Viettel đã tiến hành kiểm tra lại và thấy các thuê bao vẫn sử dụng Viber và một số các ứng dụng khác của dịch vụ OTT một cách bình thường.
Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn công nghệ lớn, nhiều thành viên đã rỉ tai nhau về chuyện mạng Viber của Viettel bỗng dưng "dở chứng", gửi tin nhắn vô cùng chậm và gọi điện thì thường xuyên bị cắt. Cũng vì sự cố này mà nhiều người cho rằng Viettel đang âm thầm chặn các dịch vụ OTT.
Trên một diễn đàn công nghệ lớn, thành viên callme02 chia sẻ: "Mình mới chạy lại chương trình máy ArcS, cài lại Viber thì không nhận được code kích hoạt. Mình xài Viettel, hôm qua bực mình lấy số Mobi của đứa em cài thử thì nhận đc tin nhắn và cuộc gọi ngay lập tức còn dùng số Viettel của mình thì mãi chả thấy đâu. Cũng xóa phần mềm để hơn 1 ngày rồi cài lại cũng không đc. Viettel không cho dùng Viber nữa hay sao vậy nhỉ...".
Tương tự vậy, thành viên HunhDucHung cũng bày tỏ: "Mấy ngày nay cài 3 số Viettel lên 2 máy Samsung, một iPhone 4s đều không được. Có lẽ Viber bị Viettel làm khó rồi!"
Ảnh minh hoạ.
Trao đổi với chúng tôi, một đại diện truyền thông của Viettel cho biết, trước các thông tin được phản ánh, phía Viettel đã tiến hành kiểm tra lại và thấy các thuê bao vẫn sử dụng Viber và một số các ứng dụng khác của dịch vụ OTT một cách bình thường.
"Chúng tôi không biết thông tin đó từ đâu ra nhưng Viettel không có hành động chặn ứng dụng VoIP như Skype, Viber... đang được các thuê bao sử dụng", vị này nhấn mạnh.
Đại diện của Viettel cũng cho rằng, thực tế các ứng dụng gọi điện trên các thiết bị Smartphone nói riêng và Internet nói chung có ưu điểm linh hoạt và rẻ, nhưng so với đàm thoại truyền thống, chúng vẫn có những hạn chế nhất định.
Người dùng phải sử dụng kết nối mạng, cả hai máy đều phải cài chung một phần mềm, theo đó, sự linh hoạt giảm.
Từ đó, vị này cũng nhấn mạnh, do chất lượng cuộc gọi truyền thống tốt hơn nhiều nên thực tế Viettel chưa có sự lo lắng về sự tấn công của các tiện ích như Viber, Skyper hay Whataspp trên các điện thoại di động Smartphone.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông (xin được giấu tên - PV) cho rằng, thực tế, việc cấm các dịch vụ OTT không những chưa khả thi mà còn gây ra các phản ứng ngược từ phía các chủ thuê bao.
"Việc cấm các dịch vụ OTT trên nền Internet mạng di động là điều các nhà mạng có thể thực hiện được ngay. Tuy nhiên, thực tế, liệu tất cả các nhà mạng có cùng bắt tay nhau để cấm hay không. Nếu cùng bắt tay nhau thì mới được coi là đạt được hiệu quả như mong muốn.
Còn nếu một nhà mạng nào đó cấm thì chắc chắn không có lợi mà chỉ có hại, bởi người tiêu dùng sẽ phản ứng, thậm chí tẩy chay và sử dụng sang mạng khác. Đó là điều mà chắc chắn, các nhà mạng đều nhìn thấy rõ", chuyên gia này nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, thực tế ở nhiều quốc gia hiện nay, cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm quản lý dịch vụ OTT này còn việc cấm thì chưa thấy có.
"Theo tôi, thay vì việc đề ra những chính sách cấm đoán thì các nhà mạng nên chọn cách bắt tay với các dịch OTT này. Điều đó sẽ giúp cho cả hai cùng có lợi, bởi từ hoạt động của các dịch vụ OTT này sẽ thúc đẩy việc các nhà mạng nâng cao chất lượng dịch vụ của mình nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
Quan trọng hơn là các nhà mạng sẽ phát triển thêm các dịch vụ mới với chất lượng cao hơn OTT. Còn phía OTT thì cũng có lợi vì sẽ có đông người biết đến và dùng hơn", vị này nhấn mạnh.
Theo Hoàng Đan
Soha
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android