(Tổ Quốc) - Tàu vũ trụ Orion đã đáp xuống Thái Bình Dương một cách an toàn sau sứ mệnh lịch sử quanh Mặt trăng.
Tàu vũ trụ Orion của NASA đã quay trở lại Trái đất. Viên nang không có người lái đã rơi xuống Thái Bình Dương một cách an toàn ở ngoài khơi bang Baja California của Mexico, vào khoảng 12:40 chiều theo giờ ET hôm Chủ Nhật 11/12. Sự kiện đánh dấu việc kết thúc của sứ mệnh Artemis I mang tính bước ngoặt của cơ quan vũ trụ Mỹ.
Viên nang đã đạt tốc độ khoảng 40.000 km/giờ khi quay trở lại Trái đất, trong khi tấm chắn nhiệt của nó đã duy trì nhiệt độ thiêu đốt khoảng 3.000 độ C. Orion đã di chuyển tổng cộng 2,25 triệu km trong không gian trong suốt quãng thời gian 25,5 ngày.
Viên nang cũng đã đi qua ở khoảng cách chỉ 130 km so với bề mặt mặt trăng. Khoảng một nửa nhiệm vụ, tàu vũ trụ đã chạm tới cột mốc 430.000 km từ Trái đất, đây là khoảng cách xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ nào được thiết kế để chở người đã đi.
Cũng trong lần quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, viên nang Orion đã thực hiện thành công thao tác nhập cảnh kiểu mới. Theo kiểu nhập cảnh này, Orion sẽ lao vào phần trên của bầu khí quyển Trái đất và sử dụng bầu khí quyển đó, cùng với lực nâng của viên nang, để bay ra ngoài sau đó quay trở lại bầu khí quyển. Việc này giống như cách bạn ném một viên đá lướt trên mặt nước ở sông hoặc hồ.
Động thái này được cho là sẽ giúp tàu vũ trụ hạ cánh xuống đúng vị trí được chỉ định và đây là lần đầu tiên cách này được thử nghiệm đối với tàu vũ trụ được thiết kế để chở con người.
Khi cách mặt đất khoảng 7,3 km, viên nang bắt đầu bung dù để giúp giảm tốc độ khi lao xuống Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ sau đó đã nhanh chóng tiếp cận và thu hồi tàu, trong một quá trình mất vài giờ để hoàn thành.
Giờ đây, khi Orion đã trở lại mặt đất, NASA sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu từ các ma-nơ-canh được trang bị cảm biến trên tàu để nó có thể sẵn sàng cho các nhiệm vụ trong tương lai liên quan đến con người. Nhiệm vụ Artemis thứ hai của NASA, dự kiến vào năm 2024, sẽ gửi một nhóm phi hành gia đi vòng quanh Mặt trăng. Cơ quan Mỹ đang ấp ủ kế hoạch cuối cùng là sẽ đưa con người trở lại bề mặt mặt trăng trong sứ mệnh Artemis III, nhưng điều này có thể sẽ không xảy ra sớm nhất cho đến năm 2026 .
“Từ việc phóng tên lửa mạnh nhất thế giới đến hành trình đặc biệt quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất, chuyến bay thử nghiệm này là một bước tiến quan trọng trong sứ mệnh Artemis để khám phá Mặt trăng”, Quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố . “Hôm nay là một chiến thắng to lớn cho NASA, Mỹ, các đối tác quốc tế của chúng tôi và toàn thể nhân loại.”
Tham khảo NASA, TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI