Muốn học cách trở thành lãnh đạo, đừng nên bỏ qua 8 bộ phim này

    Tâm Vũ,  

    Những bộ phim dưới đây không chỉ mang tính chất giải trí mà còn chứa đựng những bài học vô cùng sâu sắc.

    Đôi khi các bộ phim mang tới những bài học mà chúng ta không hề ngờ tới. Điều này đã được ông Paul Fishman, biện lý liên bang ở tiểu bang New Jersey khẳng định trong một bài diễn thuyết tại trường đại học Fairleigh Dickinson tháng 4 vừa qua. Ông cho rằng trong các tác phẩm của nền văn hóa đại chúng thì bộ phim thể hiện chính xác nhất cũng như bài học cho một luật sư, mặc dù cũng có chút phóng đại, là bộ phim hài My Cousin Vinny

    Dưới đây là 8 bộ phim hay nhất về nghệ thuật lãnh đạo được chọn bởi các nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu thế giới cũng như các nhà nghiên cứu phim xuất sắc hiện nay.

    1. McFarland, USA (2015).

    Ken Blanchard, tác giả của cuốn Vị Giám Đốc Một Phút (The One-Minute Manager) và là người sáng lập The Ken Blanchard Companies, đã chọn phim McFarland, USA để đưa ra những bài học về nghệ thuật lãnh đạo.

    Huấn luyện viên Jim White (Kevin Costner) phải thay đổi cách lãnh đạo của mình để đội do ông huấn luyện có cách chơi hiệu quả hơn. Mặc dù đây là điều mà nhiều chuyên gia ủng hộ cũng như khuyên các nhà lãnh đạo trẻ nên làm theo nhưng sự thật là nói thì dễ hơn làm. Blanchard cho rằng "Jim đã học được tầm quan trọng của việc trở thành một nhà lãnh đạo biết lắng nghe và thay đổi".

    Trailer phim McFarland, USA

    2. The Revenant (2015).

    Guy Kawasaki, cựu chuyên gia marketing của Apple và là tác giả của Nghệ thuật khởi nghiệp 2.0 (The Art of the Start 2.0) đã lựa chọn bộ phim giúp Leonardo DiCaprio lần đầu tiên đạt được giải Oscar là bộ phim về nghệ thuật lãnh đạo ưa thích của mình.

    Kawasaki cho biết bộ phim The Revenant chứa đựng những bài học quan trọng cho các nhà lãnh đạo về khả năng phục hồi và vượt qua nghịch cảnh. Ông cho biết “Mặc cho mọi người nói gì với bạn hay chính trong đầu bạn có suy nghĩ gì, bạn phải tin là bạn hoàn toàn có thể đánh bại một con khỉ đột nặng 350 kg hay như trong phim là một con gấu xám Bắc Mỹ, ngay cả khi cái giá phải trả là rất đắt”.

    Theo Guy Kawasaki thì kinh doanh cũng không khác gì những thử thách tàn bạo mà nhân vật chính phải trải qua trong phim chứ không màu hồng theo kiểu gặp những người đồng sáng lập và các nhà đầu tư, góp vốn, bán được hàng, có doanh thu và phát triển công ty.

    Trailer phim The Revenant

    3. The Pursuit of Happyness (2006)

    Giáo sư Julie Levinson, nhà nghiên cứu phim của trường Babson College, tác giả của cuốn Những câu chuyện về thành công của người Mỹ trên phim (The American Success Myth on Film) cho rằng, mặc dù những bộ phim Hollywood đều được làm bởi các tập đoàn, rất nhiều bộ phim lại không đề cao sự phân cấp trong công ty. Một trong những phim đó là The Pursuit of Happyness.

    Trong phim Chris Gardner (Will Smith) là một nhân viên bán hàng bị vận đen đeo bám và khánh kiệt tuy nhiên ban giám đốc công ty đã nhận thấy khả năng tiềm ẩn của anh và cho anh một cơ hội đến gần hơn với thành công. Gardner và con trai Christopher (Jaden Smith) vô gia cư nhưng vẫn kiên định và mạnh mẽ.

    Julie cho biết “Chúng ta thường được truyền cảm hứng từ câu chuyện của những người có nghị lực và ý chí, làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng hơn là những người có nhiều thuận lợi và đã thành công ngay từ đầu”.

    Trailer phim The Pursuit of Happyness

    4. Made in Dagenham (2010).

    Made in Dagenham có nội dung về cuộc đình công tại một nhà máy tự động tại Anh vào cuối những năm 1960. Jane Boursaw, nhà phê bình phim và người sáng lập trang web giải trí Reel Life with Jane cho rằng bộ phim đã cho thấy rằng một nhà lãnh đạo có thể xuất thân từ bất cứ đâu.

    Rita O'Grady (Sally Hawkins) trong phim là một lãnh đạo bất đắc dĩ. Cô đã can đảm cùng với các nữ đồng nghiệp của mình đình công và đấu tranh đòi sự công bằng tiền lương. Boursaw cho rằng “Cô ấy thẳng thắn nói lên quan điểm của mình và sử dụng sức mạnh nội tâm để dẫn dắt mọi người kiên trì theo quan điểm ấy”.

    Trailer phim Made in Dagenham

    5. Pulp Fiction (1994).

    Khi được đề nghị chọn một bộ phim mang bài học về nghệ thuật lãnh đạo, Lars Sudmann, cựu CFO của P&G Bỉ đã chọn Pulp Fiction với lý do bộ phim hành động mang tính bạo lực này lại ẩn chứa vài bài học về lãnh đạo.

    Khi hai nhân vật chính Vincent Vega (John Travolta) và Jules Winnfield (Samuel L. Jackson) gặp rắc rối, họ cầu cứu ông chủ và nhận được câu trả lời “đang cử Wolf đến”. Winston Wolfe, người chuyên “dọn dẹp” đã được cử tới để giải quyết vấn đề mà 2 tên gangster đang gặp phải.

    Sudmann cho rằng “Wolfe là một người chuyên giải quyết vấn đề. Anh ta bình tĩnh khi làm việc dưới áp lực và cũng biết chính xác mình phải làm gì. Những kỹ năng và phẩm chất này cực kỳ cần thiết khi đối đầu với khủng hoảng, mọi người thường bị mất phương hướng và làm mọi thứ rối tung. Bài học ở đây là phải giữ bình tĩnh khi đang phải chịu áp lực cũng như giữ lại bên cạnh mình những người cũng có khả năng chịu được áp lực như vậy”.

    Trailer phim Pulp Fiction

    6. Cầu sông Kwai (1957).

    Sam Grogg, tổng biên tập và sản xuất của Tạp chí Phim và Chương trình được yêu thích cho rằng Cầu sông Kwai là một một phim thể hiện rõ nghệ thuật lãnh đạo.Bộ phim nói về cảnh tù binh Đồng Minh bị quân đội Đế quốc Nhật Bản buộc phải xây tuyến đường sắt Miến Điện 1942-1943.

    Trung tá Nicholson (Alec Guinness) phải đối mặt với chỉ huy của quân đội Nhật, Đại tá Saito (Sessue Hayakawa). Nicholson yêu cầu phía quân Nhật cần có một sự tôn trọng đối với những người lính của ông và nghĩ rằng đó là "quy tắc" mà chính phủ Nhật nên thực hiện, trái ngược với sự tàn bạo nhưng không mang lại kết quả của Saito. Nicholson đã bảo vệ lính của mình bằng cách tập hợp họ và cùng nhau hoàn thành dự án cầu Kwai, chỉ đáng tiếc là ông không nhận ra rằng mình đã hoàn thành cây cầu cho kẻ thù. Theo Sam Grogg "Sự khó dung hòa giữa Nicholson và Saito là một trường hợp điển hình cho các cách lãnh đạo khác nhau và kết quả nhận được”.

    Trailer phim The Bridge on the River Kwai

    7. Apollo 13 (1995).

    Marjorie Brody, tổng giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty Brody Professional Development cho biết bộ phim về nghệ thuật lãnh đạo mà bà yêu thích nhất là Apollo 13.

    Bà cho rằng “Không có một ví dụ nào điển hình hơn Apollo 13 về mối tương quan giữa cách trao đổi thông tin rõ ràng, súc tích với việc lãnh đạo hiệu quả trong lúc đối mặt với khủng hoảng, kể cả khi các “phòng ban” cách nhau hàng ngàn dặm trong không gian”. Sự lãnh đạo dũng cảm cùng tư duy sáng tạo của Lovell (Tom Hanks) và Gene Kranz (Ed Harris) cùng với sự kết hợp chặt chẽ với team của họ đã giải quyết được các sự cố của tàu vũ trụ.

    Trailer phim Apollo 13

    8. Kung Fu Panda 3 (2016)

    Ashley White, giám đốc nhân sự của Trung tâm Năng suất & Chất lượng Mỹ (American Productivity & Quality Center – APQC) cho biết: “Tôi đưa đứa con 6 tuổi của tôi đi xem Kung Fu Panda 3 và nghĩ rằng tôi sẽ mất 8$ chỉ để ngủ một giấc trong rạp. Nhưng bộ phim đã làm tôi bất ngờ khi nó là phim rất hay về việc làm lãnh đạo”.

    Bộ phim là những bài học về việc liên tục thử thách chính mình để trở nên hoàn thiện hơn hay tầm quan trọng của việc có những cố vấn giỏi. Nhưng bài học quan trong nhất là các nhà lãnh đạo cần phải biết cách dẫn dắt chính bản thân mình – điều thường bị lãng quên trong các tổ chức, công ty ngày nay.

    Khi nhân vật chính là gấu trúc Po (Jack Black) được yêu cầu lên làm lãnh đạo, cậu ta đã lo sợ và mất tự tin. Po đã cố gắng chứng minh với chính bản thân mình rằng cậu ta có đủ phẩm chất để làm một leader. Khi Po đã nhận ra được điều đó, cậu ta “bùng cháy” và tạo ra một team gấu trúc kết hợp với nhau nhuần nhuyễn từ đó tạo ra một sức mạnh vô cùng lớn.

    Trailer Kung Fu Panda 3.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ