Liệu họ có cần gửi thêm cho các phi hành gia vài cái bẫy và một con mèo?
Trong những chuyến bay của mình lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), thi thoảng, các phi hành gia NASA sẽ mang theo một chiếc hộp đặc biệt. Chiếc hộp được gọi là Rodent Research Hardware System, chứa bên trong những con chuột thí nghiệm.
Rodent Research Hardware System có thể được điều khiển từ Trái Đất, cho phép các nhà sinh vật học gián tiếp thực hiện các thí nghiệm trên chuột trong môi trường vi trọng lực mà không cần đặt chân lên trạm vũ trụ.
Câu hỏi đặt ra là: Những con chuột du hành không gian sẽ thích nghi như thế nào với điều kiện sống mới của chúng? Bạn thử đoán xem.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một con chuột bay xổng ra ngoài trạm vũ trụ ISS?
Sau 10 ngày bỡ ngỡ với khả năng trôi nổi bồng bềnh, đến ngày thứ 11, chúng đã biến thành những con chuột bay như thế này đây. Thật khó để tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu lũ chuột này bị xổng ra ngoài.
Chúng có thể chui rúc trong những xó xỉnh nào của ISS, cắn bục dây điện hay lớp bông thủy tinh cách nhiệt? Liệu những con chuột siêu phá hoại có thể hạ được trạm không gian của con người hay không?
Bẫy chuột dưới Trái Đất có còn tác dụng với những con chuột bay này, hay chúng ta phải mang lên ISS thêm một con mèo?
Nghiên cứu hành vi của chuột trong môi trường không trọng lực
Như chúng ta đã biết, NASA đang tiến hành nhiều nghiên cứu để chuẩn bị cho các phi hành gia tham gia vào những nhiệm vụ không gian sâu, bao gồm sứ mệnh trở lại Mặt Trăng và đặt chân lên Sao Hỏa.
Các nhiệm vụ này đòi hỏi con người phải sống trong môi trường vi trọng lực dài ngày. Và chúng ta thực sự chưa biết chắc, điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và các quá trình sinh học cơ bản xảy ra trong cơ thể các phi hành gia hay không?
Để kiểm tra điều đó, năm 2014, NASA đã tạo ra các hệ thống Rodent Research Hardware System, và gửi những con chuột bên trong đó lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Sử dụng các camera và cơ chế cho ăn từ xa, hàng loạt nghiên cứu sự ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực lên những con chuột sống trong Rodent Research Hardware System đã được NASA thực hiện.
Sau 5 năm nghiên cứu với 9 sứ mệnh Rodent Research cả thảy, đến tận bây giờ, kết quả chi tiết đầu tiên của sứ mệnh Rodent Research-1 năm 2014 mới được báo cáo hoàn chỉnh.
Bởi chuột có nhiều đặc điểm sinh học tương đồng với con người, các kết quả nghiên cứu này có thể phục vụ đắc lực cho công việc của NASA.
Một hệ thống Rodent Research Hardware System của NASA
Trong báo cáo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Report, các nhà khoa học cho biết họ đã theo dõi Rodent Research 1 trong 37 ngày - quãng thời gian khá dài so với vòng đời của chuột. Nếu những con chuột chỉ sống được 1,5 năm, đó sẽ là khoảng thời gian tương đương hơn 5 năm trong đời một người 80 tuổi.
Kết quả cho thấy những con chuột sống trên ISS thể hiện tất cả các hành vi điển hình của chuột sống dưới mặt đất. Chúng ăn uống bình thường trong môi trường không trọng lực, thể hiện các hành vi thường thấy như tự chải chuốt, rúc vào nhau và tương tác với những con chuột khác.
Mặc dù trong những ngày đầu nghiên cứu, lũ chuột có đôi chút bỡ ngỡ với sự trôi nổi bồng bềnh vì mất trọng lực. Nhưng chúng đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới. Những con chuột thả cơ thể lơ lửng trong không gian, với chỉ 2 chân sau chạm vào lồng.
Tư thế này tương tự như cách chúng vẫn làm trên mặt đất, khi đứng trên hai chân sau để khám phá môi trường sống xung quanh mình.
Vào cuối cuộc nghiên cứu, những con chuột trên ISS cũng nặng tương đương với nhóm đối chứng được giữ ở dưới mặt đất, lông của chúng cũng rất hoàn hảo - cả hai dấu hiệu cho thấy lũ chuột có sức khỏe rất tốt.
"Hành vi là một biểu hiện đáng chú ý cho các chức năng sinh học trong toàn bộ cơ thể sinh vật", tác giả nghiên cứu, tiến sĩ April Ronca đến từ Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA tại Thung lũng Silicon cho biết. "Nó cho chúng ta biết về sức khỏe tổng thể và chức năng não [của đối tượng quan sát]".
Những con chuột "du hành gia" cũng biết học bay trong môi trường vi trọng lực
Những con chuột bay
Thế nhưng, bên cạnh các hành vi bình thường như dưới mặt đất, môi trường sống không trọng lực cũng khiến lũ chuột phát sinh ra những hành vi độc đáo mới.
Các nhà khoa học quan sát thấy khoảng 1 tuần sau khi đặt chân tới trạm vũ trụ, những con chuột bắt đầu học "bay". Đến ngày thứ 11, chúng thực sự đã làm chủ được khả năng chỉ có trong môi trường không trọng lực này.
Những con chuột không còn bám chân vào mặt sàn của Rodent Research Hardware System nữa. Thay vào đó, chúng chạy như bay quanh thành lồng, điều mà chắc chắn những con chuột mặt đất không thể làm được.
Lũ chuột không còn cảm thấy khó chịu hay sợ sệt môi trường không trọng lực. Thay vào đó, chúng đã tận hưởng khả năng bay mới của mình, tham gia vào một cuộc rượt bắt tập thể và biến Rodent Research Hardware System thành một bánh xe hamster.
Các nhà khoa học NASA chưa biết lý do tại sao những con chuột trên ISS, nhất là nhóm chuột trẻ, lại có hành vi chạy vòng tròn tập thể này. Nhưng họ dự đoán đó có thể là một bài tập thể dục mang lại lợi ích cho lũ chuột.
Thông qua việc bay vòng tròn, những con chuột có thể giảm thiểu căng thẳng. Hoặc chuyển động này sẽ giúp những con chuột khởi động hệ thống cân bằng trong ống tai, tương tự như ở con người, thứ đã bị mất nhạy trong môi trường vi trọng lực?
Những con chuột thích nghi và học bay trong môi trường vi trọng lực trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)
Chắc chắn, NASA sẽ cần phân tích nhiều nghiên cứu thêm nữa với Rodent Research Hardware System mới có thể giải thích cặn kẽ hành vi bay nhảy của lũ chuột. Các nhà khoa học sẽ cần kiểm tra thêm nhiều yếu tố, chẳng hạn như lưu lượng máu trong cơ thể chúng, mật độ xương và trả lời câu hỏi liệu lũ chuột có di chuyển được như con người trong trạm vũ trụ hay không?
"Nghiên cứu hành vi của chúng tôi cho thấy Rodent Research Hardware System của NASA có thể cung cấp khả năng thực hiện các nghiên cứu sinh học dài hạn có ý nghĩa trên Trạm vũ trụ quốc tế", tiến sĩ Ronca nói.
"Các thí nghiệm được thực hiện trong môi trường sống [của Rodent Research Hardware System] có thể tập trung vào sinh lý của loài chuột, cách chúng phản ứng với môi trường không gian vũ trụ trong các nhiệm vụ dài hạn tương đồng với phi hành gia".
Đó là mối quan tâm của các nhà khoa học NASA. Còn về phía một người được xem video về lũ chuột phấn khích này, bạn có thể tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra khi chúng bị xổng ra khỏi Rodent Research Hardware System?
Những con chuột đã thể hiện một sự năng động và rất tinh ranh khi ở dưới mặt đất. Nếu xổng ra ngoài lồng, chúng có thể chui rúc trong vô số xó xỉnh của ISS, cắn bục dây điện hay lớp bông thủy tinh cách nhiệt hay không?
Logo sứ mệnh Rodent Research 6 được thực hiện năm 2017
Trên thực tế, NASA đã thực hiện tới 9 sứ mệnh Rodent Research cho tới thời điểm này, đưa cả trăm con chuột lên ISS mà chưa có con nào xổng chuồng. Tùy từng thí nghiệm, những con chuột sẽ có cơ hội trở lại mặt đất hoặc bị giết để nghiên cứu sâu hơn vào bên trong cơ thể ngay trên ISS.
Nói vậy để yên tâm, NASA đang dự định thực hiện thêm 2 sứ mệnh Rodent Research trong thời gian tới. Họ sẽ đưa thêm 40 con chuột nữa lên ISS bằng tên lửa của Space X. Bởi Rodent Research Hardware System được thiết kế rất an toàn, NASA có lẽ sẽ không phải gửi thêm lên đó một con mèo hay bất kỳ một cái bẫy chuột nào cả.
Tham khảo NASA, Wikipedia, Space
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android