Nga lạm phát, người Việt đổ xô mua iPhone, máy ảnh giá hời
Lạm phát khiến nhiều mặt hàng tại Nga có giá quy đổi sang USD thấp đến mức khó tin. Nhiều người Việt đã mua được điện thoại, máy ảnh... với giá rẻ bất ngờ.
Mua được một ống kính Canon EF 70-200 f/2.8 (giá gốc khoảng 2.200 USD) chỉ với 1.223 USD, anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM tỏ ra hào hứng với món hời vừa mua được từ Nga. "Giá đồng rúp ở bên đó đang giảm nên rất có lợi khi mua những món đồ điện tử bằng USD", anh Bình cho biết. Cũng như anh, nhiều người bạn khác của anh cũng đã tậu được cho mình những chiếc MacBook, iPhone... với giá tốt, sau đó liên hệ với các dịch vụ vận chuyển hoặc nhờ người quen cầm về Việt Nam.
Theo anh Bình, anh biết được thông tin này từ một người thân đang sinh sống tại Nga. Trong những ngày qua, quyết định nâng lãi suất lên 17% của Ngân hàng trung ương Nga khiến tỷ giá của đồng rúp tăng lên 100 rúp/euro và 80 rúp/USD trên thị trường chợ đen. Đồng tiền Nga "bỗng dưng mất giá", kéo theo nhiều mặt hàng ngoại nhập ở đất nước này, trong đó có hàng công nghệ, rẻ đi một cách bất thường.
Để dễ hình dung, anh Bình lấy ví dụ về trường hợp của chiếc Sony Xperia Z3 Compact. Tại trang mua bán Citilink.ru, mẫu máy này có giá 24.990 rúp. Với tỷ giá 80 rúp ăn 1 USD (*), 24.990 rúp ngang với 312,3 USD, tương đương 6,6 triệu đồng. Trong khi giá bán quốc tế của Xperia Z3 Compact ở mức 500 USD (hơn 10 triệu đồng). Như vậy nếu mua máy tại Nga, người mua sẽ lời được khoảng 4 triệu đồng.
Với phép tính này, iPhone 6 bản 64 GB tại Nga được bán với giá 15 triệu (rẻ hơn 5 triệu so với ở Việt Nam). Mẫu Galaxy Note 4 thậm chí còn rẻ hơn ở Việt Nam 7 triệu khi có giá chỉ 10,6 triệu đồng. "Nếu cộng thêm chi phí vận chuyển về Việt Nam, người mua vẫn lời từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, tùy theo mức giá của món hàng", anh Bình cho biết.
Nhận thấy nhu cầu mua hàng từ Nga của người Việt đang tăng cao, Thanh Le, sinh viên tại một trường Đại học ở thành phố Irkutsk cũng tranh thủ mở dịch vụ "mua hộ". Chỉ sau vài ngày rao trên Facebook, anh nhận được hàng chục yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam. Theo anh này, giá cả của từng món hàng cũng biến động liên tục, phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ giá so với USD.
Theo nhiều nguồn tin từ phương Tây, các ngân hàng tại Nga đang nỗ lực bán ngoại tệ để cứu lấy đồng rúp. Do đó, tình trạng hàng công nghệ giá hời ở Nga sắp kết thúc do đồng rúp đang dần tăng giá trở lại.
Tương tự như Nga, Nhật Bản trong tháng trước cũng là quốc gia "vô tình" bán iPhone 6 rẻ nhất thế giới. Phiên bản 16 GB không khóa mạng ở Nhật có giá 640 USD (khoảng 13,6 triệu đồng), thấp hơn 9 USD so với Mỹ - quê hương của chiếc iPhone. Nghịch lý này xuất phát từ chính sách nới lỏng định lượng của Thủ tướng Shinzo Abe, khiến đồng Yen Nhật giảm 10% so với đồng USD.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có lạm phát ở Nga mới khiến nhiều người đổ xô mua hàng công nghệ tại đất nước này. Với mức chênh lệch thấp, không ai đáp máy bay đến Nhật để mua một chiếc iPhone 6 với giá rẻ hơn chỉ vài USD.
(*): Tỷ giá chợ đen cập nhật vào ngày 17/12. Tỷ giá hiện tại có thể thay đổi.
Theo Zing
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"