Những trào lưu chóng tàn của cộng đồng Facebook Việt

    PV,  

    Giống như những trào lưu ở đời thực, trào lưu trên thế giới ảo cũng nổi lên như những hiện tượng và thoái trào nhanh chóng theo thời gian.

    Trào lưu 'vẹo cổ'

    Trào lưu này được cho là do một họa sĩ chuyên vẽ tranh hoạt hình người Trung Quốc vô tình khởi xướng. Ông đã vẽ những hình ảnh các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Mario, Super Man, Luffy, Doraemon... và lí giải rằng: "Nếu tất cả mọi người cùng nghiêng đầu về bên trái thì trái đất sẽ nghiêng theo", giúp trái đất thoát khỏi đại nạn thiên thạch vào ngày 21/12/2012.

    Cơn sốt vẹo cổ nhanh chóng hạ nhiệt sau ngày "tận thế" 21/12/2012.

    Cơn sốt vẹo cổ nhanh chóng hạ nhiệt sau ngày "tận thế" 21/12/2012.

    Trào lưu treo avatar (hình đại diện) sử dụng những bức vẽ "nghiêng đầu" của họa sĩ trên nhanh chóng lan tỏa trên cộng đồng mạng Trung Quốc, rồi du nhập vào các mạng xã hội Việt Nam và một số nước trong khu vực. Sau một thời gian được nhiều người trẻ đón nhận nồng nhiệt, trào lưu này cũng "xì hơi" theo tin đồn tận thế.

    Ảnh đại diện theo phong cách logo Adobe

    Đây là một trào lưu hiếm hoi xuất phát từ Việt Nam. Bức avatar đầu tiên thiết kế theo phong cách logo của Adobe được cho là của nickname "Dù Kun", thành viên trên một diễn đàn thiết kế đồ họa.

    Ngay sau khi thiết kế cho mình một avatar theo phong cách Adobe, thành viên này đã cho ra đời một loạt các mẫu avatar ấn tượng dành tặng cho bạn bè. Từ một phút ngẫu hứng của cá nhân, trào lưu này đã lan rộng và gây sốt trên cộng đồng mạng Việt Nam nửa đầu 2013.

     Đã có thời điểm Facebook Việt tràn ngập ảnh đại diện theo phong cách logo Adobe.

    Đã có thời điểm Facebook Việt tràn ngập ảnh đại diện theo phong cách logo Adobe.

    Tuy nhiên, để làm được một avatar theo phong cách Adobe, đòi hỏi người làm có những kĩ năng Photoshop nhất định. Do đó cơn sốt này không thể bao trùm toàn bộ cộng đồng Facebook Việt và cũng nhanh chóng thoái trào.

    Cơn sốt 'dựng hàng rào' hashtag

    Vốn đã quá quen thuộc với người dùng Twitter, nhưng đến tháng 6/2013, Facebook mới phổ biến tính năng hashtag rộng rãi đến người dùng. Hashtag sử dụng các từ khóa và dấu # để liên kết các nội dung trên Facebook có cùng một chủ đề lại với nhau, giúp việc thảo luận được mở rộng hơn.

     Tính năng hashtag bị lạm dụng thành trò tiêu khiển.

    Tính năng hashtag bị lạm dụng thành trò tiêu khiển.

    Khi mới xuất hiện, người dùng Việt Nam còn tò mò với công cụ này và đã có một bộ phận người dùng tỏ ra lạm dụng khi đăng những nội dung toàn là... hashtag. Mặt khác, hashtag chỉ hỗ trợ những từ đơn, trong khi tiếng Việt lại dùng nhiều từ ghép (chứa khoảng trắng giữa các từ), nên công cụ này tỏ ra kém hiệu quả và gây bất tiện cho người dùng Việt Nam. Hiện tại, chỉ còn các fan page sử dụng công cụ này để tăng tính lan truyền, còn người dùng cá nhân hiếm khi sử dụng hashtag.

    Bình luận bằng ảnh phản cảm

    Xuất hiện gần như đồng thời với tính năng hashtag, tính năng đính kèm hình ảnh trong phần bình luận được Facebook đưa vào để người dùng sử dụng trong những trường hợp mà câu chữ không thể diễn đạt. Theo Facebook, tính năng này được tạo ra bởi một nhân viên Facebook trong một cuộc thi hackathon (*) nội bộ.

     Gây nhiễu và phản cảm, những comment bằng hình ảnh đang dần bị cộng đồng Facebook tẩy chay.

    Gây nhiễu và phản cảm, những comment bằng hình ảnh đang dần bị cộng đồng Facebook tẩy chay.

    Tuy nhiên, tính năng này lập tức bị biến tướng, trở thành công cụ để nhiều người dùng post ảnh "chế", nội dung đôi khi tục tĩu, thiếu nghiêm túc. Nhiều fanpage tuyên bố chặn các thành viên bình luận bằng hình ảnh, không ít cá nhân lên tiếng tỏ rõ sự bực bội khi bị quấy rầy bằng những hình ảnh phản cảm. Vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dùng và báo chí, trào lưu này cũng đang dần thoái trào.

    (*) Hackathon: một cuộc thi mà các lập trình viên sẽ phải tạo ra một phần mềm hoặc ứng dụng trong một khoảng thời gian cho trước (thông thường là 24 tiếng hoặc 48 tiếng). Ăn ngủ ngay tại địa điểm thi, các thí sinh tham gia hackathon không chỉ là những người có tài, mà còn là những người có sức khỏe tốt. Các công ty công nghệ thường "săn đầu người" qua các cuộc thi hackathon.

    Theo Duy Nguyễn
    Zing/Infonet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ