(GenK.vn) - Theo một nguồn tin thân cận, hãng cung cấp dịch vụ cho thuê xe và đi chung xe – Uber Inc. hiện đang thương thuyết với nhóm các nhà quản lý vốn về một khoản đầu tư có khả năng sẽ nâng giá trị của startup này lên 12 tỷ USD.
Không những vậy, nguồn tin trên cũng cho biết đối với một hãng mới có tuổi đời 5 năm, ứng dụng di động kết nối người dân với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ dường như đã thu được nguồn vốn trên dưới 500 triệu USD. Trong đó, các nhà đầu tư có khả năng tham gia bao gồm các quỹ phòng hộ, quỹ tương hỗ BlackRock Inc. và các công ty góp vốn tư nhân như Geneal Atlantic hay Technology Crossover Ventures. Trước đó, Bloomberg cũng thông báo rằng Uber đang tìm cách nâng giá trị vốn hóa lên tới hơn 10 tỷ USD.
Uber đang tìm cách nâng giá trị vốn hóa của mình lên trên 10 tỷ USD
Trong những năm qua, ba startup công nghệ bao gồm: cho thuê nhà trực tuyến Airbnb, dịch vụ lưu trữ dữ liệu Dropbox và hãng sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc Xiaomi đã có giá trị ở mức 10 tỷ USD. Dự kiến, startup đi chung xe Uber cũng sẽ tiếp nối thành công của 3 hãng kể trên khi thu về nguồn vốn nhiều hơn hai công ty cho thuê xe lớn nhất hiện nay: Hertz Global Holdings với 12,8 tỷ USD và Avis Budget Group với 5,8 tỷ USD.
Khác với những hãng cho thuê xe có hàng loạt những chiếc xe đắt tiền và hàng trăm văn phòng đại diện, Uber chỉ đơn thuần duy trì mạng lưới tài xế và người đi nhờ giống như OpenTable sử dụng hệ thống đặt chỗ ăn tối tại các nhà hàng. Nhiều người dự đoán, có khả năng, Uber sẽ thu về mức lợi nhuận ròng 1,5 tỷ USD vào năm tới.
Thành công của hãng có được trong ngày hôm nay là nhờ vào khả năng lãnh đạo của đồng sáng lập và đồng thời là giám đốc điều hành – Travis Kalanick. Được thành lập vào năm 2009, ứng dụng di động Uber nổi lên trong ngành công nghiệp taxi khi cho phép người dùng có thể gọi một chiếc xe trong khu vực đến chỗ mình và nó được áp dụng đối với các tài xế taxi, limo hay những người muốn kiếm thêm thu nhập. Cụ thể, ứng dụng trên sẽ hiển thị bản đồ của các phương tiện trong khu vực và ước tính thời gian di chuyển đến nơi người dùng. Ngoài ra, Uber hưởng 20% phí dịch vụ đối với mỗi lần thông báo và áp dụng mức phí cao nhất đối với dịch vụ cung cấp cho những chiếc limousine đắt tiền hay những chiếc xe thể thao chuyên dụng.
Giao diện của ứng dụng đi nhờ xe của Uber
Dịch vụ trên đã thể hiện được tính hữu ích của mình trong sử dụng mặc dù Uber hiện đang phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ phía người dùng khi đội giá quá cao trong những thời điểm cấp bách. Ngoài ra, hãng cũng đang gặp một số rắc rối trong các điều khoản cam kết đối với các hãng taxi và limousine, đe dọa tới khả năng phải đóng cửa dịch vụ hoặc hạn chế sử dụng. Không những vậy, họ cũng đang phải thương lượng các điều khoản đối với một số khu vực nhằm mở rộng thị trường của mình ở những nơi có mức sống cao như Miami hay Las Vegas.
Tuy nhiên, các vấn đề pháp lí vẫn chưa chạm tới mức độ gay gắt và Uber hiện vẫn đang có mặt tại hơn 100 thành phố và 36 quốc gia trong đó có nhưng thành phố hàng đầu thế giới như NewYork, San Francisco hay Hồng Công. Mặt khác, các trở ngại về luật pháp cũng không ngăn cản hoạt động của các nhà đầu tư tiềm năng khi hãng sẽ nhận được hơn 300 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm như Google Ventures hay Benchmark cùng các nhà đầu tư cá nhân như CEO Jeff Bezos của Amazon.com. Theo ước tính, giá trị của Uber hồi hè năm ngoái đã đạt 3,5 tỷ USD.
Đối với các nhà đầu tư, sức quyến rũ của Uber một phần đến từ tham vọng của họ: phát triển dịch vụ thuê xe theo nhu cầu. Phát biểu trên trang Twitter của mình, ông Kalanick hình dung Uber giống như một mạng lưới hỗ trợ, không chỉ dành cho con người mà còn dành cho hàng hóa và dịch vụ. Có khả năng, Uber sẽ tiếp tục mở rộng ở một mức độ nào đó dịch vụ chuyển phát những đồ vật đặc biệt.
Travis Kalanick - Đồng sáng lập và cũng là CEO của Uber
Sau hàng tỷ USD dành cho hoạt động tài trợ cũng như mua bán – sáp nhập, thị trường đầu tư công nghệ đã hạ nhiệt, kéo theo thị trường vốn chùng xuống và nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về giá trị của những startup tiên phong trong những ngành dịch vụ mới. Trong khi đó, Uber lại phải cạnh tranh với những đối thủ có nguồn vốn dồi dào như Lyft Inc. và không thoát khỏi mối nghi hoặc kể trên. Tuy nhiên, họ lại được hưởng rất nhiều lợi ích của vị trí đi đầu.
Có thể nói rằng, Uber là một phần của mạng lưới ứng dụng thường được gọi dưới cái tên “kinh tế sẻ chia” (sharing economy) khi ngày càng có nhiều người bán các nguồn tài nguyên dư thừa hoặc thời gian rảnh rỗi của mình cho người khác. Trong đó, phần lớn “lực lượng lao động” của Uber thường là những tài xế bán thời gian. Airbnb với mô hình hoạt động cho thuê nhà ở đã gia tăng 450 triệu USD vốn đầu tư vào tháng 4 vừa qua, nâng tổng giá trị lên 10 tỷ USD từ một nhóm đầu tư ban đầu của công ty góp vốn tư nhân TPG và cũng là hậu thuẫn của Uber.
"Lực lượng lao động" của Uber chủ yếu là các tài xế làm việc bán thời gian
Sức lan tỏa của những dịch vụ kể trên đã trở thành trở ngại đối với các nhà làm luật, những người thường đứng giữa việc phải hỗ trợ xu thế công nghệ mới nhưng vẫn duy trì các chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Ông Kalanick cũng miêu tả các rào cản luật pháp là bằng chứng của “cuộc cạnh tranh không khoan nhượng” giữa Uber với ngành taxi và nó cũng đem lại cho hãng những nhân viên mới như Ashwini Chabra, cựu nhân viên cấp cao của Ủy ban Taxi và Limousine NewYork.
Theo nguồn tin của GenK, Uber cũng đang ráo riết xúc tiến kế hoạch ra mắt tại thị trường Việt Nam.
Tham khảo: Online Wsj
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?