Những "thâm cung bí sử" khiến người Châu Âu phải khiếp sợ Google

    Yến Thanh,  

    Với việc nắm hơn 90% thị phần trong lĩnh vực tìm kiếm Internet tại châu Âu, Google đang khiến chính các nhà lập pháp ở châu lục này phải lo sợ.

    Không thể phủ nhận, trong lĩnh vực Internet hay tìm kiếm trên Internet, Google gần như đang nắm vị thế độc tôn trên toàn thế giới. Hiếm thấy có một công cụ nào có thể lấn sân được Google Search cũng như các dịch vụ đi kèm với nó trong một môi trường cạnh tranh công bằng.

    Trong nhiều năm trở lại đây, các công cụ, dịch vụ của Google luôn đem tới cho người dùng sự tin cậy, tính chính xác cũng như sự toàn diện khi kết quả được trả về. Sự lớn mạnh của Google hay cụ thể là Google Search không chỉ giúp công nghệ trên thế giới ngày càng tiến xa mà nó còn tạo ra thêm nhiều lợi nhuận cho các khách hàng hoặc hãng liên quan.

    Với việc liên tục hoàn thiện, bổ sung các thuật toán vào hệ thống mình, Google còn đẩy mạnh quảng cáo, liên kết với các dịch vụ như Maps, Tin tức, YouTube nhằm duy trì vị trí hàng đầu trong làng công nghệ.

    Nhìn chung, Google là tốt và tốt, tuy nhiên, sau những động thái mạnh mẽ từ nghị viện châu Âu buộc Google phải tách Google Search ra khỏi các dịch vụ thương mại khác mình, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra rằng tại sao hầu hết những nhà lập pháp tại châu lục này lại phải lo sợ một hãng công nghệ có ích tới vậy?

    Lớn mạnh là một cái tội

    Điểm mấu chốt khiến các nhà chức trách tại châu Âu phải "nóng mắt" vì Google là bởi hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ chẳng khác nào ông thần gác cổng Internet. Báo cáo mới đây cho thấy, Google hiện đang nắm hơn 90% thị phần trong lĩnh vực tìm kiếm tại châu Âu, điều này đồng nghĩa, ai muốn truy cập Internet thì phải hỏi ý kiến của Google?!

    Theo các quan chức tại nghị viện châu Âu, Google luôn miệng "mang sự công bằng" tới cho mọi người dùng, tuy nhiên, chính hãng này có thể làm điều ngược lại. Minh chứng là Google có cả một hệ thống xếp hạng trang web uy tín, nhưng ai dám chắc, hãng này sẽ không "đi đêm" để nâng đỡ những khách hàng đã chi đậm cho Google và Google Search.

    Do đó, điều mà các nhà chức trách tại châu Âu đang muốn làm chính là phá vỡ độc tôn của Google, tạo thêm cơ hội cho các hãng công nghệ khác. Một môi trường công bằng luôn đi đôi với sự cạnh tranh cao. Và nếu Google Search vẫn giữ nguyên con số 90% kể trên, thì sẽ chẳng gã công nghệ nào có thể tiến bộ, dù có được hãng này "giúp đỡ" tới đâu.

    Google - kẻ phản diện hay gã khổng lồ vụng về?

    Trái ngược với vị thế một ông lớn luôn dang rộng vòng tay với bất kì người dùng nào, thì hình ảnh Google trong mắt các nhà cầm quyền tại châu Âu lại chẳng khác gì một gã khổng lồ "vụng về". Sự lớn mạnh của Google tại nơi đây được cho là đang trực tiếp gây hại cho các công ty bản địa.

    Trong khi các nhà chức trách ở châu Âu đang nỗ lực xây dựng một thị trường Internet minh bạch, cân bằng, thì tiềm năng của Google với hơn 90% thị phần chắc chắn sẽ khiến họ có quyền được "lo sợ", đặc biệt là sau những bất đồng về mặt chính trị giữa Mỹ và EU hay vụ việc chính phủ Mỹ bị quy kết nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị phanh phui hồi đầu tháng 11.

    Thêm vào đó, những khiếu nại từ các đối thủ như Microsoft, Expedia… tại Châu Âu khi Google hiển thị các dịch vụ, sản phẩm của hãng này nhiều hơn sản phẩm, dịch vụ đối thủ, cũng như những chỉ trích của Châu Âu từ quyền bảo mật cho đến chính sách thuế đã Google ngày càng mất điểm trước các lãnh đạo nơi sở tại.

    Cơ may nào dành cho Google?

    Liên tục vấp phải những chỉ trích, kiện tụng hay khiếu nại là vậy, nhưng nguy cơ khiến Google bị lật đổ là không cao. Bởi trên thực tế, ngay sau những bất đồng mới đây với nghị viện châu Âu, hãng khổng lồ phần mềm của Mỹ đã nhanh chóng chứng tỏ thiện chí được đàm phán, thương thuyết với hội đồng châu lục này tương tự như cách mà Microsoft đã từng làm.

    Cũng cần phải nhớ rằng, trước Google, người đồng hương Microsoft đã từng là kẻ thống trị lĩnh vực phần mềm cũng máy tính tại châu Âu và cũng từng rơi vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" tương tự. Tuy nhiên, sau nhiều lần tranh cãi và đàm phán, Microsoft đã sớm đạt được thỏa thuận với EU cũng như tạo dựng mối quan hệ bền chặt với các nước trong liên minh.

    Do đó, Google hoàn toàn có cơ sở để tự tin vào sự "cây ngay không sợ chết đứng" của mình, miễn là hãng này chịu nhượng bộ trước hàng loạt những công ty công nghệ đang lâm vào tình trạng xuống dốc trong nhiều năm liền. Thêm nữa, bởi cuộc chơi tại liên minh châu Âu luôn đề cao tính công bằng, nên chăng, hãng cần đặt ra một tiêu chuẩn cho riêng mình nhằm vượt qua những tư tưởng độc quyền của các công ty tư nhân.

    Tham khảo: Theverge

    >>Google tiến thêm một bước vào thị trường điện thoại giá rẻ phân khúc 2 - 3 triệu đồng

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày