Năm 2019 rồi, đừng đem 4 điểm yếu này của iPhone ra chê nữa
Có một sự thật trớ trêu rằng Google đang cung cấp rất nhiều dịch vụ để san phẳng các lợi thế của smartphone Android trước... iPhone.
Khi các hãng smartphone Android đang ngày một hùng mạnh, rõ ràng là iPhone sẽ có rất nhiều điểm thua kém. Khả năng tùy biến, khả năng chụp ảnh thiếu sáng hay bộ nhớ mở rộng là những thiếu hụt mà ai cũng có thể nghĩ đến khi so sánh iPhone cùng Galaxy Note hay Google Pixel.
Dù vậy, có những điểm yếu rõ rệt của iPhone giờ đây đã không còn áp dụng nữa. Nếu bạn thấy ai đó đem những điểm yếu này của iPhone ra chê, hãy nhắc nhở họ hãy… cập nhật hi-tech hơn một chút.
Khó copy nhạc
Thực tế mà nói, copy nhạc số vào iPhone vốn chẳng phải là vấn đề khó khăn gì nếu bạn biết cài đặt ứng dụng iTunes lên máy tính. Tác vụ này chỉ dễ dàng hơn một chút trên điện thoại Android – nơi người dùng có thể copy thẳng file nhạc vào bộ nhớ trong hay thẻ nhớ.
iTunes hết thời rất lâu rồi...
Nhưng bây giờ đã là năm 2019 rồi. Tại sao lại phải tốn công download rồi copy nhạc (lậu) vào máy trong khi chúng ta có thể nghe nhạc bản quyền một cách tiện lợi qua dịch vụ stream và cũng có thể tải offline trực tiếp từ các dịch vụ này? Tại Việt Nam, Apple Music và Spotify có giá hàng tháng chỉ bằng 2 bát phở. Chính Google còn ra mắt Google Play Music cho người dùng iOS từ khi Apple Music chưa thành hình; hiện tại người dùng iPhone cũng có thể nghe nhạc từ YouTube Music qua trải nghiệm giống hệt người dùng Android.
Không có chương trình quản lý file
Một trong những điểm yếu thường xuyên bị lôi ra mỉa mai của Apple là không có trình quản lý file. Năm 2018, Apple sửa đổi một chút bằng cách ra mắt ứng dụng quản lý file trên iPad Pro – dòng thiết bị đang ngày một hướng đến người dùng làm việc nhiều hơn. Dù vậy, ứng dụng này quả thật còn rất thiếu tính năng so với Windows Explorer hay Finder trên Mac.
Hãy cứ than phiền về ứng dụng quản lý file trên iOS, nếu tận bây giờ mà bạn vẫn chưa biết cách dùng các ứng dụng/dịch vụ của... Google.
Song, câu hỏi thực sự đáng hỏi ở đây là, cuối cùng thì chúng ta cần quản lý file trên điện thoại để làm gì? Chúng ta cần ứng dụng quản lý file để làm gì khi chính Google đã liên tục đẩy công nghệ đám mây lên mức thượng thừa. Ví dụ, khi ai đó gửi cho bạn một file Word đính kèm trong thư Gmail, bạn có lẽ sẽ nghĩ ngay đến việc tải file về rồi mở ra từ Explorer… Nhưng tại sao bạn lại cần làm như vậy khi Gmail tích hợp sẵn khả năng mở xem file Word, khi Google Docs cùng Microsoft Word đều miễn khí trên App Store?
Không một loại file phổ biến nào có thể gây khó cho bạn trên iOS nữa cả. Tất cả các dịch vụ đám mây lớn đều có khả năng mở file zip qua ứng dụng di động. Khả năng mở file ảnh hay file PDF được tích hợp sẵn vào nhiều ứng dụng phổ biến – Facebook Messenger hay Gmail chẳng hạn. Từ iOS 7, Apple cho phép ứng dụng này có thể "chuyển" file qua ứng dụng khác một cách dễ dàng qua nút Share. Giờ iOS đã lên tới bản 13 rồi, bất kỳ loại file nào bạn cần mở đều sẽ có ứng dụng và có lẽ là có cả đám mây đi kèm - nếu không dùng đám mây mà lại cứ lọ mọ tải về rồi tự quản lý trên không gian chật hẹp của điện thoại thì quả thật là hơi… low tech.
Không gửi được file qua ứng dụng nhắn tin/mail
Nhiều người không nhận ra iOS được tích hợp SÂU với Google Drive và Gmail từ cả nửa thập kỷ nay rồi.
Gửi file trên Android rất dễ dàng. Gửi file qua iOS từng là một tác vụ khó khăn trong những năm... 2000. Giờ đây, tất cả các ứng dụng bên thứ ba - bao gồm ứng dụng Google - đều có thể tích hợp lẫn nhau một cách dễ dàng để mở file.
Nhưng khi đã có ứng dụng cho từng loại file, và khi đã có đám mây, chúng ta gửi file thủ công để làm gì? Muốn gửi nhạc, hãy gửi link Spotify. Muốn gửi file Word hay bất kỳ loại file nào khác, hãy lưu vào Google Drive hay OneDrive rồi gửi link: Google Drive và OneDrive tích hợp sẽ cho phép người dùng xem và sửa trực tiếp, đỡ tốn công tải, sửa rồi gửi lại. Muốn gửi ảnh, hãy dùng chính Google Photos: do có giới hạn 20MP nên Google Photos hiện đang miễn phí hoàn toàn với toàn bộ người dùng iPhone. Năm 2019 rồi, có lẽ là chúng ta nên quên cách gửi file theo kiểu 2009 đi thôi.
Không gửi được ảnh qua Bluetooth
Đúng vậy, người dùng iPhone từng không có cách nào để gửi file trực tiếp cho nhau. Nhưng AirDrop đã được đưa lên iOS từ tận 2013, cho phép người dùng có thể gửi ảnh và video – 2 loại nội dung thường gửi nhất từ thiết bị iOS này sang thiết bị iOS khác.
6 năm sau, Google vẫn không có câu trả lời chính thống dành cho AirDrop.
Bởi dịch vụ này truyền dữ liệu qua cả Bluetooth lẫn Wi-Fi nên tốc độ copy của AirDrop cao hơn Bluetooth trên Android rất nhiều. Minh chứng cho thấy Apple có thể đi sau nhưng thường làm tốt hơn – đến giờ, các nhà sản xuất Android vẫn chưa có công nghệ tương đồng với AirDrop.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming