NASA đang gấp rút thử nghiệm cách không tưởng để đẩy lùi tiểu hành tinh có thể sẽ va chạm với Trái đất

    Kuroe,  

    Trong trường hợp mà có thiên thạch hay một tiểu hành tinh nào đó sắp va chạm vào Trái đất thì cần phải làm sao? Đánh bay nó đi thôi chứ sao nữa.

    NASA hiện tại đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ vũ trụ mới đầy tham vọng: đó là thử nghiệm để đẩy lùi một tiểu hành tinh ra khỏi quỹ đạo bay hiện tại, trước khi tiểu hành tinh này va chạm với Trái đất. Thử nghiệm này được gọi tắt là DART (Double Asteroid Redirection Test), và đây cũng là cái tên được dùng để gọi nhiệm vụ vũ trụ kể trên - kể từ giai đoạn ý tưởng đến thiết kế ban đầu.

    Cuộc thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2024. Nếu thành công, thì việc cứu Trái đất khỏi những vụ va chạm đến từ ngoài vũ trụ sẽ không còn là điều chỉ nằm trong những bộ phim viễn tưởng nữa.

    "DART là nhiệm vụ vũ trụ đầu tiên của NASA để trình diễn kỹ thuật mang tên 'va chạm động lực học' - thay đổi quỹ đạo bay của một tiểu hành tinh - từ đó giúp Trái đất tránh được nguy cơ của một vụ va chạm trong tương lai" - chuyên viên Lindley Johnson của NASA cho biết.

    "Sau khi được phê duyệt, dự án này sẽ từng bước tiến đến một 'cuộc thử nghiệm lịch sử' với một tiểu hành tinh nhỏ ngoài vũ trụ".

    Nhiệm vụ vũ trụ này được công bố ngay sau ngày Tiểu hành tinh, diễn ra ngày 30/6 vừa qua. Đây là một sự kiện thường niên được các nhà khoa học tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người đối với những hiểm họa tiềm tàng đến tức các vật thể gần Trái đất (NEOs - Near Earth Object). Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là hệ tiểu hành tinh Didymos - bao gồm tiểu hành tinh lớn Didymos A và tiểu hành tinh nhỏ Didymos B quay quanh nó.

    Hệ tiểu hành tinh Didymos được phát hiện vào năm 1996, và sẽ tiến gần Trái đất vào tháng 10 năm 2022. Khi Didymos quay trở lại vào năm 2024, NASA sẽ sử dụng tàu vũ trụ không người lái DART va chạm với tiểu hành tinh Didymos B.

    Hình ảnh tàu vũ trụ DART dưới thiết kế của các họa sĩ
    Hình ảnh tàu vũ trụ DART dưới thiết kế của các họa sĩ

    Nhà khoa học Tom Statler, thành viên của dự án DART, cho biết: "Didymos có thể được coi như 'phòng thí nghiệm tự nhiên' hoàn hảo của cuộc thử nghiệm này. Bởi lẽ, Didymos B có quỹ đạo bay xung quanh Didymos A, nên kết quả của cuộc thử nghiệm sẽ rất dễ dàng thấy được. Bên cạnh đó, việc 'tấn công' vào tiểu hành tinh Didymos B cũng không làm ảnh hưởng tới quỹ đạo bay của hệ tiểu hành tinh Didymos quanh Mặt trời".

    Vụ va chạm sẽ diễn ra với tốc độ tương đối khủng khiếp - khoảng 6 km/s, cao gấp 9 lần vận tốc của một viên đạn. Với việc tàu vũ trụ DART có kích cỡ chỉ tương đương một cái tủ lạnh bình thường, chắc chắn chiếc tàu này sẽ tan tành sau vụ va chạm với Didymos. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học tại NASA, vụ va chạm này là đủ để thay đổi tốc độ bay của tiểu hành tinh kia.

    Chỉ cần Didymos B bay chậm lại dù chỉ một chút thôi, có lẽ cũng là đủ để thay đổi quỹ đạo bay của tiểu hành tinh này xung quanh Didymos A - và đây cũng sẽ là bằng chứng xác thực nhất để chứng minh tính hiệu quả của kỹ thuật va chạm động lực học trong thực tiễn.

    "Chính vì chúng tôi không biết nhiều về cấu trúc bên trong của các tiểu hành tinh, nên cuộc thử nghiệm này là vô cùng quan trọng" - Andy Cheng, đến từ phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins chia sẻ.

    Các nhà khoa học của NASA sẽ có thể nghiên cứu vụ va chạm và kết quả của nó từ các trạm quan sát trên Trái đất. Nếu mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch, sau khi cuộc thử nghiệm kết thúc, chúng ta sẽ biết thêm rất nhiều điều về va chạm động lực học. Đồng thời, qua đó chúng ta cũng có thể thấy liệu việc "đánh bay" các tiểu hành tinh nguy hiểm để bảo vệ Trái đất có phải là điều khả thi hay không.

    Trong bối cảnh mà ngoài vũ trụ xa xôi kia có vô vàn các vật thể bay gần Trái đất, thì việc chuẩn bị kể trên nên được diễn ra - sớm chừng nào hay chừng đấy.

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ