Nếu muốn nâng cấp máy tính đón Tết thì thứ đầu tiên bạn cần mua chính là bàn phím cơ, đây là lý do tại sao

    Master Dùi,  

    Chắc chắn đắt thường sẽ xắt ra miếng.

    Ngày nay, hầu hết mọi người trong chúng ta đều phải tiếp xúc với máy tính hàng ngày. Dù ở văn phòng, cửa hàng hay đơn giản là chơi game giải trí thì bàn phím và chuột là 2 thiết bị chúng ta tiếp xúc gần như nhiều nhất trong ngày. Đã ai trong chúng ta nhận ra bản thân đã và đang sử dụng bàn phím với thời lượng từ 20 tiếng trở lên mỗi tuần.

    Bàn phím có thể được coi là thiết bị bạn chạm tay vào nhiều chỉ sau màn hình smartphone. Đã bao giờ bạn cảm thấy đôi tay mình chưa được đối đãi đủ tử tế khi vẫn phải gõ hàng ngày trên những chiếc bàn phím cao su đã bay chữ và nút bấm được nút không sau vài năm sử dụng với tần suất cao. Hoặc đơn giản chỉ là bạn sở hữu một cấu hình Intel Core i7 Skylake, RAM 16GB, VGA GTX 1070 trở lên nhưng lại đang sử dụng một chiếc bàn phím cao su màu mè giá vài trăm ngàn.

    Vậy còn chần chờ gì nữa mà không nâng cấp bàn phím của mình lên một chiếc bàn phím cơ chất lượng tốt để nâng niu 10 đầu ngón tay của mình. Hoặc đơn giản hơn là một chiếc bàn phím cơ tốt được trang bị hệ thống đèn nền đẳng cấp để tương xứng với dàn máy cấu hình cao mới sắm của mình. Sau đây là những lí do để bạn nâng cấp ngay bàn phím của mình lên bàn phím cơ:

    1, Nâng tầm cảm giác gõ: nhiều lựa chọn về lực nhấn và hành trình phím

    Với bàn phím cơ, switch (công tắc của mỗi phím) của Cherry là được ưa chuộng nhất với 4 loại switch thông dụng là blue, brown, red và black. Với Cherry MX Blue, bạn sẽ có được phản hồi phím dạng tactile clicky, vừa có một khấc để báo hiệu đã nhận phím lại vừa có âm thanh click giòn, vui tai. Đây là một trong những dòng switch rất được ưa chuộng vì cho cảm giác khác biệt hoàn toàn với bàn phím cao su. Nhược điểm là switch này cực kì ồn ào và khả năng cao bạn sẽ nhận được những cái nhăn mặt từ những ngừoi xung quanh.

    Cherry MX Red và Black trong khi đó lại cho một hành trình phím linear (thẳng), không có sự thay đổi ngoại trừ lực nhấn tăng dần từ khi bạn bắt đầu nhấn đến lúc bottom out (ấn hết hành trình phím). MX Red và Black chỉ khác nhau ở lực nhấn với Red nhẹ nhàng hơn khá nhiều. Những người muốn tìm cho mình một bàn phím để gõ nhẹ nhàng, gõ lâu mà không mỏi có thể chọn Red. Ngoài ra Cherry cũng phát triển thêm switch MX Speed màu xám với actuation point (điểm nhận tín hiệu nhấn) cao hơn các switch khác, giảm hành trình từ 2mm xuống còn 1,2mm để phím nhận tín hiệu, giúp tăng tốc độ nhấn phím của các game thủ chuyên nghiệp.

    Đại diện còn lại là Cherry MX Brown có phản hồi phím dạng tactile non-clicky, có khấc tactile để báo hiệu đã nhận phím nhưng không có tiếng click giống Cherry MX Blue. Với nhiều dân chơi lâu năm thì tactile mới là chân lý của bàn phím cơ khi cho cảm giác nhấn tốt nhất lại không gây phân tâm bởi tiếng ồn từ cơ chế clicky.

    Trong lịch sử phát triển, Cherry còn sản xuất khá nhiều switch khác như MX Grey, MX White, MX Green,… sẽ được nhắc đến trong những bài chuyên sâu hơn về phím cơ của chúng tôi.

    Ngoài ra trên thị trường còn có nhiều loại switch có cấu tạo giống Cherry MX được sản xuất bởi Gateron, Kailh, Outemu,… nhưng đều quy về 3 loại switch chính là linear, clicky và tactile. Trong những nhà sản xuất trên, Gateron được đánh giá cao nhất với chất lượng khá vượt trội so với phần còn lại, gần tiệm cận với Cherry dù vẫn còn nhiều hạn chế về độ chắc chắn của switch. Một switch cũng khá thịnh hàng khác là Razer Green switch được sản xuất bởi Kailh từ 2012 tới 2014 và bởi Greentech từ 2014 tới nay với cảm giác phím tương tự Cherry MX Blue.

    Phím cơ còn có một switch ngoại đạo khác khá đặc biệt đến từ Nhật Bản, Topre. Topre được sản xuất bởi công ty PFU của Nhật là một sự kết hợp giữa switch cơ với lò xo, chân phím và đệm cao su. Nhờ thế mà actuation point của Topre ở khá cao nhưng vẫn cho cảm giác tactile cùng một tiếng thock đặc trưng khi phím quay trở về vị trí ban đầu. Topre có thể được coi là swtich lai hội tụ các đặc tính tốt của phím cơ và phím cao su nhưng đồng thời nhiều người cũng không công nhận bàn phím Topre là bàn phím cơ.

    2. Độ bền: hàng chục triệu lần nhấn

    Theo các nhà sản xuất từ Cherry tới Gateron, Greentech hay Topre, các switch của họ đều có tuổi thọ cao từ 30 triệu lần nhấn trở lên. Điều này còn tuỳ thuộc vào dạng switch với Blue thường cho tuổi thọ thấp nhất bởi cơ chế clicky có thể bị ảnh hưởng nếu bụi lọt vào và tích tụ trong switch. Tất nhiên của bền tại người nhưng để phá khiến 1 switch bàn phím cơ hỏng được cũng là quả một quá trình gian nan.

    Trong khi đó, với bàn phím cao su trong khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam, việc màn cao su bị cứng, giãn, rão là không thể tránh khỏi nếu không được bảo quản trong môi trường lý tưởng. Ngoài việc không nhận phím, cảm giác bấm cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi màng cao su không còn ở trạng thái ban đầu. Đây là điều bạn có thể hoàn toàn tránh khi sử dụng bàn phím cơ nhờ cấu tạo gồm các thành phần khó hư hỏng và xuống cấp.

    3. Thiết kế, đèn nền: đẹp, dễ tuỳ biến phù hợp với tông màu của các thiết bị khác

    Việc nhu cầu sử dụng phím cơ tăng mạnh, phím cơ là sản phẩm được các hãng sản xuất chăm chút nhất, ngang hàng với chuột chơi game. Những game thủ có nhu cầu bàn phím được thiết kế mạnh mẽ kèm hệ thống đèn nền RGB 16,8 triệu màu có thể tìm đến các hãng như Corsair, Razer hay CoolerMaster. Trong khi đó, những người dùng bàn phím thiên về công việc văn phòng hoặc thích vẻ đẹp cổ điển có thể tìm đến các hãng như iKBC, Ducky, Filco hay Leopold.

    Nếu dàn máy mới tậu của bạn có hệ thống đèn LED RGB nổi bật hoặc theo phong cách gọn gàng đơn giản, một chiếc bàn phím cơ để hợp phong cách của máy là một lựa chọn đáng tiền để hoàn thiện vẻ đẹp tổng thể của máy. Vừa đẹp lại vừa nâng niu 10 đầu ngón tay của bạn thì còn chần chờ gì nữa mà không đầu tư.

    4. Bàn phím custom: nhu cầu khó thế nào cũng chiều được

    Nếu bạn đã chán thiết kế phổ thông của bàn phím hãng, cảm giác phím hay layout (sắp xếp) chưa đạt yêu cầu và sở thích của mình, custom sẽ là lựa chọn để lưu tâm. Như cái tên của mình, custom là những bàn phím được sản xuất với số lượng vừa phải đến hạn chế, chưa hàn switch, led để chủ nhân có thể tuỳ chọn.

    Khi chơi bàn phím custom, bạn có thể dễ dàng tuỳ chọn switch theo sở thích, không phải bó buộc theo các tuỳ chọn của nhà sản xuất. Không những thế, bạn có thể tuỳ biến switch như thay lò xo để đạt được lực nhấn mong muốn, lube (bôi trơn) để hành trình phím trở nên mượt mà hơn hay dán sticker vào trong switch để ngăn bụi cũng như tăng độ chắc chắn cho switch. Các thanh ngang của các phím dài cũng được người assemble (hàn và lắp linh kiện để tạo nên một chiếc bàn phím hoàn chỉnh) tuỳ biến và lube lại để loại bỏ tiếng lạch xạch khi gõ.

    Không những thế, các bàn phím custom cũng thường được trang bị đèn LED RGB ở gầm và viền phím giúp bàn phím trở nên lung linh hơn. Những chiếc bàn phím custom được cắt từ nhôm nguyên khối và anodise được điểm xuyết thêm LED RGB viền sẽ càng tôn thêm vẻ đẹp của chúng.

    Nếu có đủ kiến thức cơ bản về hàn linh kiện điện tử, bạn thậm chí có thể tự assemble một chiếc custom cho riêng mình. Còn gì sung sướng hơn khi hàng ngày trở về nhà, nhìn ngắm và lướt ngón tay trên đứa con tinh thần của mình.

    5. Thú chơi keycap: “khoái cảm” nhựa

    Hầu hết các keycap (nút nhựa gắn trên bàn phím) đi kèm phím trên thị trường đều có thiết kế khá đơn giản với một tông màu đen hoặc trắng. Không những thế, chất lượng sản xuất cũng không được đánh giá cao vì chỉ được sản xuất bằng nhựa ABS mỏng, in chữ bằng công nghệ pad print hoặc khắc laser khá dễ bay. Bởi vậy, các keycap theo phím hầu như không đáp ứng được nhu cầu của những người dùng khó tỉnh.

    Nắm bắt được nhu cầu này, đã có khá nhiều nhà sản xuất bắt tay vào sản xuất keycap. Trong thị trường thượng vàng hạ cám, có 2 nhà sản xuất nổi bật với chất lượng hàng đầu là GMK từ Đức và Signature Plastic tới từ nước Mỹ. GMK chuyên về các bộ keycap bằng ABS double-shot dày, sử dụng Cherry Profile được sản xuất trên dây chuyền được mua lại của Cherry. Trong khi đó Signature Plasic lại có các profile như SA, DSA, G20 hay DCS với SA profile rất được các dân chơi trên thế giới ưa chuộng vì thiết kế cong, cao giống trên máy đánh chữ và máy tính cổ.

    Ngoài chất lượng và cảm giác gõ tốt, các set keycap của 2 hãng trên cũng được thiết kế và chọn lựa bởi các cộng đồng chơi phím cơ có tiếng như Geekhack, Deskthority nên có tính thẩm mỹ rất cao. Ngoài ra việc chỉ sản xuất theo yêu cầu và gần như dựa hoàn toàn vào các groupbuy (mua nhóm) nên các set keycap này có số lượng khá hạn chế. Điều này vô hình chung đẩy giá mua bán của các set này lên hơi cao đến rất cao.

    Trong khi đó, nhiều người lại thích chơi keycap lẻ, artisan (keycap chế tác thủ công) tới từ những tên tuổi như ClickClack, BroCap, BooperCap, HolyOops,... Những keycap này đều được tạc thủ công với tính thẩm mỹ và độ khó trong chế tác khá cao. Vì thế giá thành của chúng thường không hề rẻ, trung bình 40 USD trở lên và thường người bán sẽ bốc thăm chọn người mua chứ không được bán đại trà. Các artisan keycap này được giao dịch ở mức giá khoảng 150 USD nhưng ít khi được mua bán bằng tiền mặt mà thiên về trao đổi. Đỉnh điểm chiếc keycap Skull Tri-colour của ClickClack đã từng được đấu giá lên tới 900 USD cho một nút.

    Mọi chuyện còn ngang trái ở chỗ một khi đã dính vào món “khoái cảm” nhựa này, bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn để “cai nghiện” dù biết thú chơi này tốn kém thế nào. Nhưng đừng quên rằng, những thú chơi và đam mê chính là những thứ nuôi dưỡng tâm hồn của bạn. Vậy còn chờ gì nữa mà không phóng xe ra một cửa hàng bán linh kiện máy tính để trải nghiệm, chọn cho mình một dòng switch và một chiếc bàn phím phù hợp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ