Phần 2: Mạng xã hội Zing Me - Niềm tự hào nay chỉ còn là "thành phố ma"

    Tuấn Ori,  

    (GenK.vn) - Bàn luận tiếp về thị trường Mạng xã hội Việt Nam.

    Đừng quên xem phần 1 trước khi đọc tiếp bài viết này nhé!

    Chúng ta tiếp tục bàn luận về thị trường mạng xã hội Việt Nam. Ở bài viết này tôi sẽ không nói lại về thực trạng mạng xã hội Việt hiện nay vì đã được liệt kê rất rõ trong phần 1 và đơn giản chỉ nhìn qua bạn cũng có thể thấy sự ảm đạm của nó. Chúng ta sẽ chuyển sang tìm hiểu một số lý do khiến mạng xã hội Việt với đại diện cụ thể và nổi bật nhất là Zing Me, dù khí thế "hừng hực" nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với các ông lớn như Facebook và dần trở thành những "thành phố ma".

    #1. Sống sao nổi khi copy nhưng không sáng tạo?

    Phần 2: Mạng xã hội Zing Me - Niềm tự hào nay chỉ còn là "thành phố ma"

    Sao chép (copy) không có nghĩa là bạn kém, đó có thể chỉ là việc bạn biết cách chọn lọc để rút ngắn quãng đường tới thành công mà thôi.

    Có thể kể ra một ví dụ tiêu biểu cho câu nói trên như chiếc Galaxy Note của Samsung. Ở thời điểm ra mắt, nó là chiếc điện thoại tổng hợp những thứ mà người dùng ngán ngẩm. Điện thoại gì thời đại này rồi còn dùng bút cảm ứng cùng màn hình to như cái phản? Samsung từng nhận cả "núi gạch đá" vì việc sao chép hai thứ bị cả xã hội tẩy chay. Nhưng họ không chỉ sao chép đơn thuần, Samsung đã rất sáng tạo khi tích hợp nhiều công nghệ vào chiếc bút cảm ứng S-pen và tận dụng tốt màn hình lớn phục vụ nhu cầu mà người dùng thực sự cần. Với việc sao chép và sáng tạo tốt của mình, Samsung đã biến chúng thành lợi thế cạnh tranh và chỉ sau 2 vòng đời họ đã bán được tới hơn 40 triệu chiếc Note trên toàn cầu.

    Trình xem ảnh trên Zing Me cũng copy giống với Facebook.

    Trình xem ảnh trên Zing Me cũng "copy" giống với Facebook.

    Câu chuyện về Galaxy Note của Samsung phần nào minh chứng cho việc bạn không nhất thiết phải là người đầu tiên, chỉ cần là người biết sáng tạo, làm tốt nhất thì bạn hoàn toàn có thể thành công. Nhưng đối với mạng xã hội Việt thì sao?

    Phần 2: Mạng xã hội Zing Me - Niềm tự hào nay chỉ còn là "thành phố ma"

    Khi vừa được giới thiệu, Zing Me không gây được ấn tượng vì nó gần như là bản "copy-cat" hoàn chỉnh của Facebook, từ giao diện cho tới tính năng. Tôi còn nhớ khi nói về game Võ Lâm Truyền Kỳ nổi tiếng một thời của VNG (công ty chủ quản Zing Me), CEO Lê Hồng Minh chia sẻ bài học đầu tiên để khi làm việc gì, là chấp nhận đi học ở người giỏi hơn mình, xem thành công của họ đi trước ra sao và khi mình làm thì có thể được như vậy không. Và tất nhiên khi học phải chịu khó học hỏi, kiên nhẫn…, đừng ngần ngại sao chép lại, nhưng sao chép thì phải hiểu mới thành công được. Đúng như tiêu chí trên, Zing Me là mạng xã hội sao chép không hơn không kém.

    Facebook liên tục thay đổi nhằm tăng trải nghiệm người dùng trong khi Zing Me dậm chân tại chỗ.

    Facebook liên tục thay đổi nhằm tăng trải nghiệm người dùng trong khi Zing Me dậm chân tại chỗ.

    Cứ thế đi lên với lợi thế sân nhà và cộp mác sản phẩm Việt, Zing Me đạt tới nhiều mốc quan trọng với lượng người dùng lớn, thậm chí có thời điểm vượt cả Facebook về người dùng ở Việt Nam. Nhưng chuyện gì đến cũng đến, Zing Me không sáng tạo, chỉ sao chép những thứ có sẵn trong khi Facebook liên tục thay đổi, nghiên cứu người dùng nhằm đem lại trải nghiệm sản phẩm tốt nhất. Đương nhiên, người dùng sẽ tự biết lựa chọn cho mình nền tảng hấp dẫn hơn, và Facebook đã ghi điểm hoàn toàn.

    #2. Mạng xã hội là của cộng đồng, không chỉ riêng game thủ!

    Với nền tảng là công ty game, VNG nắm trong tay cộng đồng game thủ lớn nhất nhì Việt Nam. Không bỏ qua lợi thế trên, Zing Me ra mắt với việc lôi kéo phần lớn thành viên là game thủ tham gia, rất nhiều tựa game của công ty được tích hợp với mạng xã hội để "lôi kéo". Mỗi tài khoản đăng ký trên Zing Me được coi như một phần bổ trợ cho các game được phát hành, bạn muốn chơi web game của VNG - hãy đăng ký Zing Me!

    Tài khoản Zing Me liên kết chặt chẽ với trang ứng dụng/game của Zing.

    Tài khoản Zing Me liên kết chặt chẽ với trang ứng dụng/game của Zing.

    Theo thời gian, người ta tìm tới nó phần lớn để chơi game và điều hiển nhiên "core-user" của mạng xã hội này chủ yếu là gamer. Nhưng một mạng xã hội muốn phát triển bao quát phải "trung tính", không thể nghiêng quá nhiều về game thủ, dễ gây nhàm chán khiến người dùng không chơi game cảm thấy bị cô lập và lạc lõng.

    Dù có trong tay cộng đồng game thủ hùng hậu nhưng Zing Me đã thất bại trong việc tận dụng thế mạnh này để phát triển mạng xã hội của mình.

    #3. Mạng xã hội và yếu tố bản địa

    Ở thời điểm ra mắt, không chỉ Zing Me mà rất nhiều mạng xã hội Việt đã đề cao cái "tôi" dân tộc, đánh vào thế mạnh bản địa hóa để lấy nó làm lợi thế so với Facebook. Đây tưởng chừng là lợi thế trời cho nhưng nó lại không mang tới tác dụng như mong muốn.

    Nếu bạn làm việc tại nước ngoài hoặc đi du học, mọi quan hệ sẽ được giữ thông qua các mạng xã hội mang tính toàn cầu như Facebook. Và tôi tin rằng bạn sẽ không bao giờ nghĩ tới việc dùng mạng xã hội dành riêng cho một địa phương nào đó, nó quá lằng nhắng và tốn thời gian!

    Nhu cầu kết nối của con người là không giới hạn, đặc biệt ở Việt Nam - Quốc gia mà mọi thứ văn hóa trên thế giới đều được đón nhận và du nhập nhanh tới chóng mặt. Bạn không thể yêu cầu người dùng chỉ được trao đổi, sinh hoạt và kết bạn trong khuôn khổ mà bạn đặt ra, họ muốn những thứ rộng hơn như vậy.

    Mạng xã hội Việt Nam lớn nhất Zing Me - Chỉ còn là "thành phố ma"

    Ba lý do phía trên phần nào cho chúng ta thấy được điểm yếu của mạng xã hội Việt so với ông lớn thế giới như Facebook. Vậy hiện tại, mạng xã hội từng gấp 10 lần Facebook tại Việt Nam - Zing Me còn lại gì?

    Phần 2: Mạng xã hội Zing Me - Niềm tự hào nay chỉ còn là "thành phố ma"

    Theo thống kê từ Alexa, hiện tại người dùng chính của Zing phần lớn tập trung vào trang nghe nhạc mp3, trang tin tức và chơi game. Lượng người truy cập từ me.zing.vn chỉ chiếm 13,64% tổng truy cập vào tên miền của Zing, con số trên bao gồm cả game thủ truy cập để chơi và kiểm tra tài khoản game. Vì vậy số lượng thực tế người truy cập me.zing.vn để tham gia các hoạt động mạng xã hội còn nhỏ hơn 13,64% rất nhiều. Mạng xã hội Zing Me trở về đúng cốt lõi là trang phát hành game.

    Một số tài khoản không thể truy cập vào trang cá nhân.

    Một số tài khoản không thể truy cập vào trang cá nhân.

    Phần lớn người dùng không có hoạt động liên quan tới mạng xã hội, chỉ tạo tài khoản để chơi game.

    Phần lớn người dùng không có hoạt động liên quan tới mạng xã hội, chỉ tạo tài khoản để chơi game.

    Rất nhiều trang cá nhân bỏ không cả năm trời không cập nhật trên Zing Me, và ở thời điểm viết bài, thậm chí tôi không thể truy cập vào trang cá nhân của một số người dùng (hình trên).

    Phần 2: Mạng xã hội Zing Me - Niềm tự hào nay chỉ còn là "thành phố ma"

    Thời gian đầu, công cụ bình luận thông qua mạng xã hội Zing Me được VNG tận dụng triệt để. Tuy nhiên hiện tại ngay chính trang tin tức của Zing cũng loại bỏ bình luận này và sử dụng riêng một công cụ khác. Dấu hiệu cho thấy Zing Me đang loại bỏ chính mình trên sân nhà.

    Dù chưa chính thức tuyên bố "khai tử" nhưng những gì còn lại của Zing Me đủ cho chúng ta thấy được việc nó chỉ còn là một "thành phố ma" không hơn không kém. Dù được đầu tư và quảng bá rộng rãi, chúng ta không thể phủ nhận thực tế mạng xã hội tại Việt Nam đang hoàn toàn nẳm trong tay các ông lớn quốc tế.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ