Nếu bạn muốn thuyết trình giỏi như Steve Jobs, đừng bao giờ quên bí kíp "Vở kịch 3 hồi"
Ngoài sự nghiệp công nghệ rực rỡ, Steve Jobs còn được ngưỡng mộ với khả năng diễn thuyết khó ai bì kịp. Bí quyết của ông là gì? Rất đơn giản: Hãy là một người kể chuyện đại tài.
Để tránh đi vào lối mòn của những bài thuyết trình thiếu sáng tạo và nhàm chán, Steve Jobs luôn chủ động biến mỗi bài diễn thuyết thành một màn trình diễn ấn tượng với sản phẩm là nhân vật chủ đạo, đi kèm hệ thống âm thanh ánh sáng bài bản. Và giữa trùng điệp lớp lang, Jobs luôn xuất hiện như một người dẫn chuyện điềm tĩnh, ung dung nắm trọn sự chú ý của bất cứ ai trong khán phòng bằng lối kể chuyện kinh điển.
Steve Jobs có biệt tài gì chăng? Không hẳn vậy. Người ta đã dày công nghiên cứu và tìm ra công thức bí mật trong những bài diễn thuyết nổi tiếng của huyền thoại công nghệ này. Đây vốn là cấu trúc 3 hồi được sử dụng phổ biến trong các kịch bản phim Hollywood: Bối cảnh, Đối mặt, Ra đòn. Nghe đơn giản là vậy, nhưng để làm được thì không hề dễ dàng.
Để dễ hiểu hơn, hãy thử phân tích chúng xem: Ở Hồi I, Bối cảnh, chúng ta làm quen với một vị anh hùng và thế giới thanh bình nơi anh sống trước khi mọi biến cố xảy ra. Bất chợt, bầu trời bỗng dưng tối sầm và chúng ta sang Hồi II, Đối mặt, nơi thế giới tươi đẹp của vị anh hùng bị đội quân quái vật xáo tung, buộc anh phải ra tay dẹp loạn để bảo vệ cuộc sống của mình và mọi người xung quanh. Vở diễn kết thúc tại Hồi III, Ra đòn, khi vị anh hùng lẫy lừng ra đòn quyết định thu phục quái vật và đưa cả thế giới trở về đúng quỹ đạo.
___
Vở diễn: "Anh hùng Macintosh giết quái vật khổng lồ"
Đọc đến đây đừng vội thắc mắc, bởi trong kinh doanh, mọi thứ sẽ diễn ra đúng như những gì đã mô tả. Không tin ư? Hãy cùng mổ xẻ bài thuyết trình ngày 24/1/1984 của Steve Jobs giới thiệu chiếc máy tính Macintosh mang tính cách mạng của Apple dưới đây.
Hồi I: Bối cảnh
"Đây là năm 1958. IBM đánh mất cơ hội thu nạp một công ty còn non trẻ và rất tiềm năng vừa phát minh ra một công nghệ mới có tên "xerography" (phương pháp in chụp tĩnh điện). Và 2 năm sau, Xerox ra đời. IBM bắt đầu tiếc đứt ruột kể từ đó.
Và 10 năm trôi qua. Vào những năm 60, nhà nhà đổ xô đi làm máy tính mini trong khi IBM lại cho ngừng sản xuất, với lý do kích thước quá nhỏ so với yêu cầu xử lý cũng như hiệu quả kinh doanh quá bèo bọt. Kết quả, khi những người khác ngày ngày thu về hàng trăm triệu đô nhờ máy tính mini, thì IBM vẫn đang loay hoay tìm cách quay lại một thị trường mình từng thẳng tay gạt bỏ".
Hồi II: Đối mặt
"Và lại 10 năm trôi qua. Năm 1977, Apple, một công ty còn non trẻ đến từ bờ Tây vừa phát minh ra Apple II, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên như các bạn đang thấy đây. Một lần nữa đi ngược trào lưu, IBM lại cho ngừng sản xuất máy tính cá nhân với lý do kích thước quá nhỏ so với yêu cầu xử lý cũng như hiệu quả kinh doanh quá bèo bọt".
Đang chăm chú nghe như nuốt từng lời, cả khán phòng bỗng cười ầm lên trước câu nói nhại đầy mỉa mai của Steve Jobs. Chẳng cần lấy một cái hắng giọng, ông điềm nhiên tiếp tục:
"Hiện giờ là năm 1984. Rõ ràng IBM đang muốn nắm trong tay tất cả. Lúc này, Apple đang được tin tưởng là đối thủ duy nhất xứng tầm với IBM. Các nhà phân phối tỏ ra khiếp sợ trước viễn cảnh bị IBM thâu tóm. Họ cuống cuồng trông đợi vào Apple như một thế lực duy nhất có thể đảm bảo sự tự do của họ trong tương lai. Con hổ đói IBM luôn muốn có tất cả, và dường như lúc nào cũng sẵn sàng xòe móng nhổ bật cái gai duy nhất còn sót lại - Apple".
Hồi III: Ra đòn
Jobs khoan thai bước từng bước đến giữa sân khấu và lật tung chiếc khăn phủ phía trên "vị anh hùng" bí ẩn - cỗ máy tính Macintosh. Ông rút ra từ trong túi quần một chiếc đĩa mềm, nhét nó vào trong máy tính, và cứ thế để chiếc máy tự giới thiệu bản thân.
Đoạn quảng cáo Macintosh của Apple năm 1984.
Trên màn hình lớn, người ta được xem một đoạn quảng cáo có tên "1984 Super Bowl", với nhân vật nữ anh hùng mặc quần cam, đi giày đỏ, trên người là chiếc áo trắng có vẽ hình cách điệu chiếc máy tính Macintosh của Apple. Nữ anh hùng bắt đầu chạy và bất ngờ ném chiếc búa tạ vào màn hình đang phát chương trình Big Brother - ám chỉ gã khổng lồ IBM lúc bấy giờ. Người ta lại thêm hoang mang xen lẫn thích thú khi đọc dòng chữ cuối phim: "Vào ngày 24/01, Apple Computer sẽ giới thiệu Macintosh. Và bạn sẽ hiểu tạo sao năm 1984 sẽ không còn là năm 1984 nữa".
Thế mới thấy, câu chuyện anh hùng Macintosh không hề nằm lệch khỏi quỹ đạo. Nói đúng hơn, đây giống như màn công chiếu một bộ phim bom tấn với đầy đủ tuyến nhân vật anh hùng và kẻ xấu kinh điển. Một khi muốn ca ngợi anh hùng, không còn cách nào khác ngoài việc ném cho anh ta một kẻ xấu. Và vai phản diện lần này vinh hạnh được giao cho IBM.
___
Vở diễn: "Anh hùng iTunes sẽ giúp bạn tiêu 99 xu thật đáng tiền"
Một vở diễn ấn tượng khác được Steve Jobs dàn dựng vào năm 2003, thời điểm đánh dấu sự ra đời của dịch vụ nghe nhạc trực tuyến iTunes: Ông quyết định thuyết phục người dùng trả 99 xu cho một bài hát thay vì nghe nhạc "chùa" như trước. Đây được đánh giá là một canh bạc lớn của Apple, bởi phần đông người dùng internet từ lâu đã mặc định rằng nghe nhạc trên mạng thì... không phải trả tiền.
Hồi I: Bối cảnh
Jobs mở đầu bài thuyết trình bằng một mô tả thực trạng: "Chúng ta đều biết rằng từ năm 1999, người ta đã bắt đầu chứng kiến sự đi lên của một hiện tượng có tên Napster. Đây chính là minh họa điển hình cho quan điểm "mạng internet sinh ra là để truyền bá âm nhạc". Quả không sai, bởi ứng dụng chia sẻ nhạc trực tuyến Kazaa, vốn thuộc hàng con cháu của Napster, cho đến giờ vẫn sống tốt…".
Jobs tiếp tục đi sâu hơn vào mặt tích cực và tiêu cực của thực trạng. Những điểm sáng của việc chia sẻ nhạc trực tuyến miễn phí bao gồm phạm vi lựa chọn nhạc phong phú, ghi đĩa không giới hạn, và không mất tiền. "Nhưng vẫn còn đó một góc tối", Jobs trầm ngâm, "... tốt nhất là đừng nên tạo nghiệp". Bởi lẽ ngoài nguy cơ tải về những tập tin chất lượng kém và không đảm bảo nguồn gốc, việc tải nhạc miễn phí chẳng khác nào... ăn cắp.
Hồi II: Đối mặt
Hãy nhớ rằng trong Hồi II, vị anh hùng iTunes của chúng ta sẽ phải đương đầu với đủ thể loại khó khăn và trở ngại trên con đường đòi lại công lý. Ở vị trí của Jobs, "công lý" chính là khi thế giới biến thành một nơi tốt đẹp và văn minh dành cho những người yêu nhạc. Khó khăn đầu tiên chính là việc tập hợp các tác quyền âm nhạc giữa một biển nhạc mênh mông hiện giờ. Jobs tiết lộ rằng Apple đã nhanh chóng giải quyết vấn đề bằng cách đàm phán một "thỏa thuận mang tính bước ngoặt" với 5 hãng sản xuất âm nhạc lớn.
Trở ngại tiếp theo chính là thuyết phục người dùng trả 99 xu cho mỗi bài hát tải xuống. Lại một lần nữa, Jobs vận dụng thành công kỹ thuật kể chuyện thường gặp - so sánh tương đương. "Có bao nhiêu người ở đây vừa mua một cốc latte ở Starbucks sáng nay? Sẽ mất 3 đồng cho 1 cốc. 3 đồng đó có thể mua được 3 bài hát. Thử tính xem sáng nay đã có bao nhiêu cốc latte được bán ra? Rất rất nhiều. Vậy rõ ràng 99 xu không phải một mức giá đắt".
Jobs thẳng thắn cho rằng ngay cả 99 xu lẻ cũng sẽ mang lại những giá trị lớn, đồng nghĩa với phạm vi lựa chọn nhạc không giới hạn với trên 200.000 bài hát, tải nhạc nhanh chất lượng cao với đủ phụ kiện đi kèm, và nhất là "không tạo nghiệp" khi tải nhạc có bản quyền được mua bán hợp pháp.
Hồi III: Ra đòn
Cuối cùng, Jobs "hạ gục" người dùng bằng việc cho ra mắt bản dùng thử iTunes và cung cấp hàng trăm ngàn bài nhạc giá rẻ chất lượng cao. Kết quả, hơn 1 triệu bài hát đã được mua trên iTunes chỉ sau 1 tuần đầu ra mắt. Chỉ vài năm sau, iTunes nhanh chóng vươn lên vị trí đầu bảng trong số các ứng dụng tải nhạc trực tuyến hiện nay.
Chỉ trong 10 phút ngắn ngủi, Jobs đã hoàn toàn thay đổi tư duy của những người nghi ngờ giá trị của 99 xu. Điều bất ngờ là khi bài thuyết trình này của Steve Jobs được đánh giá thông qua công cụ chấm điểm độ khó Flesch-Kincaid, nó chỉ đạt mức 4, tức là một đứa trẻ học lớp 4 cũng có thể dễ dàng nắm được nội dung. Có lẽ đúng như CEO huyền thoại Jack Welch của General Electric từng nói: “Những người không tự tin mới hay làm mọi chuyện trở nên phức tạp”.
___
Bạn có thể làm ra một sản phẩm đỉnh cao thế giới, nhưng sẽ chẳng ai buồn để ý đến nó nếu họ không hiểu chúng sẽ giúp họ những gì. Để đảm bảo mỗi từ nói ra đều thật đắt, những người kể chuyện đại tài sẽ luôn giới thiệu một kẻ phản diện bên cạnh nhân vật anh hùng chính nghĩa. Họ chọn cách diễn đạt bằng lối kể chuyện đơn giản đến nỗi một cậu nhóc tiểu học cũng có thể hiểu ngay.
Bạn cũng hoàn toàn có thể thu phục những khách hàng khó tính nhất với bí quyết này. Bắt đầu vở diễn bằng việc mô tả bối cảnh thực trạng, chỉ rõ kẻ xấu (vấn đề tồn tại) mà họ phải đối mặt, và cho họ một tia sáng cuối đường hầm với sự xuất hiện của vị anh hùng (sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn), nói rõ rằng chính vị anh hùng này sẽ giúp họ tóm gọn kẻ xấu. Cuối cùng, nhớ vẽ nên bức tranh tươi đẹp về một thế giới thanh bình không còn kẻ ác, bạn sẽ nhanh chóng làm chủ mọi cuộc chơi.
Tham khảo BusinessInsider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín