Cả đất nước đã trải qua năm 2020 với đầy biến động khi liên tiếp đối mặt đại dịch Covid-19 đến thiên tai, bão lũ khắc nghiệt chưa từng có. Tuy nhiên, giữa những đau thương, mất mát ấy, tình dân tộc - nghĩa đồng bào, truyền thống đùm bọc, tương thân tương ái bao đời nay của người Việt lại càng tỏa sáng, rõ nét.
“Vượt ải” đại dịch Covid-19
Trước làn sóng dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không phải là một quốc gia ngoại lệ. Từ đầu năm 2020, sự bùng phát của dịch bệnh đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống và sức khỏe của người dân,…
Việt Nam ghi nhận những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1. Sau đó, dịch bệnh bắt đầu lan rộng, số ca nhiễm Covid-19 xuất hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Liên tiếp nhiều địa điểm, khu vực, địa phương phải phong tỏa vì phát hiện những ca mắc mới như: ổ dịch tại quán Bar Buddha (TP.HCM), Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Nhiều "ổ dịch" Covid-19 phải phong tỏa sau khi phát hiện hàng loạt ca nhiễm mới
Đỉnh điểm, từ 0h ngày 1/4, Việt Nam phải thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước. 22 ngày đầu tháng 4, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cùng nhau “bế quan tỏa cảng”, đồng tâm hiệp lực tập trung chiến đấu với dịch bệnh. Nhiều bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc để kịp thời cứu chữa bệnh nhân.
Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt trở thành thói quen, nếp sống của người dân giữa dịch Covid-19
Trong làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19, cả nước chỉ có vài trăm ca bệnh, trong đó có một nửa là người nhập cảnh và đặc biệt, không để xảy ra trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, dưới những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia, Việt Nam phải đối mặt với làn sóng thứ 2 bùng phát nhanh vào giữa tháng 7. Cả đất nước bước vào giai đoạn chống dịch mới với ca nhiễm không xác định được nguồn lây ở Đà Nẵng sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
3 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng phải phong tỏa vì dịch Covid-19
Chỉ trong vòng vài tuần, Đà Nẵng đã phát hiện hàng trăm trường hợp mắc Covid-19 mới, 3 bệnh viện phải phong tỏa, số ca tử vong trên toàn quốc cũng gia tăng nhanh chóng từ con số 0 đến 35. Cả thành phố phải tiến hành khử khuẩn. Hàng rào chắn "khu vực cách ly" xuất hiện ngày càng nhiều trên từng con phố, ngõ ngách tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng phun hóa chất, khử trùng toàn thành phố
Tuy nhiên, sau 2 tháng khi tái bùng dịch, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hàng triệu con người, dịch bệnh đã được kiểm soát. Với sự lòng, nhất trí của toàn dân tộc, chúng ta đã 2 lần chiến thắng dịch Covid-19.
Tính đến 18h ngày 31/12, Việt Nam mới ghi nhận 1465 bệnh nhân, 1325 người đã được điều trị khỏi và 35 ca tử vong, chủ yếu lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng. Ngày 31/12 cũng là ngày thứ 30 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Cả đất nước bước vào giai đoạn “sống chung với dịch”, kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa lo phục hồi và phát triển kinh tế.
Người dân Hạ Lôi (Hà Nội) sung sướng khi được gỡ bỏ lệnh phong tỏa
Truyền thông thế giới gọi thành công trong chống dịch của Việt Nam là “kỳ tích”. Đây cũng là minh chứng cho truyền thống đoàn kết, đùm bọc, tình nhân ái và ý chí kiên cường của cả dân tộc.
Cả đất nước đồng lòng chống dịch
Trong những ngày đất nước đối mặt với làn sóng Covid-19, cả dân tộc đồng lòng cùng chung tay vượt qua dịch bệnh. Trong quá khứ, những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ quê hương, lãnh thổ, mỗi người dân đất Việt bừng bừng khí thế “cả nước ra trận”. Đến hôm nay, cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng không hề kém phần nguy hiểm, căm go và quyết liệt. Cả dân tộc đồng lòng, toàn dân “chống dịch như chống giặc”. Giữa gian khó, tinh thần ấy càng rõ nét.
Rất nhiều câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng và lan tỏa lối sống tốt đẹp cho cộng đồng được chia sẻ. Tại Lễ phát động toàn dân ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa lời kêu gọi lan tỏa mạnh mẽ đến mọi mặt trận, mọi địa phương trên cả nước.
“Chúng ta kêu gọi mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng…”, lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Cả nước đồng lòng chống dịch Covid-19
Hưởng ứng lời kêu gọi này, từ những cụ già 90 tuổi đến những em nhỏ đều sẵn sàng để dành số tiền tiết kiệm ít ỏi để góp sức cùng cả nước chống dịch. Chỉ sau một tháng phát động (từ 17/3 đến 28/4), số tiền và hiện vật ủng hộ chống dịch đã lên tới 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng ngàn người lính tự nguyện nhường giường, vào rừng căng võng ngủ tạm; nhiều sinh viên thu dọn hành lý, để lại cả lương thực, thực phẩm trong ký túc xá,… cho những người phải vào cách ly vì dịch Covid-19.
Bộ đội nhường giường, sinh viên để lại lương thực cho người phải vào cách ly vì dịch Covid-19
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… những cây “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, siêu thị 0 đồng,… xuất hiện ngày càng nhiều. Hàng trăm nghìn khẩu trang, nước rửa tay miễn phí được vận chuyển đến người dân vùng dịch. Sự đoàn kết, tinh thần đùm bọc lại bùng cháy dữ dội trong những ngày đất nước khó khăn chống lại đại dịch.
Cây ATM gạo, ATM khẩu trang, siêu thị 0 đồng,... ấm áp tình người giữa dịch bệnh
Trong 2 lần đất nước chiến thắng dịch Covid-19, không thể không kể đến sự hi sinh thầm lặng của những y bác sĩ ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Ngay khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng, hàng trăm tình nguyện viên là các sinh viên y khoa, y bác sĩ về hưu đã đăng ký tình nguyện vào các bệnh viện. Họ sẵn sàng làm mọi việc, đem hết tâm sức và kiến thức của mình để phục vụ cho cộng đồng.
Những tình nguyện viên, y bác sĩ rải chiếu, nằm tạm trêm tấm carton tranh thủ chợp mắt ở khu cách ly
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, các bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), và nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước đã lên đường dù biết chuyến đi này chưa hẹn ngày trở về.
Trong bệnh viện bị cách ly, các khu chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, các bác sĩ phải tự cắt tóc cho nhau để thuận tiện khi làm việc tại tuyến đầu chống dịch. Họ phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, không thể nhìn rõ mặt, chỉ có thể ghi tên sau áo để có thể nhận ra nhau. Mỗi khi thay đồ, mồ hôi mặn chát lưng áo, nhỏ từng dòng xuống đất. Khuôn mặt in hằn dấu của chiếc khẩu trang, đôi tay khô ráp vì ngày ngày phải sử dụng găng tay cao su.
Những "chiến binh thầm lặng" với sự hi sinh không ngừng nghỉ
Áp lực từ việc điều trị cho bệnh nhân quá lớn, đêm đến sau ca trực bận rộn, các bác sĩ phải lót tạm tấm bìa carton xuống sàn bệnh viện để tranh thủ từng giây phút chợp mắt nghỉ ngơi. Mỗi ngày, họ phải chạy đua với thời gian để giữ chặt bệnh nhân khỏi lưỡi hái của thần chết.
Thậm chí, một số bác sĩ đã làm việc tới kiệt sức và phải nằm nghỉ, truyền nước khiến ai cũng rưng rưng nước mắt. Thế nhưng, trong khó khăn, tất cả các y bác sĩ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng những nỗ lực chống dịch sẽ được đền đáp xứng đáng.
Niềm tin, sự lạc quan của các y bác sĩ giữa dịch bệnh
Tuy cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài trong thời gian tới nhưng với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái của toàn dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh.
Niềm hạnh phúc vỡ òa của các y bác sĩ khi Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ bỏ lệnh phong tỏa
Kiên cường trước thiên tai, bão lũ
Khi dịch Covid-19 vừa tạm lắng xuống, cả đất nước lại đối mặt với thử thách mới từ thiên tai, bão lũ. Cả dân tộc hướng về “khúc ruột” miền Trung khi người dân nơi đây phải trải qua trận “đại hồng thủy” lịch sử, liên tiếp chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên tai. Hiếm có năm nào, đồng bào nơi đây phải hứng chịu nhiều mất mát, đau thương đến thế.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ, nước ngập trắng dải đất miền Trung. 249 người thiệt mạng và mất tích, 705 người bị thương, 240.000 nhà bị hư hại, tốc mái và gần 500.000 lượt nhà nhấn chìm trong lũ, thiệt hại lên đến hơn 30.000 tỷ đồng đã nói lên sự tàn khốc của mưa bão.
Có người chồng quỳ khóc dưới dòng nước trắng xóa vì nhìn thấy vợ và đứa con bị nước lũ cuốn đi, có người phụ nữ suýt bỏ mạng vì cố lao ra giữa dòng nước lũ xin đồ ăn cho mẹ già và 3 con nhỏ,... Đó là một trong vô vàn những đau thương mà người dân miền Trung phải trải qua trong trận mưa lũ lịch sử năm 2020.
Sạt lở cũng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân miền Trung trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Ký ức về Rào Trăng sẽ lưu lại trong tâm khảm của rất nhiều thế hệ người Việt. Giữa thời bình, đã có những người lính mãi mãi nằm xuống, để lại nỗi xót thương vô hạn cho cả dân tộc. Trong đống đổ nát hoang tàn, những chiếc mũ bộ đội lẫn trong bùn đất cùng tiếng gọi đồng đội văng vẳng nhưng không có lời hồi đáp là những khoảnh khắc khiến ai cũng ám ảnh.
Chuyến đi của 13 chiến sĩ, cán bộ cứu hộ khi tiến vào Rào Trăng tìm 17 người công nhân mắc kẹt trở thành chuyến cứu hộ cuối cùng, chỉ có chiều đi mà không có chiều về. Dù các anh đã ngã xuống nhưng ngọn lửa của niềm tin, của sự hi sinh quên mình vẫn luôn cháy rực rỡ, sáng lòa.
Khi mà nỗi đau mang tên Rào Trăng còn chưa dứt thì liên tiếp các vụ sạt lở diễn ra ở các huyện vùng cao Nam Trà My, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam khiến cả nước chấn động. Chỉ trong 2 ngày, 5 vụ sạt lở đã vùi lấp hàng chục con người, san bằng hàng chục ngôi nhà, cả thôn làng bỗng chốc chìm trong bùn đất.
Màu tang tóc bao phủ lên từng bản làng, từng ngôi nhà
Màu sắc tang thương bao phủ lên nhiều gia đình, bản làng. Có người mẹ phải chịu nỗi đau mất con, người vợ phải khóc tang cho chồng hay người con phải cùng lúc chứng kiến sự ra đi đột ngột của bố mẹ. Có nhiều em học sinh học bán trú xa nhà, chỉ trong một đêm đã trở thành trẻ mồ côi, mất tất cả người thân. Khi trở về bản làng chỉ còn đống đổ nát, tan hoang, em khuỵu gối khóc trong tuyệt vọng trước ngôi mộ mới chôn của cha mẹ.
Bà Hồ Thị Hồng mất 8 người thân trong vụ sạt lở ở xã Trà Leng
Ngồi gục khóc giữa hiện trường vụ sạt lở hoang tàn, bà Hồ Thị Hồng (74 tuổi, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) như chưa dám tin chuyện gì đã xảy ra đối với 8 người thân của bà. Nhà của bà sống cùng các người con đã bị san phẳng, nằm dưới đống bùn đất. Những người thân của bà, chỉ có cô con gái và hai người cháu may mắn sống sót, 8 người khác bao gồm con trai, con rể, cháu đều đã bị vùi lấp, mất tích.
"Giờ chẳng còn gì cả, nhà mất, con cái, cháu mất rồi, không biết đi đâu để sống", bà Hồng đau đớn. Ông Hồ Văn Đề, chồng bà Hồng đau đớn tột cùng, cứ chạy đi chạy lại cạnh đống đổ nát, khóc lớn thành tiếng.
Tình dân tộc giữa mưa bão
Càng trong khó khăn, thử thách, sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta mới càng được phát huy, nhân rộng. Giữa dòng nước lũ dữ, những chiến sĩ cứu hộ vẫn ngày đêm lao mình vào nguy hiểm đến ứng cứu người dân. Nhiều chiến sĩ chỉ ngủ đủ 5 tiếng một ngày, chạy đua với thời gian để kịp thời hỗ trợ người dân.
Những chuyến thuyền chở theo hi vọng
Những chuyến cano 0 đồng chứa đựng biết bao tình yêu thương, nhân ái, cứu giúp bà con vùng lũ giữa mênh mông biển nước. Lực lượng cứu hộ trở thành chỗ dựa tinh thần, là niềm tin, niềm hi vọng của trăm nghìn con người đang phải chống chọi với dòng nước lũ trong tuyệt vọng.
Những bữa cơm nuốt vội, những giấc ngủ chập chờn và cả những hiểm nguy thường trực của lực lượng cứu hộ
Hình ảnh những chiến sĩ cõng bà cụ, cởi bỏ quân phục khoác cho một em nhỏ, lặn lội vào những ngôi nhà ngập sâu nhất để đưa người dân đến nơi an toàn,... khiến ai ai cũng xúc động. Trên khắp rẻo đất miền Trung, rất nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người được sẻ chia.
Những chú bộ đội cùng các thanh niên thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, sẵn sàng vượt lũ đưa sản phụ, người đàn ông cụt chân ở Quảng Bình vẫn theo đoàn từ thiện đi giúp đỡ người khác,... Thậm chí, có vị Chủ tịch xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã qua đời vì bị nhiễm một loại vi khuẩn sau một thời gian giúp dân vùng lũ trong sự thương xót, biết ơn của biết bao người dân vùng lũ.
“Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh!” Những sự hi sinh ấy thật đáng trân quý biết bao!
Mỗi khi đứng trước những khó khăn, tinh thần tương thân tương ái lại càng sáng ngời. Làn sóng “từ thiện, nhân đạo” được khởi xướng mạnh mẽ. Khắp mọi miền Tổ quốc, đâu đâu cũng quyên góp, ai ai cũng làm từ thiện, từ tấm áo, đến sách vở, vật dụng cần thiết nhất được vận chuyển đến “khúc ruột” miền Trung để giúp đỡ bà con chống chọi thiên tai, vượt qua cơn hoạn nạn.
Những tấm lòng vàng thầm lặng mà tỏa sáng
Nhiều cụ bà hơn 90 tuổi, còng lưng, chống gậy nhưng vẫn cố mang một thùng mì tôm, một bao gạo gửi đến đồng bào gặp khó khăn. Nhiều người lặng lẽ gửi tiền quyên góp miền Trung mà không cần để lại danh tính.
Họ là những tấm lòng vàng thầm lặng mà tỏa sáng
Những bếp tình thương được dựng lên với hàng nghìn suất cơm của các chị, các mẹ gửi cho đoàn cứu trợ, gửi qua đội cứu hộ đến những nơi sơ tán, những người còn kẹt lại trong ngôi nhà nước vẫn đang dâng cao dần. Giữa mưa rét, có ông cụ bật khóc khi nhận được hộp cơm nóng hổi đầu tiên sau 5 ngày nhịn đói vì lũ vùi.
Tình người ấm áp giữa mưa bão, lũ lụt
Tình người ấm áp xoa dịu đi những nỗi cực nhọc của người dân miền Trung
Từ các tổ chức lớn như Hội Chữ thập đỏ hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều hội nhóm nhỏ trên mạng xã hội đều tổ chức các chương trình quyên góp ủng hộ. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng còn dấn thân vào vùng lũ, trực tiếp trao cho người dân các đồ tiếp tế cần thiết.
Dù chưa đến Tết nhưng nhiều ngôi làng, nhiều vùng quê đã đỏ lửa luộc bánh chưng, bánh tét để gửi thực phẩm cho đồng bào miền Trung. Khắp nơi sáng đèn, người người thức thâu đêm để chuẩn bị đồ cứu trợ.
Khắp nơi sáng đèn, người người thức thâu đêm để chuẩn bị đồ cứu trợ vì miền Trung ruột thịt
Hàng chục nghìn chuyến xe hàng chở lương thực, thực phẩm, vật dụng thiết yếu cùng tình cảm của đồng bào cả nước được chuyển đến cho người dân vùng lũ. Một lần nữa, tinh thần cộng đồng lại cuồn cuộn dâng cao như khi cả nước đồng lòng chống dịch. Tất cả đều đồng lòng, giúp đỡ người dân “khúc ruột” miền Trung vực lại cuộc sống từ thiên tai khắc nghiệt.
Cả nước bên miền Trung, miền Trung vì cả nước mà kiên cường chống đỡ.
Kết
Trong năm 2020, cả dân tộc ta đã cùng lúc phải đối mặt với dịch bệnh hoành hành, thiên tai khắc nghiệt. Tuy nhiên, giữa mây mù u ám ấy, tình người ấm áp, sự đùm bọc, sẻ chia và tinh thần tương thân tương ái lại tỏa sáng, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Trong tương lai, dù phải đối mặt với khó khăn thử thách đến đâu, chúng ta đều có thể giương cao ngọn cờ quyết thắng bằng sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần dân tộc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI