Năm 2016, Đề án số hóa truyền hình sẽ được triển khai ở 4 thành phố lớn và 19 tỉnh lân cận, là những tỉnh, thành lớn, đông dân cư nhất cả nước. Do đó, khi hoàn thành số hóa truyền hình ở giai đoạn này, coi như nhiệm vụ của Đề án số hóa truyền hình đã hoàn thành được 50%. Ở những giai đoạn sau, áp lực triển khai số hóa truyền hình sẽ nhẹ hơn rất nhiều.
Đà Nẵng thí điểm thành công số hóa truyền hình
Sáng ngày 1/11/2015, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã chính thức phát lệnh ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại TP Đà Nẵng. Đây có thể coi là một sự kiện quan trọng, ghi nhận bước thành công của Đà Nẵng trong việc hoàn thành số hóa truyền hình. Sự kiện này cũng đưa Đà Nẵng trở thành TP đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình. Sự kiện này cũng thể hiện việc thí điểm triểm khai số hóa truyền hình ở Đà Nẵng đã thành công, làm tiền đề quan trọng để triển khai số hóa truyền hình ở 4 thành phố: Hà Nội, HCM, Cần Thơ và Hải Phòng vào đầu năm 2016.
Năm 2016, đề án số hóa truyền hình sẽ hoàn thành được 50%.
Đà Nẵng là thành phố được Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam lựa chọn để thí điểm việc số hóa truyền hình mặt đất, trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác chuẩn bị cho ngày thí điểm tắt sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng đã được Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam cùng UBND TP Đà Nẵng chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ban Chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam đã chỉ đạo VTV xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng số DVB-T2 để phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình của VTV và của Đài PT-TH Đà Nẵng trên địa bàn TP Đà Nẵng và 4 huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam (TP Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc). Đồng thời, công tác triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động để nhân dân trên địa bàn chủ động chuyển đổi từ thu xem truyền hình tương tự mặt đất sang thu xem truyền hình số mặt đất cũng đã được triển khai một cách tích cực.
Bộ TT&TT đã triển khai việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương trên địa bàn TP Đà Nẵng và 4 huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam từ nguồn vốn của Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. UBND TP Đà Nẵng cũng đã thực hiện triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn của Đà Nẵng.
Tổng số hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tại Đà Nẵng là 5.644 hộ gia đình; tại Bắc Quảng Nam là 11.408 hộ.
Thời điểm lựa chọn để tắt sóng truyền hình analog được căn cứ vào chất lượng phủ sóng truyền hình số, cũng như kết quả triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo. Thời hạn tắt sóng truyền hình analog được Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam cân nhắc, điều chỉnh tới hai lần. Theo kế hoạch ban đầu, Đà Nẵng sẽ tắt sóng vào ngày 1/7/2015, tuy nhiên đến sát thời điểm này, Ban chỉ đạo đã đánh giá, xem xét lại tình hình triển khai thực tế và quyết định chuyển từ tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog sang tắt sóng “mềm”. Từ ngày 1/7/2015, sẽ tắt sóng “mềm” ba kênh: VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1, đến ngày 1/10/2015 sẽ tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog còn lại.
Cho đến ngày 29/9/2015, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình đã một lần nữa phải cân nhắc việc: Tắt sóng ngay vào ngày 1/10/2015 hay lại điều chỉnh một lần nữa. Với lý do việc triển khai hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo chưa hoàn tất, đồng thời trong tháng 10, Đà Nẵng sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ, nếu tắt sóng ngay từ đầu tháng 10 sẽ ảnh hưởng tới việc tuyên truyền cho Đại hội Đảng, ảnh hưởng tới nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân. Do đó, một lần nữa thời hạn tắt sóng truyền hình analog tại Đà Nẵng lại được điều chỉnh tới 1/11/2015,
Đến thời điểm 1/11/2015, việc số hóa truyền hình mặt đất tại địa bàn Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam và việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo cơ bản đã hoàn thành. Số lượng hộ dân đã thu xem truyền hình số đạt con số 95% dân, đủ điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng. Sự kiện một lần nữa đánh dấu sự đi đầu và ý thức trong việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến của các cơ quan quản lý và người dân của TP Đà Nẵng.
Lộ trình số hóa truyền hình sẽ triển khai đúng tiến độ
Vào ngày 2/12/2015, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam đã thông báo về thời điểm ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ đã được điều chỉnh lại. Theo đó, từ ngày 1/3/2016, ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất, đến ngày 1/6/2016 sẽ ngừng phủ sóng truyền hình analog ở 4 TP này.
Phương án vẫn là tắt sóng “mềm” như đã áp dụng ở Đà Nẵng. Từ ngày 1/3/2016, ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất tại thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ cụ thể như sau:
VTV6, H2, VTC9 tại Hà Nội; VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 tại Hồ Chí Minh; VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ.
Tiếp đó, từ ngày 1/6/2016, ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại tại 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ.
Văn bản cũng nêu rõ, tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đặt tại tỉnh Bình Dương (trừ các máy phát của Đài PTTH Bình Dương) ngừng hoạt động theo kế hoạch ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại TP.HCM.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào sáng 1/2/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, thời điểm trước và sau Tết Bính Thân, Bộ TT&TT phải tích cực thực hiện Đề án số hóa truyền hình để đạt được kết quả tốt nhất. Bộ trưởng cũng cho hay, thời hạn tắt sóng mềm truyền hình analog tại 4 thành phố lớn có thể điều chỉnh lại ở thời điểm thích hợp nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, thời điểm từ sau Tết Bính Thân đến hết tháng 5 diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, trong đó ngày 22/5/2016 là ngày toàn dân bầu cử Quốc hội. Do đó, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình sẽ phải cân nhắc thời điểm cắt sóng analog, thời điểm cắt sóng mềm và cắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog sẽ được điều chỉnh linh hoạt, phải cân nhắc để bà con nhận được thông tin về bầu cử tốt nhất.
“Dù điều chỉnh thế nào thì lộ trình số hóa truyền hình vẫn sẽ đúng tiến độ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Năm 2016, có thể coi là năm bản lề thực hiện Đề án số hóa truyền hình. Bởi vì khi tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố lớn, sẽ có 19 tỉnh lân cận với 4 thành phố này sẽ bị ảnh hưởng, do đó các tỉnh này cũng sẽ phải triển khai số hóa truyền hình cùng với 4 thành phố. Như vậy trong năm 2016, số hóa truyền hình sẽ được triển khai trên một địa bàn cực kỳ rộng lớn, tại 23 tỉnh, thành phố đông dân nhất của cả nước. Hiện tại, khâu phủ sóng số đã được các doanh nghiệp triển khai tích cực, đảm bảo cho cả 23 tỉnh, thành phố này có thể thu xem được truyền hình số.
Việc triển khai số hóa truyền hình ở 4 thành phố lớn có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi gần như nhà nước đã hoàn thành số hóa truyền hình xong ở những tỉnh, thành lớn, đông dân cư nhất cả nước.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín