NASA cảnh báo thiên thạch có tốc độ 30.000 km/h sắp tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách siêu gần

    Anh Việt,  

    Bất chấp khoảng cách gần Trái đất tới mức kỷ lục, xác suất để thiên thạch 2011 ES4 va vào Trái đất gần như không đáng kể, theo NASA.

    Trên trang chủ của mình, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) thông báo một hiện tượng thiên văn kỳ thú sẽ diễn ra vào ngày 1/9 tới đây. Theo đó, 2011 ES4 - một thiên thạch được NASA phân loại "có khả năng gây nguy hiểm" sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách siêu gần, thậm chí gần hơn bất kỳ tiểu hành tinh nào sẽ bay qua hành tinh của chúng ta trong một thập kỷ tới.

    Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011, thiên thạch 2011 ES4 có đường kính khoảng 49 m, có tốc độ di chuyển 29.375 km/giờ, có chu kỳ đi ngang qua Trái đất 9 năm một lần. Vào ngày 1/9 tới đây, nó sẽ đi ngang Trái đất ở khoảng cách chỉ khoảng 71.805 km, tương đương 1/5 khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng (384.399 km).

    NASA cảnh báo thiên thạch có tốc độ 30.000 km/h sắp tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách siêu gần - Ảnh 1.

    Thiên thạch 2011 ES4 sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần kỷ lục

    Bất chấp khoảng cách gần Trái đất tới mức kỷ lục, xác suất để thiên thạch 2011 ES4 va vào Trái đất gần như không đáng kể, theo NASA. Trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, các chuyên gia cho rằng với với kích thước không quá to, thiệt hại mà thiên thạch này gây ra sẽ không quá kinh khủng nếu nó va chạm với Trái đất.

    Mặc dù vậy, một số nhà thiên văn học vẫn cảnh báo về nguy cơ thiên thạch 2011 ES4 có thể gây ra khi nó bị phá hủy trong bầu khí quyển trước khi chạm vào bề mặt Trái đất.

    Trên thực tế, vào tháng 2/2013, một thiên thạch có đường kính chỉ 18m đã phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk (Nga), gây ra thiệt hại đáng kể. Theo ước tính, năng lượng sinh ra từ vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk gấp 33 lần năng lượng từ quả bom nguyên tử dội xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

    NASA cảnh báo thiên thạch có tốc độ 30.000 km/h sắp tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách siêu gần - Ảnh 2.

    Thiên thạch Chelyabinsk phát nổ trên bầu trời vào tháng 2/2013

    Đã có khoảng 1.491 người dân thành phố Chelyabinsk bị thương trong vụ việc, chủ yếu do kính vỡ bởi tác động của sóng xung kích phóng thích từ vụ nổ, hoặc bị bỏng da bởi luồng ánh sáng chói lóa có cường độ gấp 30 lần ánh sáng mặt trời. Ít nhất 112 người phải nhập viện và 2 trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng.

    Trước đó, tiểu hành tinh có tên 2018 VP1 được NASA phát hiện sẽ bay gần Trái Đất vào ngày 2/11 – 1 ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Khả năng để tiểu hành tinh này va vào Trái đất trong lần tiếp cận lần này là 0,41%,  khoảng 1 trên 240. Nếu 2018 VP1 thực sự lao vào Trái Đất, tiểu hành tinh này gần như  chắc chắn sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển của chúng ta trước khi chạm được tới mặt đất. Với kích thước khá nhỏ, nhiều khả năng 2018 VP1 sẽ phát nổ ở khoảng cách hàng chục km, để lại một vài mảnh thiên thạch nhỏ rơi xuống bề mặt Trái đất.

    Tham khảo India Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày