“Ngoài những tài nguyên như dầu khí, chúng tôi còn có các chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ sư, chuyên viên máy tính hàng đầu thế giới. Bởi vậy, chúng tôi nên tận dụng nguồn nhân lực này”, Giáo sư Elina Sidorenko nói.
Trong một nhà máy sản xuất ô tô cũ ở Đông Nam thủ đô Moscow, cảnh tượng nơi đây trông giống như phim viễn tưởng khi những tủ cao chứa các máy tính hoạt động hết công suất, phả hơi nóng ra không khí.
Theo hãng tin CNN, nhà máy rộng 9.000 m2 này vốn là nơi sản xuất ô tô cũ thời Liên Xô nay đã trở thành nơi đào bitcoin cho ông Dmitry Marinichev, nhà sáng lập Radius Group.
Năm 2014, ông Marinichev được chỉ định với vai trò trung gian kết nối giữa những công ty công nghệ với chính phủ. Bản thân ông cũng được giới chuyên gia đánh giá là ứng cử viên tiềm năng lãnh đạo đảng “Party of Growth” tại Nga.
Hiện Marinichev đang cố gắng xây dựng một trung tâm gọi là Russian Mining Center, nơi mà ông kỳ vọng sẽ đưa Nga vào trong bản đồ các nước sử dụng đồng tiền ảo.
Thông thường, tiền ảo được khai thác bởi những máy tính giải các thuật toán và Bitcoin đang là loại tiền phổ biến nhất hiện nay. Loại tiền này tồn tại, lưu trữ và chia sẻ trên một hệ thống chuỗi gọi là “Blockchain” và không có ngân hàng trung ương hay nhà kiểm soát nào có thể quản lý. Điều này đồng nghĩa giao dịch chỉ có thể thực hiện giữa 2 bên mua bán mà không có sự can thiệp của ngân hàng hay chính phủ.
Đến thời điểm hiện tại, Marinichev và các cộng sự đã đầu tư 10 triệu USD vào dự án và đã thu hút được 43 triệu USD đầu tư gọi vốn bằng tiền ảo (ICO). Hiện doanh nhân này đang có kế hoạch gọi vốn bằng tiền ảo khoảng 5 lần nữa từ nay đến cuối năm khi số lượng máy đào tiền ảo trong dự án của ông đang tăng lên.
Ủng hộ từ Tổng thống Putin
Hiện tại, Nga vẫn khá dè chừng với việc sử dụng tiền ảo. Không như Mỹ hay một số nước Châu Âu, Nga cấm hoàn toàn việc sử dụng tiền ảo trên thị trường. Vào tháng 9 vừa qua, ngân hàng trung ương Nga đã ra tuyên bố cảnh báo rằng việc sử dụng tiền ảo có thể khiến gia tăng các hoạt động phạm pháp như rửa tiền hay tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Ông Marinichev cùng với dự án đào bitcoin của mình đang cố gắng chứng tỏ cho các quan chức Nga thấy rằng tiền ảo cùng hệ thống blockchain sẽ đóng vai trò lớn cho nền kinh tế trong tương lai.
Vào tháng 6/2017, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp với Vitalik Buterin, cha đẻ của Ethereum, đồng tiền ảo cạnh tranh với Bitcoin. Cuộc gặp này đã khiến cộng đồng tiền ảo ở Nga trở nên vô cùng hưng phấn. Sau cuộc gặp, Điện Kremlin đã thông báo rằng Tổng thống Putin ủng hộ ý tưởng tiền ảo với điều kiện có sự tham gia của đối tác Nga.
Gần đây, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương để bàn về các rủi ro khi sử dụng đồng tiền ảo. Dẫu vậy, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng chính phủ cần có một giải pháp nhằm quản lý loại tiền ảo này.
Quan điểm này của Tổng thống Putin đã được giao cho Viện Duma quốc gia Nga thực hiện và một bản dự thảo quy định về tiền ảo đã dự kiến được công bố vào tháng 10 nhưng phải hoãn lại do một số yếu tố mới phát sinh. Việc Trung Quốc cấm gọi vốn bằng tiền ảo (ICO) và những tranh cãi xung quanh việc quản lý tiền ảo đã khiến dự thảo trên phải hoãn lại.
Bất chấp điều đó, Giáo sư tội phạm kinh tế học Elina Sidorenko, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu dự thảo luật tiền ảo của Viện Duma thừa nhận rằng loại công nghệ mới này sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế Nga.
“Ngoài những tài nguyên như dầu khí, chúng tôi còn có các chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ sư, chuyên viên máy tính hàng đầu thế giới. Bởi vậy, chúng tôi nên tận dụng nguồn nhân lực này”, bà Sidorenko nói.
Lợi thế mùa đông
Mặc dù chưa được chính thức hợp pháp hóa nhưng nhiều doanh nhân Nga đã tích cực tham gia kinh doanh tiền ảo. Startup Waves của anh Alexander Ivanov là một ví dụ. Công ty này cung cấp chuỗi blockchain cho phép doanh nghiệp tạo loại tiền ảo cho riêng mình với mục đích thanh toán thẻ khuyến mãi hay tính điểm cho khách hàng.
Tất nhiên, do chưa được hợp pháp hóa nên 80% thị phần của hãng này đến từ nước ngoài. Hiện tổng mức vốn hóa của công ty đã lên đến khoảng 400 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nhân Nga hứng thú với tiền ảo là do loại tiền này không sử dụng đồng USD hay bị kiểm soát bởi các định chế tài chính.
Hiện nay, Nga và các nước Phương Tây vẫn đang có lệnh cấm vận lẫn nhau, khiến việc lưu chuyển dòng vốn trở nên khó khăn. Nhờ tiền ảo, các doanh nghiệp có thể thanh toán, gọi vốn và kinh doanh một cách dễ dàng bất chấp những rào cản cấm vận.
Bên cạnh đó, với thời tiết giá lạnh, các trung tâm đào tiền ảo tại Nga sẽ tốn ít chi phí làm mát các máy tính hơn. Hơn nữa, giá điện tại Nga cũng rẻ, qua đó khiến việc đào tiền ảo tại đây trở nên hiệu quả hơn so với nhiều nước khác.
Theo các chuyên gia, số lượng máy đào tiền ảo của Nga hiện nay mới chỉ chiếm 3% tổng số trên toàn cầu và tiềm năng còn rất lớn.
Giáo sư Sidorenko cho biết tiền ảo tại Nga cũng giống như mùa đông ở đây vậy, khó quản lý nhưng là điều không thể tránh khỏi.
“Chúng ta phải đối mặt với thực tại này và chúng ta phải ban hành quy định về tiền ào. Tất nhiên, chúng ta cần giảm thiếu tối đa những rủi ro liên quan đến chúng”, giáo sư Sidorenko nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín