NASA chụp chi tiết lạ của "nòng nọc" khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo

    Nguyệt Phạm, Trí Thức Trẻ 

    Ngay sau khi phát hiện ra 'con nòng nọc' khổng lồ được tìm thấy ở Siberia đang phát triển không ngừng, các nhà khoa học lập tức đưa ra cảnh báo mới.

    Các nhà khoa học đánh giá những hình ảnh được chụp bởi các vệ tinh Landsat 7 và 8 (hay còn gọi là chương trình Quan sát Trái Đất) của NASA tại Siberia đã nhận 1 chi tiết bất thường. Đó là trong mỗi bức dường như có 1 "con nòng nọc" khổng lồ và nó đang lớn dần, bên cạnh nó còn có 1 hang động rất lớn. Được biết, thời gian chụp những bức ảnh này là từ năm 1999 đến năm 2015. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra sự phát triển của "con nòng nọc" này, các nhà khoa học lại lập tức đưa ra cảnh báo. Vì sao vậy?

    NASA chụp chi tiết lạ của nòng nọc khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo - Ảnh 1.

    Hình ảnh của "con nòng nọc" đang lớn dần qua sự ghi nhận của các vệ tinh Landsat 7 và 8. (Ảnh: Baidu)

    Sự phát triển đáng báo động

    Kỳ thực, những tấm ảnh do vệ tinh của NASA chụp không phải là "con nòng nọc" khổng lồ mà đó là hố tử thần có tên Batagaika. Batagaika là một trong những hố tử thần lớn nhất thế giới. Nó nằm ở huyện Verkhoyansk ở phía đông bắc Siberia của Nga. Theo các nhà khoa học của NASA thì những dấu hiệu đầu tiên về sự hình thành của Batagaika là từ đầu những năm 1970.

    Vào ngày 27 tháng 8 năm 1999, hố tử thần Batagaika chính thức xuất hiện. Hố tử thần Batagaika ban đầu có chiều dài khoảng 1 km và sâu 90 m. Theo những bức ảnh ghi lại từ năm 1999 đến năm 2015 thì dường như nó đang không ngừng mở rộng. Theo nhà nghiên cứu Frank Günther thuộc Viện Nghiên cứu Alfred Wegener (Đức) tính toán, độ mở rộng trung bình của hố tử thần Batagaika là 10 m mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, theo hình ảnh của thiết bị viễn thám thì miệng hố tử thần đang mở ra từ 20 đến 30 m mỗi năm.

    NASA chụp chi tiết lạ của nòng nọc khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo - Ảnh 2.

    Kỳ thực, "con nòng nọc" mà NASA chụp được chính là hố tử thần Batagaika ở Siberia. (Ảnh: Science)

    Lý do hố tử thần Batagaika xuất hiện đã được xác định là do sự ấm lên toàn cầu khiến băng vĩnh cửu tan dần và lớp đất phía trên bị vỡ. Nhờ có sự hình thành của hố tử thần Batagaika, giới khảo cổ học đã có cơ hội tìm thấy những bộ xương của voi ma mút, bò xạ hương, tê giác lông mượt, sư tử hang động… Từ những thứ được tìm thấy, họ tin rằng những gì chưa được lý giải của thế giới cổ sinh sẽ sớm được khám phá. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả.

    NASA chụp chi tiết lạ của nòng nọc khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo - Ảnh 3.

    Bên dưới hố tử thần Batagaika, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều bộ xương của các loài vật cổ đại. (Ảnh: Baidu)

    Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology vào ngày 7/6/2021, các nhà khoa học đã thu thập được một mẫu vật kỳ lạ trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia. Sau khi các nhà nghiên cứu khoan tới độ sâu 3,5 m ở dưới mặt sông Alazeya họ đã tìm ra luân trùng thuộc chi Adineta ở trạng thái ngừng chuyển hóa chất. Kết quả xác định niên đại bằng đồng vị carbon cho thấy loại luân trùng này khoảng 24.000 năm tuổi.

    Đáng nói là, sau khi được rã đông trong phòng thí nghiệm, những luân trùng này lại sống lại và tiếp tục sinh sản đơn tính. Đặc biệt là, những con luân trùng mới có hệ gene giống hệt với luân trùng cổ đại. Mà theo những nghiên cứu trước đây, loài vi sinh vật này chỉ có thể sống sót tới 1 thập niên sau khi bị đóng băng.

    NASA chụp chi tiết lạ của nòng nọc khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo - Ảnh 4.

    Hình ảnh phóng to của luân trùng cổ đại 24.000 năm tuổi được tìm thấy ở Siberia. (Ảnh: Baidu)

    Cuối cùng, các nhà khoa học đã tìm được câu trả lời về cơ chế sống sót trong thời gian lâu dài của luân trùng cổ đại. Chuyên gia Stas Malavin tại Phòng thí nghiệm SCL (Nga) cho biết "Luân trùng cổ đại có thể sống trong môi trường khắc nghiệt là nhờ cơ chế "đóng băng" mọi hoạt động và dừng trao đổi chất. Trạng thái này giống như cách ẩn đi sự sống và nằm giữa trạng thái sống và chết."

    Luân trùng vốn là loài sinh vật đa bào không xương sống. Chúng nổi tiếng với khả năng chống lại tia phóng xạ, chịu được môi trường khắc nghiệt thiếu oxy và không có thức ăn. Và đây là một phát hiện khiến các nhà khoa học nảy sinh thêm nhiều giả thuyết đáng lo ngại.

    Nguy cơ đến từ các loài cổ đại

    Nguyên nhân là do sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hố tử thần tại Siberia và nhiều nơi trên Trái đất. Tất nhiên là, chúng đều là hậu quả của việc nhiệt độ trung bình Trái đất tăng cao dưới tác động của hiệu ứng nhà kính đã kéo theo lớp băng vĩnh cửu ở Siberia tan nhanh chóng.

    NASA chụp chi tiết lạ của nòng nọc khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo - Ảnh 5.

    Hố tử thần Batagaika ngày càng mở rộng là do sự ấm lên của Trái đất. (Ảnh: Baidu)

    Ngoài ra, loài người mới chỉ xuất hiện trên Trái đất vài trăm nghìn năm còn các loài vi sinh vật đã có mặt trên Trái đất kể từ khi hành tinh này hình thành vào khoảng 3,8 tỷ năm trước đây. Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu lớp băng vĩnh cửu ở Siberia tan chảy và nhiều hố tử thần xuất hiện hơn cũng như sự tan chảy của các dòng sông băng ở Bắc và Nam Cực sẽ giải phóng nhiều loại vi sinh vật cổ đại.

    Các nhà khoa học lo lắng rằng phía dưới hố tử thần Batagaika là một tảng băng vĩnh cửu khổng lồ tồn tại từ Kỷ băng hà đến nay. Môi trường nhiệt độ thấp của băng vĩnh cửu dưới hố Batagaika giữ cho một số sinh vật cổ đại sống sót trong trạng thái ngủ đông. Băng tan sẽ khiến các vi sinh vật thời và các virus cổ đại sống lại. Nếu một số virus cổ đại cũng có khả năng sống ngoan cường như luân trùng thì chúng sẽ là một thảm họa lớn đối với loài người.

    Bởi chúng có thể là những loại virus có thể gây hại cho con người. Đối với các loại virus cổ đại, hệ thống miễn dịch của con người nhiều khả năng sẽ không thể đối phó được với chúng. Chỉ một chút bất cẩn, loài người có thể sẽ bị xóa sổ bởi các loại virus này. Và sự thật là vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh than ở Siberia đã giết chết hơn 2.000 con tuần lộc và khiến 96 người phải nhập viện. Các bào tử mầm bệnh được xác định là đã thoát ra từ xác một con hươu nhiễm bệnh lộ ra ngoài khi lớp băng vĩnh cửu bảo quản nó tan chảy.

    NASA chụp chi tiết lạ của nòng nọc khổng lồ ở Siberia: Các nhà khoa học lập tức cảnh báo - Ảnh 6.

    Các nhà khoa học lo ngại rằng, bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở hố tử thần Batagaika còn nhiều virus cổ đại có khả năng gây ngại cho loài người. (Ảnh: Baidu)

    Ngoài ra, trong lần khoan sâu xuống 50 m của lớp băng vĩnh cửu trên 1 dòng sông ở Tây Tạng, các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã tìm thấy 33 chủng virus cổ đại. Kết quả phân tích cho thấy trong 33 chủng này có tới 28 virus chưa từng được các nhà khoa học nhận diện. Chúng đều là những virus sống trong Kỷ Băng Hà khoảng 15.000 năm về trước.

    Dù sau đó, họ đã xác nhận rằng chúng không có khả năng gây chết người nhưng vẫn còn nhiều mầm bệnh khác có thể vẫn còn sống trong các lớp băng vĩnh cửu trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng ở hố tử thần Batagaika. Chúng ta vẫn chưa biết rằng liệu những loại virus cổ đại sau khi được giải phóng sắp tới có thể gây ra mối nguy nào với loài người hay không? Đó là những bí ẩn mà loài người cần phải tìm được đáp án.

    *Bài viết được tổng hợp từ National Geographic, Siberiantimes, Dailymail…

    https://soha.vn/nasa-chup-chi-tiet-la-cua-nong-noc-khong-lo-o-siberia-cac-nha-khoa-hoc-lap-tuc-canh-bao-20220703173913656.htm
    https://soha.vn/nasa-chup-chi-tiet-la-cua-nong-noc-khong-lo-o-siberia-cac-nha-khoa-hoc-lap-tuc-canh-bao-20220703173913656.htm
    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ