Mục tiêu của Huawei là 'sống sót' dưới áp lực của Mỹ

    Du Lam, Theo ICTNews 

    Huawei khẳng định chuỗi cung ứng của họ đang bị Mỹ tấn công và kêu gọi Washington cân nhắc lại các hạn chế thương mại đang gây tổn thương đối tác toàn cầu.


    Huawei đang chịu sức ép lớn từ Mỹ khi bị chặn đường tiếp cận các con chip thương mại vô cùng quan trọng. Hôm nay, trả lời phóng viên tại Trung Quốc, Chủ tịch luân phiên Huawei Guo Ping chia sẻ Mỹ đã thay đổi các lệnh trừng phạt 3 lần và mang đến thách thức lớn cho việc sản xuất và hoạt động của công ty.

    "Huawei hiện ở tình thế khó khăn. Việc Chính phủ Mỹ tấn công không ngừng nghỉ đã đặt Huawei dưới áp lực đáng kể. Công ty vẫn đang cẩn thận đánh giá tác động nhưng cuộc chiến vì sự sống hiện là mục tiêu chính của chúng tôi", ông Ping phát biểu.

    Washington cáo buộc thiết bị Huawei có thể bị lợi dụng để theo dõi. Từ ngày 15/9, Mỹ áp quy định mới cấm các công ty sử dụng công nghệ Mỹ cung ứng bán dẫn cho Huawei. Từ năm 2019, Mỹ đã cấm doanh nghiệp trong nước bán hàng cho công ty này.

    Mục tiêu của Huawei là sống sót dưới áp lực của Mỹ - Ảnh 1.

    Ông Guo Ping phát biểu tại hội thảo Huawei Connect 2020. Ảnh: Huawei

    Theo ông Guo, dù Huawei vẫn còn đủ chip cho hoạt động B2B (bao gồm mạng 5G), lệnh cấm của Mỹ làm tổn hại đến dự trữ chip di động. Ông tiết lộ Qualcomm đang xin giấy phép để tiếp tục phục vụ Huawei, trong khi Intel đã được cấp phép để cung cấp một số sản phẩm nhất định. Nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng nộp hồ sơ tương tự. SMIC dùng máy móc xuất xứ Mỹ để sản xuất chip cho Huawei.

    Do các lệnh cấm của Mỹ, Huawei còn rất ít lựa chọn khi mua chip. Thời báo Phố Wall đưa tin Qualcomm đang vận động chính phủ Mỹ để được xuất khẩu chip cho Huawei. Nhà sản xuất chip tranh luận rằng lệnh hạn chế xuất khẩu sẽ khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu cho đối thủ.

    Bên lề hội nghị thường niên Huawei Connect, ông Guo bày tỏ hi vọng chính phủ Mỹ cân nhắc lại chính sách và nếu chính phủ Mỹ cho phép, họ sẵn sàng mua sản phẩm từ công ty Mỹ.

    Theo Huawei, từ ngày 15/9, họ bắt đầu ngừng sản xuất chip Kirin hiện đại nhất. Các chuyên gia dự đoán nguồn cung hiện nay của Kirin sẽ cạn kiệt từ năm sau. Nếu Qualcomm có thể lấp chỗ trống của Kirin để lại, đây sẽ là đòn bẩy cho doanh thu công ty. Theo Reuters, người dùng Trung Quốc đổ xô mua điện thoại Huawei trước nỗi lo bộ phận di động của hãng không còn như trước. Thương gia cho biết một số mẫu tăng 500 NDT (1,7 triệu đồng).

    Tuy nhiên, Reuters nhận định Washington không cho thấy nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ lùi bước trong cuộc chiến với Huawei, nhất là khi quan hệ Mỹ Trung rơi vào trạng thái xấu nhất trong hàng thập kỷ. Tháng trước, Mỹ tuyên bố mở rộng chương trình “Clean Network”, ngăn chặn các ứng dụng, công ty viễn thông Trung Quốc tiếp cận thông tin nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ.

    Theo Reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ