Nếu không có người đàn ông này, bạn sẽ không thể nào bấm nút tạm dừng game đang chơi

    Kuroe,  

    Câu chuyện về người đàn ông đặt nền móng cho toàn bộ những chiếc máy chơi game hiện đại, nhưng lại bị chìm vào quên lãng.

    Bạn có biết, ai là người đặt nền móng cho hệ thống máy chơi game của chúng ta hiện nay hay không? Câu trả lời là Jerry Lawson - trưởng bộ phận kỹ sư phần cứng của Fairchild Semiconductor thời kỳ thập niên 70 của thế kỷ trước. Trên thực tế, ông là người chịu trách nhiệm chính cho việc tạo ra Fairchild Channel F, chiếc máy chơi game đầu tiên có microchip riêng và sử dụng hệ thống băng trò chơi.

    Có lẽ, một trong những điểm đặc biệt nhất về Jerry Lawson, đến từ việc ông là kỹ sư da đen có thể thành công được tại Thung lũng Silicon - giữa thời điểm mà vấn nạn phân biệt chủng tộc ngăn cản cơ hội việc làm của những người da đen. Như tờ The New York Times đã từng viết: "Ông là một trong số ít những kỹ sư da đen có thể tồn tại trong thế giới công nghệ nói chung, và ngành sản xuất trò chơi điện tử nói riêng".

     Jerry Lawson, một trong số ít những kỹ sư da đen được làm việc tại Thung lũng Silicon

    Jerry Lawson, một trong số ít những kỹ sư da đen được làm việc tại Thung lũng Silicon

    Thuở thiếu thời

    Ngày mùng 1 tháng 12 năm 1940, Jerry Lawson cất tiếng khóc chào đời tại Jamaica, Queens, thành phố New York. Cha ông chỉ là một người bốc vác tại bến cảng, nhưng lại có niềm đam mê với những cuốn sách khoa học. Mẹ ông thì luôn muốn đảm bảo cho con trai mình được đào tạo trong một môi trường học tập tốt nhất có thể - tới mức mà bà sẵn sàng tới trường để phỏng vấn thầy cô giáo, và cho con chuyển trường nếu như giáo viên không làm bà hài lòng.

    Trong một buổi phỏng vấn với VCG, Lawson đã chia sẻ rằng, chính mẹ ông mới là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng cho con đi học bằng xe buýt, để tránh việc con mình không được đi học vì "trái tuyến" (Luật này đến năm 1954 mới được Tòa án tối cao yêu cầu gỡ bỏ). Và thế là, bất chấp việc ngôi trường tiểu học "ưng ý" cách nhà quá xa, mẹ của Lawson vẫn cho ông đi học tại trường đó thông qua việc gửi "địa chỉ giả" cho ban giám hiệu nhà trường, và để con mình đi học bằng xe buýt. Một thời gian ngắn sau, bà trở thành chủ tịch hội phụ huynh học sinh nhà trường.

    Khi Lawson lên 12 tuổi, ông ao ước có một bộ đồ chơi nghiên cứu khoa học nguyên tử làm quà Giáng sinh. Thế nhưng mức giá 100$ đối với gia đình ông lúc đó hoàn toàn "nằm ngoài tầm với", nên thay vào đó, cậu bé Lawson nhận được món quà là thiết bị thu sóng radio, mẫu 38 của Hallcrafter. Tuy không đúng như mơ ước, nhưng Lawson vẫn tỏ ra vô cùng thích thú với món quà này - tới mức ông tự lắp thêm bộ chuyển đổi và ăng-ten để tạo ra một chiếc đài Radio của riêng mình.

    "Tôi cứ lắp thôi, và thế là cái Radio nó chạy" - năm 2011, Lawson chia sẻ với hãng tin San Jose Mercury như vậy. "Có lẽ đó là việc đem lại cho tôi niềm vui lớn nhất cuộc đời."

    Tuy nhiên, thời bấy giờ, nếu muốn phát sóng Radio, Lawson cần phải có giấy phép. Và ban quản lý khu nhà ở công cộng - nơi mà gia đình Lawson đang cư trú - tỏ ra không đồng ý với điều này. Thế nhưng, "trong cái khó ló cái khôn", ông phát hiện ra rằng việc phát đi những bước sóng ngắn hoàn toàn không cần phải được cấp phép - vậy là ông chỉ việc treo chiếc ăng-ten tự chế của mình ra ngoài cửa sổ, và phát sóng mà thôi.

    Những năm tháng tiếp theo của thời niên thiếu được Lawson dành để bán những chiếc máy bộ đàm tự chế, sửa TV, và học tất cả mọi thứ có thể về điện máy. Ông đăng ký các khóa học tại Học viện Queen và trường Đại học thành phố New York. Ra trường, Lawson làm công việc kỹ sư điện máy cho nhiều công ty khác nhau tại vùng East Coast, trước khi chuyển qua làm tại công ty Kaiser Electronics, California. Tới năm 1970, ông tới làm việc ở Fairchild Semiconductor, San Jose.

     Máy chơi game đầu tay của Lawson

    Máy chơi game "đầu tay" của Lawson

    Fairchild Semiconductor

    Fairchild Semiconductor được thành lập vào năm 1957, bởi một nhóm các nhà khoa học mà trong đó, hai cái tên nổi bật nhất là Gordon Moore (cha đẻ của định luật Moore), và Robert Noyce (người được xem như nhà đồng sáng lập của mạch tích hợp). Tới năm 1968, Moore và Noyce rời Fairchild để thành lập Intel.

    Ở thời điểm Lawson được nhận vào Fairchild, chuyện một kỹ sư da đen được làm việc tại thung lũng Silicon vẫn là điều hết sức hãn hữu (thực ra, bây giờ cũng không khá hơn là bao). Ý tưởng tập trung vào mảng trò chơi điện tử khi đó cũng được coi như "của hiếm". Lawson chia sẻ: "Thực ra, tôi chuyển sang làm lĩnh vực trò chơi điện tử bởi vì ai xung quanh tôi cũng bảo rằng tôi sẽ thất bại. Mà tôi lại là loại người càng bị ngăn cản thì sẽ càng muốn làm".

    Nói vậy, nhưng lúc mới bắt đầu, mục tiêu trọng điểm đối với Lawson không phải là trò chơi điện tử. Ông được Fairchild giao cho một chiếc máy DEC PDP-8 (Chiếc máy vi tính 12-bit, bản thương mại của công ty DEC). Theo lời đại diện công ty DEC, đây là chiếc máy PDP-8 duy nhất ở vùng Tây Mississippi, và mong muốn Lawson sẽ hướng dẫn cho mọi người tại West Coast cách sử dụng cỗ máy này. Đương nhiên, DEC sẽ chịu chi phí 10.000 USD để nâng cấp cỗ máy cho Lawson, để ông mở lớp hướng dẫn trong ga-ra của mình.

    Cũng vào thời gian này, giữa mỗi giờ "đứng lớp", Lawson chú tâm vào việc xây dựng một chiếc máy game thùng mang tên Demolition Derby, sử dụng bộ vi xử lý F8 của Fairchild. Chiếc máy này xuất hiện chỉ vài tháng sau khi trò chơi Pong ra mắt công chúng, do đó Demolition Derby tỏ ra hết sức thành công khi được Lawson đặt tại một cửa hàng Pizza gần nhà. Tất nhiên, Fairchild hoàn toàn không hài lòng khi biết tin Lawson sử dụng F8 đằng sau lưng họ như vậy. Sau rất nhiều cuộc cãi vã to tiếng, công ty này mới "xuống nước" mong muốn Jerry Lawson làm game cho mình. Và thế là, ông trở thành kĩ sư trưởng bộ phận phát triển trò chơi điện tử của Fairchild. Một thời gian sau, chiếc máy chơi game Fairchild Channel F - được coi như cuộc cách mạng máy chơi game thời đó - ra đời.

     Fairchild Channel F - Máy chơi game chạy băng đầu tiên

    Fairchild Channel F - Máy chơi game chạy băng đầu tiên

    Chiếc máy Fairchild Channel F

    Steve Wozniak - người sau này được biết đến như nhà đồng sáng lập Apple cùng với Steve Jobs - đã từng ứng tuyển vào vị trí kĩ sư mảng trò chơi điện tử của Fairchild, vào lúc mà công ty này đang tập trung phát triển máy chơi game Channel F. Đối với Lawson, Wozniak và Steve Jobs giống như hai người quen, bởi họ cùng là thành viên của câu lạc bộ Homebrew Computer. Sau này khi chia sẻ với VCG, Lawson cho biết, ông vốn không có nhiều ấn tượng về cả Jobs lẫn Wozniak khi mới gặp mặt. Theo lời ông, Steve Jobs là một doanh nhân khá ổn, còn Wozniak chưa gây đủ ấn tượng để có thể được nhận vào Fairchild.

    Dưới sự lãnh đạo của Lawson, Fairchild ra mắt máy chơi game Fairchild Channel F vào tháng 11 năm 1976. Cỗ máy này ngay lập tức trở thành "một cuộc cách mạng", bởi đây là máy chơi game đầu tiên có bộ vi xử lý riêng. Nhờ vậy, Channel F có thể chạy các chương trình AI con, giúp cho người chơi có thể đấu với máy thay vì bắt buộc phải chơi với người khác như những trò chơi trước đó.

    "Ông ấy thực sự là người đi tiên phong" - Al Alcorn, nhà đồng sáng lập Atari, cũng đồng thời là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Lawson thời bấy giờ, chia sẻ với tạp chí Mercury, "Là người đi đầu, cũng đồng nghĩa sẽ không có gì làm mẫu để bắt chước hết".

    Một lý do khác khiến cho máy Channel F trở nên "vượt trội" là bởi, đây là hệ máy chơi game đầu tiên sử dụng tới hệ thống băng trò choi (Cartridge System). Trước đây, trò chơi được lập trình sẵn vào trong máy, và mỗi máy chỉ chơi được một game mà thôi. Lawson đã giải được "bài toán" làm điên đầu các nhà sản xuất máy chơi game thời bấy giờ - đó là tìm ra được một phương pháp để băng trò chơi có thể tương tác với bộ vi xử lý mà không gây ảnh hưởng tới hệ thống. Đồng thời, tạo ra một cỗ máy đủ bền để không bị hỏng trong quá trình tháo lắp liên tục băng trò chơi.

    Không chỉ dừng lại ở đó, Channel F còn là máy chơi game đầu tiên có tính năng cho người chơi tạm dừng trò chơi, thông qua nút Hold ở trên tay cầm. Nhờ vậy, người chơi có thể tạm dừng bất cứ lúc nào mình muốn, để chỉnh các thông số khác như tốc độ trò chơi.

    Và thế là Lawson đã tạo ra được một cỗ máy với những tính năng hết đỗi "nền tảng" mà bất cứ máy chơi game nào theo sau đều phải xoay quanh. Thế nhưng Channel F có gặt hái nhiều thành công cho Fairchild hay không? Câu trả lời có lẽ là không.

    Ở thời điểm Fairchild ra mắt Channel F, Atari nhận ra rằng họ phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Thế là tháng 9 năm 1977, máy chơi game Atari VCS ra đời, sở hữu bộ vi xử lý yếu hơn một chút so với Channel F (chỉ 1,19 MHz so với 1,79MHz), nhưng RAM nhiều hơn gấp đôi, với hình ảnh và âm thanh tốt hơn rất nhiều. Và trong cuộc chiến về mặt doanh thu, Channel F mới là kẻ thua cuộc, dẫn đến việc công ty Fairchild bỏ hẳn mảng trò chơi điện tử. Năm 1979, Zircon International mua lại Channel F từ tay Fairchild. Còn Atari, vào năm 1982, họ đổi tên máy VCS thành Atari 2600 - sau này được biết đến như một trong những máy chơi game thành công và có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử ngành trò chơi điện tử.

     Cỗ máy chơi game huyền thoại - Atari 2600

    Cỗ máy chơi game "huyền thoại" - Atari 2600

    Kết thúc cuộc chơi

    Với sự bỏ cuộc của Fairchild, cộng với việc Atari đang "lên như diều gặp gió", Lawson quyết định rời khỏi Fairchild vào năm 1980. Ông thành lập Videosoft - một công ty chuyên sản xuất game cho hệ máy Atari 2600. Một thời gian sau, ông chuyển qua làm công việc tư vấn, và tiếp tục những đam mê trước đây của mình - lắp ráp, đổi mới, và sáng tạo tại xưởng riêng ở nhà.

    Thời gian cứ thế trôi đi, và trong khi những nhà sáng chế, những người đi tiên phong tại thung lũng Silicon được vinh danh, thì Lawson lại dần bị chìm vào quên lãng. Năm 2011, Joseph Saulter - lãnh đạo hội đồng đa-dạng-sắc-tộc tại Hiệp hội những nhà phát triển game - nhận được câu hỏi, đại ý rằng khi nào bọn họ mới vinh danh Jerry Lawson. Câu trả lời của Saulter, bất ngờ thay, là ông chưa từng bao giờ được nghe tới cái tên Lawson - mặc dù bản thân Saulter cũng là một chuyên gia người da đen trong ngành công nghiệp game hiện đại. Khi được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của Lawson, ông không thể tin, một người có đóng góp to lớn như vậy lại trở thành "vô danh".

    Chia sẻ với tạp chí Mercury, Saulter cho biết: "Tôi không biết phải nói sao nữa. Tôi cảm thấy rất buồn, thậm chí đã khóc, vì một người có đóng góp to lớn như vậy lại bị bỏ quên".

    Và thế là, Saulter bắt tay vào làm mọi điều có thể để sớm "sửa sai". Ba tuần sau đó, Lawson được giới thiệu và vinh danh trong Hội nghị những nhà phát triển game năm 2011, tổ chức tại San Francisco.

    Đây cũng là khoảng thời gian mà Lawson bị căn bệnh tiểu đường hành hạ. Năm 2011, ông rơi vào tình trạng mù một mắt và phải ngồi xe lăn, do đã phải cắt cụt mất một chân. Lawson qua đời vào ngày mùng 9 tháng 4 năm 2011, chỉ một tháng sau khi ông được vinh danh.

    Tuy được vinh danh khá đỗi muộn màng, nhưng may mắn thay, đối với riêng Lawson, ông đã có những cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa từ trước đó. Lawson kể với VCG một câu chuyện xảy ra với ông một vài năm trước - điều mà ông sẽ không bao giờ quên. Đó là khi ông đang đi dạo tại Las Vegas, một cậu bé da đen chạy tới trước mặt ông, và hỏi:

    - Tên ông là Jerry Lawson phải không ạ?

    - Đúng rồi, sao thế cháu?

    - Cháu cảm ơn ông ạ

    Rồi cậu bé bắt tay Lawson, rồi quay đi.

    Còn đối với chúng ta, những người đã, và vẫn đang chơi những trò chơi điện tử, có lẽ cũng nên nhớ và nhắc lại lời của cậu bé năm nào: "Cảm ơn ông, Jerry Lawson".

    Tham khảo arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày