Nếu cảm biến ảnh cũng có hình tròn, liệu nó có thể cách mạng ngành nhiếp ảnh?
Ưu điểm và khuyết điểm của cảm biến ảnh hình tròn.
Đã bao giờ bạn từng hỏi vì sao ống kính máy ảnh có hình tròn nhưng cho ảnh hình chữ nhật chưa? Nếu vẫn chưa biết lời giải đáp, hãy xem qua bài này để hiểu được tường tận hơn.
Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi muốn đưa ra một giả thiết khác: Nếu cảm biến ảnh cũng có hình tròn, mọi thứ sẽ trông như thế nào và nó có thực sự hữu ích cho các nhiếp ảnh gia hay không?
Chắc hẳn rất nhiều bạn từng thử cắt cúp ảnh (crop) theo nhiều tỉ lệ khác nhau, từ khổ vuông, khổ 16:9 như kiểu cinematic…nhưng có một điều bạn cần biết rằng, nếu cắt ảnh theo khung vuông, tức bạn đã “vứt sọt rác” mất 1/3 lượng pixel (điểm ảnh) rồi đấy!
Trước khi đưa các bạn đến phần phân tích lợi điểm của cảm biến tròn, chúng tôi sẽ liệt kê một số đặc điểm “hiển nhiên” về loại cảm biến hình chữ nhật truyền thống:
1. Cảm biến truyền thống từ trước đến nay có hình chữ nhật với kích thước chiều ngang dài hơn chiều dọc.
2. Người dùng có thể cầm dọc máy 90 độ để lấy góc ảnh đứng (chủ yếu là dành cho chụp chân dung).
3. Tất cả các máy ảnh đều được thiết kế theo như vậy để người dùng có thể dễ dàng chụp ảnh theo khung ảnh ngang và tránh bị nghiêng – lệch.
4. Tuy nhiên một số máy ảnh và cả điện thoại cũng cho phép người dùng lựa chọn những kiểu tỉ lệ ảnh khác nhưng khá giới hạn (kiểu khổ 16:9 hoặc khổ vuông 1:1).
5. Tất cả ống kính đều hình tròn nhưng sử dụng cảm biến hình chữ nhật.
Với cảm biến hình tròn, người dùng có nhiều lựa chọn cắt cúp mà ít bị thất thoát điểm ảnh hơn.
Tuy nhiên có rất nhiều người cho rằng nếu sử dụng cảm biến hình tròn, máy ảnh có thể nhận được nhiều thông tin ảnh hơn. Hơn nữa, người dùng có thể lựa chọn nhiều kiểu tỉ lệ ảnh hơn ngay bên trong máy ảnh nếu dùng loại cảm biến này. Có rất nhiều lợi điểm được đưa ra từ việc sử dụng loại cảm biến trong mơ này, nhưng đây 2 thứ “ăn tiền” nhất:
1. Tận dụng được ảnh từ cảm biến tròn sẽ giúp chúng ta có lượng điểm ảnh (pixel) lý tưởng và tối đa nhất, người dùng có thể tự do lựa chọn cắt cúp theo bất kì tỉ lệ ảnh nào bên trong “ảnh tròn” này. Thử tưởng tượng nếu cảm biến ảnh của bạn là hình chữ nhật, khi cắt lại thành hình vuông thì bạn lại bỏ đi mất một cơ số pixel so với ảnh ban đầu. Tuy nhiên với kiểu cảm biến tròn, việc cắt ảnh vuông từ cảm biến này giúp giảm thất thoát pixel hơn so với cách truyền thống. Bạn đọc có thể xem hình phía dưới để hiểu rõ hơn.
2. Vì là cảm biến tròn nên chụp theo khổ ảnh đứng sẽ linh động hơn rất nhiều so với truyền thống.
So với một cảm biến khổ Full Frame - 4.000 x 4.000 pixel, cảm biến hình tròn có đường kính điểm ảnh lên đến 7.211 pixel. Một ảnh cắt khổ vuông từ cảm biến Full Frame là 16 megapixel, còn ảnh cắt khổ vuông từ cảm biến tròn là 26 megapixel (độ phân giải cao hơn 62%).
Lợi điểm thì có, nhưng nếu muốn sử dụng loại cảm biến này cần những gì?
1. Tất cả nhà sản xuất phải thay đổi phần thiết kế của máy ảnh để đáp ứng theo ý tưởng này. Bên cạnh đó cảm biến lớn hơn cũng là điều tất yếu và máy ảnh cũng cần diện tích nhiều hơn để đặt cảm biến này vào so với loại hình chữ nhật truyền thống.
2. Ống ngắm và màn hình LCD cũng nên chuyển sang hình vuông để khi chọn lựa kiểu tỉ lệ ảnh sẽ cho ra kết quả hiển thị tối ưu nhất.
3. Ống kính không cần thay đổi gì vì cơ bản nó đã có hình tròn.
4. Phần mềm bên trong máy ảnh cần phải lưu được cả ảnh RAW hình tròn và kèm theo đó là ảnh đã được cắt cúp theo tỉ lệ mà người dùng đã lựa chọn theo ý muốn. Với kiểu ảnh RAW hình tròn, người dùng có thể tự do lựa chọn cắt cúp theo bất kì tỉ lệ nào mình muốn khi xuất ra máy tính để hậu kỳ.
Không thể phủ nhận những ưu thế trên, nhưng ý tưởng này gặp phải khá nhiều khó khăn đến từ khâu thiết kế lẫn thói quen người dùng. Tuy nhiên hy vọng rằng trong tương lai sẽ có một nhà sản xuất máy ảnh nào đó đủ liều lĩnh, táo bạo để làm một cuộc cách mạng trong ngành ảnh, phá bỏ rào cản và thói quen truyền thống của biết bao tay máy từ trước đến nay.
Tham khảo: Petapixel.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?