Mười năm trước, Google thâu tóm YouTube với mức giá được coi là kỷ lục ở thời bấy giờ. Dù qua thời gian, xuất hiện rất nhiều vụ thâu tóm giá trị cực cao khác nhưng đây vẫn là một trong những thương vụ thâu tóm startup công nghệ đáng chú ý và quan trọng nhất trong những năm gần đây.
Kể từ khi Google thâu tóm YouTube tới nay đã có rất nhiều thay đổi trong thị trường công nghệ. Các cơ sở hạ tầng công nghệ như băng thông đã được mở rộng, smartphone trở thành vật dụng không thể thiếu và video đã nổi lên thành một ngành kinh doanh lớn. Ngành công nghiệp video mang lại lợi nhuận bằng cách sáng tạo nội dung, thu hút người xem sau đó phát quảng cáo trên những nội dung đó. Đây là lý do tại sao Facebook ngày càng đầu tư nhiều vào video và coi YouTube là đối thủ chính.
YouTube khá lớn. Nó có hơn một tỷ người dùng tích cực hàng tháng, cứ mỗi năm người dùng nền tảng này đã xem số nội dung tương đương 46.000 năm. Tuy nhiên, những báo cáo chính thức cho thấy YouTube vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho Google (Alphabet) dù năm ngoái hãng này tuyên bố rằng đạt mức doanh thu 9 tỷ USD. Mặc dù vậy, YouTube vẫn là một sản phẩm đáng giá với Google và là nơi mà hầu hết người dùng truy cập để xem và tải lên video.
Nhưng tất cả bắt đầu từ đâu? Chúng ta hãy cùng nhìn lại:
Những ngày đầu tiên
YouTube được thành lập bởi cựu nhân viên PayPal, Chad Hurley, Steve Chen và Jaweb Karim. Tên miền YouTube.com được đăng ký vào ngày 15/2/2005. Ban đầu tầm nhìn của các sáng lập viên YouTube là phát triển YouTube thành một trang web hen hò giống như những gì Mark Zuckerberg từng muốn Facebook phát triển thành. Thực tế, ban đầu YouTube được hình dung như một phiên bản video của trang HotOrNot, ảnh chụp màn hình phiên bản đầu tiên của YouTube xác nhận điều này.
"Tôi rất ấn tượng với HotOrNot bởi vì đây là trang web đầu tiên được ai đó thiết kế để bất cứ ai cũng có thể tải nội dung lên cho mọi người xem", Karim giải thích trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006 với Time. "Đó là một khái niệm mới bởi cho tới thời điểm đó chỉ có những trang web được tạo và cung cấp nội dung bởi người quản lý".
Video đầu tiên được Karim tải lên vào ngày 23/4/2005 có tên "Me at the Zoo". Do tính độc đáo nên video này đã thu hút hơn 30 triệu lượt xem dù chỉ dài 19 giây và nội dung chẳng có gì ấn tượng.
Sau khi mở cửa cho công chúng như một sản phẩm beta vào tháng 5/2005, YouTube ngay lập tức phổ biến mạnh mẽ. Video của Nike với sự xuất hiện của ngôi sao bóng đá Ronaldinho là video đầu tiên vượt mốc 1 triệu lượt xem trong tháng 9/2005. Phiên bản gốc của video này hiện đã bị gỡ khỏi YouTube.
Tại thời điểm ra mắt chính thức, tháng 12/2005, YouTube thu hút 8 triệu lượt xem video mỗi ngày. Và ngay thời điểm đó, công ty đã thu hút được 3,5 triệu USD vốn đầu tư từ Sequoia Capital. Đến tháng 3/2006, YouTube tiếp tục huy động được 8 triệu USD vốn đầu tư và vào mùa hè năm 2006 mỗi tháng hơn 100 triệu video trên nền tảng này đã được xem bởi 20 triệu người dùng.
Trước khi bị thâu tóm, YouTube đã hợp tác với CBS để có thêm video đăng tải. Ngày 9/10/2006, sau khi ký một loạt hợp đồng với nhiều hãng thu âm lớn để tạo nền tảng, Google chính thức thâu tóm YouTube.
"Team YouTube đã xây dựng một nền tảng truyền thông thú vị và mạnh mẽ, nền tảng này sẽ bổ sung, giúp đỡ Google trong việc tổ chức lại thông tin của thế giới và khiến nó dễ truy cập cũng như hữu ích hơn", Eric Schmidt, CEO của Google ở thời điểm đó tuyên bố. "Các công ty của chúng tôi (Google và YouTube) chia sẻ cùng một giá trị, cả hai công ty đều đặt người dùng lên hàng đầu và cam kết đổi mới nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng. Cùng với nhau, chúng tôi hợp tác tự nhiên, chặt chẽ nhằm cung cấp một dịch vụ giải trí đa phương tiện hấp dẫn cho người dùng, chủ sở hữu nội dung và các nhà quảng cáo".
Video đầu tiên được tải lên YouTube
Trong 10 năm kể từ khi Google thâu tóm tới nay có một số sự kiện rất đáng chú ý với YouTube, định hình YouTube mà chúng ta biết ngày nay. Dưới đây là một vài cột mốc đáng chú ý:
1. YouTube Partner
Tháng 5/2007, YouTube tung ra chương trình Partner, một sáng kiến giúp các ngôi sao YouTube và chính YouTube có thu nhập. Đây là một khoảnh khắc quan trọng trong sự phát triển của YouTube vì nó đưa những người dùng có khả năng sản xuất nội dung lên ngang bằng với các đối tác chuyên nghiệp như CBS. Partner cũng mở ra một cơ hội chia sẻ doanh thu và quảng cáo cho các nhà sản xuất video tại nhà như Lonelygirl15.
2. Các cuộc tranh luận của ứng cử viên Tổng thống
Trong năm 2007, YouTube và CNN đã hợp tác tổ chức một loạt cuộc tranh luận với ứng cử viên Tổng thống trên truyền hình, các ứng cử viên Tổng thống sẽ trả lời các câu hỏi được công chúng gửi qua YouTube. Đây là một cột mốc quan trọng của YouTube bởi tham gia những chương trình như thế này đồng nghĩa với việc YouTube được coi là một phương tiện truyền thông chính thống và trang web này cũng trở thành cấu nối giữa các cử tri và các chính trị gia.
3. Quảng cáo
Cuối năm 2007, sau khi thử nghiệm nhiều định dạng khác nhau, Google đã công bố cách các quảng cáo sẽ được hiển thị trên YouTube.
Qua nhiều năm, quảng cáo của Google và YouTube đã được nâng cấp, thay đổi khá nhiều nhưng thời điểm đó mọi thứ mới chỉ được bắt đầu.
4. Cho thuê phim
Mặc dù YouTube đã cung cấp những bộ phim cũ ở độ dài chuẩn nhưng tháng 1/2010 nó vẫn nhảy vào thị trường cho thê phim và bắt đầu bằng năm bộ phim từ những nhà sản xuất phim độc lập. Sau đó, số lượng phim cũng được mở rộng nhưng vẫn không thể phát triển bằng Netflix.
5. Phát trực tiếp
Trong năm 2010, Google đã xác nhận một thỏa thuận cho phép hãng này phát trực tiếp giải cricket Indian Premier League trên toàn cầu, miễn phí và tự hào khoe rằng đây là sự kiện thể thao lớn đầu tiên được xem trực tiếp trên toàn cầu. Tháng 4/2011, YouTube chính thức trình làng nền tảng phát video trực tiếp ngay bên trong nó.
6. Thị trường mục tiêu
Trong 18 tháng qua, YouTube đã bắt tay vào quá trình thử nghiệm, cải tổ, phân loại video theo các thị trường khác nhau.
Tháng 2/2015, YouTube Kids ra mắt, tập trung vào nội dung giải trí cho gia đình. Sáu tháng sau, YouTube Gaming ra mắt như điểm đến cho những người thích xem người khác chơi video game. Cuối năm ngoái, YouTube Music ra mắt, dành riêng cho những người dùng thích nghe nhạc.
Tháng 10/2015, YouTube trình làng YouTube Red, dịch vụ trả phí 10 USD/1 tháng giúp loại bỏ quảng cáo và cho phép truy cập không cần mạng cùng các đặc quyền khác trong đó có đặc quyền truy cập vào Google Play Music và các chương trình gốc.
Nhìn rộng ra toàn cầu, một trong những mục tiêu của Google là thu hút được thêm 1 tỷ người dùng internet nữa. Tuần trước, gã khổng lồ tìm kiếm đã tung ra một ứng dụng YouTube độc lập được thiết kế riêng cho thị trường Ấn Độ với khả năng truy cập không cần kết nối mạng và thiết lập cho phép người dùng chọn độ phân giải video.
Đây là video đầu tiên đạt 1 triệu view trên YouTube
YouTube vẫn đang tiếp tục phát triển, đổi mới cực kỳ mạng mẽ, không hề có dấu hiệu chững lại dù thực tế là nó vẫn chưa tạo ra lợi nhuận.
YouTube đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ vừa qua nhưng điều gì đã xảy ra với Hurley, Chen và Karrim, bộ ba sáng lập viên tạo ra YouTube?
Họ đang ở đâu?
Chad Hurley kiếm được khoảng 400 triệu USD sau khi bán đứa con cưng của mình cho Google. Anh giữ vị trí CEO của YouTube cho tới tận năm 2010. Sau đó, anh và Steve Chen đã rời Google để thành lập Avos Systems, một hãng đầu tư chuyên thâu tóm các startup và xây dựng sản phẩm, công ty dựa trên công nghệ mà họ thâu tóm được. Năm 2013, Avos tung ra một ứng dụng chỉnh sửa video có tên Mixbit, sản phẩm sau này trở thành mối quan tâm duy nhất của Avos và cũng chính là lý do khiến Hurley và Chen chia tay. Hurley còn đầu tư vào câu lạc bộ bóng rổ Golden State Warrios và câu lạc bộ bóng đá chuẩn bị thành lập Los Angeles Football Club.
Steve Chen nhận khoảng 300 triệu USD từ thươn vụ mua bán và giữ chức giám đốc công nghệ của YouTube tới năm 2008. Sau khi Avos Systems chuyển sang tập trung vào Mixbit trong năm 2014, Chen đã rời công ty để gia nhập Google Ventures.
Do vai trò của mình nên trong bộ ba sáng lập YouTube thì Jaweb Karim là người ít được biết tới nhất. Mặc dù là người tham gia xây dựng khái niệm của YouTube và triển khai dự án nhưng Karim chưa bao giờ trở thành nhân viên chính thức của YouTube, thời điểm đó anh đang học tập tại Đại học Stanford. Karim vẫn tiếp tục làm cố vấn không chính thức của công ty trong khi đi học. Dù góp vốn không đáng kể so với Hurley và Chen nhưng Karrim vẫn đút túi khoảng 60 triệu USD sau thương vụ thâu tóm của Google.
Sau đó Karim gia nhập Youniversity Ventures, hay còn gọi là Y Ventures, quỹ đầu tư đã đầu tư cho rất nhiều startup đáng chú ý bao gồm cả Eventbrite và Airbnb.
Theo VentureBeat
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?