Ngày buồn của giới công nghệ kết thúc bằng một chữ "Nổ"

    Nguyễn Hải,  

    Điều thú vị là quy mô vụ nổ to hơn nhưng thiệt hại cho các bên lại ít hơn so với vụ nổ nhỏ.

    Hiếm khi nào trong làng công nghệ thế giới, những tai nạn lại xảy ra gần nhau đến như vậy. Chỉ trong vòng hai ngày, 31 tháng Tám và 1 tháng Chín, tin tức về hai vụ nổ khác nhau đã liên tiếp xuất hiện trên mặt báo: Đó là chiếc điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung và tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Điều thú vị giữa hai vụ nổ này (dù không vui lắm) là quy mô của vụ nổ lại tỷ lệ nghịch với hậu quả của nó.

    Samsung Galaxy Note 7 phát nổ

    Sau màn ra mắt đầy hứng khởi cho một siêu phẩm điện thoại, tin xấu về chiếc Samsung Galaxy Note 7 nhanh chóng lan rộng trên các mặt báo. Đầu tiên là việc một tuần trước đây, một người dùng ở Trung Quốc đăng tải các hình ảnh về chiếc điện thoại mà anh cho biết đó là chiếc Galaxy Note 7 của mình đã bị phát nổ khi sạc qua đêm.

    Trong khi vụ việc trên vẫn chưa xác định được nguyên nhân cũng như tính xác thực, tin tức về một vụ nổ Note 7 khác trong khi sạc lại xuất hiện trên mặt báo. Lần này sự việc diễn ra ngay tại quê hương Hàn Quốc của Samsung. Một người dùng đăng tải trên mạng xã hội Kakao Story, mạng xã hội phổ biến nhất của Hàn Quốc, hình ảnh cho thấy chiếc điện thoại đã bị phồng rộp và cháy đen phần vỏ như hậu quả của một vụ nổ. Tuy nhiên, sau đó bài đăng này trên Kakao Story đã bị xóa.

    Chưa có tuyên bố chính thức nào của Samsung được đưa ra về hai vụ việc trên, nhưng một loạt động thái sau đó của hãng được các nhà phân tích cho rằng có liên quan đến hai vụ nổ này. Chỉ trong vài ngày, công ty liên tục phát ra các tuyên bố khác nhau. Đầu tiên là việc giao hàng đối với chiếc Galaxy Note 7 đã bị tạm hoãn lại, sau đó hãng đã tiến hành thu hồi sản phẩm này ở thị trường Hàn Quốc. Và đến ngày hôm qua, Samsung chính thức xác nhận tiến hành thu hồi toàn bộ 2,7 triệu chiếc Galaxy Note 7 trên toàn cầu.

    Vụ việc này đã gây ra hậu quả nặng nề cho Samsung. Tổn thất tài chính đã hiện ra ngay trước mắt họ. Giá trị cổ phiếu sụt giảm đã khiến vốn hóa thị trường của Samsung bị thổi bay mất 7 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 1 tháng Chín. Đó là còn chưa kể đến chi phí bỏ ra để sửa chữa hoặc thay thế cho những chiếc Note 7 phải thu hồi. Ngoài ra, uy tín của nhà sản xuất điện thoại trong mắt người dùng và khách hàng này lại thêm một lần bị hạ thấp.

    Nếu vào đầu tháng Tám, Samsung đã được một phen mừng thầm khi chiếc iPhone 6 của đối thủ Apple phát nổ làm một người phải nhập viện do bỏng, thì đến giờ có lẽ Apple cũng đang có tâm trạng tương tự. Chỉ vài ngày nữa là đến ngày Apple công bố chiếc iPhone mới của năm nay.

    Tên lửa của SpaceX phát nổ, Facebook xui xẻo

    Chỉ một vài ngày sau khi xuất hiện, tin tức về vụ nổ của Samsung nhanh chóng bị khỏa lấp bởi một vụ nổ có quy mô còn lớn hơn nhiều: Đó là tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Khi chỉ còn vài ngày nữa là đến lần phóng chính thức để đưa một vệ tinh viễn thông của Israel lên quỹ đạo, tên lửa Falcon 9 đã bất ngờ phát nổ khi đang thử nghiệm tĩnh phần động cơ.

    May mắn là vụ nổ này đã không gây ra thiệt hại nào về người. Tuy nhiên, những thiệt hại tài chính cho các bên liên quan cũng không kém phần nặng nề - dù có thể không bằng con số mà Samsung đang phải gánh chịu. Đầu tiên phải kể đến SpaceX. Do vẫn là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk nên nó không chịu các tác động về giá cổ phiếu như Samsung. Tuy nhiên, vụ nổ này cũng phá hủy tên lửa Falcon 9, hiện có mức giá khởi điểm vào khoảng 62 triệu USD (theo LATimes).

    Ngoài ra một công ty khác cũng chịu thiệt hại từ vụ nổ này là Facebook. Vệ tinh viễn thông Atmos-6 bị phá hủy lần này vốn được Facebook và công ty Eutelsat thuê với giá 95 triệu USD, họ dự định sẽ dùng vệ tinh này để phủ sóng Internet tới vùng Hạ Sahara của châu Phi. Nó cũng là một phần trong kế hoạch đưa Internet tới toàn cầu của Facebook. Dù không có thiệt hại nào về tài chính do vệ tinh này đã được mua bảo hiểm, nhưng nó sẽ làm chậm lại kế hoạch của Zuckerberg.

    Có lẽ công ty thiệt hại nặng nhất trong vụ nổ này lại là công ty Space Communication Ltd., đơn vị sở hữu vệ tinh Atmos-6. Theo Space.com, vệ tinh viễn thông Atmos-6 này có giá đến 195 triệu USD, được sản xuất cho Space Communication để thay thế vệ tinh Atmos-2 sẽ kết thúc nhiệm vụ nào cuối năm nay. Tất nhiên, thiệt hại này cũng sẽ được bù đắp một phần bởi công ty bảo hiểm.

    Không những vậy, theo Bloomberg, việc phóng thành công vệ tinh này còn là điều kiện để tập đoàn Beijing Xinwei Group mua lại công ty Space Communication này với giá 285 triệu USD. Vụ nổ đã làm thương vụ bị đình lại. Trong khi đó, giá cổ phiếu của nhà vận hành vệ tinh Israel này sụt giảm 8,9%, mức giảm mạnh nhất trong 9 tháng qua.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày