Nga khẳng định đã thử nghiệm thành công mạng Internet quốc gia riêng biệt

    Tấn Minh,  

    Một viên gạch nữa góp phần dựng nên Đại Tường lửa của Nga.

    Nga đang đẩy mạnh quá trình "balkan hóa" công nghệ và hạ tầng của mình trong vài tháng trở lại đây. Đạo luật "Chủ quyền internet" do Chính phủ nước này ban hành - trong đó cho phép các nội dung trên mạng có thể bị chặn trong "các tình huống khẩn cấp" - đã đi vào hiệu lực từ tháng 11 vừa qua, và Tổng thống Vladimir Putin mới đây đã ký tiếp một đạo luật cấm bán các thiết bị không được cài sẵn các ứng dụng của Nga. 

    Hôm nay, Bộ truyền thông Nga đã công bố rằng họ đã thử nghiệm thành công một giải pháp thay thế cho Internet trên quy mô toàn quốc. Mạng lưới này hoạt động ra sao, chưa ai rõ, nhưng Bộ truyền thông Nga khẳng định người dùng đã không để ý thấy bất kỳ thay đổi nào trong quá trình duyệt web thông thường của họ trong suốt thời gian diễn ra thử nghiệm.

    Các quốc gia như Trung Quốc, Iran, và Ả-rập Saudi trước đây đã từng có các chính sách hạn chế các nội dung mà công dân có thể truy cập và cách thức họ có thể liên lạc với người khác trên Internet. Dự án mang tên Runet của Nga - được cho là cũng sẽ đi theo hướng đó - cho phép chính phủ lọc các nội dung nhạy cảm thông qua các bộ máy kiểm duyệt của chính họ. Runet "yêu cầu các ISP và các công ty viễn thông cấu hình Internet trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như một mạng intranet khổng lồ, giống như một tập đoàn lớn vẫn thường làm vậy" - Giáo sư Alan Woodward, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Surrey, cho biết. 

    Loại hình hạ tầng này sẽ khiến các VPN rất khó truy cập đến các nội dung bị chặn. Và trên thực tế, cũng rất khó để nói được cuộc thử nghiệm đã thành công như thế nào, hay Nga đã đi xa được đến đâu trong quá trình tiến tới mục tiêu tạo ra Đại Tường lửa của chính mình.

    Nga khẳng định đã thử nghiệm thành công mạng Internet quốc gia riêng biệt - Ảnh 1.

    Các kỹ thuật viên công nghệ từng đưa ra giải thuyết về một "thế giới mạng bị chia cắt" (splinternet - ghép của từ split, chia cắt, và từ internet) trong gần 20 năm qua. Trong bối cảnh các siêu cường như Trung Quốc và Nga đưa ra các giải pháp nhằm "balkan hóa" hạ tầng của họ, sẽ có thêm nhiều quốc gia khác theo chân, và viễn cảnh tương lai của internet có thể sẽ rất khác so với những gì chúng ta thấy ngày nay.

    Tham khảo: Engadget

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ