Bitcoin không phải là đồng tiền điện tử đầu tiên, Linden của Second Life hay thậm chí Vcoin của VTC đã ra đời trước Bitcoin khá lâu. Tuy nhiên, sự tăng/giảm giá nhanh chóng của đồng Bitcoin trong vài tháng gần đây đã thu hút sự quan tâm khắp thế giới, làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi. Vậy đằng sau đồng Bitcoin là gì và số phận của nó trong tương lai sẽ ra sao?
Không ngân hàng, không biên giới. Chúng ta tin ở phép mã hóa - đó là khẩu hiệu của đồng tiền điện tử Bitcoin.
1. Tất cả các đồng tiền chính thức từ trước đến nay, dù là tiền giấy hay tiền điện tử, đều có một đặc điểm chung là phải được “quy về một mối”, nghĩa là do một thực thể duy nhất phát hành, bảo đảm và thực hiện chức năng “thanh toán bù trừ” (clearing) trong nhiều trường hợp. Lý do các đồng tiền chính thức cần phải có cơ quan nhà nước bảo chứng là để những người sử dụng nó tin tưởng vào khả năng “lưu trữ giá trị” của đồng tiền mà họ nắm giữ không bị mất quá nhanh (nên nhớ đây chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, nhiều đồng tiền chính thức nhưng vẫn bị mất giá quá nhanh và người dân/người sử dụng tìm mọi cách không phải nắm giữ chúng quá lâu). Bitcoin là đồng tiền đầu tiên không cần cơ quan nhà nước bảo chứng, ngay từ công đoạn phát hành cho đến chức năng “thanh toán bù trừ”.
Bitcoin lấy ý tưởng từ hình thức chia sẻ file ngang hàng thông qua bittorrent, tuy nhiên người sáng tạo ra nó, Satoshi Nakamoto, đã có những ý tưởng tuyệt vời để vượt qua những khó khăn mà một đồng tiền điện tử ngang hàng sẽ gặp phải. Trở ngại đầu tiên là ai sẽ là người phát hành tiền và cách thức phân bổ những đồng tiền mới được tạo ra như thế nào cho công bằng? Nếu bạn nhớ lại những đồng tiền bằng đá ở đảo Yap là những đồng tiền có tính chất phi chính thức (như nhiều đồng tiền là hàng hóa khác, cũng có tính chất như vậy), nghĩa là người dân tự tạo ra đồng tiền và tự trao đổi với nhau mà không cần cơ quan nhà nước can thiệp. Nhưng để có được những đồng tiền mới, người dân đảo Yap phải bỏ thời gian, công sức, và cả nguồn lực mới khai thác được. Ý tưởng đồng tiền mang chức năng “lưu trữ giá trị” cũng là “lưu trữ sức lao động” có từ thời cổ đại, được áp dụng ở đảo Yap vài thế kỷ trước, và đến năm 2009 đã được Satoshi Nakamoto áp dụng cho Bitcoin.
Trên nguyên tắc, tất cả những ai tham gia vào mạng lưới Bitcoin đều có thể tạo ra những đồng Bitcoin mới - quá trình tạo tiền mới này gọi là “khai mỏ” (mining). Có lẽ thuật ngữ "mining" được chọn không phải tình cờ vì quá trình tạo tiền này giống quá trình khai thác mỏ ở hai điểm quan trọng. Thứ nhất bạn phải bỏ công sức và thời gian để “đào”, bạn cũng cần phải có "vốn liếng" để làm việc này. Nếu bạn chỉ có "vốn" nhưng không biết cách hoặc không có thời gian thì bạn có thể cho thuê lại "vốn" của mình cho những người làm dịch vụ (sẽ giải thích rõ hơn bên dưới). Thứ hai, số Bitcoin bạn “đào” được giảm dần theo thời gian (một dạng nguồn tài nguyên không tái tạo) và thay đổi tùy theo số người tham gia “đào”, càng nhiều người đào thì thời gian và công sức bạn bỏ ra để có một Bitcoin sẽ tốn kém hơn.
Giá của đồng Bitcoin tăng vọt trong năm ngoái, từ dưới 10 đô la Mỹ hồi đầu năm lên gần 200 đô la vào tháng 4 và 1.100 đô la, ngang với 1 ounce vàng, vào cuối năm.
2. Vậy quá trình “khai mỏ” cụ thể như thế nào? Trước khi trả lời câu hỏi này cần nhắc đến thách thức thứ hai của một đồng tiền phi chính thức, đó là vấn đề “thanh toán bù trừ” cho hệ thống tiền tệ này. Ngoại trừ tiền giấy hai bên tham gia giao dịch có thể tự “thanh toán bù trừ” với nhau, các loại tiền điện tử khác (kể cả ngân phiếu và chuyển tiền điện tử, hay thẻ tín dụng dựa trên hệ thống tiền giấy) đều đòi hỏi phải có một (vài) trung tâm “thanh toán bù trừ”. Ví dụ khi bạn mua hàng bằng thẻ tín dụng, quá trình xử lý thường sẽ do một vài ngân hàng thương mại đảm nhận hoặc có thể có sự tham gia của ngân hàng trung ương hay các tổ chức tài chính quốc tế khi dòng tiền phải chảy qua biên giới (ví dụ Visa, Paypal, BIS). Quá trình này có thể sẽ diễn ra trong 1-2 giây nhưng cũng có thể trong vài ngày.
Mục tiêu của hệ thống Bitcoin là tạo ra một dạng tiền “ngang hàng”, nghĩa là quá trình xử lý có thể diễn ra giữa hai đối tác giao dịch hệt như khi thanh toán bằng tiền giấy hay một loại tiền hàng hóa nào khác. Nhưng làm thế nào người bán có thể đảm bảo đồng Bitcoin nhận được từ người mua không bị làm giả nếu không có một bên thứ ba kiểm tra? Ở đây khái niệm làm giả không chỉ đơn thuần là người mua tạo ra một đồng Bitcoin giả mà còn có thể là anh ta dùng một đồng Bitcoin thật mua hàng ở nhiều chỗ khác nhau. Giải pháp của Satoshi Nakamoto là dùng chính mạng lưới Bitcoin thực hiện chức năng thanh toán bù trừ và những người bỏ công sức và năng lực tính toán ra làm nhiệm vụ xử lý này sẽ được tưởng thưởng bằng những đồng Bitcoin mới.
Như vậy trên thực tế hệ thống Bitcoin không triệt tiêu trung tâm thanh toán bù trừ mà chỉ chuyển đổi các nơi này trong các hệ thống tiền tệ chính thức thành một trung tâm thanh toán bù trừ phi chính thức. Một điểm khá thú vị là giữa hệ thống Bitcoin và một hệ thống tiền chính thức hiện đại có một điểm tương đồng về khả năng làm giả tiền. Với một hệ thống tiền của một quốc gia, một người có thể làm giả tiền nếu anh ta có nguồn lực (kỹ thuật, tài chính, công sức) đủ mạnh để cạnh tranh với nhà phát hành tiền - ở đây là nhà nước. Trong hệ thống Bitcoin, một người có thể làm giả tiền nếu năng lực tính toán của anh ta cạnh tranh được với năng lực tính toán của những người còn lại tham gia xử lý cho hệ thống. Vì hệ thống Bitcoin còn khá nhỏ nên khả năng một cá nhân hay một nhóm người nào đó có thể tập hợp năng lực tính toán đủ lớn để làm giả tiền là một nguy cơ có thật và đó chính là điểm yếu của hệ thống tiền tệ này.
Để "khai mỏ" Bitoin cần có hệ thống máy tính khổng lồ, tiêu tốn rất nhiều điện năng. Ảnh Wired.com
3. Quá trình thanh toán bù trừ trong hệ thống Bitcoin như sau. Mỗi khi một giao dịch được thực hiện, chi tiết về giao dịch đó được thông báo công khai cho toàn bộ hệ thống và những người đang tham gia vào dịch vụ xử lý sẽ ghi lại giao dịch đó vào một sổ cái. Với những hệ thống tiền tệ chính thức thì trung tâm thanh toán bù trừ sẽ làm việc này và không ai có thể làm giả sổ sách được trừ khi bạn đột nhập được vào máy chủ và thay đổi nội dung của sổ sách. Trong hệ thống Bitcoin cuốn sổ cái được chia ra thành các khối (block), mỗi block có chứa hash (SHA-256) (sẽ giải thích bên dưới) của block trước nó và các giao dịch mới xuất hiện cùng với một con số ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của các thành viên trong mạng lưới Bitcoin là tính ra hash cho những block mới xuất hiện. Việc tính hash cho một văn bản như giải thích bên trên không khó, nhưng Satoshi Nakamoto có một sáng kiến rất thông minh là yêu cầu số hash tính được phải nhỏ hơn một mức nhất định (có thể thay đổi được). Nếu chuỗi số hash bạn tính được lớn hơn mức này thì bạn phải thay đổi con số ngẫu nhiên trong block và tính lại hash mới.
(Về cơ bản hashing là một quá trình mã hóa một chuỗi dữ liệu thành một dãy số (hash) có chiều dài cố định và không bị trùng lặp. Ví dụ bạn có thể dùng phương pháp SHA-256 để hash một văn bản (với độ dài tùy ý) thành một chuỗi số có độ dài 256 bit. Chuỗi số này "độc nhất vô nhị", nghĩa là không một văn bản nào dù chỉ khác 1 ký tự có thể có hash giống hệt như vậy).
Tất cả các thành viên tham gia sẽ chạy đua với nhau để tính ra số hash "đúng" cho block mới được tạo. Một khi ai đó tính ra nó, các thành viên khác sẽ dễ dàng kiểm chứng và block đó sẽ trở thành ghi nhận giao dịch chính thức cho toàn bộ hệ thống. Khi bạn dùng một đồng Bitcoin của mình để mua một sản phẩm nào đó, người bán sẽ đợi đến khi nào giao dịch giữa bạn và anh ta được ghi chính thức vào một block được thừa nhận, nghĩa là hash đã đạt mức đã định rồi mới chấp nhận giao hàng. Tốc độ mạng lưới xử lý các block và tạo hash phụ thuộc vào 2 yếu tố: số người (và năng lực tính toán) tham gia vào nhiệm vụ xử lý giao dịch và mức độ khó của mức được đặt ra. Thuật toán của hệ thống Bitcoin sẽ thay đổi mức đã định (khi số người tham gia thay đổi) để đảm bảo cứ khoảng 10 phút sẽ có một block mới được tạo ra, nghĩa là khi số người tham gia đông lên thì sẽ khó đạt được hơn. Với những hoạt động mua bán trực tuyến thì độ trễ khoảng 10 phút này có thể chấp nhận được.
Đến đây chắc các bạn đã đoán được Bitcoin mới được tạo ra như thế nào. Thành viên nào giải được hash cho một block mới sẽ được "trả công" bằng một lượng Bitcoin mới phát hành. Do vậy “khai mỏ” những đồng Bitcoin mới chính là sản phẩm của quá trình xử lý giao dịch. Bạn muốn tạo ra tiền thì phải bỏ công (và năng lực tính toán) ra phục vụ cho cộng đồng. Ở điểm này hệ thống Bitcoin được thiết kế rất khéo léo và tốt hơn hệ thống tiền đá của đảo Yap hay thậm chí hệ thống kim bản vị trước đây trong lịch sử (người khai thác đá hay đi đào vàng hoàn toàn vì vụ lợi cho chính mình chứ không phải cho cộng đồng - ngoại trừ tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế).
Ban đầu "tiền công" cho một block là 50 Bitcoin, sau đó số tiền này giảm 50% sau mỗi 210.000 block được tạo ra. Ý tưởng giảm dần số "tiền công" này có lẽ xuất phát từ khái niệm nguồn tài nguyên không tái tạo và sẽ làm cho tổng số Bitcoin lưu hành tiệm cận dần đến con số 21 triệu. Bên cạnh việc thu được các đồng Bitcoin mới, các thành viên có thể thu phí xử lý cho những giao dịch lớn, đây có lẽ là một giải pháp để thu hút số người tham gia trong tương lai khi số lượng Bitcoin tới hạn. Tất nhiên khi Bitcoin càng khó tạo ra thì giá trị của nó càng tăng, hay nói cách khác giá cả trong nền kinh tế sử dụng Bitcoin giao dịch sẽ bị giảm phát. Tuy nhiên tốc độ giảm phát (và tốc độ tăng cung tiền) có thể xác định trước khá chính xác, cho nên người ta sẽ tính toán giá cả chính xác dựa trên tốc độ giảm phát này. Đây cũng là ý tưởng của Milton Friedman kêu gọi bãi bỏ Fed và thay bằng một cái máy tính chạy một thuật toán xác định trước để tính ra tốc độ tăng cung tiền cố định.
Như đã nói bên trên, mọi thành viên trong hệ thống Bitcoin đều có quyền tham gia vào quá trình xử lý giao dịch để được nhận những đồng Bitcoin mới. Tuy nhiên điều này đòi hỏi bạn phải có máy tính mạnh và trình độ công nghệ thông tin để lập trình. Nếu không có kiến thức, bạn có thể cho thuê máy tính của mình cho những nhóm chuyên nghiệp có khả năng vận hành/quản lý hoạt động xử lý (nghĩa là thu thập thông tin về các giao dịch mới, tính hash, kiểm tra hash...). Tất nhiên máy tính của bạn phải nối mạng 24/24 và phải thực sự mạnh thì mới đáng (hầu hết các máy tính tham gia xử lý đều sử dụng GPU bên cạnh CPU để thực hiện các tác vụ tính toán song song).
Việc huy động một lượng lớn năng lực tính toán tham gia vào quá trình xử lý giao dịch có ý nghĩa quan trọng với hệ thống Bitcoin. Nếu số lượng máy tính tham gia quá ít, một kẻ giả mạo có thể huy động một lượng máy tính lớn hơn để tạo ra một sổ cái giả, nghĩa là tính ra hash cho các block mới nhanh hơn toàn bộ hệ thống.
Một quán cà-phê ở Hà Lan chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Hiện có khoảng 35.000 đơn vị kinh doanh chấp nhận đồng tiền này. Ảnh Wikipedia
4. Luật pháp của hầu hết các quốc gia đều cấm các tổ chức hay tư nhân phát hành một đồng tiền song song với đồng tiền quốc gia. Ngoài khía cạnh chính trị và văn hóa, nguyên nhân kinh tế của việc nhà nước độc tôn phát hành tiền liên quan đến hệ thống thuế quốc gia. Độc quyền phát hành tiền là một biện pháp hiệu quả để một nhà nước có thể thu thuế của dân, trực tiếp qua các thể loại thuế trực thu/gián thu hoặc gián tiếp qua lạm phát và phát hành tiền. Một trong những cách trốn thuế phổ biến ở hầu hết các nước là giao dịch bằng tiền mặt, Bitcoin với tính chất phi chính thức chính là "tiền mặt" trong thời đại mọi thứ đều "trực tuyến". Một khi giao dịch được thực hiện thông qua Bitcoin, nhà nước chỉ thu được thuế khi các bên tham gia "tự nguyện" đến nộp, sẽ cực kỳ khó khăn cho cơ quan thuế điều tra hay theo dõi các hoạt động kinh tế trong hệ thống Bitcoin. Tất nhiên vì Bitcoin do mạng lưới này tạo ra nên nhà nước cũng mất nguồn thu nhờ lạm phát.
Giống như Internet, hệ thống Bitcoin và đồng tiền Bitcoin sẽ không có biên giới (tất nhiên trừ những nước đặt tường lửa), nghĩa là Bitcoin có khả năng sẽ trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế nếu đồng tiền này không chết yểu. Thử tưởng tượng một ngày nào đó một doanh nghiệp dệt may nhỏ ở Việt Nam được Walmart thanh toán bằng Bitcoin trực tiếp, không thông qua một ngân hàng nào cả và cũng không bị nguy cơ "kết hối". Ở chiều ngược lại, một nhà đầu tư nhỏ ở một tỉnh lẻ của Việt Nam có thể dễ dàng mở một tài khoản và chuyển Bitcoin ra nước ngoài để "đánh vàng" trên một sàn giao dịch ở Dubai hay Hồng Kông mà không ai ngăn cấm được.
Trên tầm mức quốc gia và quốc tế, những vấn đề như chiến tranh tiền tệ, đầu cơ tiền tệ sẽ biến mất. Thặng dư hay thâm hụt thương mại sẽ chỉ là kết quả của khác biệt năng suất và tỷ lệ tiết kiệm chứ không liên quan đến tỷ giá nữa. Tất nhiên các ngân hàng trung ương cũng không còn vai trò gì và sẽ biến mất cùng với khái niệm chính sách tiền tệ. Một viễn cảnh khá giống với việc quay về lại kim bản vị.
Nhưng có một khác biệt quan trọng giữa kim bản vị và hệ thống Bitcoin. Nếu chỉ có "Thượng đế" mới tạo ra được nguyên tố thứ 79 với những đặc tính "vàng" như vậy, bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện một/vài Satoshi Nakamoto khác với những đồng Bitcoin mới có thể còn ưu việt hơn đồng Bitcoin hiện tại. Nghĩa là giới buôn ngoại tệ sẽ không lo thất nghiệp còn Friedrich Hayek sẽ "mỉm cười nơi chín suối" vì mơ ước về một đồng tiền mang tính cạnh tranh không thuộc về một nước nào cả trở thành hiện thực.
Theo Thesaigontimes.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?