Chromium của Google và câu chuyện chiến tranh trình duyệt nguồn mở

    Tuấn Anh,  

    Có rất nhiều trình duyệt mới ra đời sử dụng mã nguồn mở Chromium của Google, liệu Chrome có phải lo sợ và dè chừng trước chúng hay không?

    Trình duyệt web là một phần không thể thiếu trong thế giới internet, người dùng không còn xa lạ với một số trình duyệt phổ biến như FireFox, Chrome, Opera hay IE... Những trình duyệt sinh sau đẻ muộn như Cốc Cốc hay Bchrome của BKAV gây không ít tò mò và bình luận trái chiều trên các diễn đàn và mạng xã hội bởi nó gần như giống với các trình duyệt đã có trước đó, chỉ thêm một số tính năng tùy biến.

    Trên thực tế, cả Chrome, Cốc Cốc, Bchrome và Opera phiên bản mới đều sử dụng chung một mã nguồn mở có tên Chromium. Tùy từng công ty sẽ có cách tùy biến và nhiều tính năng mới khác nhau, sau đó đóng gói lại, tới tay người dùng với những cái tên khác nhau.

    Chromium là một trình duyệt web mã nguồn mở thuộc dự án của Google, là nền tảng để xây dựng nên Google Chrome. Theo tài liệu nhà phát triển, "'Chromium' là tên của dự án, chứ không phải tên sản phẩm, và sẽ không bao giờ xuất hiện trong các đoạn mã ở dạng tên biến, tên API, v.v. Thay vào đó Google đã dùng 'chrome'".

    Trình duyệt Cốc Cốc và Bchrome vừa xuất hiện của BKAV đều dựa trên nền tảng trình duyệt Chrome với nhân là mã nguồn mở Chromium với các tính năng đặc biệt hướng tới thị trường Việt Nam. Thậm chí Opera là trình duyệt web phát triển bởi Opera Software, cũng đã chuyển sang sử dụng bộ nguồn Chromium thay cho Presto từ phiên bản Opera 15.

    Với nhiều tính năng tích hợp hữu ích như hỗ trợ tăng tốc tải file, hỗ trợ truy cập Facebook không bị chặn,... cùng sự ổn định của Chromium, Cốc Cốc đã lọt vào top 5 trình duyệt phổ biến nhất Việt Nam chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt vào tháng 5/2013.

    Có lẽ nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của Cốc Cốc, BKAV đã âm thầm xây dựng Bchrome từ nhân Chromium. Vậy Google có phải "bàn mưu tính kế" để đối phó với tình trạng các hãng phát triển dựa trên mã nguồn của mình và chỉ thêm một số tính năng rồi sau đó quay lại "đấu đá" với bản gốc hay không?

    Câu trả lời là: KHÔNG.

    Các trình duyệt dùng nhân Chromium sẽ giúp Google chống lại đối thủ

    Những trình duyệt sử dụng mã nguồn mở của Google sẽ "ăn" vào thị phần của Chrome, nhưng mặt khác nó cũng chiếm thị phần không nhỏ của FireFox, IE hay Safari. Thay vì đơn phương độc mã chống lại đối thủ, Google đã có Cốc Cốc, Bchrome lo hộ (ít nhất là tại thị trường Việt Nam).

    Tính tới thời điểm cuối tháng 8/2014, Cốc Cốc đã đạt 11.9 triệu người dùng tại Việt Nam theo số liệu thống kê của StatCounter, vượt xa Internet Explorer và gần ngang ngửa với FireFox. Trong tương lai, Cốc Cốc hoàn toàn có thể phổ biến hơn nữa và lấn át FireFox, khi đó trên thị trường chỉ còn cuộc chiến giữa Cốc Cốc và Chrome (hoặc có thể thêm tân binh Bchrome nếu phát triển tốt).

    Google làm thế nào để bảo vệ đứa con của mình?

    Không thể phủ nhận việc Cốc Cốc và Bchrome đã làm tốt việc tạo ra một lớp vỏ mới cho Chromium khi chèn thêm nhiều tính năng mà người dùng cần. Tuy nhiên điểm mấu chốt trong tương lai phát triển của hai trình duyệt này lại nằm ở bộ lõi Chromium mà Google nắm giữ. Khi họ dựa quá nhiều vào mã nguồn của Google, trình duyệt tạo ra chỉ có thể sáng tạo lớp vỏ bên ngoài nhưng không có đủ sức để tạo ra cái ruột - phần quan trọng nhất của trình duyệt web.

    Khi trận chiến chỉ còn lại những phiên bản sử dụng nhân Chromium, platform của Google thắng áp đảo sẽ là lúc họ thực hiện việc khống chế đối với các công ty phát triển dựa trên nền tảng này. Google cho sử dụng gì, giới hạn thứ gì thì các trình duyệt sử dụng nhân cũng buộc phải nghe theo. Chrome là sản phẩm của Google, đương nhiên nó sẽ có được những thứ mà doanh nghiệp ngoài không bao giờ có được.

    Các trình duyệt dùng nhân Chromium chỉ có thể tích hợp một số tính năng nhỏ nhưng không thể tạo được một bản cập nhật thực sự như Chrome

    Các trình duyệt dùng nhân Chromium chỉ có thể tích hợp một số tính năng nhỏ nhưng không thể tạo được một bản cập nhật thực sự như Chrome

    Dù cố nhồi nhét nhiều tính năng vào trình duyệt nhưng các sản phẩm như Cốc Cốc, Bchrome chỉ dựa vào "điểm yếu" của Chrome, khó có thể làm người dẫn đường cho các bản nâng cấp tiếp theo. Cứ như vậy, họ sẽ mãi mãi đi sau và bám theo cuộc chạy đua cải tiến điểm yếu. Một khi những điểm yếu đó không đủ lớn nữa để tạo khác biệt, họ sẽ đuối sức dần. Có lẽ đây cũng là lý do mà Baidu không dựa trên các engine của Chrome để làm mà tự xây dựng.

    Câu chuyện tương tự với cuộc chiến Android và iOS, Windows Phone

    Một mã nguồn mở khác rất phổ biến của Google là Android, công ty cũng thực hiện cách làm tương tự. Cung cấp mã nguồn mở để hàng loạt nhà sản xuất di động lớn như Samsung, Xiaomi phát triển dựa trên nó. Binh đoàn Android này sẽ chiến đấu với các platform khác trên thị trường như iOS và Windows Phone. Đến khi chiếm được lợi thế và Samsung, Xiaomi trở thành mối đe dọa với sản phẩm của Google, họ hoàn toàn có thể kiềm chế sự phát triển của chúng bằng chính Android.

    Samsung dường như hiểu được vấn đề tiềm ẩn và bắt tay vào phát triển hệ điều hành riêng cho mình, tránh sự phụ thuộc, "cho gì ăn ấy" của Google.

    (Bài viết có tham khảo tài liệu từ Wikipedia)


    Bài viết thể hiện quan điểm riêng, và bất kỳ quan điểm nào cũng sẽ có nhiều lời phản bác, đưa ra ý kiến trái chiều. Chúng tôi rất mong nhận được góp ý của độc giả ở phần bình luận phía dưới.

    >> Bkav âm thầm phát triển trình duyệt Bchrome: nhanh nhưng chưa hoàn thiện

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ