Năm 2017 chứng kiến lần đầu tiên lượng smartphone xuất xưởng tại Trung Quốc sụt giảm

    Nguyễn Hải,  

    Đây là bằng chứng vững chắc cho thấy thị trường smartphone Trung Quốc đã bão hòa và không còn là mảnh đất vàng cho tăng trưởng nữa.

    Thị trường Trung Quốc không còn là mảnh đất vàng cho smartphone nữa sau khi các số liệu thống kê vào hôm nay cho thấy, quốc gia này lần đầu chứng kiến sự sụt giảm về lượng hàng xuất xưởng trong cả năm 2017.

    Trên thực tế, mức sụt giảm trên thị trường lần đầu được ghi nhận vào quý 2 năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên mức sụt giảm này kéo dài suốt 12 tháng. Dữ liệu này được lấy từ hãng phân tích Canalys, khi cho biết tổng lượng smartphone xuất xưởng đã sụt giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 459 triệu sản phẩm cho cả năm 2017. Đặc biệt, lượng xuất xưởng vào Quý 4 năm 2017 còn chứng kiến mức giảm sâu 14% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 113 triệu sản phẩm.

    Năm 2017 chứng kiến lần đầu tiên lượng smartphone xuất xưởng tại Trung Quốc sụt giảm - Ảnh 1.

    Bất chấp bằng chứng về sự bão hòa của người mua, Huawei vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ẩn tượng của mình với 24 triệu sản phẩm xuất xưởng trong quý cuối cùng năm 2017, gia tăng thị phần của họ lên 9%.

    Hai người anh em song sinh OPPO và Vivo cho dù đạt được mức tăng trưởng bùng nổ với doanh số gia tăng mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi tại châu Á, nhưng ở Trung Quốc, theo Canalys, lượng hàng xuất xưởng của họ lại chứng kiến mức sụt giảm tương ứng 16% và 7%, xuống chỉ còn 19 triệu và 17 triệu sản phẩm.

    Cuối cùng, việc ra mắt iPhone X và iPhone 8 đã giúp Apple chiếm lấy vị trí thứ 4 của Xiaomi tại thị trường này với lượng xuất xưởng đạt 13 triệu sản phẩm trong Quý 4 năm 2017.

    Đà tăng trưởng chậm lại tại thị trường quê nhà đã khuyến khích các thương hiệu điện thoại Trung Quốc hướng đôi mắt ra các thị trường nước ngoài, với nhiều người tìm đến Ấn Độ, nơi họ từ lâu đã đánh bại các đối thủ trong quốc gia này, và các thị trường mới nổi khác như Inonesia, nơi cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.

    Đặc biệt là Xiaomi, sau khi đánh bại Samsung để giành lấy ngôi đầu về thị phần Ấn Độ trong Quý 4 năm 2017, đã lên kế hoạch mở rộng sang Tây Ban Nha, Mexico, Nga và các khu vực khác của châu Phi.

    Trong khi đó, Mỹ vẫn cho thấy mình là thị trường khó tiến vào như thế nào. Xiaomi đã bán phụ kiện ở nơi này trong một thời gian, nhưng họ vẫn chưa thể đạt được bước đột phá về smartphone dù rằng đã nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng người dùng.

    Nhiều thương hiệu khác dù cố gắng tiếp cận một cách tích cực hơn cũng đã bị chặn đứng lại một cách quyết liệt. AT&T, nhà mạng lớn thứ hai nước Mỹ, đã hủy bỏ kê hoạch phân phối chiếc Huawei Mate 10 Pro, theo nhiều báo cáo khác nhau cho rằng, việc làm này là do sức ép từ chính phủ Mỹ. Còn có tin đồn cho rằng Verizon cũng đang đối mặt với áp lực tương tự cho kế hoạch phân phối thiết bị, và họ đã rút lại kê hoạch của mình trong lộ trình ra mắt năm nay.

    Thay vào đó, Huawei đang dự định bán chiếc Mate 10 Pro phiên bản không khóa mạng và họ đã thuê nữ diễn viên phim Wonder Woman, Gal Gadot với vị trí “Giám đốc Trải nghiệm”. Nhưng các thỏa thuận với nhà mạng vẫn là cách thức chủ chốt để tiếp cận người dùng mà không bị đội giá bán lẻ lên gần gấp 4 lần. Huawei đã phân phối qua các nhà bán lẻ lớn như Best Buy và Amazon, nhưng công ty sẽ khó có thể tiến sâu vào thị trường này nếu thiếu sự hỗ trợ từ các nhà mạng.

    Tham khảo TechCrunch

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ