Nga và Trung Quốc đưa nhà máy điện hạt nhân lên Mặt trăng

    Huỳnh Dũng,  

    Trong bước đi đầy tham vọng mới, một đại diện của Nga cho biết họ đang xem xét đưa nhà máy điện hạt nhân lên Mặt trăng cùng với Trung Quốc.

    Mới đây, Nga và Trung Quốc được cho là đang đàm phán để đưa nhà máy điện hạt nhân lên bề mặt Mặt trăng, nhằm duy trì các nỗ lực hiện diện, định cư bền vững trên Mặt trăng nhiều hơn trong tương lai.

    Theo hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga, tuyên bố mới được Yury Borisov, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đề xuất. Thời gian ước tính để hoàn thành dự án đặc biệt này là vào năm 2033-2035.

    Nga và Trung Quốc đưa nhà máy điện hạt nhân lên Mặt trăng- Ảnh 1.

    Nga đề xuất sử dụng năng lượng hạt nhân cho các khu định cư trên Mặt trăng, do nguồn cung cấp điện từ các tấm pin mặt trời sẽ không đủ. (Ảnh: ESA/Foster + Partners)

    Yury Borisov, cũng là Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố Nga và Trung Quốc cùng hợp tác trong chương trình Mặt trăng. Nga có thể đóng góp chuyên môn của mình về "năng lượng hạt nhân vũ trụ” cùng với Trung Quốc. Borisov cho biết: “Chúng tôi đang xem xét nghiêm túc dự án nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng vào khoảng năm 2033-2035 cùng với các đồng nghiệp ở Trung Quốc”.

    Cũng theo quan điểm của Yury Borisov, các lò hạt nhân có thể cung cấp năng lượng cho các khu định cư trên Mặt trăng trong tương lai, bởi các tấm pin mặt trời trong không gian không thể cung cấp đủ điện. Về chiến lược tiềm năng, ông nói: “Đây là thách thức nghiêm trọng, bởi để xây dựng và vận hành trên Mặt trăng, nhà máy điện hạt nhân này phải được thực hiện ở chế độ tự động, không có sự hiện diện của con người”.

    Ngoài ra, người đứng đầu Roscosmos cũng đề cập đến nguyện vọng của Nga trong việc chế tạo tàu vũ trụ chở hàng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ông cho biết, tất cả các câu hỏi kỹ thuật liên quan đến dự án này đã được giải quyết, ngoài việc tìm ra giải pháp làm mát lò phản ứng hạt nhân.

    " Chúng tôi thực sự đang làm việc trên chiếc tàu kéo không gian. Cấu trúc khổng lồ này có thể nhờ lò phản ứng hạt nhân và tua-bin công suất cao để vận chuyển hàng hóa lớn từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác, thu thập các mảnh vụn không gian và tham gia vào các hoạt động không gian khác nhau" , Borisov nói thêm.

    Thông báo này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi cả hai nước Nga và Trung Quốc cùng thảo luận về “vũ khí AI” và “An ninh ngoài vũ trụ”. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, đã có “trao đổi đánh giá chi tiết” giữa các quan chức ở Bắc Kinh và Moskva về việc ứng dụng công nghệ AI.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ