, thậm chí suy hô hấp.
Để phòng tránh những tác nhân vô hình có thể gây dị ứng trong mùa nồm, bạn nên đóng kín cửa và các cửa sổ. Điều này vừa giúp giảm hơi ẩm, vừa tránh phấn hoa và các bào tử nấm bên ngoài xâm nhập vào nhà.
Thường xuyên lau dọn nhà cửa, xử lý trước những vị trí mà bạn nghi ngờ nấm có thể phát triển, ví dụ như hộp bìa, sách báo, đũa, thớt, đồ vật bằng gỗ cũ có khả năng hút ẩm, xịt dung dịch chống nấm mốc vào những góc nhà ẩm thấp, dọn hoặc cất thảm vào túi nilon chống ẩm trong mùa nồm…
Sử dụng máy lọc không khí hoặc bật điều hòa ở chế độ khô cũng sẽ giúp ích.
Nếu bạn là một người có cơ địa nhạy cảm và phải hoạt động nhiều ngoài trời, hãy đeo khẩu trang, đeo kính và mặc quần áo dài để tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.
Hạn chế tới gần hoa hoặc những vị trí ẩm ướt nghi ngờ có bào tử nấm. Khi về nhà, hãy thay quần áo, tắm rửa để làm sạch những tác nhân dị ứng có thể còn bám lại trên tóc hoặc da của bạn.
2. Sởi, thủy đậu và các bệnh do virus
Nhiều nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học đã kết luận nhiệt độ của mùa xuân và độ ẩm không khí cao không phải là điều kiện thuận lợi cho virus lây lan.
Các nghiên cứu này thường dựa trên quan sát thống kê số ca mắc cúm ở các quốc gia ôn đới Phương Tây. Các nhà khoa học thấy rằng dịch cúm thường đạt đỉnh vào mùa đông, khi thời tiết lạnh và khô, giúp virus có thể phát tán xa hơn trong không khí.
Mùa đông cũng là mùa mà các quốc gia này nhận được ít ánh nắng mặt trời, khiến nhiều người thiếu hụt vitamin D, một thành phần quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch.
Và mùa lễ hội, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều ở phương Tây cũng trùng với mùa đông, tạo điều kiện cho virus lây lan mạnh hơn. Khi khí hậu ấm lên và chuyển sang mùa xuân, cúm sẽ biến mất ở nhiều quốc gia như Mỹ. Đại dịch COVID-19 cũng từng được mong đợi sẽ biết mất như vậy.
Tuy nhiên, câu chuyện tại các quốc gia nhiệt đới thì khác.
Một nghiên cứu trên tạp chí PLoS Pathogens cho thấy mùa cúm ở nhiều quốc gia nhiệt đới như Việt Nam và Philippine trùng với mùa thời tiết ẩm và mưa nhiều.
Một trong số các giả thuyết giải thích cho điều này, đó là mùa mưa khiến mọi người ở trong nhà nhiều hơn, do đó có nhiều tiếp xúc gần hơn. Giả sử có một người hắt hơi trong phòng, không khí nồm và ẩm không ủng hộ virus phát tán xa trong không khí.
Nhưng hơi nước bão hòa lại có tác dụng gom virus thành những giọt bắn chứa nồng độ cao hơn. Khi giọt bắn này lắng xuống các bề mặt, nó tạo ra liều lượng virus lây nhiễm vượt quá liều của một lần phơi nhiễm, và do đó, người tiếp xúc dễ mắc bệnh hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ tìm thấy khả năng sống sót cao hơn của virus ở độ ẩm không khí thấp (dưới 33%) và độ ẩm không khí cao (bão hòa ở 100% như trong thời tiết nồm ẩm). Trong khi virus sẽ kém phát triển ở độ ẩm trung bình, tạo thành đồ thị hình chữ V:
Thống kê từ một số nghiên cứu cho thấy sởi, một bệnh do virus Polynosa morbillorum gây ra đặc trưng bởi triệu chứng sốt và phát ban, nhiều năm đạt đỉnh ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 4.
Cùng với đó là bệnh thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster, có triệu chứng là các nốt nhỏ, tròn xuất hiện trên da cơ thể. Các bác sĩ cho biết thời tiết ẩm ướt là một trong số những điều kiện cho nguồn bệnh thủy đậu phát triển và lây lan.
Vì vậy, để phòng tránh các bệnh do virus gây ra trong mùa nồm, chúng ta cần tiếp tục các biện pháp thực hành như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên rửa tay và khử trùng các bề mặt hay tiếp xúc.
3. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh đường tiêu hóa do vi khuẩn, nấm mốc
Nồm ẩm là khoảng thời gian mà bạn sẽ thấy thức ăn dễ bị hư hỏng. Đó là bởi nhiệt độ đang ấm lên và sự xuất hiện của hơi nước tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Vi khuẩn thông thường không sống trên đồ khô, ví dụ như cá khô, măng khô, gạo hoặc các loại ngũ cốc. Tuy nhiên, nếu bạn không bảo quản các loại thực phẩm này đúng cách trong mùa nồm, chỉ cần để chúng tiếp xúc đủ lâu với không khí bão hòa hơi nước, vi khuẩn sẽ bắt đầu sinh sôi.
Và như đã nói trước đó, hơi nước mùa nồm cũng có thể chứa các bào tử nấm vô hình. Những bào tử tí hon này khi lắng đọng trong thức ăn cũng nhanh chóng mọc thành các quần thể nấm.
Trước cả khi bạn nhận ra thức ăn bị mốc, nấm đã có thể xâm chiếm chúng và tiết ra các độc tố nhiễm vào thực phẩm.
Lấy ví dụ, khi bạn thấy một vết xám trắng trên bề mặt của một chiếc bánh chưng, bạn không bao giờ nên nghĩ mình có thể cắt góc đó đi và ăn phần còn lại. Thực ra thứ trắng xám bạn nhìn thấy chỉ là thân nhô lên của nấm mà thôi, rễ của chúng có thể đã cắm sâu vào nhân chiếc bánh, và đó là điều mà bạn không nhìn thấy.
Ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn và nấm có thể gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc và các vấn đề đường tiêu hóa khác. Đây cũng là lý do mà dịch tiêu chảy thường bắt đầu trong mùa nồm.
Để phòng tránh vi khuẩn và nấm mốc gây ra vấn đề tiêu hóa, bạn nên chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách. Hãy cất thức ăn thừa vào tủ lạnh khi thời tiết bắt đầu ấm lên. Tuyệt đối không để thức ăn qua đêm ở nhiệt độ phòng, bao gồm cả hoa quả và rau củ trong thời tiết nồm ẩm.
Nguyên tắc bảo quản các loại thực phẩm, lương thực khô là hãy niêm phong chúng lại, sử dụng túi nilon hoặc hộp nhựa có gioăng cao su. Bạn cũng phải bảo quản các dụng cụ ăn uống, chế biến, ví dụ như thớt và đũa gỗ. Những đồ vật này rất dễ bị nấm mốc trong điều kiện thời tiết nồm ẩm.
Tham khảo Plos Pathogen, ACS, Biol SCi, Oup
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4