Bộ KH-CN vừa khởi động Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình "Thung lũng Silicon" nhằm tạo điều kiện để các nghiên cứu khoa học có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ngay từ khi còn là ý tưởng.
* Phóng viên: Bộ trưởng cho biết vì sao lại chọn mô hình thung lũng Silicon của Hoa Kỳ để thương mại hóa sản phẩm KH-CN Việt Nam hiện nay?
* Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Mô hình thung lũng Silicon của Hoa Kỳ là nơi khởi nguồn của rất nhiều "đại gia lớn" trong lĩnh vực KH-CN hiện nay như Google, Microsoft, Apple… Mô hình này thành công bởi nó tạo ra được động lực cho các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo, gắn liền với sự ra đời của doanh nghiệp KH-CN. Các "đại gia lớn" thành công từ mô hình thung lũng Silicon cũng khởi đầu là doanh nghiệp KH-CN với nguồn vốn lớn nhất là tài sản trí tuệ. Để triển khai Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình "Thung lũng Silicon" tại Việt Nam, chúng tôi đã mời các chuyên gia từ Mỹ, đặc biệt là các chuyên gia người Việt làm việc lâu năm ở Mỹ làm cố vấn cho đề án này. Hy vọng với sự giúp đỡ của họ, chúng ta có thể thực hiện thành công đề án này.
* Các doanh nghiệp, nhà khoa học muốn tham gia vào đề án này thì phải làm gì và có bị hạn chế về quy mô không?
* Chúng tôi không hạn chế những nhà khoa học, doanh nghiệp đề xuất ý tưởng và tham gia vào dự án này. Nhưng tiêu chí quan trọng nhất là phải có là tinh thần khoa học, ý chí của người làm khoa học quyết tâm làm chủ công nghệ mới và dám hy sinh để đầu tư cho người hoạt động nghiên cứu. Bởi ngay tại Hoa Kỳ, việc đầu tư vào các dự án lúc ban đầu là khá rủi ro. Song khi có dự án thành công sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư và người nghiên cứu.
Về quy mô thực hiện, sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm. Thực tế, Luật Công nghệ cao cũng đã đề cập đến quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng vì một số ràng buộc trong chính sách, đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước khiến chưa thể thành lập. Để tháo gỡ, trước mắt, chúng tôi huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm theo mô hình của thung lũng Silicon.
* Ở Việt Nam vẫn thường nói tới câu chuyện chảy máu chất xám, vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa bộ trưởng?
* Hiện nay, thực trạng chảy máu chất xám chúng ta đang phải khắc phục. Nếu chúng ta không tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi nhất cho giới khoa học cùng với việc đãi ngộ vật chất thì chắc chắn các nhà khoa học rất khó yên tâm để làm khoa học. Vì vậy, sẽ có rất ít sản phẩm khoa học đáp ứng phát triển kinh tế.
Chúng tôi hy vọng, Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2013 với cơ chế chính sách mới thì giới KH-CN Việt Nam sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, có môi trường nghiên cứu, ứng dụng tốt nhất để hạn chế phần nào vấn đề chảy máu chất xám.
* Bộ trưởng đánh giá thế nào về hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam?
* Các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài bước đầu đã thành công với một số doanh nghiệp, dự án tại Việt Nam. Tuy nhiên, những quỹ đó vẫn hoạt động ở mức độ hẹp, chủ yếu tập trung vào các dự án nhanh thu hồi vốn và lợi nhuận với thời hạn ngắn, nhiều nhất là ở lĩnh vực CNTT và viễn thông, thương mại điện tử. Vì vậy chúng tôi chủ trương xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm với độ phủ rộng hơn, đa dạng hơn để hỗ trợ những doanh nghiệp, nhà khoa học Việt Nam bất kỳ ở lĩnh vực nào, miễn là có những sản phẩm, công trình khoa học, nghiên cứu có chất lượng, đủ điều kiện để thương mại hóa...
Chúng tôi cũng cam kết, phần kinh phí đóng góp để tạo nên quỹ sẽ được sử dụng một cách hiệu quả. Chính những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp quỹ sẽ là người giám sát, quyết định có đầu tư vào một ý tưởng nào đó hay không và đầu tư cho ai, làm gì… Họ sẽ đồng hành chia sẻ rủi ro với các nhà khoa học trong quá trình này.
Thực tế mỗi năm, Việt Nam có hàng ngàn kết quả nghiên cứu, sáng chế. Tuy nhiên, hiện việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế. Việc thực hiện đề án cũng như xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm chính là để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đang tích cực triển khai mọi việc và hy vọng năm 2014 Quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam đi vào hoạt động và sẽ tài trợ cho một số dự án ban đầu.
* Dư luận đã từng đề cập đến tình trạng đề án, công trình khoa học Việt Nam "cất ngăn kéo" rất nhiều. Ý kiến của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
* Nói về đề tài cất ngăn kéo thì không chỉ về cơ chế chính sách của chúng ta mà bản thân trong khoa học cũng đã có những loại đề tài làm ra để xếp ngăn kéo, đó là nghiên cứu cơ bản. Nó phải đi trước thời đại, vì thế phải để trong ngăn kéo cho đến khi trình độ phát triển xã hội đạt được một mức độ nào đó thì mới có thể ứng dụng được nó. Tuy nhiên, những đề tài nghiên cứu ứng dụng mà xếp ngăn kéo là không chấp nhận được. Trước đây, tỷ lệ này còn khá lớn vì giữa nghiên cứu và sản xuất của chúng ta chưa có những cầu nối để nghiên cứu xong có thể ứng dụng được.
Với sự ra đời và hoạt động của các quỹ KH-CN như: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH-CN quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm... sẽ giải quyết được 2 vấn đề cơ bản. Một là, nó tạo cơ chế rất thuận lợi cho giới khoa học khi có ý tưởng nghiên cứu được phê duyệt là được cấp tiền để thực hiện ngay. Hai là, các quỹ này tài trợ theo cơ chế đặt hàng nên những đề tài nào có địa chỉ ứng dụng, có khả năng thương mại hóa thì được nhà nước đặt hàng, quỹ tài trợ và sau khi nghiên cứu xong thì sẽ có người tiếp nhận kết quả ấy và đưa vào sản xuất kinh doanh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"