Đó là câu hỏi nhà bình luận kinh tế-chính trị châu Á William Pesek đặt ra cho CEO Facebook Mark Zuckerberg, trong một bài viết đăng trên báo Japan Times hôm 25/3.
Hình ảnh ông chủ - nhà đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cùng các cộng sự chạy bộ quanh Thiên An Môn khói bụi mù mịt mà không thèm đeo khẩu trang, đã trở thành một trong những điểm đáng nói nhất trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần trước của CEO trẻ tuổi này.
Theo chuyên gia Pesek, thông điệp qua hình ảnh này, cũng như qua cuộc gặp với Trưởng ban Tuyên giáo ĐCS Trung Quốc Lưu Vân Sơn, đã quá rõ: Facebook muốn "kết bạn" với Trung Quốc lắm rồi, nên sẵn sàng gác lại những quy chuẩn thông thường để đạt được mục đích.
Mark Zuckerberg cùng các cộng sự chạy bộ tại Thiên An Môn. Ảnh: AFP/Getty.
Nhưng ông Pesek khuyên rằng: Zuckerberg, đừng làm thế, ít nhất là vào thời điểm này.
"Cách duy nhất để Facebook có thể hoạt động được ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, là nó phải trở thành con tốt trong chiến dịch kiểm soát thông tin của ông ta" - chuyên gia này nhận định.
Ai cũng hiểu lý do đằng sau tham vọng của Zuckerberg tại Trung Quốc. Khi mà lượng người dùng mới ở phương Tây đang giảm dần, và các đối thủ cạnh tranh như Snapchat nổi lên, thì các cổ đông Facebook đang hối thúc Zuckerberg thâm nhập thị trường Trung Quốc "béo bở" với gần 700 triệu người dùng Internet.
Khi bị chính phủ Bắc Kinh chặn truy nhập hồi năm 2009, Facebook vẫn còn tập trung phát triển thị trường phương Tây. Nhưng gần đây, "Zuckerberg và đồng bọn" đang ngày càng tìm cách kết thân, thậm chí "nịnh bợ" giới cầm quyền Trung Quốc.
"Quyền lực mềm" mà Zuckerberg đang áp dụng được thể hiện qua việc mua sách của Tập Cận Bình năm ngoái, qua bài phát biểu bằng vốn tiếng Trung vẫn ở mức "a-bờ-cờ", qua những diễn đàn cùng Jack Ma, và mới đây là chạy bộ ở Thiên An Môn mà không đeo khẩu trang, vật dụng mà gần như không người dân Bắc Kinh nào dám quên mỗi khi ra đường.
Nhưng có đáng không?
Theo ông Pesek, Trung Quốc cần màu xanh của Facebook nhiều hơn Zuckerberg cần màu đỏ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Trung Quốc không thể nào trở thành một thế lực sáng tạo nếu giới tinh hoa của họ bị chặn khỏi phương tiện mà khắp thế giới đang sử dụng để chia sẻ thông tin, thảo luận, và thử nghiệm ý tưởng.
Mạng xã hội là nơi bùng nổ những cuộc đối thoại và những ý tưởng đám đông có khả năng tạo nên sự khác biệt, và làm ngòi nổ khai sinh những nền công nghiệp mới..." - chuyên gia này phân tích.
Ông Pesek cho rằng, việc Facebook có thể tiếp tục đà phát triển mà không cần Trung Quốc là điều không phải bàn cãi. Song cái chưa rõ là liệu người Trung Quốc còn được gì sau khi Zuckerberg phải đưa Facebook thông qua "trạm kiểm dịch" của Tập Cận Bình.
Bắc Kinh đang ngày một áp đặt các hình thức kiểm soát nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài, trong bối cảnh Tập Cận Bình đang phải đối mặt với không ít các hình thức chống đối trong nội bộ.
Ngoài ra, các hệ thống mạng riêng ảo (VPN) cho phép cư dân mạng chia sẻ thông tin online đang dần "tuyệt chủng" tại Trung Quốc. Do đó, theo chuyên gia Pesek, kể cả khi có mang được Facebook tới Trung Quốc đi nữa, thì phiên bản Facebook ấy cũng chẳng còn mấy tính năng.
Các phần mềm nhắn tin của Trung Quốc như WeChat hay "Twitter Trung Hoa" Sina Weibo cũng đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý, nhưng dễ kiểm soát hơn vì đa phần chúng chỉ được sử dụng nội bộ bằng tiếng Trung.
Weibo và WeChat đang bị tăng cường kiểm soát thời gian gần đây.
Facebook thì khác, mạng xã hội này sẽ kết nối người dân Trung Quốc với hơn 100 thứ ngôn ngữ trên toàn cầu. Do đó, Facebook sẽ là cơ hội để Tập Cận Bình đánh bóng hình ảnh bằng cách tạo ra một "ảo giác", rằng Trung Quốc cởi mở hơn để tạo điều kiện cho người dân hội nhập.
Nhưng theo ông Pesek, thực chất, Facebook phiên bản Trung Quốc cũng sẽ chỉ là một công cụ để Chủ tịch Trung Quốc siết chặt kiểm soát thông tin.
"Hãy nhớ khi Internet xuất hiện, nó không thể thay đổi Trung Quốc, Trung Quốc luôn kiểm soát mạng theo ý mình" - ông Pesek viết.
Chuyên gia này đánh giá cao lập trường vững vàng của Google, và kêu gọi CEO trẻ tuổi của Facebook noi theo tấm gương ấy.
Năm 2010, đối mặt với áp lực vô cùng lớn từ hội đồng cổ đông, 2 nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page vẫn cương quyết rằng, nếu không thể vận hành Google theo những nguyên tắc cốt lõi của công ty, họ sẵn sàng từ bỏ thị trường Trung Quốc.
"Trước mắt cả hai là hơn 1 tỉ con người sẵn sàng để lộ thông tin cá nhân và phó mặc quyền riêng tư. Tập Cận Bình có lẽ đang coi Zuckerberg như một con tốt trong chiến dịch kiểm soát thông tin mạng. Zuckerberg có lẽ cũng nghĩ tương tự về Tập Cận Bình" - ông Pesek viết.
Một bên là lãnh đạo cao nhất của thị trường người tiêu dùng quy mô số một thế giới, bên kia là ông chủ quyền lực của mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn nhất hành tinh. Vậy tại sao một bên lại phải quá khúm núm trước bên còn lại?
Đức Huy/Soha/Theo Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI