Trong số 10 hacker này, có người đã tự tử, có người phải ngồi tù nhưng cũng có người đang làm công việc có ích cho xã hội.
Trong số 10 hacker này, có người đã tự tử, có người phải ngồi tù nhưng cũng có người đang làm công việc có ích cho xã hội. Dù họ đã làm gì, có lẽ phải thừa nhận một điều rằng, họ thực sự giỏi.
10. Kevin Poulsen (Dark Dante)
Kevin Polsen là hacker mũ đen khét tiếng của thập kỷ 80 khi đột nhập vào đường dây điện thoại của đài phát thanh KIIS-FM của Los Angeles. Poulsen đã cố trốn tránh khi bị FBI săn lùng, nhưng cuối cùng đã bị bắt năm 1991.
Ông bị kết án bảy tội danh như lừa đảo qua máy tính, điện thoại, thư từ, tội rửa tiền, cản trở công lý, thu thập thông tin về các doanh nghiệp bí mật do FBI điều hành. Kevin Poulsen đã bị kết án 51 tháng tù giam (4 năm và 3 tháng), mức án nặng nhất cho một hacker thời điểm đó. Tuy nhiên, sau đó Poulsen đã trở thành nhà báo và hiện là biên tập viên của trang Wired News. Hầu hết các bài viết đáng chú ý của Poulsen là về quá trình điều tra 744 tội phạm tình dục trên MySpace.
9. Albert Gonzalez
Albert Gonzalez bị cáo buộc chủ mưu vụ trộm ATM và thẻ tín dụng lớn nhất trong lịch sử. Từ năm 2005-2007, ông và nhóm tội phạm ảo đã bán hơn 170 triệu thẻ và số thẻ ATM. Nhóm của Gonzalez đã sử dụng kỹ thuật SQL injection để tạo ra các backdoor (cửa sau) độc hại trên một số hệ thống máy tính các công ty để tấn công, nhằm ăn cắp dữ liệu từ mạng nội bộ công ty. Khi bị bắt, cơ quan chức năng đã thu giữ 1,6 triệu USD tiền mặt, bao gồm 1,1 triệu USD được tìm thấy trong túi nhựa giấu trong trống ba chân chôn ở sân sau nhà của bố mẹ ông. Năm 2010, Gonzalez bị kết án 20 năm trong nhà tù liên bang.
8. Vladimir Levin
Mọi thứ diễn ra gần giống như trong bộ phim về điệp viên James Bond: năm 1994, trong khi đang làm việc trên laptop từ căn hộ ở St Petersburg, Nga, Vladimir Levin đã chuyển 10 triệu USD từ tài khoản của các khách hàng Citibank vào tài khoản riêng của mình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự nghiệp hacker của Levin rất ngắn ngủi, ông đã bị bắt, đi tù và nộp lại tất cả số tiền 10 triệu USD, chỉ còn thiếu 400.000 USD. Trong phiên xử Levin năm 1997 tại Mỹ, ông bị cho là đã điều phối cuộc tấn công các ngân hàng qua internet đầu tiên. Sự thật là Levin đã chuyển tiền của các khách hàng Citibank vào tài khoản của ông qua các số tài khoản và mã PIN bị đánh cắp. Levin đơn giản là đã can thiệp vào các cuộc gọi của khách hàng và ghi âm số tài khoản của họ.
7. Robert Tappan Morris
Ngày 2/11/1988, Robert Morris đã tung ra một con sâu máy tính và nó lây lan đến 1/10 mạng internet, khiến trên 6.000 hệ thống máy tính bị nhiễm. Cảnh sát không mất nhiều thời gian theo dõi hacker này. Một phần do nhu cầu "chém gió" của nhiều hacker trẻ, Morris đã phạm lỗi, chat về con sâu này nhiều tháng trước khi phát hành. Vụ việc đã gây thiệt hại 15 triệu USD.
Morris là một trong những người đầu tiên bị xét xử và bị kết án theo Luật gian lận máy tính, nhưng chỉ bị phạt phục vụ cộng đồng và phạt tiền. Tình tiết giảm nhẹ là con sâu của Morris không phá hủy nội dung dữ liệu của các máy tính bị ảnh hưởng. Hiện nay, Morris đang làm việc trong khoa Khoa học máy tính và kỹ thuật điện của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
6. Michael Calce (MafiaBoy)
Tháng 2/2000, Michael Calce đã tung ra một loạt tấn công từ chối dịch vụ vào các website thương mại lớn, bao gồm cả Yahoo, Amazon.com, Dell, eBay, và CNN. Ông đã tấn công vào Yahoo khi Yahoo còn là công cụ tìm kiếm hàng đầu và làm tê liệt nó trong khoảng một giờ. Giống như nhiều tin tặc khác, Calce tấn công các website chủ yếu vì sự tự hào và nhằm thiết lập danh tiếng, sự thống trị cho bản thân và nhóm hacker của mình. Năm 2001, tòa án ở Montreal đã kết án Calce 8 tháng tù treo, một năm quản thúc, bị hạn chế sử dụng Internet, và bị phạt một khoản tiền nhỏ.
5. David Smith
Smith nổi tiếng vì là tác giả của virus e-mail Melissa. Smith khẳng định ông không hề có ý định để virus Melissa gây ra thiệt hại, tuy nhiên phương thức lây nhiễm của Melissa (mỗi máy tính bị lây nhiễm lại gửi đi vô số email độc hại) đã khiến các hệ thống máy tính và máy chủ trên toàn thế giới bị quá tải. Virus Melissa ẩn nấp trong một tệp tin có chứa mật khẩu của 80 website khiêu dâm nổi tiếng. Tên Melissa bắt nguồn từ một vũ công mà Smith gặp trong một chuyến đi ở Florida. Mặc dù có hơn 60.000 virus email được phát hiện, Smith là người duy nhất phải ngồi tù tại Mỹ vì "thả" ra một con virus.
4. Adrian Lamo
Có biệt danh là "hacker vô gia cư", Adrian Lamo đã dùng các quán cà phê internet, thư viện để hành động. Lamo nổi tiếng vì đã đột nhập vào một loạt các mạng máy tính nổi tiếng, trong đó có New York Times, Microsoft, Yahoo, và MCI WorldCom. Năm 2002, ông lại gây ra vụ đột nhập vào cơ sở dữ liệu nội bộ của New York Times. New York Times đệ đơn khiếu nại, và lệnh bắt giữ Lamo được ban hành sau một cuộc điều tra kéo dài 15 tháng của các công tố viên liên bang New York.
Sau nhiều ngày lẩn trốn, cuối cùng Lamo đầu hàng và được dẫn đến FBI. Lamo phải trả khoảng 65.000 USD bồi thường thiệt hại và bị kết án sáu tháng quản thúc tại nhà cha mẹ, cộng thêm hai năm quản chế. Lamo hiện là nhà phân tích các mối đe dọa và cống hiện toàn bộ thời gian và kỹ năng của mình cho một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Sacramento.
3.George Hotz
George Hotz sẽ mãi mãi gắn với vụ tấn công PlayStation hồi tháng 4/2011. Là một trong những hacker đầu tiên bẻ khóa Sony PlayStation 3, Hotz rơi vào cuộc chiến pháp lý liên miên với Sony – mọi thứ còn tệ hơn nữa do Hotz phát hành công khai phương thức bẻ khóa của mình.
Nhóm hacker Anonymous đã tấn công mạng lưới PlayStaion của Sony và đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 77 triệu người dùng. Tuy nhiên, Hotz phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ tấn công và tuyên bố: "Bẻ khóa bảo mật trên các thiết bị thực sự rất thú vị, nhưng tấn công vào máy chủ của một ai đó và ăn cắp cơ sở dữ liệu thông tin người dùng chẳng thú vị và đáng nể tí nào".
2. Jonathan James (c0mrade)
Jonathan James, hacker mũ đen 16 tuổi, trở thành trẻ vị thành niên đầu tiên bị bỏ tù tại Mỹ. James mang tai tiếng này sau khi thực hiện một loạt các vụ xâm nhập thành công vào nhiều hệ thống. Ở tuổi 15, James đã hack vào hệ thống chính phủ cao cấp như NASA và Bộ Quốc phòng. James còn bị cho là đã đánh cắp phần mềm trị giá hơn 1,7 triệu USD. Cậu bé cũng tấn công vào Cơ quan giảm nhẹ các mối đe dọa quốc phòng (DTRA) và ngăn chặn hơn 3.000 thông điệp tối mật đến và đi của các nhân viên DTRA, thu thập nhiều tên người dùng và mật khẩu.
Ngày 18/5/2008, ở tuổi 25, James đã tự tử bằng một khẩu súng. Những lời trong bức thư tuyệt mệnh của James đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc vào về một cậu bé trẻ tuổi, tài năng, nhưng lại nghĩ rằng mình sẽ là một vật tế thần và đã đổ lỗi cho tội phạm mạng. Bức thư có đoạn viết: "Tôi không có niềm tin vào hệ thống công lý. Có lẽ hành động của tôi ngày hôm nay, và bức thư này, sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ cho công chúng. Dù sao chăng nữa, tôi đã không kiểm soát được tình trạng, và đây là cách duy nhất để tôi lấy lại sự kiểm soát của mình".
1. Gary McKinnon
Năm 2002, một thông báo kỳ lạ xuất hiện trên màn hình máy tính của quân đội Mỹ: "Hệ thống an ninh của quân đội Mỹ quá vớ vẩn. Tôi là Solo. Tôi sẽ tiếp tục phá hoại ở mức cao nhất". Sau đó, bức thư được xác định là của Gary McKinnon, một người làm nghề quản trị hệ thống gốc Scotland.
McKinnon bị hội chứng Asperger, một chứng bệnh tự kỷ nghiêm trọng nhất. Các triệu chứng của hội chứng Asperger rất phù hợp với các hành động của Gary: đó là rất thông minh và có hiểu biết đặc biệt về các hệ thống phức tạp. Mặc dù chứng bệnh này khiến bệnh nhan gặp khó khăn trong một số giao tiếp xã hội, nhưng họ lại có xu hướng là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó. Và đối với Gary, đó là máy tính.
Gary bị cáo buộc đã thực hiện vụ tấn công lớn nhất vào mạng máy tính chính phủ - bao gồm cả quân đội, không quân, hải quân và hệ thống NASA. Tòa án khuyến cáo rằng Gary phải đối mặt với các tội danh truy cập trái phép vào 97 máy tính, gây thiệt hại tổng cộng 700.000 USD.
Theo Technotification/Diễn đàn đầu tư
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"