Mục đích của sự sống là gì? Theo nhà khoa học này, ta tồn tại là để Vũ trụ này sinh sôi thêm các Vũ trụ khác
"Mục đích tồn tại của sự sống là gì?", câu hỏi kinh điển ấy lại một lần nữa dấy lên.
Bài viết dựa theo thuyết về sự sống của giảng viên Michael Price tại Đại học Brunel. Hãy chuẩn bị cho chuyến đi dài dòng và phức tạp ở phía trước.
Liệu có phải loài người tồn tại là để phục vụ một mục đích tối cao, siêu việt nào đó?
Tự bản thân ta cũng thấy là chẳng phải, ta sống để phục vụ chính mình, chứ chẳng phải một chúa tể nào đó cai quản tất cả. Nhà vật lý học Lawrence Krauss cũng tin như vậy, ông gọi việc tiến hóa trên hành tinh này chỉ là một “tai nạn trong vũ trụ”, ta tồn tại một cách tự nhiên chứ chẳng ai sắp đặt. Chẳng mấy ai tin vào điều ngược lại, vì đó là quy luật tự nhiên.
Nhưng Michael Price, một giảng viên cấp cao về môn tâm lý học và giám đốc tại Trung tâm Văn hóa và Tiến hóa Đại học Brunel, London lại nghĩ rằng điều trên “không nhất thiết là đúng”. Dù vậy, anh vẫn nhấn mạnh rằng quan điểm của anh vẫn dựa hoàn toàn trên những nguyên lý tự nhiên.
Anh cho rằng, có tồn tại một cơ chế đã ban cho "sự sống" của ta một mục đích tự nhiên. Suy nghĩ này phần nhiều là chỉ là suy đoán của Price, nhưng ít nhiều nó cũng vẫn rất đáng nghe, đáng để ta hứng thú.
Trong chọn lọc tự nhiên sinh học, khả năng tự thay thế mình của gene dựa vào việc chúng được mã hóa tốt như thế nào, mã hóa để tạo nên những nét đặc trưng để một cá thể sống, có thể vượt lên trên những cá thể cùng loài khác để sinh sản. Ví dụ như sức mạnh vượt trội trong đàn, tinh trùng mạnh mẽ hơn các con đực khác, khả năng sinh tồn cao nhờ cơ chế ngụy trang, ...
Những nét đặc trưng của từng cá thể ấy chính là sự thích nghi của chúng với môi trường.
Hàng triệu năm tiến hóa đã cho sinh vật đôi mắt phức tạp của ngày nay.
Bởi những thực thể sống là một tập hợp lớn của những yếu tố thích nghi đơn lẻ nhưng phức tạp, bên cạnh phụ nữ thì có lẽ đó là một trong những thứ khó hiểu nhất trong vũ trụ này. Được Michael Price gọi là “một sự phức tạp không chắc chắn lắm” – với ý rằng không chắc là nó có thực lắm, sự phức tạp này là dấu hiệu xác nhận chọn lọc tự nhiên có tồn tại, là cách để chúng ta nhận ra sự thực hiển nhiên ấy.
Điều đó khiến mỗi cá thể sống trở nên “có tổ chức” và qua đó, độ hỗn loạn – entropy bên trong cá thẻ ấy sẽ thấp.
Một trong những định luật cơ bản nhất của vật lý đó là độ entropy – độ hỗn loạn của một sự vật, một hệ thống luôn đi theo chiều hướng tăng dần (luật thứ hai của nhiệt động lực học). Đó chính là thứ luật để mọi thứ có thể hòa vào nhau, khiến ta có thể pha được một cốc cà phê sữa với cà phê và sữa lẫn vào với nhau, khiến ta có thể đập một quả trứng nguyên vẹn rồi đánh nó lên thành món trứng rán – ta phải khiến toàn bộ cấu trúc của nó hỗn loạn thì mới có đĩa trứng rán và cốc cà phê sữa làm bữa sáng đó. Nhưng cốc cà phê, đĩa trứng rán không thể được quay ngược lại về những thành phần ban đầu của nó – độ hỗn loạn chỉ đi về một chiều tăng lên mà thôi.
Bởi việc chọn lọc tự nhiên là một quá trình “thiết kế” những thực thể sống một cách tự nhiên, gộp những vật chất hỗn loạn trong tự nhiên trở thành một cơ thể hợp nhất với những cơ quan phức tạp, cùng hoạt động phục vụ mục đích tồn tại. Có thể coi sự sống mà ta vẫn biết tới này là một quá trình “đi ngược lại với lý thuyết hỗn loạn – entropy” mạnh mẽ nhất mà ta biết tới.
Độ hỗn loạn là một thứ chỉ có thể tăng, và đây là lần thứ 3 tôi dùng hình ảnh ví dụ về cốc cà phê sữa này.
Nếu không có những thay đổi mà chọn lọc tự nhiên đem tới và cho phép ta được có, thì ví dụ mà nói, tỉ lệ để một cá thể động vật có được một con mắt hoạt động như ngày hôm nay là rất thấp. Tỉ lệ để một quá trình “chọn lọc ngẫu nhiên” xảy ra để sinh vật có được con mắt như ngày hôm nay là cực kì, cực kì thấp.
Chọn lọc tự nhiên, với sản phẩm là việc thích nghi có mục đích cả, đó là sống sót và sinh sản. Tuy nhiên, ta chẳng biết được có một mục tiêu nào lớn hơn cho sự sống hiện tại không, và đáng buồn là chẳng ai giải thích cho chúng ta cả. Chúng ta là những cá thể sống lưu lạc trong vũ trụ rộng lớn, tự mình lo lấy thân qua từng đợt tiến hóa, qua công cụ chọn lọc tự nhiên. Để giải thích được ý nghĩa tồn tại của sự sống, ta cần một trật tự gì đó lớn lao hơn nhiều nữa.
Đó là sự tiến hóa của chính vũ trụ này
Michael Price, dựa trên giả thuyết của nhà vũ trụ học Lee Smolin về quá trình chọn lọc tự nhiên của vũ trụ, đưa tới cho ta một “trật tự gì đó lớn lao hơn sự sống của con người” để giải thích câu hỏi trên - đó chính là trật tự tiến hóa của Vũ trụ. Giả thuyết của ông Smolin dựa trên giả định rằng Vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong vô vàn vũ trụ song song khác – đó là một Đa Vũ trụ (multiverse).
Ý của Price, đó là sự sống này của con người được tạo ra với mục đích cho Vũ trụ sinh sôi thêm được những Vũ trụ khác.
Rất nhiều nhà vật lý học cũng gật đầu đồng tình với giả thuyết đa vũ trụ này, bởi theo như thuyết vũ trụ giãn nở - nói về việc Vũ trụ liên tục bành trướng vô tận sau sự kiện Big Bang diễn ra, và hiện nó là hình mẫu triển vọng nhất về nguồn gốc của Vũ trụ ta – thì việc đây là một Đa Vũ trụ rất khả thi.
Theo lý lẽ của Smolin, rằng trong một Đa Vũ trụ thì Vũ trụ nào có thể sinh sôi tốt hơn sẽ trở nên đại trà hơn – ví dụ như con người có thể sinh sôi tốt, và giờ ta có 7 tỷ cá thể người rồi. Ông cho rằng việc “sinh sôi” của Vũ trụ có thể tới từ những hố đen hiện đang tồn tại. Và nếu hố đen là cách các Vũ trụ sinh sôi, thì khi chọn lọc tự nhiên Vũ trụ diễn ra, thì nó sẽ “chọn” những Vũ trụ nào có nhiều hố đen nhất.
Thuyết của Smolin nghe cũng rất giống thuyết của Darwin, và hố đen cũng có một vẻ giống một thứ gì đó có thể tạo ra được một (hoặc nhiều) Vũ trụ mới.
Tại sao lại nói vậy? Một hố đen là một điểm nhỏ tập trung không thời gian, vật chất và năng lượng – nó là một dị điểm – singularity trong Vũ trụ bao la này. Ta tin rằng vụ nổ Big Bang xưa kia cũng có những tính chất tương tự vậy.
Hố đen Vũ trụ, thứ bí ẩn trên bầu trời cao và tối kia.
Tuy nhiên, thuyết của Smolin vẫn không với tới tầm cao của Darwin được. Nó không dự đoán nên việc “một sự phức tạp không chắc chắn lắm” (hố đen) là một sản phẩm của một sự thích nghi, gây ra bởi phương pháp chọn lọc tự nhiên Vũ trụ. Bởi vì thứ ít hỗn loạn nhất – ít có tính entropy nhất không phải là hố đen, mà chính là sự sống.
Ông Smolin có xác định rằng “sự sống là sự vật có yếu tố hỗn loạn thấp nhất mà ta biết đến trong Vũ trụ này”. Dù vậy thuyết của ông không chứa đựng một mối liên kết rõ ràng giữa “hỗn loạn – entropy” và việc “chọn lọc tự nhiên”. Điều đó có nghĩa là thuyết này không công nhận rằng ở một mức độ sinh học, một sự vật có tính hỗn loạn thấp như sự sống tồn tại không phải là dấu hiệu nhận biết sự tồn tại của hoạt động chọn lọc tự nhiên, và suy rộng ra thì thuyết này cũng có thể không đúng ở mức độ Vũ trụ.
Tương lai của sự sống
Nếu như quả thực sự sống là một hệ thống cho phép Vũ trụ này sinh sôi, điều đó có nghĩa là sự sống sẽ đi kèm với sự thông minh và phải kèm cả khả năng tạo ra một môi trường Vũ trụ riêng.
Để tạo ra được một Vũ trụ có thể có sự sống, những định luật vật lý phải được bảo tồn giống hệt với Vũ trụ cha mẹ của chúng. Các nhà vũ trụ học dự đoán rằng trong vòng hàng tỉ năm nữa, Vũ trụ hiện tại của ta sẽ không còn ở được nữa. Tuy nhiên, theo như hai điều kiện vừa kể trên, thì sự sống sẽ đi kèm với khả năng tạo ra một môi trường Vũ trụ có thể hỗ trợ sự sống. Sự sống có thể tạo ra một Vũ trụ riêng để mà tự sống.
Hiển nhiên là ta chẳng thể (hoặc ít ra hiện tại là chưa thể) thử nghiệm những thuyết này xem nó có thực sự đúng không. Điều đầu tiên phải làm, và căn bản nhất, đó là chứng minh sự tồn tại của Đa Vũ trụ, rằng ngoài kia có những Vũ trụ khác nữa. Có thể ta đã tìm ra bằng chứng cho điều đó mà cũng có thể không.
Có một điều ta có thể chắc chắn: tiến trình tiến hóa công nghệ của con người chưa dừng lại ở điểm hiện tại. Nếu như việc chọn lọc tự nhiên Vũ trụ đã thiết kế nên sự sống này, cho phép nó sử dụng công nghệ để tiến hành sinh sôi thêm Vũ trụ, thì có thể ta sẽ thành công vào một lúc nào đó, nếu như ta chưa sử dụng chính công nghệ ấy để tự hủy diệt chính mình trước.
Ý kiến của anh Michael Price – về việc sự sống chỉ là một cơ chế phục vụ cho việc tiến hóa của Vũ trụ - không phải là mới tinh. Khía cạnh mà anh nêu ra ở đây là lý do tại sao sự sống – thứ có độ hỗn loạn (entropy) thấp nhất trong Vũ trụ này – cũng có thể giống với hố đen Vũ trụ, là một cơ chế cho phép Vũ trụ này tiếp tục sinh sôi thêm các Vũ trụ khác.
Có lẽ sẽ có thêm những nhà khoa học khác hứng thú với khía cạnh này, hợp lực với anh Price để vén bức màn bí ẩn của Vũ trụ. Chúng ta hãy chờ xem ai sẽ là người khám phá được bản chất của Vũ trụ, của sự sống – Ai sẽ có được cái vinh quang của việc trả lời câu hỏi mà nhân loại đã thắc mắc từ khi nhận thức được hình thành.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập