Mỹ: Dự luật mới tại bang California buộc Apple phải giải thích vì sao hãng không chịu cho người dùng tự sửa iPhone
Trước đó, Apple đã phản đối rất nhiều dự luật liên quan đến quyền lợi sửa chữa thiết bị của người tiêu dùng tại New York và một số khu vực khác.
Vào tuần trước, Susan Talamantes-Eggman, một ủy viên hội đồng lập pháp California đã hé lộ về kế hoạch công bố dự luật mới liên quan đến quyền lợi sửa chữa thiết bị điện tử dành cho người tiêu dùng tại bang này.
Theo đó, các nhà sản xuất như Apple, Microsoft, John Deere hay Samsung sẽ phải bán rộng rãi linh kiện thay thế cũng như dụng cụ sửa chữa thiết bị của họ; tạo ra những hướng dẫn công khai cụ thể, rõ ràng liên quan đến quy trình sửa chữa cũng như cung cấp những phần mềm chuẩn đoán tình trạng thiết bị cho các cửa độc lập.
Bà Susan hi vọng điều này sẽ buộc Apple phải giải thích rõ ràng vì sao hãng chống lại điều luật liên quan đến quyền lợi sửa chữa iPhone cũng như những thiết bị điện tử khác của người tiêu dùng. Trước đó, rất nhiều hồ sơ công cộng cho thấy Apple đã phản đối dự luật sửa chữa tại thành phố New York. Hãng thậm chí còn bí mật yêu cầu các nhà lập pháp bãi bỏ điều luật này tại một số khu vực khác như tiểu bang Nebraska.
Dự luật mới tại bang California sẽ buộc Apple phải giải thích vì sao họ lại không cho phép người dùng và tự ý sửa chữa thiết bị của mình.
Để thực hiện điều đó, Apple đã sử dụng rất nhiều quyền lợi của mình với tư cách là thành viên của các tổ chức thương mại lớn trên thế giới như CompTIA hay Consumer Technology Association. Tuy nhiên, bà Susan hi vọng đại diện Apple sẽ có mặt tại buổi điều trần về dự luật này, dự kiến sẽ diễn ra ngay tại quê nhà của Apple.
Bà Susan cho biết: “Apple là một công ty có tầm ảnh hưởng lớn tại California và tôi rất tôn trọng họ. Thế nhưng, họ có trách nhiệm phải giải thích tại sao chúng tôi không thể tự mình sửa chữa các thiết bị như iPhone hay iPad cũng như kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề cho thiết bị của mình”. Ngoài ra, bà Susan cũng tiết lộ dự luật mới sẽ áp dụng cho cả thiết bị điện tử lẫn thiết bị nông nghiệp.
Nhìn chung, ngành công nghiệp điện tử hiện nay đã quyết định hoạt động theo mô hình “sửa chữa ủy quyền”, đồng nghĩa với việc các công ty sẽ phải trả tiền cho nhà sản xuất thiết bị gốc mới được phép trở thành cơ sở sửa chữa chính hãng. Mô hình “sửa chữa ủy quyền” này cho phép các nhà sản xuất bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình cũng như an toàn của người tiêu dùng và thiết bị.
Ví dụ, các cơ sở sửa chữa của Apple chỉ được phép xử lý những trường hợp đơn giản. Còn với các vấn đề lớn hơn như đèn nền của iPad bị hỏng, họ sẽ phải gửi thiết bị lại để Apple xem xét. Bên cạnh đó, rất nhiều cơ sở sửa chữa khác vẫn đang hoạt động mà không được sự chấp thuận của Apple.
Các công ty nhỏ phải trả tiền cho nhà sản xuất gốc mới có thể trở thành cơ sở sửa chữa thiết bị chính hãng.
Bà Susan chia sẻ: “Mô hình hoạt động của họ là như vậy đấy: Họ bán và kiêm luôn trách nhiệm sửa chữa sản phẩm. Tôi ngày càng cảm thấy nản lòng với việc phải trả quá nhiều tiền để sở hữu iPhone hay iPad, sau đó lại tiếp tục tiêu tốn không ít cho Apple mỗi khi những thiết bị này gặp vấn đề. Không biết tôi hay Apple mới là người sở hữu thiết bị nữa”.
Mặc dù Apple sở hữu quyền lực chính trị đáng nể tại California, nhưng bà cũng nhấn mạnh bà là thành viên của hội đồng lập pháp đến từ Stockton, không phải Thung lũng Silicon. Vì thế, bà có nghĩa vụ phải đại diện cho những công ty nhỏ lẻ thay vì đứng về phía các công ty lớn: “Chúng ta đã nói quá nhiều về việc bảo vệ những người tiêu dùng thông thường, thậm chí là đôi khi sẽ phải đối đầu với những tổ chức lớn để thực hiện điều này”.
Hiện tại, Apple vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào trước thông tin trên.
Theo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"