Nengajo: Truyền thống gửi thiệp năm mới độc đáo của người Nhật Bản

    Sông Thương, toquoc.vn 

    (Tổ Quốc) - Mỗi quốc gia đều có những phong tục truyền thống riêng cho ngày đầu năm mới, có những truyền thống vẫn được lưu giữ qua bao đời, nhưng cũng có những truyền thống đã dần mai một.

    Nengajo: Truyền thống gửi thiệp năm mới độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 1.

    Nengajo là phong tục đã có từ lâu đời của người Nhật Bản

    Đối với người dân Nhật Bản, Nengajo hay gửi thiệp mừng năm mới cũng là một truyền thống đã dần lỗi thời. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, số người gửi thiệp cho gia đình và bạn bè đã tăng lên một cách đáng kể.

    Ngày Tết là ngày đoàn viên, nhưng không phải ai cũng được về nhà với gia đình, có thể là vì công việc, hoặc vì hoàn cảnh không cho phép. Và để lấp đầy khoảng trống, sự xa cách với gia đình, họ tìm đến một phương pháp đã có từ lâu đời: Nengajo.

    Theo một cuộc khảo sát của công ty sản xuất thiệp mừng năm mới Futaba, vào cuối năm 2020, số người Nhật dự định sẽ sử dụng Nengajo đã tăng đến 126% so với năm trước. Lý do phổ biến nhất khiến nhiều người lựa chọn viết thiệp thay cho gửi tin nhắn hay gọi điện thoại là vì họ tin rằng thiệp mừng là một sự tồn tại hữu hình. Người nhận thiệp có thể cầm, đọc, lưu giữ thiệp lại để làm kỷ niệm thay vì chỉ tồn tại trong trí nhớ như những cuộc gọi.

    Nengajo: Truyền thống gửi thiệp năm mới độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 2.

    Vào đầu năm 2021 và năm 2022, số lượng thiệp Nengajo được tiêu thụ đã có sự sụt giảm nhẹ, nhưng theo đài truyền hình Nhật bản NHK World, hệ thống bưu điện của quốc gia này đã chuẩn bị đến 1,65 tỷ chiếc thiệp mừng để chào đón năm 2023.

    Truyền thống viết thiệp mừng năm mới ra đời như thế nào?

    Những tấm thiệp mừng năm mới của người Nhật Bản ra đời từ thông lệ đi chúc tết bạn bè và người thân vào ngày đầu năm mới. Từ tận thế kỷ XI, hoặc có lẽ là sớm hơn, giới quý tộc đã bắt đầu viết thư để chào hỏi họ hàng ở xa.

    Cũng giống như những tấm thiệp mừng Giáng sinh ở phương Tây, Nengajo có thể dùng để gửi cho đồng nghiệp, khách hàng, người thân, bạn bè hoặc bất cứ ai đã quan tâm đến bạn trong năm qua để tỏ lòng biết ơn.

    Người Nhật thường gửi thiệp đi vào thời gian nào?

    Nếu những tấm thiệp Giáng sinh thường được gửi đi trước ngày 25 tháng 12, thì Nengajo cũng có một khoảng thời gian cụ thể. Là một tấm thiệp năm mới, vậy nên chắc chắn người gửi luôn muốn đối phương nhận được vào ngày đầu tiên của năm, tức là ngày 1/1. Hiểu được mong muốn đó, bưu điện Nhật Bản sẽ giữ những lá thư lại và chuyển phát thật sớm vào ngày đầu năm.

    Nengajo: Truyền thống gửi thiệp năm mới độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 3.

    Những tấm thiệp thường được gửi từ ngày 15/12 đến 25/12

    Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tìm kiếm và lưu trữ cả tỷ lá thư không phải là một chuyện dễ dàng. Trong năm 2021, bưu điện đã phát hành 1,94 tỷ Nengajo, chưa kể đến những tấm thiệp thủ công do mọi người tự làm. Đến năm 2023, 1,65 tỷ Nengajo đã được chuẩn bị. Nhưng con số đó vẫn chưa là gì so với số lượng 3,7 tỷ tấm thiệp được phát hành vào năm 1997, cũng là thời kỳ mà phong tục này thịnh hành nhất.

    Trong trường hợp tấm thiệp của bạn không được giao vào ngày đầu năm, bưu điện sẽ giữ lại và gửi vào ngày 3/1, tức là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ năm mới. Miễn là thiệp của bạn được đến tay người nhận trước ngày 7/1 thì vẫn được tính là đúng nguyên tắc. Còn đối với những tấm thiệp được phát từ ngày 8/1 trở đi, nó sẽ được gọi là kanchuu mimai (thiệp chúc mừng mùa đông).

    Có những lưu ý gì khi gửi Nengajo?

    Nengajo: Truyền thống gửi thiệp năm mới độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 4.

    Có nhiều điều cần lưu ý khi gửi Nengajo

    Có một số điểm mà mọi người cần phải chú ý khi gửi một tấm thiệp chúc mừng năm mới đến bạn bè. Đầu tiên, nếu bạn nhận được một tấm thiệp từ ai đó mà bạn chưa từng gửi, hãy nhanh chóng viết một tấm mới và gửi cho họ như một lời hồi đáp.

    Ngoài ra, bạn không nên gửi Nengajo cho những người nhà có tang sự trong năm qua. Nếu bạn không chắc về việc người bạn tính gửi thiệp có tang hay không, đừng quá lo lắng. Hầu hết mọi người sẽ cảnh báo tới bạn bè, đối tác của mình rằng họ đang có tang thông qua một tấm bưu thiếp gọi là mochuu hagaki.

    Quy trình gửi thiệp mừng diễn ra như thế nào?

    Mọi người thường sẽ mua những tấm thiệp thiết kế sẵn tại bưu điện, cửa hàng văn phòng phẩm và cửa hàng tiện lợi. Nếu ai muốn tự tay thiết kế, họ hoàn toàn có thể tìm mua những tấm thiệp trắng.

    Nengajo: Truyền thống gửi thiệp năm mới độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 5.

    Con thỏ là hình ảnh trang trí thiệp phổ biến cho năm 2023

    Bên cạnh núi Phú Sĩ nổi tiếng, công ty sản xuất thường in hình ảnh của 12 con giáp lên trên tấm thiệp mừng. Điều đó có nghĩa là vào năm 2023, hình ảnh được in là hình con thỏ.

    Trong trường hợp bạn tự thiết kế thiệp, hãy nhớ viết từ nenga lên trên để bưu điện biết rằng đó là Nengajo. Thông thường từ giữa tháng 12, hộp thư của bưu điện sẽ có một ô trống để dành riêng cho thiệp mừng năm mới, bạn có thể cho thiệp của mình vào đó hoặc gửi thẳng cho bưu điện và họ sẽ phân loại. 

    Nguồn: Tokyo Weekender 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ