Muốn học tốt đừng chỉ cắm mặt vào sách mà hãy làm thật nhiều bài kiểm tra

    Ngocmiz,  

    Theo một nghiên cứu mới được đưa ra, các bài kiểm tra không chỉ được thiết kế ra để đánh giá người học mà thực chất còn giúp họ học tốt, thậm chí còn hơn cả nhiều phương pháp học truyền thống khác.

    Nghiên cứu chỉ ra rằng các sinh viên tham gia sau khi đọc một đoạn văn bản và làm một bài kiểm tra hỏi lại các vấn đề trong đoạn văn đó có khả năng ghi nhớ nhiều hơn tới 50% thông tin đoạn văn sau 1 tuần so với các sinh viên sử dụng 2 phương pháp khác.

    Một trong các phương pháp đó là đọc đi đọc lại tài liệu, sách vở - rất phổ biến với các sinh viên học nhồi chuẩn bị thi. Một phương thức thường gặp khác là vẽ các biểu đồ chi tiết về những gì đã học, vốn được nhiều giáo viên khuyến khích bởi cách này giúp người học liên kết và hệ thống hóa lại các kiến thức.

    Hai phương pháp trên rất thường được khuyến khích và cũng cho học sinh, sinh viên lầm tưởng rằng họ đã học được nhiều hơn là thực tế những gì đã vào đầu.

    Trong nhiều thí nghiệm, các sinh viên được yêu cầu dự đoán tỷ lệ phần trăm thông tin họ có thể nhớ được sau 1 tuần khi sử dụng một trong các phương pháp kể trên. Những người làm bài kiểm tra sau khi đọc tài liệu thường đoán tỷ lệ nhớ thấp hơn những người làm theo các phương pháp khác. Thế nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại.

    Jeffrey Karpicke, tác giả công trình nghiên cứu cho biết “Tôi nghĩ học hỏi chính là quá trình lấy lại thông tin và tái hiện lại kiến thức đã học. Chúng ta cần tận dụng những nguyên tắc hoạt động nền tảng của não bộ để tối ưu hóa được quy trình này.”

    Một số nhà khoa học não bộ và các chuyên gia giáo dục cũng cho biết kết quả rất đáng ngạc nhiên.

    Theo Marcia Linn, giáo sư ngành sư phạm tại ĐH UC Berkley thì những sinh viên làm bài kiểm tra hỏi lại những thứ họ đã học thường “nhận ra những khoảng hổng trong kiến thức của họ và cố gắng hồi tưởng lại những kiến thức này để mang chúng ra sử dụng.”

    Sau đó, khi được hỏi về những gì đã học, họ có thể dễ dàng “lục” lại các kiến thức này hơn.

    Trong một vài thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho mời hơn 200 sinh viên đại học, yêu cầu họ đọc một vài đoạn văn bản các môn khoa học như giải thích hoạt động của hệ thống tiêu hóa hay phân loại các dạng cơ trên cơ thể.

    Ở thí nghiệm đầu tiên, các sinh viên được chia làm 4 nhóm. Một nhóm không làm gì ngoài đọc một đoạn văn trong 5 phút. Nhóm thứ hai nghiền ngẫm đoạn văn trong các khoảng 5 phút liên tiếp. Nhóm thứ ba học theo phương pháp “concept mapping” trong đó họ vẽ và liên kết các khái niệm thành bản đồ khái niệm vẽ tay.

    Nhóm cuối cùng làm một bài kiểm tra hỏi lại các thông tin trong đoạn văn. Khi không còn đoạn văn trước mặt, họ viết theo những gì nhớ được trong đầu dưới dạng một bài luận tự do trong vòng 10 phút. Sau đó, những sinh viên này đọc lại đoạn văn và thực hiện một bài kiểm tra khác.

    Một tuần sau đó cả 4 nhóm sinh viên được cho làm một bài kiểm tra đánh giá khả năng hồi tưởng lại kiến thức và đưa ra kết luận dựa trên các thông tin đã biết.

    Thí nghiệm thứ hai lại chủ yếu tập trung vào bản đồ khái niệm và các bài kiểm tra hồi tưởng kiến thức, yêu cầu mỗi sinh viên thực hiện một trong hai phương pháp.

    Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu cho biết các sinh viên vẽ bản đồ khái niệm trong khi đọc đoạn văn có thể nhớ được các chi tiết nhỏ tốt hơn các sinh viên chỉ đọc đoạn văn.

    Thế nhưng khi đánh giá lại một tuần sau đó, các sinh viên trong nhóm làm bài kiểm tra lại cho ra kết quả tốt hơn cả nhóm vẽ bản đồ khái niệm. Họ thậm chí còn làm tốt hơn cả trong bài kiểm tra yêu cầu vẽ biểu đồ tư duy từ những gì nhớ được.

    Hiện vẫn chưa có lý do tại sao việc làm bài kiểm tra ngay sau khi đọc đoạn văn lại giúp sinh viên nhớ tốt hơn. Một số lời giải thích được đưa ra có thể là do trong quá trình ghi nhớ lại thông tin khi làm bài kiểm tra, chúng ta đã sắp xếp lại chúng và tạo ra các liên kết giúp não bộ nhận ra các thông tin này vào những lần sau được hỏi lại.

    Theo nhà tâm lý học Robert Bjork thuộc ĐH California, LA thì “Việc bạn lấy lại thứ gì đó từ bộ nhớ máy tính chỉ giống như việc replay lại máy nghe nhạc – tức là bạn chẳng thay đổi gì hết. Thế nhưng khi chúng ta sử dụng trí nhớ của mình hồi tưởng lại những điều đã học, chúng ra đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận các thông tin này.” Và có vẻ như việc khiến não của chúng ta phải “vật lộn” để nhớ ra thứ gì đó cũng chính là một cách tập luyện hiệu quả cho chúng.

     Phương pháp vẽ bản đồ khái niệm truyền thống

    Phương pháp vẽ bản đồ khái niệm truyền thống

    Đây có thể cũng chính là lý do các sinh viên làm bài kiểm tra hỏi lại các thông tin trong bài thường tự tin hơn về những gì họ nắm được kể cả sau 1 tuần lễ.

    Theo nhà tâm lý học Nate Kornell của Williams College, quá trình “vật lộn” để nhớ ra giúp sinh viên học được rất nhiều nhưng lại cho họ cảm giác như đang không học. Họ sẽ nghĩ “Mình chẳng hiểu rõ vấn đề này, mình vẫn bị tắc khi phải nhớ lại chúng”.”

    Trong khi đó, khi đọc đi đọc lại các đoạn văn hay sơ đồ, sinh viên sẽ có cảm tưởng như những thứ đó thật dễ vì họ đã đọc qua một lần rồi nhưng thực tế những gì họ nắm được lại không nhiều như tưởng.

    Một nghiên cứu của ĐH Purdue cho thấy việc làm các bài kiểm tra thử sau khi đọc bài rất hữu ích cho sinh viên, ngay cả khi họ trả lời sai trong những bài kiểm tra đó. Thế nhưng khi so sánh với các phương pháp học khác, công trình nghiên cứu lại mở ra những hướng mới.

    Khi so sánh với phương pháp vẽ bản đồ khái niệm mà các nhà giáo dục trước nay vẫn coi như tiêu chuẩn vàng, phương pháp làm bài kiểm tra càng cho thấy sức mạnh to lớn của mình và có thể khiến các thầy cô phải nhìn nhận lại cách thức đã “bày” cho sinh viên.

    Theo giáo sư Howard Gardner của ĐH Harvard, việc làm bài test khiến các sinh viên khám phá ra cách tiếp cận của riêng họ tới các kiến thức đã học, đề cao khả năng suy luận hơn là khả năng ghi nhớ - và điều này đã làm thay đổi quan điểm của rất nhiều nhà giáo dục, bao gồm cả ông.

    Các nhà giáo dục trước nay vẫn thường tôn thờ những phương pháp học chủ động như vẽ bản đồ khái niệm và có cái nhìn không mấy ưu ái cho việc làm bài kiểm tra vì nó khiến sinh viên phải chịu nhiều áp lực hơn.

    Tuy nhiên, nhiều bài kiểm tra hơn cũng không hẳn là tốt hơn. Kiểm tra cũng có nhiều loại, và thường các loại bài kiểm tra yêu cầu sinh viên phải hồi tưởng lại mới thực sự giúp họ học được nhiều. Ví dụ như việc yêu cầu sinh viên giải thích những gì họ đã làm trong một thí nghiệm khoa học luôn có hiệu quả hơn việc chỉ đơn thuần yêu cầu sinh viên làm thị nghiệm đó.

    Ngay cả trong một khoảng thời gian ngắn, việc hồi tưởng lại những thứ đã học thực sự giúp sinh viên lưu giữ tốt hơn những kiến thức này – và rất có thể sẽ giúp họ nhớ được chúng suốt đời.

    Tham khảo New York Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ