Muốn biết vì sao Steve Jobs chê stylus hết lời mà Apple vẫn cứ ra mắt Pencil, hãy thử dùng chiếc bút đắt đỏ này với iPhone xem sao

    Liam,  

    Hãy thử một lần dùng chiếc stylus của Apple lên các thiết bị không có trong danh sách hỗ trợ chính thức. Hãy làm điều tương tự với S Pen của Samsung hay Surface Pen của Microsoft, bạn sẽ nhận ra một sự thật thú vị về chiếc "stylus" của ngày hôm nay.

    Khi những chiếc iPhone đầu tiên đến tay người dùng vào 13 năm trước, một trong những đặc điểm nổi trội được Apple quảng bá là khả năng dùng cảm biến qua ngón tay mà không cần đến bút stylus. Qua nhiều năm, nguyên tắc "không stylus" đã được Apple giữ nguyên trên các sản phẩm cảm ứng sau đó, từ iPhone, iPod Touch cho đến iPad.

    Năm 2014, triết lý này có vẻ bị phá vỡ khi iPad Pro ra mắt với bút cảm ứng mang tên "Apple Pen". Cho đến tận ngày hôm nay - khi iPad Air đắt đỏ và iPad 10.2 inch "giá mềm" vẫn hỗ trợ Pencil, các anti-fan của Apple nói chung và của Tim Cook nói riêng vẫn luôn đem chiếc bút này ra làm minh chứng cho thấy triết lý sản phẩm của Steve Jobs đã bị mai một. Một Apple từng chê stylus hết lời, nay lại có stylus cho nhiều sản phẩm đắt đỏ?

    Muốn biết vì sao Steve Jobs chê stylus hết lời mà Apple vẫn cứ ra mắt Pencil, hãy thử dùng chiếc bút đắt đỏ này với iPhone xem sao - Ảnh 1.

    Apple liệu đã quên lời mỉa mai sâu cay của Steve Jobs nhắm vào stylus trên điện thoại?

    Để hiểu được nghịch lý này, hãy dùng chiếc stylus mới của Apple trên chính thiết bị đã từng được Steve Jobs dùng để chê stylus: iPhone. Bạn sẽ thấy Pencil hoàn toàn không có công dụng gì với điện thoại mác Táo cả. Và không chỉ có iPhone, Pencil không thể được sử dụng trên bất kỳ một thiết bị nào không có trong danh sách hỗ trợ chính thức của Apple: từ iPhone, iPod Touch và các thế hệ iPad từ 2017 trở về trước cho đến smartphone, tablet của hãng khác. 

    Lý do dẫn đến hiện tượng này là do Pencil sử dụng một cơ chế đặc biệt để "nhận" cảm ứng. Bên trong những chiếc iPad có hỗ trợ Pencil là các máy phát tín hiệu siêu nhỏ. Bên trong Apple Pencil cũng có một bảng mạch riêng để thu/phát tín hiệu. Theo iFixit, tín hiệu từ đầu phát bên trong iPad đến đầu thu trong bút (và ngược lại) sẽ được sử dụng để tính toán vị trí của đầu bút trên mặt phẳng của màn hình.

    Nhờ đó, Pencil có khả năng nhận diện vị trí chính xác hơn nhiều so với ngón tay hay bút cảm ứng của smartphone những năm đầu thập niên 2000. Tuy vậy, do đầu bút làm bằng hợp kim không có khả năng cảm ứng như ngón tay người, Pencil sẽ không hoạt động trên Surface, iPhone hay iPad cũ.

    Muốn biết vì sao Steve Jobs chê stylus hết lời mà Apple vẫn cứ ra mắt Pencil, hãy thử dùng chiếc bút đắt đỏ này với iPhone xem sao - Ảnh 2.

    Vì sao Apple Pencil chỉ tương thích với một số mẫu iPad và không dùng được trên iPhone hay iPod Touch?

    Đây chính là điểm khác biệt giữa bút stylus thời đại Steve Jobs và bút stylus của thời Tim Cook. Sở dĩ nhà sáng lập Apple đem bút stylus của đối thủ ra chê bai là vì, trước iPhone, gần như toàn bộ smartphone thị trường đều dùng công nghệ cảm ứng điện trở. Công nghệ này cho chất lượng cảm ứng rất tệ và không hỗ trợ đa điểm. Bút stylus loại cũ ra đời là để giúp người dùng điều khiển điện thoại một cách chính xác hơn. 

    Với Steve Jobs, cây bút trên smartphone thời đại cũ vì thế cũng là biểu tượng của công nghệ cảm ứng kém hoàn thiện. Ông chê stylus cũ là để làm bật lên công nghệ nổi trội nhất của iPhone: màn hình điện dung đa điểm, cho phép nhận diện chính xác ngón tay để tạo ra một trải nghiệm trực quan nhất, đơn giản nhất. Steve Jobs chê bút stylus là để phổ cập công nghệ màn hình cảm ứng mới tới tất cả mọi người.

    Ra đời khi iPhone và Android đã bành trướng ra toàn cầu, Apple Pencil dĩ nhiên không còn đóng vai trò phổ cập công nghệ cảm ứng nữa. S Pen của Samsung và Surface Pen của Microsoft cũng vậy. "Trực quan" và "đơn giản" không còn là yêu cầu số 1 của stylus trên smartphone và tablet. 

    Trái lại, vai trò của chúng là để phá vỡ giới hạn trên các màn hình cảm ứng đa điểm "loại thường". Các mẩu quảng cáo của Apple, Samsung và Microsoft thường nói đến số mức cảm nhận lực nhấn (nay thường là 4096). Ngay cả chiếc S Pen đầu tiên của Samsung, ra mắt cùng Galaxy Note 1 năm 2010, cũng đi kèm với màn hình có 128 mức nhận biết lực nhấn. Con số này nói đến công nghệ dưới tấm màn, cho phép người dùng tạo ra những nét thanh đậm, nhờ đó tọa ra những bản viết, vẽ chính xác hơn trong không gian ảo. Bút stylus của ngày nay cho phép người dùng có thể làm được điều mà họ không thể làm bằng ngón tay trên các thiết bị có màn hình cảm ứng "thường" như iPhone hay Galaxy S.

    Muốn biết vì sao Steve Jobs chê stylus hết lời mà Apple vẫn cứ ra mắt Pencil, hãy thử dùng chiếc bút đắt đỏ này với iPhone xem sao - Ảnh 3.

    Cây bút stylus bị Steve Jobs chê bai gắn liền với một chủng loại màn hình hoàn toàn khác biệt với màn hình iPhone...

    Muốn biết vì sao Steve Jobs chê stylus hết lời mà Apple vẫn cứ ra mắt Pencil, hãy thử dùng chiếc bút đắt đỏ này với iPhone xem sao - Ảnh 4.

    Stylus "mới" do Samsung tiên phong từ Galaxy Note 2010 cũng đòi hỏi một loại màn hình không giống với iPhone hay Galaxy "thường".

    Khi vai trò thay đổi thì công nghệ bên trong cũng phỉ khác biệt hoàn toàn. Những chiếc stylus của thập niên 2000 chỉ là những khối nhựa giúp tăng khả năng nhận tín hiệu trên màn hình điện trở. Còn trải nghiệm Pencil, S Pen và Surface Pen là trải nghiệm bút thông minh: chúng kết hợp giữa đầu phát/đầu thu bên trong bút với đầu phát/đầu thu dưới màn hình để tạo ra một trải nghiệm viết/vẽ tương tự như viết giấy. Điều này lý giải vì sao bạn chẳng thể dùng stylus với những chiếc iPhone, Galaxy S hay tablet vốn có thể nhận biết tốt ngón tay: chúng không có màn hình đặc biệt để hỗ trợ cho công nghệ viết/vẽ mới.

    Máy thu/phát tín hiệu bên dưới màn hình và bên trong từng chiếc bút cũng là lý do vì sao bút stylus của hãng này không thể dùng trên thiết bị của hãng khác. Nói một cách đơn giản, Pencil phát ra một loại tín hiệu riêng mà màn hình của Galaxy Note không thể nhận biết được; Surface Pen cũng dùng một loại tín hiệu riêng không tương thích với màn hình của Galaxy Tabs - vốn chỉ tương thích với S Pen của Samsung mà thôi. 

    Riêng Microsoft thậm chí còn đã một lần chuyển từ công nghệ stylus, dẫn đến việc Surface Pen của 2 thế hệ Surface đầu tiên không tương thích với Surface Pro 3 trở về sau. Cả Microsoft, Samsung và Apple cũng đã nhiều lần cải tiến bút, trong đó rõ rệt nhất là Samsung mỗi năm đều có tính năng mới cho S Pen (ví dụ, S Pen cho Note10 có thêm tính năng "vẩy" để tua phim từ xa mà S Pen cũ không có). Rõ ràng, chiếc bút mới đã trở thành một chiến trường thu nhỏ, nơi các ông lớn phô diễn cả năng lực phần cứng lẫn phần mềm để tạo ra một trải nghiệm ngày càng phức tạp cho người dùng.

    Muốn biết vì sao Steve Jobs chê stylus hết lời mà Apple vẫn cứ ra mắt Pencil, hãy thử dùng chiếc bút đắt đỏ này với iPhone xem sao - Ảnh 5.

    Chiếc bút từ vai trò thiết bị khắc phục điểm yếu cho màn hình đã trở thành những công cụ cạnh tranh độc lập.

    Vậy nên, đến cuối cùng, thật khó để nói rằng Tim Cook đã phá vỡ triết lý sản phẩm của Apple thời kỳ Steve Jobs khi ra mắt stylus cho iPad Pro. Sau khi nhà sáng lập của Apple tiên phong cho trải nghiệm cảm ứng mới, Apple của Tim Cook đang theo chân Samsung và Microsoft đưa trải nghiệm này lên một tầm cao mới, phục vụ cho những nhu cầu cao cấp hơn của người dùng chuyên nghiệp. Chiếc bút mà Steve Jobs đã từng chê bai không phải là chiếc bút Apple vẫn đang bán kèm iPad. Tấm màn đã đẩy stylus cũ vào dĩ vãng cũng không phải là tấm màn hỗ trợ cho những chiếc stylus mới của ngày hôm nay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ