Bitcoin và các loại tiền ảo an toàn sau 'bão' Liberty Reserve

    PV,  

    Sau cuộc tấn công quy mô lớn vào Liberty Reserve, người đứng đầu Bộ Ngân khố Mỹ đã tuyên bố rằng chính phủ Mỹ không có ý định điều tra tất cả các loại tiền tệ ảo.


    Mỹ không có kế hoạch đánh sập Bitcoin và các tiền tệ ảo khác
     

    Theo trang tin CNET, mặc dù cơ quan chức năng Mỹ đã ra tay trấn áp Liberty Reserve với cáo buộc công ty giao dịch tiền ảo này liên quan tới rửa tiền, nhưng họ không có kế hoạch trấn áp tất cả các loại tiền tệ kỹ thuật số khác, miễn là những tiền tệ kỹ thuật số này tuân thủ đúng tất cả các quy tắc.

    Trong cuộc phỏng vấn với American Banker, Jennifer Shasky Calvery, giám đốc FinCEN thuộc Bộ Ngân khố Mỹ, cho biết bà coi các nhà cung cấp tiền ảo như các tổ chức tài chính và theo dõi hành động của từng tổ chức một cách riêng biệt.

    "FinCEN đã sớm ban hành một hướng dẫn để nhận thức rõ rằng rằng chúng tôi thấy tiền tệ ảo giống như một loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ. Nó là một phần trong khuôn khổ tài chính giống như bất cứ tổ chức tài chính nào, nó cũng có nghĩa vụ tương tự như bất kỳ dịch vụ kinh doanh tài chính nào khác. Nếu ai đó có những hành động ngoài nghĩa vụ và trái luật pháp, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó", Calvery chia sẻ với American Banker.

    Trong tất cả các tiền tệ ảo, Bitcoin có lẽ là phổ biến nhất. Nó bắt đầu xuất hiện trong khoảng năm 2009, nó không thực sự thành công cho tới năm 2011, khi giá trị của nó chỉ đạt mức 2 USD trên một Bitcoin (BTC). Đầu năm nay, giá của một BTC đã lên tới 20 USD và sau đó tang lên 266 USD trong tháng Tư. Hiện tại nó đang có mức giá khoảng 130 USD trên một BTC.

    Tiền tệ ảo không được quy định cụ thể, đó chính là những gì mà cơ quan chức năng Mỹ lo lắng. Tiền ảo có thể được sử dụng để thao túng hoặc rửa các loại tiền khác. Ngoài ra, một tiền tệ ảo hoàn toàn có thể giúp những người dân ở những nơi như Síp hoặc Argentina trốn tránh việc kiểm soát tiền tệ một cách dễ dàng. Hoặc xa hơn, nó có thể được sử dụng để chuyển tiền nặc danh qua hệ thống ngân hàng truyền thống.

    Trong tháng Ba, FinCEN đã áp cho hệ thống trao đổi Bitcoin một lượng lớn các quy định từ ngân hàng thế giới. Và sau đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã điều tra hành động rửa tiền theo lệnh của tòa án hai tuần trước và phong tỏa những giao dịch Bitcoin của Dwolla qua Mt.Gox.

    Mt.Gox là một công ty Nhật Bản, cung cấp dịch vụ trao đổi Bitcoin lớn nhất thế giới. Cơ quan đều tra liên bang Mỹ đã cáo buộc Mt.Gox dối trá về việc là một hệ thống kinh doanh trao đổi tiền tệ, một trọng tội nếu như cáo buộc đó là chính xác.

    Nhắc lại rằng Liberty Reserve, một công ty tiền tệ trực tuyến vừa bị đóng cửa với cáo buộc rửa tiền lên tới hơn 6 tỷ USD trong vài năm qua và trở thành một "ngân hàng của thế giới tội phạm ngầm". Năm người có liên quan tới công ty đã bị bắt giữ, các tài khoản, tên miền liên quan đến Liberty Reserve cũng bị thu giữ.

    Một bản cáo trạng được soạn bởi các công tố viên Mỹ cáo buộc Liberty Reserve thực hiện 55 triệu giao dịch rửa tiền cho ít nhất một triệu người và nó cũng làm đồng tiền kỹ thuật số của mình thành một thị trường mà bọn tội phạm có thể thực hiện một loạt các hoạt động bất hợp pháp bao gồm ăn cắp nhận dạng cá nhân, gian lận thẻ tín dụng, gian lận đầu tư, buôn bán ma túy và mại dâm trẻ em.

    Sau cuộc tấn công vào Liberty Reserve, nhiều dân cày Bitcoin đã lo lắng rằng cơ quan chức năng Mỹ sẽ tiếp tục tấn công vào Bitcoin.

    Trong khi đó Calvery đã tuyên bố rõ ràng rằng FinCEN không có ý định điều tra tất cả các loại tiền tệ ảo, bà nói rõ rằng Bộ Tài Chính Mỹ đã kiểm soát chặt chẽ thị trường tiền tệ kỹ thuật số và tất cả những thành phần của nó.

    Với thông tin này, có lẽ nhiều dân cày Bitcoin ở Việt Nam sẽ thở phào nhẹ nhõm để tiếp tục công việc cày Bitcoin của mình.

    Theo Hoàng Kỷ
    VnReview

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ