Nếu bạn nghĩ Elon Musk lập ra Neuralink để ngăn chặn sự nổi dậy của AI hủy diệt thì bạn chưa hiểu hết tầm nhìn của ông

    Le Min Kop,  

    Thế giới hồ nghi Neuralink chỉ mang vỏ bọc phát triển trí tuệ nhân loại, nhưng kỳ thực là để ngăn chặn sự trỗi dậy của AI.

    Tỷ phú Elon Musk khiến cả thế giới ngỡ ngàng trước kế hoạch xây dựng dự án táo bạo cấy chip vào não người mang tên Neuralink. Nhiều giả thuyết cho rằng, đó là bước đi bản lề để ngăn chặn sự trỗi dậy của AI thay vì mục đích chữa bệnh như công ty loan báo. Số khác lại đùa rằng, Elon Musk chơi game nhập vai Mass Effect: Andromeda nhiều quá nên mới làm vậy.

     Nhiều người hồ nghi mục đích lập Neuralink của Elon Musk.

    Nhiều người hồ nghi mục đích lập Neuralink của Elon Musk.

    Để thấy được mục tiêu xa hơn của Neuralink, chúng ta cần hiểu rõ những gì đang diễn ra trong lĩnh vực khoa học thần kinh và tại sao thung lũng Silicon lại dành thời gian, tiền bạc và nguồn lực vào khám phá khả năng tăng cường nhận thức.

    Neuralink không phải công ty đầu tiên tham gia nghiên cứu lĩnh vực giao diện máy tính não, nhưng đó là dự án tham vọng nhất mà Musk đặt kỳ vọng. Cái tên khá nổi bật hiện nay là Kernel của doanh nhân 39 tuổi Bryan Johnson, tập trung nghiên cứu cách cải thiện nhận thức con người.

    Mục tiêu cuối cùng ở đây không phải tìm cách ngăn chặn sự lớn mạnh của robot cũng như kìm giữ AI trong vòng kiểm soát của con người.

    Đó là những giả thuyết giống các bộ phim viễn tưởng chứ không phải như mục đích của Musk, Johnson và các doanh nhân cấp tiến khác đang thực hiện. Những gì Neuralink và Kernel đang cố làm là đặt nền móng để có thể can thiệp vào bộ não, qua đó giúp con người sống khỏe mạnh hơn và về lâu dài sẽ biến não người như nền tảng máy tính với khả năng vô tận.

     Bryan Johnson cũng đặt nhiều tham vọng cùng Kernel.

    Bryan Johnson cũng đặt nhiều tham vọng cùng Kernel.

    Muốn thế, chúng ta cần sử dụng một con chip bên trong hộp sọ hoặc một thiết bị điện tử khác để cải thiện trí nhớ và tăng khả năng thực hiện những nhiệm vụ phức tạp về thần kinh, cũng như khả năng giao tiếp giữa mọi người với nhau. Nó thậm chí có thể cho phép chúng ta liên kết trực tiếp với đám mây và các cơ sở hạ tầng dữ liệu Internet khác. Mọi thứ có vẻ hoang tưởng, nhưng tất cả đang dần trở thành hiện thực.

    Các mô cấy não ngày nay chứa mảng đa cực (MEA) để cố gắng cải thiện tác động của bệnh Parkinson và bệnh động kinh. Trong khi các thiết bị kích thích ít phức tạp hơn được sử dụng cho người bị hội chứng co giật Tourette, rối loạn ăn uống và trầm cảm.

    Tuy nhiên, những kỹ thuật này chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm. Bởi việc tiến hành trên não rất phức tạp và nguy hiểm. Ngay cả các nhà nghiên cứu hàng đầu cũng thừa nhận không có công cụ hoặc dữ liệu cần thiết để hiểu đầy đủ cách thức hoạt động của não. Nếu gặp sự cố, chúng ta không thể giải quyết nổi.

    Vì vậy, Neuralink và Kernel đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ trong lĩnh vực này nhờ kết hợp nguồn lực tài chính và cách tiếp cận não bộ an toàn. Ý tưởng ở đây là nếu bạn quy tụ được nhiều người tài và huy động nguồn lực tài chính đủ mạnh, bạn có thể nhanh chóng đạt được những đột phá mà phải mất nhiều năm trời bằng cách thức truyền thống mới làm được.

    Hiểu biết của chúng ta về não bộ còn rất hạn chế.
    Hiểu biết của chúng ta về não bộ còn rất hạn chế.

    Dường như cả hai công ty có chung nhận định rằng, những tiến bố này phải xảy ra trước tiên trong lĩnh vực y tế. Theo tờ Wall Street Journal, Neuralink được đăng ký tại California như một công ty nghiên cứu y tế.

    Đó đồng nghĩa, chúng ta còn lâu nữa mới hợp nhất được não người với AI. Thực tế hơn, có lẻ hàng thập kỷ tới, chúng ta mới đặt được những bước chân nền tảng cho mục tiêu này. Nhưng trước tiên, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là tìm hiểu bộ não hoạt động như thế nào và cái gì khiến nó bị tổn thương.

    Nếu hai công ty của Musk và Johnson làm được, họ cũng chỉ dừng lại ở mức có cái nhìn sâu sắc về cách cải thiện bộ não khỏe mạnh. Tất nhiên, đi kèm với đó phải đề xuất được phương pháp phẫu thuật não an toàn.

    Hiện tại, các tình nguyện viên sẵn sàng thử nghiệm với việc can thiệp vào cơ thể, như gắn chân tay giả hay ngăn ngừa co giật cấp độ nặng. Nhưng đó đều là trường hợp bị bệnh, tật. Hiếm có ai ở trạng thái bình thường lại để người khác gắn chip vào não.

    Nói như vậy không có nghĩa Musk và Johson thờ ơ với AI hoặc chưa suy tính tới lĩnh vực này khi đặt ra mục tiêu cho Neuralink và Kernel. Cả hai doanh nhân đều nghĩ rằng cải thiện nhận thức của con người là con đường vững chắc cho nhân loại.

    Johnson nhận thấy sự tiến bộ AI không hẳn là mối đe dọa tới tồn vong của nhân loại, thay vào đó sẽ trở thành cơ hội để con người cải tiến trí tuệ nhờ phần mềm giống như thuật toán và máy móc được cập nhật. Ông cho rằng, não bộ cần được coi như bộ gen: “Điều tôi muốn là làm việc với não giống như cách chúng ta làm việc với hệ thống sinh học phức tạp khác như sinh vật học và di truyền học”.

    Elon Musk từng lo sợ về sự trỗi dậy của AI.
    Elon Musk từng lo sợ về sự trỗi dậy của AI.

    Musk có chút cực đoan hơn khi nhắc tới AI. Ông không đưa ra những câu chuyện kỳ bí như kiểu loài người đang sống trong một môi trường giả lập. Thay vào đó, Musk lại so sánh việc phát triển AI như “triệu hồi quỷ dữ” và gọi đó là mối đa dọa lớn đối với nhân loại – “có khả năng nguy hiểm hơn hạt nhân”.

    Đó là lý do ông muốn đưa nhân loại khám phá các hành tinh khác để chuẩn bị cho “ngày tận thế mà AI có thể gây ra”. Doanh nhân người Nam Phi cũng lo ngại Google sẽ trở thành ngòi nổ khiến AI phát triển diện rộng không thể kiểm soát.

    Đó như nỗi sợ hãi cố hữu ăn sâu vào những người có nhiều tiền. Nhưng hãy nhìn vào khoản đầu tư thực tế của Musk để thấy ông rất quan tâm phát triển AI sao cho minh bạch và trong tầm kiểm soát, tránh bị đưa vào phục vụ mục đích xấu.

    OpenAI, quỹ phi lợi nhuận được Musk kêu gọi cùng sự hợp tác của chủ tịch Y Combinator, ông Sam Altman, là thúc đẩy nghiên cứu nguồn mở trong lĩnh vực này và đảm bảo AI phát triển hướng tới phục vụ xã hội theo đúng chuẩn mực đạo đức.

    Gần đây, Musk có lời phát biểu tại Dubai, dù không nhắc rõ về Neuralink nhưng phần nào hé lộ mục đích của công ty: “Theo thời gian tôi nghĩ chúng ta sẽ chắc chắc được thấy sự kết hợp giữa trí trí tuệ sinh học và trí thông minh kỹ thuật số”. Nhờ vậy, con người có thể chống lại những tổn thương, đồng thời xa hơn nữa sẽ tự bảo vệ nếu xảy ra mối đe dọa từ máy móc.

    Thật thiếu sót nếu không đề cập tới những yếu tố này khi bàn về Neuralink, Kernel và các công ty giao diện máy tính não khác. Nhiều người trong chúng ta thích nói về cuộc chiến ngăn viễn cảnh như Skynet và Ma trận diễn ra trong thế giới thực. Nhưng Musk và các doanh nhân ở Thung lũng Silicon có những mối quan tâm thực tế hơn, như thông điệp mà họ công bố là để chống lại bệnh tật và nghiên cứu khoa học thần kinh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ