Mỹ: Tìm thấy camera theo dõi của chính phủ gần nhà riêng, người đàn ông này nhất quyết không giao trả mà còn khởi kiện hai cơ quan pháp luật
Sự việc này cũng làm dấy lên những câu hỏi về giới hạn quyền lực của chính phủ Mỹ trong việc tự ý cài đặt các thiết bị giám sát tại khu vực sinh sống của người dân.
Một sự việc hi hữu “dở khóc dở cười” đã xảy ra tại Mỹ khi một chủ trang trại chăn nuôi ở Texas tìm thấy một camera giám sát của chính phủ tại khu vực nhà riêng của con trai mình. Điều đặc biệt là ông nhất quyết không chịu giao trả theo yêu cầu mà thậm chí còn khởi kiện hai cơ quan luật pháp của Hoa Kỳ.
Người đàn ông này có tên là Ricardo Palacios, 74 tuổi, là luật sư kiêm chủ một trang trại gia súc. Được biết vào tháng 11/2017, ông Palacios đã phát hiện ra một chiếc camera nhỏ, có vỏ màu xanh và có gắn ăng-ten truyền tín hiệu trên cành cây gần nhà riêng của con trai mình tại Encinal, Texas và lập tức gỡ bỏ nó.
Ngay sau đó, ông nhận được hai cuộc gọi từ Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) và Đội biệt động Texas yêu cầu ông trao trả lại chiếc camera đó - vốn là tài sản của họ. Tuy nhiên, ông Palacios đã một mực từ chối khiến họ phải đe dọa sẽ bỏ tù ông.
Đáp trả lại điều này (và cũng là để bảo vệ sự tự do của bản thân), ông quyết định … khởi kiện cả hai cơ quan trên. Không những thế, ông còn nêu rõ danh tính Mario Martinez - một đặc vụ của CPB và cho rằng người này thường xuyên xâm phạm lãnh thổ cũng như vi phạm các quyền hiến pháp của mình.
Chiếc camera theo dõi chính là "giọt nước tràn ly" khiến quan hệ giữa Palacios và cảnh sát trở nên căng thẳng tột cùng.
Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Palacios và CBP cũng không mấy tốt đẹp, và vụ việc lần này như giọt nước tràn ly, chạm đến giới hạn kiên nhẫn của người đàn ông 74 tuổi. Ông đã quá “ngán ngẩm” cảnh các sĩ quan, đặc vụ liên tục xâm phạm vào khu vực thuộc quyền sở hữu của mình, và tệ hơn cả là dường như chẳng ai quan tâm đến những lời phàn nàn, khiếu nại của ông.
Raul Casso, một trong các luật sư của Palacios cho biết: “Khách hàng của chúng tôi đã 74 tuổi và cũng là một luật sư có kinh nghiệm gần 50 năm. Ông ấy chưa từng có tiền án, tiền sự nào, là một công dân sống nghiêm chỉnh theo pháp luật. Đối với một người như vậy thì bị bắt vào tù đúng là một cách kết thúc sự nghiệp cay đắng và nhục nhã nhất”.
Hiện tại, chiếc camera “xấu số” đang được giao cho đội ngũ luật sư của Palacios và đợi quyết định của thẩm phán xem liệu họ có được sử dụng nó như một bằng chứng trong vụ việc hay không. Vụ kiện lần này cũng đã dấy lên những câu hỏi về giới hạn quyền lực của chính phủ trong việc tự ý cài đặt các thiết bị giám sát (với mục đích bảo vệ an ninh biên giới) trên các khu vực riêng tư mà không thông qua ý kiến của chủ sở hữu.
Trang trại của Palacios cách hạt Laredo 56.4km về phía bắc và cách phía nam thị trấn Encinal 3km. Trong đó, hạt Laredo chính là khu vực gần với biên giới Mỹ - Mexico nhất. Theo luật Liên bang cho biết, cảnh sát có quyền tự ý tiến hành tuần tra trong khu vực bán kính 40.3km tính từ đường biên giới, đồng nghĩa với việc một phần trang trại của Palacios cũng nằm trong phạm vi này.
Trong nhiều năm qua, các đặc vụ của CBP vẫn thường xuyên “tự do đi tuần bất kể ngày đêm” tại đây mặc dù Palacios đã không ngừng phản đối. Ông thậm chí còn viết một bức thư gửi đến giám sát viên CBP trong khu vực vào ngày 9/4/2010 nhưng cũng không thể thay đổi tình trạng này. Sự căng thẳng vẫn cứ tiếp diễn và thực sự bùng nổ cho đến khi ông tìm thấy chiếc camera cách đây hơn 3 tháng.
Laredo, Texas là khu vực gần với biên giới Mỹ - Mexico.
Trong đơn kiện của mình, Palacios cho rằng các sĩ quan an ninh đã cài đặt hàng nghìn chiếc camera “rẻ tiền” với khả năng cảm nhận chuyển động, truyền phát dữ liệu GPS và ghi lại mọi thứ trong phạm vi quay. Ông cũng khẳng định hệ thống camera này phải tuân thủ điều luật giới hạn 40.3 km giống như đối với con người.
Sự phổ biến của các công nghệ rẻ tiền đang ngày càng làm giảm sự rạch ròi giữa những gì các cá nhân muốn giữ riêng tư và những gì họ muốn công khai. Giống như trong vụ việc lần này, chính phủ đơn giản chỉ cần cài đặt camera tại những vị trí không ai biết, và chúng ta sẽ vô tình trở thành nạn nhân của công nghệ theo dõi rẻ tiền ấy.
Đây cũng không phải lần đầu tiên chính phủ yêu cầu người dân hoàn trả lại thiết bị được sử dụng để theo dõi chính họ. Vào năm 2010, Yasir Afifi - một sinh viên Mỹ gốc Ả-rập tại bang California đã tìm thấy một thiết bị theo dõi GPS trong xe của mình.
Chính FBI đã thực hiện điều này sau khi một người bạn của Afifi đã tếu táo chia sẻ cách dễ dàng nhất để… đánh bom một trung tâm thương mại trên Reddit. Afifi đã lập tức hoàn trả lại thiết bị trên sau khi nhận được yêu cầu từ phía FBI.
Tuy nhiên sau đó, anh chàng sinh viên này đã đâm đơn kiện FBI vì đã vi phạm Đạo luận Bổ sung I và IV. Thế nhưng vụ việc đã nhanh chóng kết thúc khi Tòa tuyên án FBI vô tội với kết luận “các bị cáo sử dụng thiết bị GPS không giấy phép là hoàn toàn hợp lệ tại California”.
Tham khảo Arstechnica & Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"